Đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện
Theo Tờ trình, việc xây dựng và ban hành Nghị định giúp Chính phủ thực hiện nhiệm vụ quản lý để bảo đảm đồng thời nhiều mục tiêu: Đáp ứng xu hướng sử dụng năng lượng sạch của khách hàng sử dụng điện; Góp phần thu hút đầu tư vào việc phát triển bền vững năng lượng tái tạo nhằm bảo vệ môi trường; Hướng đến việc triển khai thị trường bán lẻ điện cạnh tranh tại Việt Nam; Nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn.
Việc xây dựng Nghị định cũng phù hợp với chủ trương, chính sách của Việt Nam về khuyến khích thu hút các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư tại Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường; đồng thời tuân thủ quy định Luật Điện lực và các văn bản chỉ đạo có liên quan.
Trước khi trình lên Chính phủ, Dự thảo Nghị định quy định cơ chế DPPA đã được gửi lấy ý kiến nhiều lần; sau đó được hoàn thiện và gửi Bộ Tư pháp thẩm định. Đến nay, Dự thảo Nghị định đã được Bộ Công Thương chỉnh lý, hoàn thiện trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Bộ Tư pháp và trình Chính phủ.
Dự thảo Nghị định bao gồm 5 Chương, 30 Điều và 5 Phụ lục:
- Chương I - Quy định chung bao gồm 05 điều (từ Điều 1 đến Điều 5);
- Chương II - Mua bán điện trực tiếp qua đường dây kết nối riêng bao gồm 03 điều (từ Điều 6 đến Điều 8);
- Chương III - Mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia bao gồm 04 mục và 16 điều (từ Điều 9 đến Điều 24);
- Chương IV - Trình tự thực hiện và chế độ báo cáo bao gồm 04 điều (từ Điều 25 đến Điều 28);
- Chương V - Điều khoản thi hành bao gồm 02 điều (Điều 29 và 30);
- Phụ lục 1: Các nội dung chính của Hợp đồng mua bán điện trên thị trường điện giao ngay;
- Phụ lục 2: Các nội dung chính của Hợp đồng kỳ hạn;
- Phụ lục 3: Các nội dung chính của Hợp đồng mua bán điện giữa Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện tại khu công nghiệp được ủy quyền và Tổng Công ty Điện lực;
- Phụ lục 4: Chi phí thanh toán bù trừ chênh lệch tháng M;
- Phụ lục 5: Mẫu báo cáo cơ chế mua bán điện trực tiếp.
Quy định 2 hình thức mua bán điện trực tiếp
Cụ thể, Nghị định này quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn qua đường dây riêng và qua lưới điện quốc gia.
Đối với hình thức mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng, Nghị định quy định rõ nguyên tắc về thực hiện mua bán điện (bao gồm việc thực hiện các quy định về quy hoạch đầu tư, cấp giấy phép điện lực… hợp đồng mua bán điện song phương do hai bên thỏa thuận); các điều kiện, yêu cầu đối với đơn vị phát điện và khách hàng lựa chọn tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp qua đường dây riêng.
Đối với hình thức mua bán điện trực tiếp qua lưới điện quốc gia, trong trường hợp mua bán điện và thanh toán giữa đơn vị phát điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông qua thị trường điện giao ngay, Nghị định quy định rõ:
+ Hợp đồng mua bán điện giữa Đơn vị phát điện và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Điều 9): Quy định trách nhiệm thỏa thuận và ký kết Hợp đồng mua bán điện trên thị trường giao ngày.
+ Chào giá, lập lịch huy động, tính toán thanh toán, kiểm tra đối soát bảng kê thanh toán (Điều 10): quy định trách nhiệm dự báo công suất và chào giá của đơn vị phát điện, bước thực hiện lập lịch huy động, tính toán thanh toán và xác nhận bảng kê giữa các bên liên quan
+ Giá thị trường điện giao ngay (Điều 11): quy định nguyên tắc tính giá thị trường điện giao ngay.
+ Thanh toán của Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo trên thị trường điện giao ngay (Điều 12): quy định nguyên tắc tính toán thanh toán trên thị trường giao ngay, bao gồm khoản thanh toán theo giá điện năng và khoản thanh toán theo giá công suất thị trường.
+ Trình tự, thủ tục thanh toán (Điều 13): quy định trách nhiệm, trình tự thủ tục thanh toán giữa các bên liên quan trên thị trường giao ngay.
Trong trường hợp mua bán điện với Tổng công ty Điện lực, Nghị định cũng quy định rõ:
+ Nguyên tắc chung (Điều 14) về việc mua bán điện với Tổng công ty Điện lực.
+ Hợp đồng mua bán điện (Điều 15): Quy định trách nhiệm thỏa thuận và ký kết Hợp đồng mua bán điện giữa Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện khu công nghiệp được ủy quyền và Tổng công ty Điện lực.
+ Thanh toán giữa Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện khu công nghiệp được ủy quyền và Tổng công ty Điện lực (Điều 16): quy định nguyên tắc tính toán thanh toán giữa các bên.
Trong trường hợp mua bán điện và thanh toán giữa Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện khu công nghiệp được ủy quyền và Đơn vị phát điện, Nghị định quy định về:
+ Hợp đồng kỳ hạn (Điều 17): Quy định trách nhiệm thỏa thuận và ký kết Hợp đồng kỳ hạn giữa các bên.
+ Thanh toán giữa Khách hàng sử dụng điện lớn hoặc Đơn vị bán lẻ điện khu công nghiệp được ủy quyền và Đơn vị phát điện (Điều 18): quy định nguyên tắc tính toán thanh toán giữa các bên.
Ngoài ra, Nghị định cũng nêu rõ trách nhiệm của các đơn vị tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp và trách nhiệm của các bên liên quan trong tổ chức triển khai Nghị định.