Cụ thể, xuất khẩu giày dép của các doanh nghiệp Đồng Nai đạt kim ngạch gần 2,4 tỷ USD, tăng gần 15,6% so với cùng kỳ năm 2018; xuất khẩu dệt may đạt 1,13 tỷ USD, tăng 3,7% so với cùng kỳ.
Theo nhận định của Hiệp hội Da – Giày – Túi xách Việt Nam, ngành da giày Việt Nam vẫn duy trì được lợi thế cạnh tranh tại các thị trường truyền thống.
Bên cạnh đó, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có hiệu lực từ đầu năm 2019 đang giúp ngành giày da mở rộng thị trường châu Mỹ; trong đó, có những thị trường tiềm năng như: Mexico, Canada.
Trong khi đó, theo nhận định của Sở Công Thương tỉnh Đồng Nai, bên cạnh năng lực sản xuất của các doanh nghiệp Việt Nam được cải thiện, các chuỗi giá trị dệt may của Việt Nam cũng đang được hoàn thiện nhờ dòng vốn FDI chảy vào liên tục, tập trung vào sản xuất sợi và vải.
Các doanh nghiệp dệt may cũng đang chuyển hướng sang phương thức sản xuất tiên tiến như mua nguyên liệu bán thành phẩm và sản xuất thiết kế gốc đã giúp cải thiện biên lợi nhuận.
Cũng trong 7 tháng, một số mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn như: máy móc thiết bị đạt 935 triệu USD; sản phẩm gỗ đạt 806 triệu USD; xơ sợi dệt đạt 865 triệu USD; sắt thép đạt 428 triệu USD…
Thị trường xuất khẩu của các doanh nghiệp Đồng Nai tập trung chủ yếu ở các nước: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc.
Các thị trường khác có kim ngạch xuất khẩu khá như: Hàn Quốc, Bỉ, Thái Lan, Đức, Australia… chiếm tỷ trọng từ 2,4% đến 5,3% tổng kim ngạch xuất khẩu./.