Sụt giảm mạnh
Xuất khẩu thủy sản trong quý 1 năm nay bị giáng một đòn mạnh mẽ từ Covid-19. Tất cả các chỉ tiêu đều thấp hơn nhiều so với quý 1 năm trước.
Cụ thể, xuất khẩu thủy sản đạt 1,6 tỷ USD, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, xuất khẩu cá tra và cá ngừ giảm trên 29%; mực, bạch tuộc giảm tới 31% và tôm khoảng 15%.
Thị trường xuất khẩu sang EU giảm nhiều nhất (40%); kế tiếp là Trung Quốc giảm 25%, Hàn Quốc giảm 24%, Nhật Bản giảm 19%. Xuất khẩu sang Hoa Kỳ giảm ít hơn do vẫn giữ được thị phần tại phân khúc bán lẻ các sản phẩm tươi sống, đóng hộp.
Hiện tại, nhiều đơn hàng tại thị trường Trung Đông, châu Á hay Nam Mỹ cũng bắt đầu ách tắc, hủy hoặc thông báo tạm dừng do dịch Covid-19 mà chưa có thời gian quay trở lại, dẫn đến lượng hàng tồn kho lớn.
Trong khi đó, doanh nghiệp còn chịu nhiều loại chi phí phát sinh như thay đổi hành trình của tàu, thay đổi cảng đến, lưu container tại cảng... Đồng thời, phải chi thêm các sản phẩm phòng chống dịch như khẩu trang y tế, nhiệt kế, dung dịch sát khuẩn...
Trong trường hợp tháng 5, tháng 6 tới đây, các thị trường lớn như EU, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… nới lỏng biện pháp giãn cách xã hội thì xuất khẩu thủy sản nước ta vẫn chưa hết khó khăn. Bởi đại dịch Covid-19 khiến sản lượng thủy sản sụt giảm mạnh.
Nếu sản lượng thủy sản quý I/2019 đạt 1.466,7 nghìn tấn, tăng 4,8% so với cùng kỳ năm trước, thì quý 1 năm nay chỉ tăng 2% với sản lượng 1.503,1 nghìn tấn. Đáng chú ý là những mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực đều giảm về sản lượng.
Điển hình là cá tra, diện tích nuôi quý I/2019 đạt 3 nghìn ha, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng cá tra đạt 250,1 nghìn tấn, tăng 7,7%; thì quý 1 năm nay sản lượng cá tra đạt 242,8 nghìn tấn, giảm 3,7% so với cùng kỳ năm trước.
Một số địa phương có sản lượng cá tra giảm: Đồng Tháp đạt 97,8 nghìn tấn, giảm 1,1%; An Giang đạt 77,8 nghìn tấn, giảm 4,7%; Cần Thơ 33,2 nghìn tấn, giảm 8,9%.
Ngoài ra, ảnh hưởng của dịch Covid-19 làm xuất khẩu cá da trơn sang các thị trường chủ yếu sụt giảm. Trị giá xuất khẩu cá da trơn sang thị trường Mỹ đạt 62,1 triệu USD, giảm 20,1% so với cùng kỳ năm trước; thị trường Trung Quốc đạt 52,8 triệu USD, giảm 44,7%; thị trường Anh đạt 11,5 triệu USD, giảm 34,1%, thị trường Đức đạt 6,2 triệu USD, giảm 24,6%.
Chính vì thế, nuôi cá tra đang gặp khó khăn và chưa có dấu hiệu phục hồi, giá cá tra hiện ở mức thấp nhất trong 10 năm qua, người nuôi lo ngại nên không mạnh dạn thả nuôi. Nếu các thị trường lớn phục hồi, thì xuất khẩu cá tra và xuất khẩu thủy sản nói chung sẽ gặp khó khăn về nguồn nguyên liệu.
“Thập diện mai phục”
Trước tình hình trên, ngày 6/4 Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủ sản (VASEP) đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến nghị với Thủ tướng và Ngân hàng Nhà nước có chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Trong đó, hỗ trợ lãi suất 0% trong 2 năm đầu và giảm lãi suất 50% trong 4 năm tiếp theo đối với các khoản cho vay dài hạn để đầu tư xây dựng kho lạnh tồn trữ có công suất tối thiểu từ 5.000 pallet trở lên; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp cho 2 năm đầu, khi các kho lạnh nói trên đi vào vận hành.
Kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có gói hỗ trợ cho vay lãi suất thấp dành cho doanh nghiệp và tạo điều kiện tiếp cận với gói vay lãi suất ưu đãi. Đối với các khoản nợ đang vay, doanh nghiệp mong muốn được gia hạn nợ, không chuyển thành nợ xấu, không phạt nợ quá hạn.
Tiếp đến, ngày 22/4, VASEP gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng đề nghị xem xét hỗ trợ, giảm chi phí, bao gồm cả phí dịch vụ thu trực tiếp từ doanh nghiệp hoặc thu gián tiếp qua các hãng tàu.
Đặc biệt là phí cắm điện cho container tại cảng - chiếm tỷ lệ lớn nhất, vì do dịch Covid-19 nên các container bị neo tại cảng lâu hơn nhiều so với trước đây, thậm chí một số doanh nghiệp còn bị hoãn hoặc hủy đơn hàng xuất khẩu.
Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước, các doanh nghiệp nuôi trồng, xuất khẩu thủy sản cũng tự mình tìm hướng đi vượt “bão” Covid-19.
Cụ thể, phần lớn những doanh nghiệp xuất khẩu đang truyền thông cho cán bộ, nhân viên và người công nhân nhận thức đúng đắn hơn về tình hình, đồng thời tiếp tục duy trì thực hiện chống dịch theo hướng dẫn và khuyến cáo của Bộ Y tế, duy trì ổn định sản xuất.
Đồng thời “thập diện mai phục” - lên kế hoạch và quy hoạch về vùng nuôi nguyên liệu của hai mặt hàng có kim ngạch lớn nhất là tôm, cá tra, hỗ trợ cho người nuôi để khuyến khích người nuôi tiếp tục thả giống mới, đón đầu cơ hội khi thị trường phục hồi.
Các doanh nghiệp xuất khẩu tôm đều nhận định, trong thời gian tới nhu cầu tiêu thụ vẫn cao. Cùng với làn gió mới từ Hiệp định Thương mại tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA), các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam đang chuẩn bị sẵn sàng để chờ đợi thị trường tôm toàn cầu phục hồi.
Để đáp ứng yêu cầu xuất tôm vào thị trường châu Âu, các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Ngay từ bây giờ, nhiều doanh nghiệp đã và đang chuẩn bị nguồn nguyên liệu sạch, thả nuôi ở mật độ thưa đúng tiêu chuẩn, đủ điều kiện chế biến và xuất khẩu sang thị trường châu Âu.
Tập đoàn Thuỷ sản Minh Phú tự tin cho rằng, EVFTA giúp thuế tôm nguyên liệu và sản phẩm tôm được giảm mạnh từ mức 12,5% và 20% xuống còn 0% sẽ giúp cho tỷ trọng xuất khẩu của Minh Phú vào EU trước đây 11% nâng lên khoảng 15 – 16% trong năm nay.
Mặt hàng cá tra là nhóm hàng có mức tăng trưởng âm sâu nhất trong cơ cấu thủy sản xuất khẩu, giảm hơn 32% so với cùng kỳ năm trước. Nhưng các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu vẫn hết sức bình tĩnh, tìm mọi nguồn lực để duy trì việc làm cho người lao động và hỗ trợ người chăn nuôi.
Chiến lược của doanh nghiệp là duy trì sản xuất và tăng tốc đầu tư vào vùng nguyên liệu để đón đầu thị trường Trung Quốc - Hồng Kông đang dần phục hồi và EVFTA có hiệu lực từ 1/7 tới.