Xuất khẩu da giày với cơ hội từ EVFTA: Liên kết để "làm chủ" cuộc chơi

Chia sẻ với Tạp chí Công Thương, bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso) khẳng định, cơ hội từ EVFTA rõ ràng là rất lớn, nhưng nếu không có sự kết nối giữa cộng đồng doanh nghiệp cũng như giữa doanh nghiệp với cơ quan chính sách, ngành da giày sẽ mất đi lợi thế trong "cuộc chơi" này.
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso)
Bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso)

TCCT: Thưa bà, với việc EVFTA đã hoàn tất quy trình phê chuẩn và dự kiến có hiệu lực vào 1/8 tới, Hiệp định này sẽ tác động thế nào đến xuất khẩu da giày của Việt Nam?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Chúng ta có thể thấy rằng, EVFTA là một Hiệp định cực kỳ quan trọng đối với ngành xuất khẩu, và trong đó có ngành da giày. Chúng ta cũng đã khá “quen” với thị trường EU như một thị trường truyền thống và chiếm tỷ trọng kim ngạch khá cao, khoảng 28% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành giày dép Việt Nam.

Với lợi thế mà Hiệp định mang lại, tới 90% các sản phẩm của chúng ta sẽ được hưởng ưu đãi thuế ngay lập tức khi Hiệp định có hiệu lực, trong đó có thế mạnh của chúng ta tập trung nhiều vào các sản phẩm như giày thể thao, giày vải.

Chính vì vậy mà chúng tôi thấy rằng đây sẽ là một động lực rất tốt để giúp cho các doanh nghiệp khôi phục lại sản xuất do ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua. Chính vì thế mà chúng tôi mong muốn từ khi Hiệp định đi vào thực thi vào khoảng đầu tháng 8 cho đến cuối năm, thì tốc độ tăng trưởng kim ngạch của chúng ta sẽ bù đắp được sự suy giảm của 8 tháng đầu năm mà các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay đang phải hứng chịu.

Bên cạnh đó, trong các năm tiếp theo, thị trường EU cũng là một thị trường rất tiềm năng với tổng lượng dân số đến 500 triệu dân và các mặt hàng giày “Made in Việt Nam” đã khá quen thuộc đối với người tiêu dùng EU. Vì thế, các khách hàng EU sẽ hướng trọng tâm tới Việt Nam để sản xuất các mặt hàng giày dép, túi xách cũng như hướng đầu tư về thiết bị, công nghệ và chuyển dịch sản xuất giày dép sang Việt Nam để cùng hợp tác với chúng ta phát triển.

Do đó, chúng tôi thấy rằng Hiệp định này mang lợi cho cả hai phía từ vấn đề xuất khẩu cũng như vấn đề đầu tư công nghệ cao để sản xuất những sản phẩm chất lượng cao trong ngành giày dép.

Đây là một tín hiệu tích cực cũng như một cơ hội rất lớn mà các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của chúng ta cần phải nắm bắt để đón nhận.

TCCT: Vậy để nắm bắt cơ hội này thì doanh nghiệp của chúng ta sẽ phải làm như thế nào, thưa bà?

Bà Phan Thị Thanh Xuân: Trước tiên thì các doanh nghiệp của chúng ta cần phải cải thiện các năng lực nội tại lên rất nhiều. Muốn cải thiện điều đó, chúng ta phải hiểu được “cuộc chơi” này có những điều kiện gì, phải cập nhật thường xuyên các thông tin thị trường, thông tin trong nước, thông tin ngoài nước và nắm bắt kịp thời các yêu cầu mới mà Hiệp định đặt ra, từ đó nâng cấp để đáp ứng được các yêu cầu đó.

Nếu như chúng ta không đáp ứng được những điều kiện đó thì rõ ràng chúng ta sẽ không thể xuất khẩu thành công, khi mà EU là một thị trường cao cấp và có những điều kiện cũng như đòi hỏi ở mức độ rất cao.

Chính vì thế mà các doanh nghiệp của chúng ta nếu như muốn xuất khẩu thành công thì chúng ta buộc phải tuân thủ và đáp ứng các yêu cầu của thị trường này. Điều này đòi hỏi chúng ta phải có một quá trình chuẩn bị rất tốt, nâng cấp về nguồn lực, về nhân lực cũng như chuẩn bị cơ sở vật chất tốt, hệ thống kết nối thông tin và đặc biệt là chúng ta cần phải có sự tham gia trong một cộng đồng doanh nghiệp, để có thể chia sẻ cũng như nâng cao ý thức khi tham gia vào một “cuộc chơi” lớn.

Bởi khi Việt Nam tham gia vào các Hiệp định thương mại thế hệ mới, một doanh nghiệp mà thất bại không có nghĩa là chỉ doanh nghiệp đấy hứng chịu, mà toàn thể cộng đồng sẽ phải hứng chịu. Để nắm bắt và hiểu được điều đó thì các doanh nghiệp của chúng ta cũng phải có sự tham gia tích cực trong mạng lưới chia sẻ và học hỏi lẫn nhau.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng sẽ phải có sự kết nối với các cơ quan chính sách để kịp thời phản ánh các kiến nghị cũng như nhu cầu hỗ trợ.

Chúng tôi cũng mong muốn vai trò của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam và các tổ chức trung gian sẽ được phát huy tối đa, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp phát triển tốt hơn trong quá trình hội nhập, cũng như giúp tham mưu, tư vấn với Chính phủ nhằm thúc đẩy cải thiện cơ chế chính sách một cách hiệu quả.

Thị trường EU là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của ngành da giày Việt Nam, chỉ đứng sau Hoa Kỳ.

Xuất khẩu sang EU năm 2019 đạt 965 triệu USD với mặt hàng túi xách, ví, vali, mũ, ô, dù và 5,03 tỷ USD với mặt hàng giày dép. Tổng cộng, ngành hàng da giày đạt khoảng 6 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu sang EU trong năm 2019.

Giày dép cũng là ngành xuất khẩu có tỷ lệ sử dụng C/O (giấy chứng nhận xuất xứ nguồn gốc của hàng hóa) ưu đãi theo các hiệp định thương mại tự do (FTA) cao nhất. Năm 2019, tỷ lệ tận dụng C/O ưu đãi của ngành da giày là 4,76 tỷ USD chiếm gần 92% với kim ngạch xuất khẩu được cấp C/O ưu đãi sang các thị trường ký FTA với Việt Nam tăng 23,31% so với năm 2018.

Việc ưu đãi thuế suất đối với da giày theo Hiệp định EVFTA chia làm 2 nhóm.

Nhóm 1 có khoảng 37% các dòng thuế sẽ hưởng thuế nhập khẩu về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, tập trung vào mặt hàng giày thể thao (hiện ở mức 17%), giày vải và giày cao su. Đây là các mặt hàng thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam.

Nhóm 2 còn lại 63% số dòng thuế sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm tùy từng mặt hàng cụ thể, bao gồm phần lớn các sản phẩm giày dép mà Việt Nam đang xuất sang EU.

Theo nhận định của Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam (Lefaso), khi EVFTA đi vào thực thi, tăng trưởng xuất khẩu sang EU được dự báo ở mức 5-10% trong 5 năm đầu tiên, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành cũng sẽ tăng thêm khoảng 3%/năm.

Thy Thảo