Các nhân tố ảnh hưởng đến ứng dụng thương mại điện tử của các doanh nghiệp ở TP Cần Thơ

Ngày nay, tốc độ phát triển nhanh của công nghệ thông tin cùng với sự lan truyền mạnh mẽ của Internet đã tạo cho các doanh nghiệp một môi trường thuận lợi để quảng bá hình ảnh, xúc tiến thương mại và

      1. Đặt vấn đề

Hiện nay, TMĐT ngày càng khẳng định được vai trò của mình trong việc mang lại cho doanh nghiệp những thông tin phong phú về thị trường và đối tác, giảm chi phí, rút ngắn chu kỳ sản xuất và phát triển quan hệ khách hàng.

            Thành phố Cần Thơ, trung tâm kinh tế - chính trị - văn hóa của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, vừa được công nhận là thành phố loại 1 trực thuộc Trung ương, với hệ thống cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện như: Sân bay Trà Nóc, Cầu Cần Thơ,… đã và đang thu hút rất nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước. Số lượng doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ngày càng tăng và không ngừng mở rộng qui mô. Trong điều kiện hội nhập và phát triển, các doanh nghiệp này đã và đang xây dựng cho mình những chiến lược kinh doanh để có thể tồn tại và phát triển, trong đó ứng dụng TMĐT là một trong những chiến lược được nhiều doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn. Bài viết nhằm phản ánh thực trạng ứng dụng TMĐT và các yếu tố ảnh hưởng đến ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp, để từ đó đề xuất các khuyến nghị nhằm năng cao khả năng tiếp cận và ứng dụng TMĐT cho các doanh nghiệp ở thành phố Cần Thơ.

          2. Thực trạng ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp ở Tp Cần Thơ

            Kết quả nghiên cứu cho thấy, mức độ sẵn sàng để ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp xét về cả khía cạnh công nghệ và nguồn nhân lực đều khá tốt. Tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng TMĐT là khá cao (73,9% doanh nghiệp được điều tra). Ninh Kiều và Bình Thủy là những quận trung tâm, nơi tập trung hầu hết các doanh nghiệp lớn của Tp.Cần Thơ và cũng là nơi có khu công nghiệp Trà Nóc 1 và Trà Nóc 2 nên tỷ lệ doanh nghiệp ứng dụng TMĐT cao hơn so với các quận huyện khác. 

            Mặc dù TMĐT đã được hình thành từ năm 1999, nhưng nó chỉ thực sự phát triển mạnh tại Việt Nam kể từ năm 2004, vì số lượng doanh nghiệp tại Cần Thơ ứng dụng TMĐT trên 3 năm chỉ chiếm khoảng 43%, từ 1 đến 3 năm là 32% và dưới 1 năm là 25%. Tuy nhiên, mức độ triển khai ứng dụng TMĐT ở hầu hết các doanh nghiệp vẫn chưa cao, cụ thể có 97% doanh nghiệp sử dụng e-mail để nhận đặt hàng và liên hệ với khách hàng trong khi công cụ website thì chỉ có 65,2% doanh nghiệp sử dụng để quảng bá thông tin. Các doanh nghiệp chưa khai thác hết các chức năng của một website vào việc ứng dụng TMĐT (như thực hiện giao dịch TMĐT, thanh toán trực tuyến,…).

            Thống kê mức độ cập nhật website ở các doanh nghiệp ở Cần Thơ cho thấy sự quan tâm của doanh nghiệp đối với website của mình là rất lớn, khoảng 66,4% doanh nghiệp cập nhật website hàng ngày. Điều này càng khẳng định vai trò của website như một kênh giao tiếp và tương tác thường xuyên của doanh nghiệp đối với khách hàng.

            Về việc doanh nghiệp tham gia các sàn giao dịch TMĐT, trong số 164 doanh nghiệp đang ứng dụng TMĐT, chỉ có 7,9% doanh nghiệp đã và đang tham gia sàn giao dịch TMĐT trong và ngoài nước. Đó là các sàn điển hình như: www.ebay.com, www.thuonghieuviet.com, www.alibaba.com, www.go4worldbusiness.com, vietnamb2c.com.

            Nhìn chung, khi phân tích nhận định mức độ ứng dụng TMĐT vào trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, phần lớn doanh nghiệp đánh giá ở mức trung bình (62,9%), có 27,4% doanh nghiệp đánh giá mình ở mức cao, còn lại 9,8% doanh nghiệp ở mức thấp. Qua đó, ta càng thấy rõ rằng, mức độ triển khai ứng dụng TMĐT ở các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ thực sự là chưa cao.

Khi tham gia ứng dụng TMĐT, 94% doanh nghiệp nhận thấy việc kinh doanh của doanh nghiệp có hiệu quả cao hơn. Đặc biệt là công tác quảng bá hình ảnh sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp, nâng cao uy tín của công ty và cung cấp dịch vụ tốt hơn cho khách hàng, nâng cao lợi thế cạnh tranh trên thị trường,... Đây chính là yếu tố cực kỳ quan trọng đối với mọi doanh nghiệp trong chiến lược nâng cao khả năng năng lực cạnh tranh trên thị trường hội nhập và phát triển.

            Kết quả nghiên cứu còn cho thấy, 100% doanh nghiệp đang ứng dụng TMĐT cho rằng sẽ tiếp tục ứng dụng TMĐT trong thời gian tới và 69% doanh nghiệp chưa ứng dụng TMĐT cho rằng sẽ ứng dụng TMĐT trong thời gian sắp tới.

Bảng 2: Mục đích ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp

Mục đích ứng dụng TMĐT

Lựa chọn của DN đang ứng dụng TMĐT

(%)

Xếp

hạng

Lựa chọn của DN chưa ứng dụng TMĐT

(%)

Xếp

hạng

Tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh

74,4

1

77,5

1

Giới thiệu sản phẩm, dịch vụ

70,1

2

75,0

2

Quảng bá hình ảnh doanh nghiệp

65,9

3

60,0

4

Nâng cao khả năng cạnh tranh

57,9

4

50,0

5

Tìm kiếm khách hàng, đối tác mới

57,3

5

62,5

3

Hỗ trợ đặt hàng, mua hàng

55,5

6

50,0

5

Thu thập thông tin khách hàng

54,3

7

47,5

7

Tiếp nhận đơn đặt hàng

47,6

8

47,5

7

Tư vấn trực tuyến

31,7

9

40,0

9

Thanh toán trực tuyến

20,7

10

10,0

10

Nguồn: Số liệu điều tra của tác giả, 03/2010

            Qua kết quả phân tích cho thấy, điểm chung của các doanh nghiệp khi ứng dụng TMĐT trước hết là vì tăng hiệu quả hoạt động kinh doanh, khi đó doanh nghiệp sẽ tận dụng những ưu điểm của TMĐT để sử dụng nó như một kênh thông tin nhằm mục đích giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp. Tuy nhiên kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, hầu như các doanh nghiệp rất ít quan tâm đến vấn đề thanh toán trực tuyếntư vấn trực tuyến. Đây có thể xem là hạn chế của các doanh nghiệp trên địa bàn Tp.Cần Thơ trong quá trình ứng dụng TMĐT ở một mức độ cao hơn.

          3. Nghiên cứu các nhân tố ảnh hướng đến ứng dụng TMĐT của các doanh nghiệp ở thành phố Cần Thơ

Để xác định các nhân tố ảnh hưởng đến ứng dụng TMĐT trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Cần Thơ, nghiên cứu sử dụng phân tích hồi quy Binary Logistic. Do mô hình này chỉ thích hợp với biến phụ thuộc nhị phân, nên việc phân loại các doanh nghiệp được khảo sát sẽ được chia ra thành 2 nhóm: nhóm các doanh nghiệp không ứng dụng TMĐT (có 58 doanh nghiệp, được mặc định là 0 trong mô hình hồi quy) và nhóm các doanh nghiệp có ứng dụng TMĐT (có 164 doanh nghiệp, được mặc định là 1 trong mô hình). Các biến độc lập của phương trình hồi quy Binary Logistic gồm các yếu tố sau: Thời gian thành lập doanh nghiệp, số lượng máy tính trong doanh nghiệp, thời gian doanh nghiệp kết nối Internet, trình độ của người đứng đầu doanh nghiệp, nhận thức của doanh nghiệp về mức độ cần thiết ứng dụng TMĐT và nhận biết của doanh nghiệp về đối thủ cạnh tranh trong ngành có ứng dụng TMĐT.

Bảng 3. Kết quả phân tích hồi quy bằng mô hình Binary Logistic

Các biến độc lập

Hệ số Beta

S.E.

Wald

Sig.

X1: Thời gian thành lập doanh nghiệp

-0,002

0,003

0,640

0,424

X2: Số lượng máy tính trong doanh nghiệp

0,003

0,007

0,245

0,621

X3: Thời gian doanh nghiệp kết nối Internet

0,020

0,009

5,232

0,022

X4: Trình độ của người đứng đầu doanh nghiệp

1,182

0,470

6,309

0,012

X5: Nhận thức của doanh nghiệpvề mức độ cần thiết ứng dụng TMĐT

3,043

0,805

14,278

0,000

X6: Nhận biết của doanh nghiệp về đối thủ cạnh tranh trong ngành có ứng dụng TMĐT

0,830

0,398

4,340

0,037

Hệ số β0

-3,751

0,873

18,446

0,000

-2 log likelihood

179,732

 

 

 

Omnibus Test

Chi-square

75,290

Sig.

0,000

Nguồn: Số liệu điều tra của nhóm nghiên cứu, 03/2010

Sử dụng phần mềm SPSS để chạy mô hình Binary Logistic cho kết quả như sau: (1) Kiểm định giả thuyết về độ phù hợp tổng quát có mức ý nghĩa quan sát Sig. = 0,000 nên ta bác bỏ giả thuyết H0 là hệ số hồi qui của các biến độc lập bằng không. (2) Giá trị -2LL = 179,7 thể hiện mức độ phù hợp của mô hình tổng thể. (3) Mức độ dự báo trúng của toàn bộ mô hình là 81,5%.

Kết quả phân tích cho thấy, các biến độc lập X3, X4, X5, X6 có ý nghĩa về mặt thống kê ở mức 5%, còn các biến độc lập X1, X2 thì không có ý nghĩa về mặt thống kê. Như vậy, dựa vào các biến độc lập có ý nghĩa ta có phương trình hồi qui:

loge [ ] = -3,751 + 0,02X3 + 1,18X4 + 3,04X5 + 0,83X6

Dựa vào phương trình trên cho thấy, thời gian doanh nghiệp kết nối Internet, trình độ của người đứng đầu doanh nghiệp, nhận thức của doanh nghiệp về mức độ cần thiết ứng dụng TMĐT và nhận biết của doanh nghiệp về đối thủ cạnh tranh trong ngành có ứng dụng TMĐT tác động thuận chiều với việc ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp, trong đó biến nhận thức của doanh nghiệp về mức độ cần thiết ứng dụng TMĐT có tác động mạnh hơn các biến còn lại với tác động biên của biến này lên xác suất doanh nghiệp có ứng dụng TMĐT là 0,76. Trên thực tế, kết quả này hoàn toàn hợp lý bởi vì chỉ khi nào nhận thấy được vai trò và lợi ích của TMĐT đối với hoạt động của doanh nghiệp thì TMĐT lúc bấy giờ mới tạo ra sức hút để các doanh nghiệp tham gia ứng dụng.

Biến trình độ của người đứng đầu doanh nghiệp cũng là một biến quan trọng trong mô hình với tác động biên của biến này lên xác suất doanh nghiệp có ứng dụng TMĐT là 0,29. Nghĩa là, các doanh nghiệp có ứng dụng TMĐT thường là những doanh nghiệp có người đứng đầu có bằng cấp từ đại học trở lên. Điều này được giải thích bởi những nhà lãnh đạo nếu có trình độ học vấn cao, nhiều hiểu biết về hệ thống thông tin sẽ có xu hướng quyết định ứng dụng TMĐT một cách nhanh chóng.

Biến nhận biết của doanh nghiệp về đối thủ cạnh tranh trong ngành có ứng dụng TMĐT là một biến thuộc về nhóm nhân tố ngành và vai trò của ngành. Theo kết quả tính toán, tác động biên của biến này lên xác suất doanh nghiệp có ứng dụng TMĐT là 0,21. Nói như vậy, ngành kinh doanh có ảnh hưởng rất lớn đến việc ứng dụng TMĐT của doanh nghiệp. Chính các doanh nghiệp trong ngành đã ứng dụng TMĐT thành công sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp khác ứng dụng TMĐT.

Biến thời gian doanh nghiệp kết nối Internet là biến định lượng duy nhất có ý nghĩa trong mô hình với tác động biên của biến này lên xác suất doanh nghiệp có ứng dụng TMĐT là 0,005, thấp hơn so với các biến còn lại. Tuy nhiên, sự có mặt của biến này trong mô hình cũng góp phần đáng kể trong việc giải thích sự ảnh hưởng tới ứng dụng TMĐT trong các doanh nghiệp ở Cần Thơ. Có thể nói, các doanh nghiệp có ứng dụng TMĐT thường là doanh nghiệp đã bắt đầu kết nối Internet từ những năm trước. Điều này chứng minh rằng doanh nghiệp đã sớm có cơ hội tiếp cận công nghệ thông tin cũng như hội nhập TMĐT.

         4. Một số khuyến nghị

Để tiếp tục phát triển TMĐT trong doanh nghiệp, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh thì cần có sự tham gia tích cực, chặt chẽ của 3 “nhà”: nhà nước, nhà trường và nhà doanh nghiệp.

         Về phía Nhà nước: Hỗ trợ cho các doanh nghiệp ứng dụng TMĐT thông qua việc đẩy mạnh hoạt động của các cổng TMĐT và cổng thông tin trên Internet như: Cổng Thương mại điện tử quốc gia (www.ecvn.com), Cổng Thông tin thị trường nước ngoài (www.ttnn.com.vn) và Cổng Thông tin xuất khẩu (www.vnex.com.vn) để góp phần giúp doanh nghiệp cắt giảm chi phí và nâng cao hiệu quả trong các hoạt động tìm kiếm thị trường và khách hàng xuất khẩu. Bên cạnh đó, nhà nước tiếp tục cung cấp trực tuyến các dịch vụ công như thủ tục đăng ký kinh doanh, thủ tục xuất nhập khẩu,…) nhằm góp phần tích cực giúp các doanh nghiệp giảm bớt thời gian và chi phí.

            Tăng cường thực thi pháp luật về TMĐT, bảo đảm thực hiện nghiêm túc của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và mỗi cá nhân trong xã hội. Hơn nữa, tăng cường các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT nhằm thúc đẩy sự tham gia của mọi thành phần kinh tế vào các hình thức giao dịch mua bán trên mạng

       Về phía nhà trường: Nhà trường cần đào tạo, nâng cao nhận thức cho người học về nền kinh tế tri thức, vai trò của TMĐT trong hiện tại và tương lai. Song song đó, nhà trường nên gắn kết với doanh nghiệp, lắng nghe và thấu hiểu được nhu cầu về nguồn nhân lực TMĐT của doanh nghiệp để có kế hoạch đào tạo sát với thực tế.

            Nhà trường cần nghiên cứu và đề xuất ý kiến đến các Bộ ngành có liên quan về các chính sách và chủ trương phù hợp nhằm phát triển TMĐT.

         Về phía doanh nghiệp:Phối hợp chặt chẽ với nhà trường thường xuyên mở các khóa kỹ năng, nghiệp vụ TMĐT ngắn hạn, nhằm nâng cao trình độ nhân lực TMĐT, góp phần đẩy mạnh sự phát triển của TMĐT trong các doanh nghiệp ở thành phố Cần Thơ nói riêng cũng như của toàn xã hội nói chung.          

Doanh nghiệp cần hưởng ứng tích cực các chủ trương, chính sách của các cơ quan ban ngành hữu quan về phát triển TMĐT trong kinh doanh. Đồng thời, không ngừng nghiên cứu, học hỏi những tiến bộ mới về TMĐT để kịp thời triển khai ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Bộ Công Thương (2010). Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2009.

2. Bộ Công Thương (2008). Phát triển nguồn nhân lực Thương mại điện tử Việt Nam.

3. Cục Thống kê Tp.Cần Thơ (2009). Niên giám thống kê thành phố Cần Thơ 2008.

4. Hội tin học Việt Nam - Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về CNTT (2009). Báo cáo chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng CNTT-TT Việt Nam năm 2009.