Tận dụng tốt FTA
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 10 tháng năm 2019, xuất khẩu giày dép và túi xách, ô dù đã mang về 17,67 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ, trong đó giày dép đạt 14,06 tỷ USD; túi xách đạt 3,070 tỷ USD. Với mức thực hiện khoảng 1,35 tỷ USD/tháng của giày dép, 300-350 triệu USD/tháng của túi xách và lượng đơn hàng cả năm đã ký xong, xuất khẩu ngành này cầm chắc đạt 21,7-21,8 tỷ USD trong năm 2019, vượt mục tiêu 21,5 tỷ USD đã đề ra.
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) về kết quả sản xuất - kinh doanh ngành da giày 10 tháng qua cũng ghi nhận, xuất khẩu của ngành đang tăng trưởng ổn định, có nhiều tín hiệu tốt trong các tháng cuối năm 2019 và những năm tiếp theo, với việc duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống.
“Tại thị trường Mỹ, việc dỡ bỏ những chính sách ưu đãi với giày dép xuất khẩu từ Trung Quốc, Ấn Độ đang tạo cơ hội cạnh tranh thuận lợi hơn cho giày dép xuất khẩu của Việt Nam. Mặt khác, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019 đang giúp ngành da giày mở rộng thị trường khu vực châu Mỹ, với cơ hội tiếp cận những thị trường tiềm năng như Mexico và Canada”, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhận xét.
Các doanh nghiệp giày dép, túi xách quy mô lớn, đóng góp nhiều cho xuất khẩu, đặc biệt là khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), chủ yếu tập trung ở một số địa phương như Bình Dương, Đồng Nai, Vũng Tàu, Quảng Nam. Trong đó, 10 tháng năm 2019, tăng trưởng xuất khẩu da giày tại Bình Dương đạt mức kỷ lục, với trên 2,6 tỷ USD, chiếm 11,3% tổng kim ngạch xuất khẩu cả tỉnh.
Bà Trương Thúy Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, Giám đốc Công ty TNHH Liên Phát (Thị xã Dĩ An, Bình Dương) cho biết, từ đầu năm đến nay, các công ty da giày trên địa bàn tỉnh đều tiếp nhận lượng đơn hàng lớn, tăng từ 10 - 12% so với cùng kỳ năm 2018.
“Nguyên nhân là lượng đơn hàng trước đây chuyển qua Trung Quốc nay chuyển sang Việt Nam. Dự tính, những năm 2020-2021, các doanh nghiệp tiếp tục nhận thêm đơn hàng, trong đó có nhiều đơn hàng lớn, thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu”, bà Liên nhận định.
Theo bà Liên, Công ty TNHH Liên Phát cũng nằm trong dòng chảy đó. Từ đầu năm đến nay, tình hình hoạt động sản xuất của Công ty ổn định, khối lượng đơn hàng tăng 12% so với cùng kỳ năm trước và đã có đơn hàng đến hết năm.
Tiếp tục hút nhà đầu tư nước ngoài
Phó chủ tịch Tập đoàn Nike (Mỹ), ông Chris Helzer chia sẻ, năm 2020, Tập đoàn Nike sẽ kỷ niệm 25 năm thành lập cơ sở tại Việt Nam. “Việt Nam tiếp tục là thị trường quan trọng nhất của Nike trong sản xuất và xuất khẩu, khi có đến 50% sản phẩm của Nike trên toàn cầu sản xuất ở Việt Nam”.
Năm ngoái, vị CEO của Adidas, Kasper Rorsted cũng chia sẻ với các cổ đông rằng, các nhà máy ở Việt Nam sản xuất 44% lượng giày Adidas trong năm 2017, tăng từ mức 31% trong năm 2012. Trong khi đó, các nhà cung cấp Trung Quốc chiếm 19%, giảm từ mức hơn 30% trong năm 2012.
Không chỉ Nike và Adidas, nhiều thương hiệu giày dép và đồ thể thao nổi tiếng thế giới khác ngày càng tăng cường đẩy mạnh gia công, sản xuất ở Việt Nam, thúc đẩy ngành này ngày càng phát triển và mang về nhiều ngoại tệ góp vào kim ngạch xuất khẩu.
Năm 2018, ngành da giày mang về kim ngạch xuất khẩu 19,5 tỷ USD. Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về sản lượng xuất khẩu giày dép ra thị trường thế giới với hơn 1 tỷ đôi các loại mỗi năm. 5 thị trường có kim ngạch lớn nhất, chiếm trên 82,3% tổng kim ngạch xuất khẩu gồm: Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Các doanh nghiệp FDI có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất năm 2018 gồm Công ty TNHH Pouyuen Việt Nam, Tae Kwang Vina Industrial, Chang Shin Việt Nam, Hwaseung Vina, Công ty TNHH Túi xách Simone Việt Nam, Pouchen Việt Nam, Giày Dona Standard Việt Nam, Công ty TNHH Giày Ching Luh Việt Nam.
Tỷ trọng xuất khẩu của khối doanh nghiệp nội tiếp tục xu hướng giảm trong một thời gian dài, từ mức 25% năm 2017 xuống còn 19,7% vào cuối năm 2018 (giày dép từ 24,4% năm 2013 xuống con 19,6% và túi xách từ 27,9% giảm xuống còn chưa đầy 20%) .