Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, trong 3 tháng trở lại đây, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mexico tăng trưởng liên tục. Chỉ riêng trong tháng 4/2023, xuất khẩu cá ngừ sang thị trường này tăng tới 117% so với cùng kỳ năm 2022, đạt gần 1,9 triệu USD.
Tính lũy kế 4 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sang Mexico đạt gần 7,4 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm 2022. Với tốc độ tăng trưởng này, Mexico hiện đang là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn thứ 8 của Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, Mexico nhập khẩu chủ yếu thịt/loin cá ngừ từ Việt Nam, với tỷ trọng chiếm 74% tổng giá trị xuất khẩu, còn lại là các sản phẩm cá ngừ chế biến khác.
Với việc hiệp đinh CPTPP có hiệu lực, các sản phẩm thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304 của Việt Nam xuất khẩu sang Mexico hiện đang được giảm từ mức thuế cơ sở 20% xuống còn 0%. Còn các sản phẩm cá ngừ chế biến khác như loin cá ngừ hấp đông lạnh đang được miễn thuế khi nhập khẩu vào Mexico.
Như vậy, việc CPTPP có hiệu lực sẽ tạo điều kiện thuận lợi để cho các doanh nghiệp cá ngừ của Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu cá ngừ sang thị trường Mexico, nhất là đối với mặt hàng thăn/philê cá ngừ đông lạnh mã HS0304.
Năm 2022, có 9 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu cá ngừ sang Mexico. Trong số này, Công ty TNHH Thủy sản An Hải, Công ty TNHH Hải Thanh và Công ty CP Thủy sản Bình Định là 3 công ty xuất khẩu nhiều nhất cá ngừ sang thị trường này, chiếm 82% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), tính cả năm 2022, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam cán đích 1 tỷ USD, tăng 34% so với năm 2021. Đây cũng là lần đầu tiên ngành hàng cá ngừ đạt giá trị xuất khẩu tỷ USD. Kết quả này đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu 11 tỷ USD của ngành thủy sản trong năm 2022.
Các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đã xuất khẩu sang 99 thị trường trên thế giới. Trong số đó, Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), các nước trong Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Israel, Thái Lan, Saudi Arabia, Nga, Philippines và Ai Cập là các thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam, chiếm 92% tổng giá trị xuất khẩu.
Mexico và Việt Nam là hai thị trường khá tương đồng với nhau. Nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam có nhiều cơ hội thâm nhập vào thị trường đông dân thứ 11 trên thế giới, nhất là sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đi vào thực thi.
Mexico có diện tích gần 2 triệu km2, đứng thứ 5 khu vực châu Mỹ và thứ 14 trên thế giới. Dân số Mexico là 127 triệu dân, đứng thứ 11 trên thế giới. Mexico có vị trí địa lý đắc địa thuộc Bắc Mỹ nhưng cũng thuộc khu vực Mỹ Latin qua ngôn ngữ sử dụng tiếng Tây Ban Nha, nguồn gốc của lịch sử và văn hóa. Ngoài ra, Mexico lại là kết nối giữa Đại Tây Dương và châu Á-Thái Bình Dương nhờ có bờ biển dài.
Mexico có quan hệ với nhiều khu vực nền kinh tế quan trọng trên thế giới, ngoài ra Mexico còn dùng chung ngôn ngữ, chia sẻ nguồn gốc, lịch sử, nền văn hóa với các nước khu vực Mỹ Latin được coi là của ngõ để tiếp cận đến các vùng kinh tế năng động như G20, Liên minh Kinh tế Thái Bình Dương (Pacific Alliance). Bên cạnh đó, Mexico có Hiệp định thương mại tự do với châu Âu, Hiệp định tự do thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) và là thành viên của CPTPP.
Do vậy đối với Việt Nam, Mexico là một thị trường lớn tiềm năng mà cần phải được khai thác.