Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong năm 2022 - năm thứ hai thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA), kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỷ USD, tăng 3,3% với năm 2021. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Vương quốc Anh đạt 6,1 tỷ USD, tăng 5,2% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu từ Vương quốc Anh đạt 771 triệu USD, giảm 9,8% so với năm 3021.
Nhiều mặt hàng tận dụng tốt ưu đãi của Hiệp định UKVFTA
Những lợi thế của Hiệp định UKVFTA đã được doanh nghiệp hai bên khai thác, tận dụng hiệu quả. Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu sang Vương quốc Anh theo mẫu C/O EUR.1 trong năm 2022 đạt 1,4 tỷ USD, chiếm 23,5% xuất khẩu chung sang Vương quốc Anh, tăng khá cao so với năm 2021.
Nhiều mặt hàng quan trọng của Việt Nam xuất khẩu sang Vương quốc Anh tiếp tục có tỷ lệ tận dụng tích cực, ví dụ thủy sản đạt 82,9% (tăng 29,5% so với năm 2021), rau quả đạt 72,6% (tăng 34,2%), giày dép đạt 99,5% (tăng 49,7%), dệt may đạt 15,7% (tăng 43,4%), gỗ và sản phẩm go đạt 14,2% (tăng 85,2%)...
Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi những khó khăn của nền kinh tế toàn cầu và kinh tế Anh, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Vương quốc Anh có xu hướng giảm trong các tháng đầu năm 2023.
Kim ngạch bắt đầu có xu hướng tăng trở lại ở các tháng gần đây. Theo thống kê Hải quan, 7 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt hơn 3,95 tỷ USD, tăng nhẹ 0,5% so cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, Việt Nam thặng dư thương mại hơn 3,03 tỷ USD.
Lũy kế 8 tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 4,62 tỷ USD, giảm nhẹ 0,9% so cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu của Việt Nam sang Anh đạt gần 4,1 tỷ USD, giảm nhẹ 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu của Việt Nam từ Anh đạt 460,1 triệu USD, tăng 6% so với cùng kỳ.
Trong bối cảnh trao đổi thương mại của Việt Nam với hầu hết các thị trường xuất khẩu trọng điểm tại châu Âu chứng kiến đà sụt giảm rất mạnh do những khó khăn chung của nền kinh tế toàn cầu, việc hai nước giữ được mức tăng trưởng tương đương so với cùng kỳ năm trước là điều rất đáng khích lệ.
Về đầu tư của Vương quốc Anh tại Việt Nam, tính đến 20 tháng 8 năm 2023, Vương quốc Anh có 542 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt khoảng 4,29 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Trong 8 tháng đầu năm 2023, Vương quốc Anh có tổng cộng 34 dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 48,3 triệu USD.
Thêm cơ hội mới cho gạo Việt Nam vào Vương quốc Anh
Với việc Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước UKVFTA chính thức có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 5 năm 2021 và mới đây nhất là việc Vương quốc Anh chính thức ký thỏa thuận gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào ngày 16 tháng 7 năm 2023 là những động lực mạnh mẽ thúc để quan hệ kinh tế - thương mại – đầu tư hai chiều tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Anh, hàng hóa và doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều dư địa cơ hội thị trường để gia tăng xuất khẩu sang Vương quốc Anh. Với cơ sở ưu đãi thuế quan theo UKVFTA, doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tăng cường xuất khẩu các mặt hàng: giấy và các sản phẩm từ giấy, cao su, rau quả thực phẩm, giày da,… sang Anh. Anh có nhu cầu nhập khẩu rất lớn các mặt hàng này trong khi hệ thống cung ứng có một số khoảng trống do ảnh hưởng của Brexit và xung đột quân sự tại Ucraina.
Thị trường Anh khá lớn (khoảng 68 triệu dân), nhu cầu đa dạng (trong đó cộng đồng người gốc Á hơn 5,5 triệu người); quan hệ ngoại giao Việt Nam - Anh tiếp tục phát triển tốt đẹp.
Một điểm đáng chú ý là Ấn Độ - nhà cung cấp gạo lớn nhất cho thị trường Anh đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo tẻ từ ngày 20/7/2023. Quyết định này dự báo khiến thị trường Anh thiếu nguồn cung gạo từ nay đến cuối năm 2023. Diễn biến này sẽ tạo thêm cơ hội thị trường mới cho gạo của Thái Lan và Việt Nam cả về khối lượng, thương hiệu và giá cả.