Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu Việt Nam

Nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm hướng đi cho doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm quế hồi và cây dược liệu, ngày 28/9, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tháng 9/2023 với chủ đề “Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu”.

Hội nghị thu hút trên 300 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí đăng ký tham dự.

Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.

Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu
Toàn cảnh Hội nghị

Tiềm năng phát triển, tiêu thụ sản phẩm từ quế, hồi và cây dược liệu

Phát biểu tại Hội nghị, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương cho biết, các mặt hàng, sản phẩm từ quế hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng đối với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch.

Bên cạnh đó, có thể kể đến là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm toàn cầu, sự phổ biến rộng rãi của văn hóa ẩm thực sử dụng hương liệu tự nhiên, truyền thống, mang đậm bản sắc của các quốc gia.

Với những thuận lợi về đa dạng sinh học, địa lý và tự nhiên, Việt Nam có nhiều tiềm năng để trồng và phát triển các giống cây gia vị, cây dược liệu và các sản phẩm chế biến có giá trị cao trên thị trường. Hiện nay, Việt Nam sở hữu trên 5.000 loài quế và cây dược liệu khác nhau, trong đó có những loại rất đặc trưng, độc đáo mà không quốc gia nào có.

Hơn nữa, ngành nông nghiệp và công nghiệp chế biến quế và cây dược liệu của Việt Nam đã dần chuyển sang giai đoạn phát triển bền vững theo hướng giảm dần các sản phẩm thô, canh tác truyền thống, tăng cường các sản phẩm chế biến chuyên sâu có giá trị cạnh tranh cao hơn, đẩy mạnh sản xuất theo chuỗi giá trị.

Đây là lợi thế có thể giúp gia tăng giá trị cho các sản phẩm quế và cây dược liệu Việt Nam trong tương lai, không chỉ tạo nên thương hiệu mà còn đưa Việt Nam trở thành nguồn cung quế và dược liệu quan trọng trên thị trường thế giới.” - ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu
Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương phát biểu tại Hội nghị

Trên bản đồ dược liệu thế giới, Việt Nam được đánh giá có nguồn dược liệu đa dạng; tỷ lệ dược liệu tự nhiên quý hiếm vẫn còn khá phong phú. Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế.

Riêng đối với cây quế, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc.

Với cây hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc.

Theo Fortune Business Insights, tổng giá trị thị trường sản phẩm từ thảo dược toàn cầu năm 2021 ước tính khoảng 230 tỷ USD, dự kiến có thể đạt 430 tỷ USD vào năm 2028. Hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh Châu Âu - EU. 

Trước xu hướng gia tăng nhu cầu nguyên liệu trong các ngành công nghiệp thực phẩm, hóa mỹ phẩm, dược phẩm… cùng nhiều hiệp định thương mại tự do được ký kết, sản phẩm quế, hồi Việt Nam có thêm động lực, thời cơ phát triển.

Gỡ khó cho ngành dược liệu Việt Nam

Ngoài quế, hồi đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu khác như: thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể.

Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới.

Một trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Để hỗ trợ phát triển ngành dược liệu trong nước, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030. Trong đó, tiểu dự án 2 của giai đoạn I (từ năm 2021-2025) phát triển vùng trồng dược liệu với nhiều cơ chế ưu đãi đầu tư hỗ trợ trực tiếp nhất là vốn. Cơ chế này thu hút được doanh nghiệp đầu tư trồng dược liệu, xóa đói, giảm nghèo, giải quyết được nguồn lao động cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Bộ Y tế cũng đã tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó có nhiều chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp dược như: ưu tiên đầu tư cho nghiên cứu khoa học, sản xuất thuốc dược liệu chất lượng cao, phát triển sản xuất thuốc dược liệu mang thương hiệu quốc gia.

Giai đoạn vừa qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành cùng với các địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng. 

Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, đối tác, mở rộng thị trường, tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại các thị trường đã có các Hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại. Có thể thấy, ở mọi hoàn cảnh, mọi thời điểm, Bộ Công Thương luôn đặt nhiệm vụ đồng hành cùng doanh nghiệp là trọng tâm, cần được ưu tiên nguồn lực.

Dù đã ghi nhận những điểm sáng trong hoạt động thương mại toàn cầu, song những diễn biến phức tạp, khó lường của thế giới và khu vực trong đó là cuộc xung đột vũ trang giữa Nga - Ukraine cùng với ảnh hưởng của hậu quả dịch Covid-19 kéo dài dẫn tới làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhu cầu tiêu dùng giảm; lạm phát cao ở nhiều quốc gia, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng, sụt giảm nhu cầu tiêu dùng ở nhiều nước, đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...

Bên cạnh những yếu tố liên quan đến thị trường, xuất khẩu Việt Nam cần phải tiếp tục tập trung đẩy mạnh nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp đặc biệt trong bối cảnh xu hướng và thị hiếu tiêu dùng tại nhiều thị trường như EU, Hoa Kỳ, Nhật, Hàn Quốc có sự thay đổi rõ rệt.

“Bền vững” và “Xanh” đang là xu hướng trên thế giới nhưng cũng là hai từ khóa quan trọng, cũng là yêu cầu bắt buộc đối với sự phát triển ngành dược liệu trong bối cảnh mới, giai đoạn mở rộng hội nhập quốc tế.

Do đó, kịp thời nắm bắt xu hướng và xây dựng chiến lược phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp sản xuất, chế biến quế hồi và cây dược liệu nói riêng và xuất khẩu Việt Nam nói chung chiếm lại ưu thế thị trường cũng như định hình chuỗi giá trị ngành trong tương lai.” - Ông Vũ Bá Phú nhận định.

Đánh giá về tình hình xuất nhập khẩu nói chung, ông Vũ Bá Phú cho biết, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tính đến hết 15/9/2023 đạt 242 tỷ USD, giảm 8,8% tương ứng giảm 23,44 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022; tổng trị giá nhập khẩu của cả nước đạt 222,05 tỷ USD, giảm 15,1%, tương ứng giảm 39,38 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư gần 20 tỷ USD.

Nhóm ngành quế, hồi, dược liệu là nhóm ngành tiềm năng lớn cho xuất khẩu. Diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. 

Một trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chỉ chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Bên cạnh đó, vẫn còn một số tỷ lệ cây dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định.” - Ông Vũ Bá Phú chia sẻ.

Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp, hiệp hội và địa phương đã cùng trao đổi, nhìn nhận cơ hội thị trường cho dược liệu Việt Nam, tiềm năng xuất khẩu ngành dược liệu và các vấn đề còn tồn tại về xuất khẩu.

Hội nghị bao gồm 2 phiên chính:

Phiên 1 dành cho đại diện: Cục Quản lý Y dược Cổ truyền (Bộ Y tế), tỉnh Yên Bái - là địa phương có nguồn cây gia vị và dược liệu phong phú, diện tích trồng lớn, trao đổi về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu ra các thị trường nước ngoài.

Phiên 2 dành cho đại diện các Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, Ấn Độ, Trung Quốc, Pakistan, Hồng Kông, Đài Bắc - những thị trường tiềm năng và có nhu cầu đáng kể về các sản phẩm quế, hồi, cây dược liệu thông tin cập nhật về tình hình thị trường; một số quy định, tiêu chuẩn, điều kiện của thị trường có thể tác động đến hoạt động xuất nhập khẩu các mặt hàng quế, hồi và cây dược liệu của Việt Nam; đồng thời đưa ra những khuyến nghị đối với các địa phương, hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu.

Với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu, hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế.

Huyền My