Bàn về vai trò của luật sư trong giai đoạn thi hành án

TRẦN TRUNG và LÊ THỊ THU HẰNG (Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng)

TÓM TẮT:

Vai trò của luật sư rất cần thiết trong giai đoạn thi hành án. Là người tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý và đại diện cho các đương sự trong quá trình thi hành án, luật sư có vai trò thúc đẩy quá trình thi hành án dân sự. Tuy nhiên, trên thực tế trong thời gian vừa qua, việc tham gia của luật sư trong hoạt động thi hành án còn rất mờ nhạt, rất ít vụ việc có luật sư tham gia, nếu có tham gia thì cũng ở mức độ hạn chế, không phát huy được hết vai trò vốn có của luật sư trong hoạt động này. Để phân tích rõ hơn về vấn đề này, tác giả đã trình bày một số ý kiến trong bài viết dưới đây.

Từ khóa: Luật sư, thi hành án, chấp hành viên, tố tụng dân sự, án tồn đọng.

1. Vai trò của luật sư trong giai đoạn thi hành án

Luật sư là người am hiểu pháp luật có kinh nghiệm trong hoạt động pháp luật, là người giúp cho công dân về mặt pháp lý có hiệu quả nhất khi có những vụ việc xảy ra liên quan đến pháp luật, nhất là những vụ việc ở tòa án.

Thực tiễn cho thấy, việc tham gia tố tụng của các luật sư không những bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của bị can, bị cáo, các đương sự khác, mà còn giúp các cơ quan tiến hành tố tụng phát hiện, sửa chữa những thiếu sót, làm rõ sự thật khách quan, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa. Thông qua hoạt động bào chữa, tranh tụng tại tòa án, luật sư đã góp phần làm giảm thiểu các vụ án oan, sai, vị thế của luật sư trong xã hội cũng ngày càng được nâng cao.

Theo Điều 22 của Luật Luật sư năm 2006 quy định về phạm vi hành nghề luật sư, theo đó, luật sư có thể tham gia vào việc bảo vệ quyền và lợi ích của các đương sự trong quá trình thi hành án. Trong giai đoạn thi hành án, các hoạt động của luật sư rất đa dạng, phong phú, thể hiện ở các công việc như: tư vấn pháp luật, đại diện cho đương sự theo ủy quyền để tham gia giải quyết việc thi hành án.

Khi luật sư là người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự, luật sư sẽ giải thích và tư vấn pháp luật, giúp cho các đương sự này hiểu rõ nội dung các quy định pháp luật, các quyền và nghĩa vụ, cũng như trách nhiệm dân sự của mình. Kết hợp với kỹ năng đàm phán, thuyết phục của mình, luật sư có thể giúp các bên thương lượng, hòa giải, tự nguyện thực hiện đúng và đủ các quyền và nghĩa vụ dân sự của mình, hạn chế việc phải nhờ đến sự phân xử của tòa án, cũng như hạn chế thực hiện các biện pháp cưỡng chế của cơ quan thi hành án.

Đối với trường hợp người đang chấp hành án muốn hưởng đặc xá của nhà nước, thì một trong những điều kiện được xem xét cho hưởng đặc xá chính là “Đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là hình phạt tiền, án phí và các nghĩa vụ bồi thường dân sự” (Điều 66 Bộ luật Hình sự 2015). Điều này rất có lợi cho người đang chấp hành hình phạt tù. Vai trò của luật sư được thể hiện, luật sư có thể khuyên người đang chấp hành án hay thân nhân của họ nhanh chóng thực hiện nghĩa vụ đối với việc nộp án phí, nộp tiền bồi thường thiệt hại, tiền do thi hành hình phạt bổ sung để sớm được xem xét và hưởng điều kiện đặc xá, sự khoan hồng của nhà nước. Đối với nhiều vụ án hình sự, tiền tạm ứng án phí chỉ vài trăm nghìn, nhưng đối tượng thi hành nhất định không nộp, trong khi số lượng án hình sự, số lượng bị cáo cứ ngày một tăng thêm, khiến vụ việc thi hành án dân sự ngày càng tịnh tiến và tồn đọng. Như vậy, sự tham gia của luật sư rõ ràng đã giải quyết phần nào sự tắc nghẽn trong quá trình thi hành án dân sự của cơ quan thi hành án dân sự.

Trong quá trình thi hành án, nhiều đương sự có ít kiến thức về pháp lý, nhiều đương sự không có điều kiện để tự mình bảo vệ được quyền và lợi ích hợp pháp của mình, họ đã phải mời đến các luật sư tham gia. Khi tham gia hoạt động thi hành án, luật sư không chỉ giải thích và tư vấn pháp luật mà còn có thể đại diện cho đương sự tham gia vào toàn bộ quá trình thi hành án... Khi đương sự được sự hỗ trợ về pháp lý của luật sư, đương sự sẽ hiểu và thực hiện đúng, đầy đủ các quyền và nghĩa vụ pháp lý của mình, tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình thi hành án. Nhiều trường hợp các đương sự không tìm được tiếng nói chung trong quá trình thi hành án, những khi được luật sư giải thích pháp luật và thuyết phục, họ đã có nhận thức đúng đắn, có thể tự thương lượng thỏa thuận với nhau, hoặc tự nguyện thi hành án dân sự theo đúng quy định của pháp luật. Ngoài ra, khi tham gia bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được thi hành án dân sự, luật sư có thể tư vấn cho họ hoặc trực tiếp đi xác minh theo ủy quyền về điều kiện thi hành án của người phải thi hành án dân sự, đề nghị áp dụng các biện pháp như kê biên, phong tỏa tài sản nhằm tránh tình trạng tẩu tán tài sản. Công việc này góp phần rất quan trọng đối với công tác thi hành án dân sự, sẽ giảm thiểu tình trạng quyết định thi hành án dân sự đã có, nhưng người phải thi hành án dân sự lại không có tài sản để thi hành.

Với kiến thức pháp lý và chuyên môn nghiệp vụ của mình, luật sư sẽ kịp thời phát hiện những thiếu sót, sai phạm của chấp hành viên hoặc cơ quan thi hành án dân sự. Qua những ý kiến phản biện, kiến nghị hoặc khiếu nại của luật sư, sẽ đảm bảo cho quá trình thi hành án dân sự diễn ra khách quan, đúng pháp luật, bảo đảm được quyền lợi hợp pháp của các đương sự.

2. Sự “vắng mặt” của luật sư trong giai đoạn thi hành án

Nguyên nhân án tồn đọng những năm qua có nhiều, đó là những hạn chế bất cập trong trình tự thủ tục thi hành án, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong thi hành án dân sự, bản án tuyên không rõ, không khả thi, người phải thi hành án không rõ địa chỉ, không có điều kiện thi hành án, không có ý thức tự giác tuân thủ pháp luật, việc hoãn thi hành án, kháng nghị thi hành án còn chưa chính xác… Nhưng một nguyên nhân không kém phần quan trọng nữa mà ít ai để ý đó là việc tham gia chưa tích cực, chưa hiệu quả của luật sư. Nguyên nhân của vấn đề này là do:

Về công tác đào tạo: Một thực tế là ngay trong khung chương trình của các cơ sở đào tạo chuyên ngành Luật, vấn đề liên quan đến luật sư và thi hành án chưa chú trọng nhiều. Trong các cơ sở đào tạo luật lớn ở Việt Nam (Trường Đại học Luật Hà Nội, Trường Đại học Luật thành phố Hồ Chí Minh…) cũng thường chú trọng đến các lĩnh vực kinh doanh thương mại, dân sự, hình sự, sở hữu trí tuệ… Một số ít các cơ sở đào tạo Luật chú trọng đến vấn đề này (Trong chuyên ngành Luật học của Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng đưa hai môn học Pháp luật về Thi hành án, Luật Luật sư là môn học bắt buộc), chính vì vậy mà sinh viên ít đầu tư tìm hiểu và cũng ít quan tâm đến vấn đề này hơn.

Về mặt pháp lý: Luật Thi hành án dân sự và văn bản hướng dẫn không có quy định nào về sự tham gia của luật sư vào quá trình thi hành án. Do đó, luật sư gặp nhiều khó khăn khi tham gia trong giai đoạn thi hành án dân sự. Việc chấp nhận hay từ chối sự tham gia của luật sư vào quá trình thi hành án do luật không quy định, nên tùy vào sự linh hoạt ở mỗi cơ quan có thẩm quyền, mà luật sư có thể được tham gia ngay hoặc phải chờ đợi.

Trong pháp luật về thi hành án, những căn cứ hoãn, đình chỉ, tạm đình chỉ, khiếu nại tố cáo, thẩm quyền kháng nghị, căn cứ kháng nghị, thời gian kháng nghị… không rõ; nên còn nhiều chỗ cho chấp hành viên lách luật, khó dễ với đương sự. Do tính đặc thù của thi hành án là phải thi hành theo đúng quyết định, bản án của tòa án nhân dân; phải thi hành xong mới kết thúc việc thi hành án, nhưng điều kiện thi hành lại là một chuyện khác nên pháp luật không qui định được thời gian bao lâu là thi hành xong, vậy nên thi hành án dân sự dân sự vốn đã khó lại càng khó thêm, cơ quan thi hành án có “quyền” trả lời đang đôn đốc, đang thi hành, đang xác minh… thực tế có bản án có điều kiện thi hành nhưng kéo dài.

Về phía cơ quan thi hành án: Chấp hành viên và cơ quan thi hành án dân sự nhiều khi còn gây khó khăn, cản trở luật sư tham gia quá trình thi hành án dân sự. Vì họ cho rằng, khi luật sư tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự sẽ làm phức tạp thêm vụ việc, sẽ vì lợi ích của đương sự mà gây khó khăn, cản trở hoạt động thi hành án dân sự, nên không tạo điều kiện thuận lợi cho luật sư tham gia. Một vấn đề khác là luật sư được tham gia đến mức độ nào và việc tiếp cận hồ sơ của luật sư đến đâu thì luật lại chưa quy định rõ ràng. Trên thực tế, đã có những trường hợp luật sư xuất trình giấy giới thiệu, giấy ủy quyền và đề nghị được tiếp cận hồ sơ thi hành án nhưng cơ quan thi hành án dân sự chưa có căn cứ pháp luật để từ chối hay chấp nhận đề nghị này.

Về phía luật sư: Việc luật sư tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự là một loại hình dịch vụ pháp lý, việc tham gia quá trình thi hành án dân sự hay không, còn phụ thuộc vào sự lựa chọn của luật sư. Luật sư là một nghề độc lập, nên họ hoàn toàn có quyền lựa chọn tham gia hoặc không tham gia vào quá trình nào của vụ án. Thực tế trong quá trình thi hành án luật sư không muốn và thường có xu hướng né tránh, bởi quá trình thi hành án dân sự cũng là giai đoạn trực tiếp đụng chạm đến quyền về tài sản của người dân. Quá trình đòi nợ gian nan và không lường trước được thời gian chấm dứt vụ việc. Luật sư chỉ có thể tham gia khi được các đương sự mời và uỷ quyền. Tuy nhiên, người dân lại chưa có thói quen mời luật sư tham gia vào quá trình thi hành án dân sự. Nhiều người không biết luật sư có quyền tham gia vào hoạt động thi hành án dân sự như thế nào. Do đó, tỷ lệ các vụ việc thi hành án dân sự có luật sư tham gia là rất ít, không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.

Một thực tế hiện nay, các luật sư ở Việt Nam hiện nay thường chuyên về lĩnh vực thương mại, dân sự, đất đai, hình sự, hành chính…, số luật sư chuyên về pháp luật thi hành án không nhiều dẫn đến khách hàng cũng có ít sự lựa chọn.

Về thời gian: Do giai đoạn thi hành án dân sự thường kéo dài vì quá trình xử lý tài sản mất rất nhiều thời gian, do đó một số luật sư “ngại” tham gia vào quá trình này.

Giai đoạn thi hành án là giai đoạn liên quan trực tiếp đến quyền về tài sản của đương sự, liên quan đến tính hiệu lực của pháp luật nên đương sự tìm mọi cách để chốn tránh nghĩa vụ, tẩu tán tài sản, trì hoãn việc thi hành án, lợi dụng quyền khiếu nại để làm phức tạp tình hình, gây khó khăn cho chấp hành viên, cơ quan thi hành án trong việc tổ chức thi hành án. Trong quá trình thi hành án có nhiều chủ thể tham gia nhưng thực tế việc phối hợp với các cơ quan hữu quan rất khó khăn; tâm lý ngại phối hợp và những qui định của pháp luật chưa bắt buộc họ phải tham gia nên các cơ quan hữu quan có nhiều lý do không tham gia hoặc chậm trễ trong việc phối hợp nên rất khó tổ chức một vụ cưỡng chế thi hành án thành công. Bản thân luật sư cũng không biết đến bao giờ mới kết thúc việc thi hành án.

3. Một số kiến nghị

Theo những quy định của pháp luật, luật sư được tham gia và có vai trò quan trọng trong giai đoạn thi hành án. Để luật sư tham gia tích cực hơn trong giai đoạn này, tác giả có một số đề xuất sau:

Thứ nhất, về việc miễn đoàn tạo luật sư. Chấp hành viên là một chức danh tư pháp do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm với điều kiện tiêu chuẩn khá cao giống như Thẩm phán và Kiểm sát viên, Điều tra viên. Thế nhưng, theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (2012), những đối tượng được miễn đào tạo nghề luật sư có “Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, điều tra viên cao cấp, điều tra viên trung cấp, giáo sư, phó giáo sư chuyên ngành luật, tiến sỹ luật, thẩm tra viên cao cấp ngành Tòa án, kiểm tra Viên cao cấp ngành Kiểm sát, chuyên viên cao cấp, nghiên cứu viên cao cấp, giảng viên cao cấp trong lĩnh vực pháp luật được miễn tập sự hành nghề luật sư” còn Chấp hành viên thì không được miễn đào tạo nghề luật. Trong khi Chấp hành viên là người trực tiếp tổ chức thi hành các luật, kinh nghiệm thực tế nhiều. Cần thiết phải bổ sung Chấp hành viên là một trong những đối tượng được miễn đào tạo nghề luật.

Thứ hai, về công tác đào tạo. Trong chương trình giảng dạy lớp đào tạo nghiệp vụ luật sư ở Học viên tư pháp cũng không có nhiều thời gian đào tạo về thi hành án, giảng viên có kinh nghiệm trong lĩnh vực thi hành án dân sự trực tiếp giảng dạy truyền đạt kinh nghiệm, kỹ năng nghề nghiệp cho luật sư về thi hành án cũng chưa nhiều.

Trong các cơ sở đào tạo luật, cần đưa môn học Pháp luật về thi hành án và luật sư vào chương trình và là môn học bắt buộc. Có như vậy sinh viên mới có kiến thức, đầu tư tìm hiểu và nghiên cứu sâu về vấn đề này.

Thứ ba, về các quy định pháp luật. Lý do luật sư hạn chế tham gia trong quá trình thi hành án dân sự là do Luật Thi hành án dân sự chưa quy định địa vị pháp lý của luật sư trong giai đoạn thi hành án dân sự. Do đó, Luật Thi hành án dân sự và các văn bản hưỡng dẫn thi hành cần quy định cụ thể, rõ ràng về vai trò của luật sư, sự tham gia, mức độ tham gia, các quyền, nghĩa vụ của luật sư trong giai đoạn thi hành án để tạo hành lang pháp lý cho luật sư có quyền tham gia đầy đủ vào các giai đoạn thi hành án.

Thứ tư, về phía cơ quan thi hành án. Cần thay đổi tư duy của một số cơ quan thi hành án về vai trò của luật sư trong giai đoạn thi hành án. Các cơ quan thi hành án dân sự và chấp hành viên cần phải xóa bỏ những nhận thức, tư tưởng không đúng về việc tham gia hoạt động thi hành án dân sự của luật sư, để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho luật sư trong quá trình tham gia hoạt động thi hành án dân sự, tạo ra mối quan hệ gắn kết, tương hỗ lẫn nhau giữa luật sư và cơ quan thi hành án dân sự, cùng thúc đẩy hoạt động thi hành án dân sự diễn ra nhanh chóng, khách quan và đúng pháp luật. Đồng thời đây cũng là một yếu tố để thúc đẩy việc xã hội hóa công tác thi hành án dân sự, nâng cao chất lượng công tác thi hành án dân sự.

Thứ năm, về sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan. Việc luật sư tham gia trong quá trình thi hành án liên quan đến Liên đoàn Luật sư Việt Nam và Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp, thế nên các cơ quan này cần có sự phối hợp với nhau nhiều hơn nữa để nâng cao hiệu quả của luật sư trong giai đoạn này. Cần quan tâm đến việc nâng cao nhận thức của luật sư về hoạt động thi hành án. Việc tham gia vào quá trình thi hành án không chỉ là một mảng dịch vụ pháp lý của luật sư mà còn đẩy mạnh, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa. Đội ngũ luật sư cũng phải thay đổi nhận thức của mình về hoạt động thi hành án dân sự. Mặc dù đây là lĩnh vực có rất nhiều khó khăn, trở ngại trong quá trình tác nghiệp, nhưng cũng là lĩnh vực chuyên môn có nhiều “tiềm năng” và có ý nghĩa, đem lại quyền và lợi ích hợp pháp cho người dân, góp phần giữ gìn sự công bằng và nghiêm minh của pháp luật. Mặt khác, các luật sư cũng phải nhận thức đúng về vị trí và vai trò pháp lý, chức năng xã hội và đạo đức nghề nghiệp của mình, để tư vấn đúng cho khách hàng, tránh việc khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ, hoặc cản trở vô căn cứ, trái pháp luật đối với hoạt động thi hành án dân sự.

Trên thực tế, sự tham gia của luật sư trong giai đoạn thi hành án dân sự vẫn còn nhiều hạn chế nhất định, chưa đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn tư pháp nước ta hiện nay… Do đó, đề nghị cần có những giải pháp đồng bộ để nhằm nâng cao hơn nữa địa vị pháp lý của luật sư trong hoạt động này ■

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Luật Thi hành án dân sự (2008)

2. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự (2014)

3. Bộ luật Hình sự (2015)

4. Luật Luật sư (2006)

5. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư (2012).

DISCUSSING THE ABSENCE OF THE LAWYERS

IN JUDGMENT EXECUTION

● TRAN TRUNG

● LE THI THU HANG

Faculty of Law, Da Nang of University of Economics

ABSTRACT:

The lawyers play a very important role in judgment execution. As a legal counselor, legal advisor and a representative for the concerned persons in judgment execution, a lawyer promotes the civil judgment execution. However, in fact, in the past time, the participation of the lawyers in judgment execution was still unclear as they participated in only a few cases or only played a limited part and did not make use of the inherent roles of a lawyer in this process. For further analysis of this issue, the author has presented some ideas in the article below.

Keywords: The lawyer, judgment execution, executor, civil procedure; case backlog.

Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 3 tháng 3/2018 tại đây