Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho phát triển du lịch Đồng Nai

ThS. TRẦN THU HƯƠNG - ThS. ĐOÀN THỊ THANH VÂN (Trường Đại học Công nghệ Đồng Nai)

TÓM TẮT:

Sản phẩm du lịch đặc thù được hiểu là một khái niệm rất rộng, bao gồm tất cả thành phần để giúp cho ngành du lịch (DL) của một vùng phát triển; tạo ra tính hấp dẫn cao, giúp gây dựng hình ảnh và thương hiệu của điểm đến; tạo sức cạnh tranh và động lực cho các sản phẩm DL khác cùng phát triển...

Đồng Nai được biết đến là nơi có nhiều lợi thế về nguồn tài nguyên thiên nhiên - nhân văn, cơ sở vật chất hạ tầng, giao thông vận tải và nguồn nhân lực. Nhiều năm qua, DL Đồng Nai đã và đang chủ động tạo ra những sản phẩm DL đặc thù, độc đáo và mới lạ để giúp cho việc xây dựng “thương hiệu” điểm đến. Bài viết này bàn về xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cho phát triển du lịch tỉnh Đồng Nai.

Từ khóa: Sản phẩm du lịch đặc thù, thương hiệu, du lịch Đồng Nai.

1. Đặt vấn đề

Sản phẩm du lịch đặc thù là những sản phẩm được xây dựng dựa trên giá trị đặc sắc, độc đáo, nguyên bản và là đại diện của tài nguyên DL (tự nhiên và nhân văn) cho một lãnh thổ/điểm đến DL với những dịch vụ không chỉ làm thỏa mãn nhu cầu của du khách mà còn tạo được ấn tượng bởi tính độc đáo và sáng tạo. Sản phẩm DL là những sản phẩm có khả năng tạo ra sự phân biệt giữa địa phương này với địa phương khác, điểm đến này với điểm đến khác; có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng phát triển DL và thu hút thị trường, cũng như xây dựng thương hiệu DL.

Tỉnh Đồng Nai đang là một trong những điểm đến thu hút khách DL trong những năm gần đây. Tỉnh được đánh giá là có nhiều tài nguyên thiên nhiên và tài nguyên nhân văn vô cùng phong phú và đa dạng; có thế mạnh về cơ sở hạ tầng và mạng lưới giao thông với nhiều tuyến giao thông huyết mạch đi qua như quốc lộ 1A, quốc lộ 20, cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây… Với những tiềm năng và đường lối phát triển tốt trong những năm gần đây, hoạt động DL của Tỉnh đã đạt được một số thành tựu đáng kể và đóng góp chung cho sự phát triển của ngành DL. Năm 2019, tổng số lượt khách đạt 4,4 triệu lượt, tăng 13,5% so với cùng kỳ; tổng doanh thu đạt xấp xỉ 1.607 tỷ đồng, tăng 15,4% so với cùng kỳ.

Bài viết tập trung vào việc nghiên cứu các tiềm năng và thế mạnh của tỉnh Đồng Nai; từ đó, đưa ra các định hướng để phát huy lợi thế vốn có, nhằm xây dựng sản phẩm DL đặc thù, giúp phát triển ngành DL của Tỉnh một cách bền vững.

2. Tiềm năng để xây dựng sản phẩm DL đặc thù cho phát triển DL Đồng Nai

            Sự thành công và khả năng cạnh tranh của một điểm DL phục thuộc phần lớn vào sức mạnh và sự đa dạng của các yếu tố DL, đặc biệt là điểm đến được trình bày cho du khách. Tiềm năng để khai thác các sản phẩm DL đặc thù của Đồng Nai được phản ánh thông qua mật độ phân bố khá cao các điểm, khu DL trải đều trên các địa phương thuộc địa bàn Tỉnh. Tính đến thời điểm hiện tại, toàn Tỉnh có hơn 60 điểm, khu DL. Đa số các điểm này đều có thế mạnh về sinh học, tài nguyên thiên nhiên, tài nguyên nhân văn cũng như các điều kiện về vị trí địa lý, giao thông vận tải, cơ sở hạ tầng khác.

Tài nguyên DL tự nhiên của Đồng Nai khá phong phú, đa dạng. Có rừng, thác, sông, hồ, núi, trong đó nổi bật là Khu dự trữ sinh quyển thế giới ở Đồng Nai. Khu dự trữ sinh quyển gồm vùng lõi, vùng đệm và vùng chuyển tiếp, trải rộng trên địa bàn các tỉnh: Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Dương, Bình Phước và Đắk Nông. Trong đó, 80% diện tích bảo tồn nằm ở tỉnh Đồng Nai, được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thứ 580 của thế giới vào ngày 29/6/2011. Với tổng diện tích 969.993 ha, đây là “ngôi nhà chung” của hơn 1.400 loài thực vật và 1.700 loài động vật. Vì vậy, nơi đây còn được gọi là “phòng thí nghiệm ngoài trời” lý tưởng để tiến hành các nghiên cứu khoa học. Trước đây, khu vực này còn là căn cứ cách mạng, có các di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia, như: Căn cứ Khu ủy miền Đông Nam Bộ, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam, Địa đạo Suối Linh… Ngoài ra, vùng đất này còn ẩn chứa cả một kho tàng văn hóa phong phú và đa dạng với hơn 13 dân tộc anh em cùng sinh sống, góp phần tạo nên những nét độc đáo không thể lẫn được với bất kỳ vùng đất nào khác. Khu dự trữ sinh quyển Đồng Nai còn ẩn chứa các giá trị văn hóa như di chỉ khảo cổ học Cát Tiên có niên đại từ thế kỷ thứ III - đến thế kỷ thứ VI với bộ Lynga - Yoni lớn nhất khu vực Đông Nam Á và còn nhiều điều bí ẩn đầy thách thức đối với các nhà khoa học.

Vườn Quốc gia Cát Tiên (huyện Tân Phú) là khu DL sinh thái lý tưởng ở miền Ðông Nam Bộ, vùng đất còn giữ nguyên vẹn tính tự nhiên, được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt và đã được Thủ tướng phê duyệt quy hoạch là điểm DL quốc gia. Địa điểm này được biết đến bởi rất nhiều loài động, thực vật rất quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam như cây tùng đại thụ 500 năm tuổi, cây bằng lăng 1 thân 6 ngọn vút thẳng lên trời, cây gõ bác Đồng quý hiếm với đường kính thân cây hơn 2 mét. Nơi đây còn là nơi cư ngụ của hơn 350 loài chim, hàng trăm loại động vật hoang dã… Ngoài ra, khi đến đây tham quan du lịch, du khách còn được tìm hiểu cuộc sống của người cộng đồng dân tộc thiểu số Mạ - S’tiêng ở Tà Lài, nơi lưu giữ những di vật từ ngàn xưa như cồng, chiêng, ché, bia tưởng niệm nhà ngục Tà Lài, thưởng thức các món ăn làm từ các sản vật địa phương như bánh dầy, cơm lam, thịt nướng, lá bép, đọt mây rừng và rượu cần truyền thống của đồng bào.

Khu DL Bửu Long (TP. Biên Hòa): được mệnh danh là “Vịnh Hạ Long thu nhỏ” hay “Đà Lạt thu nhỏ”, với diện tích 84 ha, thu hút rất đông du khách vì đã tạo dựng được thương hiệu du lịch sinh thái thông qua nhiều dịch vụ dành cho du khách trải nghiệm tại các khu vườn hoa, thác nước, hồ và cầu tàu tình yêu, chùa Long Sơn Thạch Động…

Khu DL Bò Cạp Vàng (huyện Nhơn Trạch) là cù lao nhỏ được bao bọc bốn bề bởi sông nước với diện tích khá rộng. Điểm nổi bật của Bò Cạp Vàng là các hoạt động vui chơi dành cho du khách đi theo nhóm, như: kéo co, cà kheo, khăn bịt mắt, bàn chân vịt, chạy xe địa hình…

Quần thể khu sinh thái Giang Điền (huyện Trảng Bom) có diện tích lên tới 67ha và được thiết kế thành nhiều công trình, tiểu cảnh xinh đẹp thu hút khách du lịch hàng năm.

Núi Chứa Chan là ngọn núi cao thứ hai khu vực Nam Bộ, còn gọi là Đệ nhị thiên sơn, sau núi Bà Đen Đệ nhất thiên sơn. Đây là một thắng cảnh hữu tình, độc nhất vô nhị có độ cao 837m so với mực nước biển được xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh cấp quốc gia.

Ngoài ra, còn nhiều suối hồ đẹp như Thác Mai - Hồ nước nóng, Thác Ba Giọt, Thác Giang Điền, hồ Trị An… tất cả đều là những tài nguyên DL tự nhiên đặc sắc của Đồng Nai.

Về tài nguyên DL nhân văn, theo thống kê của Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tính đến cuối năm 2018, Đồng Nai có tổng cộng 57 di tích được Nhà nước xếp hạng (trong đó có: 2 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 29 di tích xếp hạng cấp Quốc gia và 26 di tích xếp hạng cấp Tỉnh) và còn hàng ngàn di tích đang trong lộ trình đề nghị xếp hạng, di tích kiểm kê phổ thông.

Lễ hội truyền thống làng xã: Trong những năm qua, tỉnh Đồng Nai đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khai thác các giá trị văn hóa của các dân tộc tại địa phương, lồng ghép các lễ hội văn hóa truyền thống với phát triển hoạt động DL. Các nghi thức tiến bộ trong lễ hội cúng đình, cúng miếu trước đây bị mai một, nay được phục dựng, bảo tồn tại chỗ, như: Lễ Kỳ Yên, các lễ hội cúng Bà, lễ hội của các dân tộc ít người. Đây là những nét sinh hoạt văn hóa, là tinh hoa của các dân tộc anh em sống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, mang tính đặc thù rất cao, thích hợp để tạo ra những sản phẩm DL độc đáo, đặc sắc nếu được bảo tồn và phát triển…

Về dân tộc và các làng nghề truyền thống: Đồng Nai hiện có khoảng 41 dân tộc ít người sinh sống, như: Hoa, Nùng, Châu Ro, Khmer, Kơho, Stiêng, Chăm, Thổ, Sán Dìu… Mỗi dân tộc đều có kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc riêng. Sự giao lưu văn hóa của nhiều dân tộc trên địa bàn Tỉnh đã giúp cho vùng đất này có một nền văn hóa mang những nét đặc sắc riêng mình, đồng thời vẫn thể hiện được những dấu ấn văn hóa của các dân tộc khác nhau.

Nghề, làng nghề truyền thống cũng là tài nguyên DL nhân văn quan trọng và có sức hấp dẫn lớn đối với du khách. Đồng Nai hiện có các làng nghề thủ công truyền thống, như: Trồng bưởi (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu); Chế tác đá (phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa); Gỗ mỹ nghệ (xã Bình Minh, huyện Trảng Bom)... Không chỉ có thế mạnh về sản phẩm, về truyền thống văn hóa, các làng nghề Đồng Nai còn mang trong mình nhiều di tích lịch sử, văn hóa, lễ hội, cảnh quan sinh thái… Những nét đặc trưng của mỗi địa phương đã và đang được tỉnh Đồng Nai bảo tồn, phát huy, phát triển song song với phát triển DL.

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai còn lưu trữ nhiều hiện vật, công trình văn hóa vật thể, các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như: Văn miếu Trấn Biên và Đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh (thành phố Biên Hòa) là di tích lịch sử cấp quốc gia hơn 300 năm tuổi, Đài Chiến sĩ ở Biên Hòa, Mộ Cổ Hàng Gòn, Nhà cổ (huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu và thành phố Biên Hòa). Và các bản trường ca, điệu hát, điệu múa, cồng chiêng của dân tộc Châu Mạ (huyện Tân phú); Đờn ca tài tử (huyện Nhơn Trạch, thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành)… Tất cả nguồn tài nguyên du lịch nhân văn trên là cơ sở quan trọng cho việc hình thành và phát triển các sản phẩm DL độc đáo và hấp dẫn của tỉnh Đồng Nai.

Năm 2019, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Tỉnh đã phối hợp với VNPT Đồng Nai triển khai thực hiện Giải pháp DL thông minh cho Tỉnh, gồm: cổng thông tin điện tử DL tỉnh Đồng Nai tại địa chỉ http://mydongnai.vn, ứng dụng DL thông minh trên smartphone (Dongnai Tourism) và hệ thống quản lý lưu trú... nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến DL tỉnh Đồng Nai qua mạng internet, hình thành hệ sinh thái DL thông minh. Bên cạnh đó, Đồng Nai còn là tỉnh có nguồn nhân lực trẻ và dồi dào có khả năng đào tạo phát triển trình độ chuyên môn cao. Ngoài ra, Đồng Nai có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên vô cùng thuận lợi, thời tiết chỉ có hai mùa nắng mưa, ít có thiên tai diễn biến bất thường. Hệ thống giao thông thuận lợi tạo điều kiện cho khách DL quốc tế đến với tỉnh Đồng Nai.

Đến nay, Đồng Nai đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch như Công ty TNHH Thương mại, Dịch vụ và Du lịch Hoàng Gia Bảo lập thủ tục đầu tư dự án tuyến du lịch đường sông, vốn đầu tư dự kiến trên 1.000 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Đầu tư Cường Thuận lập thủ tục đầu tư dự án du lịch sinh thái kết hợp vui chơi giải trí tại Hồ Trị An, vốn đầu tư dự kiến khoảng 1.300 tỷ đồng, Công ty Cổ phần The Coi đầu tư dự án phát triển du lịch sinh thái Thác Mai - Bàu nước nóng, vốn đầu tư dự kiến 300 tỷ đồng, Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC đang lập phương án đầu tư dự án du lịch sinh thái hồ Đa Tôn, quy mô dự kiến trên 1.000 ha, dự án Safari, vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng... Đây là những dự án quan trọng, góp phần tạo ra hệ thống sản phẩm đặc thù của du lịch Đồng Nai trong những năm tới.

3. Những thách thức trong xây dựng sản phẩm DL đặc thù cho phát triển DL Đồng Nai

DL Đồng Nai đang trong tình trạng thiếu sản phẩm DL đặc thù, song lại thừa những sản phẩm DL bị trùng lặp, khiến sức hút du khách đến với Đồng Nai chưa thực sự mạnh mẽ. Nguyên nhân chính chủ yếu do:

+ Phát triển sản phẩm DL đặc thù nhưng chưa có nghiên cứu cần thiết nhằm xác định cụ thể “tính hấp dẫn, độc đáo, duy nhất, nguyên bản và đại diện” của tài nguyên DL vùng. Thêm vào đó, sự đơn điệu, nghèo nàn của các loại hình và sản phẩm DL là tình trạng chung cho các địa phương trong Tỉnh, sản phẩm DL chủ yếu dựa vào lễ hội hoặc thăm quan các di tích, kết hợp với dịch vụ như ăn uống và nghỉ dưỡng; thiếu những sản phẩm DL và dịch vụ cao cấp, độc đáo có chất lượng và uy tín trên thị trường; không khai thác các thế mạnh tự nhiên, văn hóa - xã hội cũng như quan hệ cung - cầu. Từ đó, dẫn đến bức tranh về DL của Đồng Nai trở nên manh mún, rời rạc, kém hiệu quả.

+ Cảnh quang hoang sơ, trong lành của thác nước, sông suối, rừng núi Đồng Nai đang bị ảnh hưởng lớn bởi quá trình đô thị hóa diễn ra rất mạnh mẽ, cùng với sự gia tăng về dân số và khách DL. Sự khai thác tràn lan dẫn đến hư hỏng, xuống cấp tại các điểm DL, công tác bảo vệ môi trường chưa được quan tâm thỏa đáng. Không có đủ kinh phí cho việc quản lý, tu bổ các điểm DL và bảo tồn các giá trị văn hóa. Các làng nghề truyền thống thì ngày càng mai một, chỉ còn hoạt động từng nhóm nhỏ chủ yếu duy trì dưới hình thức kinh tế hộ gia đình... Các lễ hội vẫn tổ chức, nhưng quy mô nhỏ lại cắt bỏ đi nhiều nghi lễ quan trọng, những nét đặc trưng văn hóa phi vật thể đang ngày càng bị mai một dần.

+  Một trong những nút thắt khiến DL Tỉnh chưa thực sự tạo được bứt phá là sự thiếu sự kết nối của các điểm đến. Đồng Nai là một Tỉnh có hệ thống di tích lịch sử cách mạng và danh thắng nổi tiếng, độc đáo, có nhiều điểm khu du lịch…, tuy nhiên, chưa có sự phối hợp tốt giữa Ban quản lý các khu di tích, các điểm DL với các công ty lữ hành. Bên cạnh đó,  các công ty DL lữ hành trên địa bàn tỉnh chưa là cầu nối để kết nối, xây dựng được các chương trình DL, đưa du khách ở các địa phương khác về Tỉnh. Những tour độc đáo hấp dẫn du khách còn hạn chế, DL còn mang tính mùa vụ. Có rất nhiều du khách chỉ ghé qua Đồng Nai rồi đến các điểm DL khác, không lưu trú hoặc lưu trú 1 đêm.

+ Nguồn nhân lực DL của Tỉnh thiếu các kiến thức chung về văn hóa, về nghiệp vụ DL, ngoại ngữ cũng như khả năng giao tiếp với khách DL nên không giới thiệu được tới du khách những nét đặc sắc, tinh hoa trong sản phẩm DL đặc thù của vùng.

+ Cơ sở hạ tầng để phát triển DL tại Tỉnh còn rất nghèo nàn. Hệ thống giao thông vào các điểm du lịch vẫn chưa được đầu tư tốt nên các công ty lữ hành rất khó kết nối tạo thành các tour. Vấn đề lớn nhất nhất hiện nay vẫn là thiếu vốn, trong khi chưa có một cơ chế đủ mạnh khuyến khích các nhà đầu tư vào DL.

4. Định hướng để xây dựng sản phẩm DL đặc thù tạo điểm đến cho thương hiệu DL Đồng Nai

Theo đề án quy hoạch tổng thể phát triển DL Tỉnh Đồng Nai đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, UBND tỉnh Đồng Nai có tới 28 danh mục dự án và nhóm dự án với tổng vốn đầu tư cần huy động hơn 19.700 tỷ đồng. Mục tiêu của Tỉnh là phấn đấu trong 4 năm tới, tốc độ tăng trưởng bình quân về lượt khách thăm quan và lưu trú tăng 12%/năm, kỳ vọng đạt khoảng 5 triệu lượt khách thăm quan vào năm 2020, tương đương với doanh thu DL đạt 1.700 tỷ đồng. Nhằm khai thác tiềm năng sẵn có phát triển thành sản phẩm du lịch đặc thù, Đồng Nai cần quan tâm một số vấn đề sau:

Trong quá trình xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù cần nghiên cứu đối tượng khách DL, những nhu cầu của du khách khi đi DL mong muốn điều gì? Nếu chỉ đơn thuần tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù mà quên mất yếu tố bổ sung các loại hình dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của du khách sẽ khó có thể hấp dẫn du khách, khó kéo dài thời gian lưu trú của họ đặc biệt là khó lôi kéo du khách trở lại những lần sau, như vậy sẽ làm giảm đi tính hấp dẫn của DL địa phương, điều đó đồng nghĩa với việc sản phẩm du lịch đặc thù không mang lại ý nghĩa cho sự phát triển DL của Tỉnh.

Đầu tư xây dựng các sản phẩm DL độc đáo, có sức thu hút cao, ấn tượng, đa dạng ở từng địa phương và liên kết cả vùng để không bị trùng lặp. Thực hiện việc đa dạng hóa sản phẩm DL một cách chủ động, không phụ thuộc vào nguồn tài nguyên. Đồng thời cần có sự khác biệt hóa để đáp ứng nhu cầu khám phá, trải nghiệm, tận hưởng của du khách, phù hợp với từng thị trường, trên cơ sở khai thác hiệu quả các tiềm năng: DL sinh thái, văn hóa và lễ hội; tôn giáo và tâm linh; ẩm thực; thiên nhiên, làng nghề, các khu bảo tồn…

Ngoài ra, cũng cần coi trọng việc gắn kết sản phẩm DL với người dân để sản phẩm đó mang nét văn hóa đặc trưng của địa phương. Đẩy mạnh sự hợp tác, tham vấn của các cơ quan quản lý và tư vấn trung ương đối với những dự án phát triển sản phẩm du lịch đặc thù hoặc nằm trong các khu vực nhạy cảm về môi trường sinh thái như rừng Nam Cát Tiên. Nâng cao nhận thức xã hội, trước hết là nhận thức của nhà quản lý các cấp, về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của Đồng Nai.

Để hạn chế sự trùng lặp sản phẩm DL cần liên kết, phối hợp giữa các đơn vị trong Tỉnh để phát triển DL, bởi DL là ngành kinh tế tổng hợp và không có ranh giới địa lý. Nếu khai thác đúng lợi thế của mỗi điểm đến thì sẽ phát huy lợi thế và mở rộng thị trường cho nhau. Cần có sự thống nhất cao trong nhận thức về sự cần thiết phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, để nâng cao tính cạnh tranh của điểm đến trong bối cảnh hội nhập.

Khẩn trương hoàn thành các dự án hạ tầng hỗ trợ phát triển DL như: đường cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương, Dầu Giây - Vũng Tàu; hệ thống đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu, hệ thống cảng nước sâu Vũng Tàu - Thị Vải - Gò Dầu và cảng hàng không quốc tế Long Thành… Lập kế hoạch xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, đòi hỏi Thành phố Biên Hòa phải đóng vai trò trung tâm cũng như đi trước một bước, làm cơ sở cho các địa phương khác phối hợp xây dựng để đảm bảo tính nhất quán.

Quá trình phát triển sản phẩm phải gắn với quá trình nâng cấp chất lượng cơ sở vật chất, kỹ thuật và dịch vụ, các điểm tham quan DL, với xúc tiến, quảng bá, marketing và phát triển nguồn nhân lực DL; nâng cao hiệu quả của hoạt động quản lý và hướng dẫn đối với các dự án đầu tư phát triển sản phẩm du lịch đặc thù thông qua việc đẩy mạnh công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và thẩm định các dự án của các cơ quan quản lý, tư vấn DL.

5. Kết luận

Thời gian qua, DL Đồng Nai vẫn chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng thế mạnh để lựa chọn được sản phẩm du lịch thật sự nổi bật nhằm thu hút du khách. Để DL Đồng Nai có được sự khác biệt, hấp dẫn, độc đáo trong phát triển các sản phẩm DL, cần nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng, có tính so sánh để phát hiện ra các giá trị có khả năng phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù. Việc sớm nhìn nhận những hạn chế và triển khai thực hiện một cách quyết liệt những định hướng này, sẽ tạo ra điểm nhấn giúp thu hút du khách trong và ngoài nước, từng bước thay đổi diện mạo ngành DL của tỉnh Đồng Nai trở thành một điểm đến độc đáo và mới lạ của DL Việt Nam.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Nai, “Báo cáo tổng kết năm 2018”.
  2. Nguyễn Văn Sáng (2019), “Phát triển du lịch Đồng Nai nhìn từ khai thác sản phẩm du lịch đặc trưng”, NXB Kinh tế - Thành phố Hồ Chí Minh.
  3. Trần Đăng Ninh (2016), “Đánh thức tiềm năng du lịch Đồng Nai”. Tạp chí Khoa học - Đại học Đồng Nai, số 02-2016.
  4. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Đồng Nai, “Báo cáo tổng kết năm 2018”.
  5. Trương Thùy Minh (2019), “Phát triển sản phẩm du lịch đặc thù gắn với nâng cao năng lực cạnh tranh điểm đến của ngành du lịch tỉnh Đồng Nai”, NXB Kinh tế - Thành phố Hồ Chí Minh.

 

BUILDING SPECIAL TOURISM PRODUCTS FOR THE DEVELOPMENT

OF DONG NAI’S PROVINCE TOURISM

Master. TRAN THU HUONG -  Master. DOAN THI THANH VAN

Dong Nai Technology University

ABSTRACT:

The special tourism product is understood as a very broad concept, including all components which help the tourism industry of a region grow, improve its own attractiveness, build its destination image and brand, boost its competitiveness and motivate the development of other tourism products. Dong Nai province has many advantages in natural resources and humanities, infrastructures, transportations and human resources. Over the years, Dong Nai province’s tourism has actively create special, unique and novel tourism products to build a destination brand for Dong Nai province.

Keywords: Special tourism products, brand, Dong Nai province’s tourism.