Viện nghiên cứu Cơ khí: Tiếp tục phát huy các lĩnh vực thế mạnh

Năm 2023 mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức song toàn thể CBVC của Viện nghiên cứu Cơ khí (NARIME) đã thực hiện tốt các chỉ tiêu, duy trì, phát triển và mở rộng các hoạt động về KHCN, kinh tế, đào tạo. Năm 2023, doanh thu toàn Viện đạt 2.007 tỷ đồng, tăng 67,2% kế hoạch.

Hiệu quả từ gắn hoạt động nghiên cứu KHCN với kinh tế 

Năm 2023 tình hình kinh tế - xã hội trên thế giới và trong nước tiếp tục chịu ảnh hưởng của hậu COVID và các cuộc xung đột địa chính trị, nền kinh tế trong nước tăng trưởng chậm lại đã ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động nghiên cứu khoa học và sản xuất kinh doanh của Viện. Tuy nhiên, bằng nhiều giải pháp, Viện nghiên cứu Cơ khí đã vượt qua các khó khăn thách thức và đạt được nhiều thành tích nổi bật.

Năm 2023, Viện nghiên cứu Cơ khí vẫn duy trì hoạt động bền vững với các định hướng nghiên cứu khoa học và công nghệ (KHCN) gắn liền với hoạt động kinh tế trong các lĩnh vực nhiệt điện, bô xít, xi măng đồng thời mở ra các hướng phát triển mới trong lĩnh vực điện khí, điện mặt trời, năng lượng tái tạo, nhà kho thông minh, thiết bị ngành hóa chất... đã gây dựng được uy tín và thương hiệu với khách hàng trong và ngoài nước.

Về hoạt động KHCN, năm 2023, Viện nghiên cứu Cơ khí đã xây dựng các đề tài KHCN các cấp. Các đề tài bám sát các chương trình kinh tế lớn của Nhà nước và định hướng hoạt động của Viện như: Thiết bị nhiệt điện than, điện mặt trời, công nghệ và dây chuyền thiết bị sản xuất bô xít nhôm, xử lý chất thải công nghiệp; chế tạo mới hoặc thay thế phục hồi các thiết bị trong các ngành công nghiệp xi măng, hóa chất…Nhìn chung, chất lượng các chuyên đề và đề tài đã tổ chức nghiệm thu trong năm 2023 đều được đánh giá là đạt yêu cầu.

Về hoạt động kinh tế, tính đến 28/12/2023, doanh thu đạt trên 2.007 tỷ đồng đạt 162,7% kế hoạch năm. Các đơn vị đạt và vượt chỉ tiêu là các Trung tâm: Cơ khí nặng, Kiểm định và kỹ thuật công nghiệp và Thiết kế Công nghệ chế tạo máy.

Các đơn vị thiết kế, đơn vị trực thuộc đã có nhiều nỗ lực trong năm 2023. Do tình hình khó khăn chung, các Trung tâm đạt trung bình trên 60% kế hoạch giao, tuy nhiên một số đơn vị đã mở ra được hướng phát triển trên nền tảng nghiên cứu của mình như Trung tâm Cơ khí nặng với đồ gá dây chuyền sản xuất ô tô điện, Trung tâm Gia công áp lực với hệ thống thiết bị phục vụ sửa chữa tàu biển, Trung tâm Chế tạo Cơ khí với nhà kho thông minh, Trung tâm Công nghệ với thiết bị ngành xăng dầu, hóa chất…

Các đơn vị trực thuộc như Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ Hàn và Xử lý bề mặt đã có bước phát triển vượt bậc, vượt 216% kế hoạch, các chỉ tiêu khác như bài báo và công bố nghiên cứu KHCN, thu nhập bình quân đều đạt và vượt chỉ tiêu cam kết. Ngoài ra Phòng đã chủ động tham gia các đề tài với các đơn vị ngoài Viện như Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam…để nâng cao năng lực và tăng cường kết nối với các đơn vị này. Phân Viện tại Tp. Hồ Chí Minh cũng từng bước phát triển mở rộng hợp tác về KHCN và kinh tế tại khu vực phía Nam.

Viện nghiên cứu Cơ khí
Ông Phan Hữu Thắng - Viện phó báo cáo tổng kết công tác năm 2023 tại Hội nghị

Có được kết quả trên là nhờ trong suốt thời gian qua, Viện nghiên cứu Cơ khí đã đầu tư kinh phí và định hướng cho các trung tâm nghiên cứu chuyên sâu vào một số lĩnh vực/thiết bị ngành năng lượng mới, khai thác khoáng sản, hóa chất, robot để tạo nên thế mạnh khác biệt và đến nay một số trung tâm đã phát triển ổn định.

Về hoạt động đào tạo, Viện nghiên cứu Cơ khí đã phát huy tốt các kết quả đạt được của các năm qua, tuy nhiên vẫn cần tăng cường việc xây dựng các giáo trình, bài giảng các học phần tiến sĩ theo các môn học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo duyệt đồng thời tiếp tục hoàn thiện các qui chuẩn về công tác đào tạo phù hợp trong tình hình mới.

Công tác tổ chức, quản lý của Viện trong năm 2023 vẫn đặt trọng tâm là tiếp tục triển khai hoàn thiện quản lý theo mô hình đã có và từng bước điều chỉnh cơ chế hoạt động để phù hợp theo Nghị định 60/2021/NĐ-CP quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Viện đã xây dựng và trình Bộ Công Thương đề án Chiến lược phát triển Viện nghiên cứu Cơ khí giai đoạn 2023-2030 tầm nhìn 2045, trong đó nêu rõ định hướng nghiên cứu KHCN và sản xuất - kinh doanh trong các lĩnh vực như năng lượng mới và năng lượng tái tạo, cùng với đó là tiếp tục phát huy thế mạnh trong lĩnh vực thủy điện, nhiệt điện, khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất xi măng, hóa chất… 

Viện nghiên cứu Cơ khí
Kết quả trong phong trao thi đua năm 2023, Viện có 12 tập thể đạt danh hiệu Xuất sắc, 05 tập thể đạt danh hiệu Tiên tiến; 286 cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến, trong đó có 54 cá nhân đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua cấp Cơ sở.

Đồng thời Viện nghiên cứu Cơ khí đã duy trì tốt việc áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo ISO 9001:2015 và hệ thống quản lý môi trường theo ISO 14001:2015. Đã phối hợp với Trung tâm chứng nhận phù hợp QUACERT đánh giá giám sát hệ thống quản lý chất lượng, môi trường vào tháng 8/2023.

Nhiệm vụ hợp tác quốc tế vẫn tiếp tục được chú trọng, đẩy mạnh và ngày càng hoạt động có hiệu quả. Song song với đó là tiếp tục tạo điều kiện để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ có khả năng ngoại ngữ để bổ sung nguồn nhân lực cho các dự án hợp tác quốc tế lớn. Tổ chức các lớp đào tạo, đào tạo lại nhằm nâng cao trình độ và cập nhật kiến thức cho CBVC để tiếp cận với lĩnh vực mới theo định hướng phát triển của Viện.

Duy trì và phát triển các lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh 

Về hoạt động KHCN, Viện nghiên cứu Cơ khí luôn xác định hoạt động KHCN là trọng tâm. Hiệu quả trong hoạt động kinh tế đạt được đều dựa trên cơ sở của hoạt động nghiên cứu khoa học công nghệ. Viện luôn chủ trương gắn liền hoạt động nghiên cứu KHCN với các chương trình kinh tế xã hội trọng điểm của đất nước. Trong năm tới, Viện sẽ tiếp tục tổ chức nghiên cứu sâu hơn trong lĩnh vực nhiệt điện khí, năng lượng mới, năng lượng tái tạo, tự động hóa nhằm bảo đảm cho Viện có lợi thế về năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ, đồng thời tạo uy tín cho Viện trên thị trường và tập trung được nguồn lực cho các dự án khi cần thiết. Để đạt được yêu cầu trên, việc đề xuất các đề tài/dự án KHCN cấp Nhà nước và cấp Bộ trong giai đoạn 2024-2030 phải đảm bảo mục tiêu thiết thực, hiệu quả theo nhu cầu thực tế cũng như tương lai của các ngành công nghiệp trong và ngoài nước.

Viện nghiên cứu Cơ khí
Ông Phan Đăng Phong, Bí thư Đảng ủy, Viện trưởng phát biểu chỉ đạo Hội nghị, đề ra các phương hướng nhiệm vụ trọng tâm cho công tác năm 2024 và các năm tiếp theo.

Về hoạt động sản xuất kinh doanh, năm 2024, trọng tâm hoạt động sản xuất kinh doanh của Viện là các lĩnh vực chính như: thiết kế và cung cấp thiết bị cho các nhà máy nhiệt điện, điện mặt trời, hệ thống thiết bị cho khai thác và chế biến khoáng sản - bauxit, hóa chất, đồ gá và thiết bị trong lĩnh vực sản xuất ô tô và xe máy, nhà kho thông minh... Tiếp tục duy trì, củng cố và phát triển lĩnh vực việc truyền thống như cung cấp phụ tùng thay thế, dịch vụ bảo hành, bảo trì, cho các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, xi măng, hóa chất...

Chuẩn bị nguồn lực về công nghệ trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số cũng như dây chuyền công nghệ của các nhà máy công nghiệp, trên cơ sở đó vận dụng đưa vào thực tế trong việc tư vấn và triển khai việc nâng cấp và chuyển đổi số cho các hệ thống giám sát, điều khiển… của các nhà máy công nghiệp.

Từng bước tiếp cận, mở rộng hoạt động thiết kế, cung cấp dây chuyền thiết bị đồng bộ; thiết bị, phụ tùng cho các ngành, lĩnh vực mới từ sản xuất nông nghiệp đến sản xuất hàng công nghệ cao trong nước và có định hướng đến xuất khẩu.

Về hoạt động đào tạo, tiếp tục duy trì và mở rộng các khóa đào tạo chuyên đề về công nghệ tự động hóa, công nghệ hàn và xử lý bề mặt… đồng thời kết hợp và liên kết đào tạo với các cơ sở trong nước và nước ngoài nhằm đào tạo các tiến sĩ và thạc sĩ kỹ thuật lĩnh vực Cơ khí - Tự động hóa.

Hưng Nguyên