Lỗ thật hay lỗ ảo?

Tại hội thảo khoa học đổi mới tài chính y tế diễn ra tuần trước, lãnh đạo các bệnh viện đều kêu lỗ! Lỗ thật hay lỗ ảo? Trong khi tại một cuộc họp khác có nhà đầu tư đã ví von “đầu tư vào lĩnh vực y tế

Còn bệnh viện công đã có sẵn mặt bằng, sẵn thương hiệu, được ngân sách cấp hằng năm và hiện các bệnh viện đều đã thu viện phí với mức giá các dịch vụ khám, xét nghiệm, chụp X-quang, MRI, CT scanner... và cả tiền phòng chẳng thua kém bệnh viện tư, giá thuốc có nơi còn cao hơn bên ngoài (chỉ riêng bệnh nhân bảo hiểm y tế thì công khám, tiền giường... hiện còn thanh toán theo giá cũ). Đó là chưa kể nạn lạm dụng chỉ định dịch vụ kỹ thuật chụp chiếu, xét nghiệm... nhằm tăng thu tối đa. Do quá tải, bệnh viện dồn 3-4 người bệnh/giường, có bệnh nhân phải ra hành lang nằm nhưng viện phí vẫn thu đủ từng người/giường, thậm chí có nơi còn ghi trên giấy xuất viện lùi thêm một ngày để tính thêm tiền phòng.

Trong khi tiếp tục chờ các nhà hoạch định chính sách xây dựng khung viện phí mới trên... mây và gây tranh cãi chưa có hồi kết, mỗi ngày có hàng chục, hàng trăm ngàn người bệnh phải “chịu trận” với các khoản chi trả viện phí - bao gồm những bất hợp lý về giá, cả những chỉ định thừa không dễ kiểm soát... Cũng tại hội nghị này, bức tranh tương phản với chuyện “kêu lỗ” của các bệnh viện là số liệu đau lòng: mỗi năm VN có khoảng 774.000 hộ rơi vào cảnh nghèo đói vì phải chi phí quá lớn cho khám chữa bệnh. Có gần 60% số hộ nghèo bị mắc nợ và số hộ phải vay mượn tiền để chi trả cho điều trị nội trú chiếm tới 67%.

Người nghèo số phận càng mong manh, họ ít có điều kiện để khám chữa bệnh so với người có điều kiện kinh tế khá và giàu. Song với các lỗ hổng trong quản lý đã để các bệnh viện tận thu, cộng với giá thuốc cao không kiểm soát đã đẩy nhiều người bệnh bị “nghèo hóa” sau nằm viện. Cuộc sống của hàng trăm ngàn hộ bỗng chốc bị rơi vào cảnh nghèo đói ắt hẳn kéo theo hàng loạt hệ lụy: túng quẫn, gia đình suy sụp, con cái phải bỏ học để mưu sinh.

Những bất cập trong lĩnh vực kinh tế y tế bước đầu được đưa ra mổ xẻ, nhưng còn đó một câu hỏi: cũng môi trường ấy, cũng những vị bác sĩ từng làm trong bệnh viện công ấy nhưng vì sao làm bệnh viện tư thì có người ví lời như “buôn ma túy”, còn bệnh viện công thì kêu lỗ. Lỗ thật hay lỗ ảo? Các khoản vốn từ ngân sách nhà nước cho y tế có được phân bổ đúng địa chỉ để mang lại công bằng, sức khỏe và chất lượng sống cho người nghèo hay vẫn “vô tình”, thậm chí đẩy họ vốn đã nghèo lại càng nghèo thêm sau ốm đau bệnh tật?