Bàn về vấn đề tăng trưởng tín dụng trong ngân hàng, hạn chế nợ xấu

HOÀNG THÚY PHƯƠNG (Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Các ngân hàng luôn đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng một cách thận trọng. Tuy nhiên, hệ thống tài chính Việt Nam đến nay vẫn phụ thuộc nặng nề vào khu vực ngân hàng. Nợ xấu trong hệ thống các ngân hàng thương mại Việt Nam vẫn đang là một vấn đề nan giải. Để giải quyết được tình trạng này, cần thiết phải có sự tham gia của các bên để cùng chia sẻ thực trạng, qua đó tìm ra các giải pháp phù hợp.

Từ khóa: Tăng trưởng tín dụng, ngân hàng, nợ xấu.

1. Đặt vấn đề

Việc tín dụng tăng trưởng tốt cho thấy nền kinh tế đang dần hồi phục và phát triển theo chiều hướng tích cực. Nhưng nếu chỉ tăng trưởng tín dụng thì chưa đủ để ngân hàng phát triển toàn diện, mà cần có giải quyết tốt các khoản nợ xấu còn đang tồn đọng trong ngân hàng. Việc tích cực cùng tham gia giải quyết nợ xấu của Chính phủ, các ngân hàng thương mại và các cá nhân, tổ chức rất quan trọng. Chính phủ tạo điều kiện cho thị trường tài chính phát triển đúng mức, kịp thời; xây dựng môi trường kinh tế, chính trị ổn định với những cơ hội đầu tư hấp dẫn. Trong khi đó, doanh nghiệp và ngân hàng là những đối tượng trực tiếp tham gia và có ảnh hưởng lớn tới quá trình định giá các khoản nợ xấu, thỏa thuận mua bán lại nợ và đặc biệt là giai đoạn phục hồi/thu hồi lại giá trị của các tài sản xấu đã mua lại. Dù vấn đề thanh khoản hệ thống đã tạm ổn trở lại, nhưng nguy cơ đổ vỡ hệ thống vẫn luôn rình rập.

2. Thực trạng tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong thời gian gần đây

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn ngành Ngân hàng năm 2017 đề ra là 18%, được các chuyên gia kinh tế đánh giá là phù hợp với thực trạng nền kinh tế và nợ xấu hiện hữu. Ngay từ đầu năm nay, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tung ra rất nhiều gói tín dụng hướng vào các hoạt động sản xuất kinh doanh và cho vay phục vụ đời sống. Hiện lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước chi phối quanh mức 7,5%/năm, các NHTM cổ phần khoảng 8,5% - 9,5%/năm.

Kết thúc quý 1/2017, tăng trưởng tín dụng đạt tới 4,06%, cao nhất trong 6 năm trở lại đây. Trong khi, tăng trưởng quý 1 các năm 2013, 2015 và 2016 lần lượt chỉ đạt 0,03%; 1,26% và 1,54%; còn các năm 2012, 2014 tăng trưởng tín dụng quý 1 so với cùng kỳ ở mức âm nhẹ. Đó là mức bình quân, nên hẳn là có nhiều trường hợp cụ thể cao hơn nữa. Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho biết, dù hoạt động đang gặp khó khăn, nhưng thị phần huy động và cho vay vẫn tiếp tục gia tăng; trong đó tăng trưởng tín dụng quý 1/2017 đã đạt 4,8%.

Cùng với xu hướng tăng khuyến mãi huy động tiền gửi tiết kiệm, các nhà băng còn tranh thủ tung gói tín dụng ưu đãi đầu năm với kỳ vọng đẩy mạnh hoạt động cho vay ngay trong tháng sau Tết Nguyên đán. Sau đó, nhiều ngân hàng đã đồng loạt tăng lãi suất huy động ở mức khá cao. Theo đánh giá của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc tín dụng tăng cao cho thấy khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp giai đoạn đầu năm là tương đối tốt, qua đó giúp thu nhập lãi của các ngân hàng có sự cải thiện. Các chuyên gia cho rằng, với nhu cầu tín dụng tăng cao trong thời gian qua, không ít ngân hàng đã chạm trần trong tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn. Bởi vậy, ngân hàng sẽ tăng cường huy động vốn trung dài hạn để đủ nguồn cho vay tương ứng. Việc phát hành chứng chỉ tiền gửi cũng là một cách để tăng nguồn vốn trung và dài hạn này.

Một số lãnh đạo ngân hàng nhận định, ngay đầu năm, hoạt động cho vay đã rất thuận lợi, tín dụng tăng trưởng cao như vậy, trong khi chỉ tiêu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho phép cả năm chỉ 16%, thì các ngân hàng sẽ phải kén chọn hơn nữa các dự án, nhu cầu vay vốn. Khi số lượng bị khống chế, thì sẽ đầu tư hơn cho chất lượng. Theo đó, ngân hàng sẽ sàng lọc để cho vay những dự án, nhu cầu vốn an toàn hơn nữa, có chất lượng sử dụng vốn và tài sản đảm bảo tốt hơn nữa. Điều này càng giúp nâng cao chất lượng tín dụng. Theo các chuyên gia, nợ xấu đang sẽ có chiều hướng gia tăng, nếu tìm cách tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá sẽ để lại hệ lụy xấu cho toàn hệ thống, cũng như cho toàn bộ nền kinh tế. Sức ép tăng trưởng tín dụng lớn, song không có nghĩa là phải hạ tiêu chuẩn tín dụng để tăng "bừa". Chính vì vậy, NHNN luôn phải cân nhắc và điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng, để các ngân hàng không bị đẩy vào thế chạy đua hay tìm mọi cách để đạt được kỳ vọng.

Từ đầu năm đến nay, NHNN điều hành thị trường mở linh hoạt, kịp thời để hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng, đảm bảo nguồn vốn cho các tổ chức tín dụng đáp ứng nhu cầu tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ ổn định lãi suất, tỷ giá và thị trường ngoại tệ. Với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp điều hành, thị trường tiền tệ diễn biến ổn định, thanh khoản VND của các tổ chức tín dụng được đảm bảo, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp và người dân. Cũng theo NHNN, trong 3 tháng đầu năm, tiếp tục duy trì ổn định các mức lãi suất điều hành; thông qua điều tiết thanh khoản hợp lý để hỗ trợ các tổ chức tín dụng ổn định lãi suất; tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng thực hiện tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Mặt bằng lãi suất thị trường trong quý 1 diễn biến tương đối ổn định. Hiện mặt bằng lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng phổ biến 4,8-5,4%/năm; 5,6-6,7%/năm đối với kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng khoảng 6,7-7,4%/năm. Lãi suất cho vay phổ biến khoảng 6-9%/năm đối với kỳ hạn ngắn và 9-11%/năm đối với trung và dài hạn; khách hàng tốt, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.

3. Hạn chế nợ xấu phát sinh tại các NHTM

Theo báo cáo và khảo sát thực tế, các nhà kinh tế cho biêtnợ xấu hiện nay của Việt Nam đã giảm đáng kể so với cách đây 4 năm. Nhưng nhu cầu vay vốn qua hệ thống ngân hàng của nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực. Trong khi quá trình xử lý nợ xấu của Việt Nam vẫn còn chậm, mặc dù Chính phủ đã có những giải pháp như dùng VAMC,nhưng cũng mới chỉ dừng lại ở việc lấy nợ xấu ra khỏi bảng cân đối của các nhà băng chứ chưa thực sự xử lý dứt điểm các khoản nợ xấu này.

Theo thông tin từ NHNN, trong những tháng đầu năm nay, nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và xử lý hiệu quả. Do đó, tỷ lệ nợ xấu của toàn hệ thống tiếp tục được duy trì ổn định ở mức dưới 3% và có xu hướng giảm dần.

NHNN luôn xác định xử lý nợ xấu là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong công tác tái cơ cấu. Trong những tháng đầu năm, toàn hệ thống tiếp tục triển khai mạnh mẽ quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu, như thu hồi nợ từ khách hàng, bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)… Nhiệm vụ trong năm 2017 khá nặng nề khi nợ xấu vẫn là vấn đề khá nan giải, cần phải có phương án giải quyết nhanh chóng và kịp thời hơn. Bởi trong năm qua, nhiều phương án xử lý nợ xấu đã được đề xuất, như: dùng ngân sách, chuyển nợ xấu thành vốn góp, chứng khoán hóa nợ xấu. Các ngân hàng phải quản lý chặt chẽ hơn các món vay doanh nghiệp, cá nhân; cần định giá tài sản đảm bảo một cách chặt chẽ và đúng với quy định, không thể để cho một số cán bộ kinh doanh tự ý đẩy giá lên. Vấn đề này hiện nay vẫn là thiếu sót của ngân hàng nên mới để tình trạng nợ xấu tăng cao như hiện nay. NHNN đặc biệt tập trung thanh tra, giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ phát sinh sai phạm. Những lĩnh vực nhắc đến gồm có góp vốn, mua cổ phần; cấp tín dụng và đầu tư, mua trái phiếu doanh nghiệp chưa niêm yết; cấp tín dụng theo ngành, lĩnh vực, đặc biệt là bất động sản, tiêu dùng và các dự án trung, dài hạn.

Việc cấp tín dụng vượt giới hạn, cho vay đối với khách hàng lớn/nhóm khách hàng lớn; đầu tư, sở hữu chéo và chuyển nhượng cổ phiếu, thoái vốn; phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu, chất lượng tín dụng, mua bán tài sản, dự thu lãi và các khoản phải thu; tăng trưởng cho vay cũng được liệt vào danh sách này.

Bên cạnh đó, các tổ chức tín dụng tập trung tăng cường chất lượng hoạt động tín dụng, tuân thủ chặt chẽ các quy định của NHNN về giới hạn, tỷ lệ an toàn hoạt động, giảm thiểu rủi ro… Nhờ đó, nợ xấu tiếp tục được kiểm soát và xử lý hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống tiếp tục được duy trì ổn định ở mức dưới 3% và có xu hướng giảm dần.

Chuyên gia khuyến cáo, một quốc gia thu hút mạnh các dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và đầu tư gián tiếp (FII) như Việt Nam, trong khi nợ xấu ngân hàng vẫn còn những tồn tại, cần cải thiện nhiều hơn chất lượng tín dụng để thu hút nhà đầu tư nước ngoài tìm đến Việt Nam. Gần đây một số NHTM đã có động thái mua lại một số khoản nợ xấu đã bán cho VAMC để tự xử lý, còn đối với dự án thì dùng hình thức chuyển nhượng, tự thu hồi nợ… Bên cạnh các giải pháp xử lý nợ xấu hiện hữu, trong một diễn đàn mới đây, Thủ tướng đã khẳng định sẽ để mở cơ hội mở room 100% cho nhà đầu nước ngoài vào tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Trong 3 tháng đầu năm 2017, NHNN tiếp tục triển khai các giải pháp tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng gắn với nâng cao chất lượng tín dụng, đồng thời chỉ đạo các TCTD thực hiện các giải pháp tạo điều kiện trong tiếp cận vốn tín dụng, tập trung vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh; Kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; Ban hành Thông tư quy định về hoạt động cho vay của TCTD đối với khách hàng nhằm tăng tính công khai, minh bạch trong hoạt động cho vay, tạo điều kiện cho khách hàng vay trong tiếp cận vốn tín dụng. Thống đốc NHNN đã đề ra 5 giải pháp tín dụng nhằm kiểm soát quy mô tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đồng thời hạn chế phát sinh nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng:

Thứ nhất là xây dựng và thực hiện các biện pháp kiểm soát tăng trưởng tín dụng theo chỉ tiêu định hướng cả năm 2017, gắn với nâng cao chất lượng tín dụng. Thứ hai, thực hiện các giải pháp hỗ trợ mở rộng tín dụng có hiệu quả, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất…

Thứ hai, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ nhu cầu vay vốn bằng ngoại tệ, bảo đảm phù hợp với chủ trương của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế, góp phần ổn định thị trường tiền tệ.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi trong vay vốn tín dụng ngân hàng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ tư, chủ động phối hợp với các bộ, ngành trong việc xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách và triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng đối với ngành, lĩnh vực, tín dụng chính sách theo chủ trương của Chính phủ.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Tham khảo bài viết : “Tỷ lệ nợ xấu 3 tháng đầu năm duy trì ở mức dưới 3%”, xem thêm tại: http://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep/ty-le-no-xau-3-thang-dau-nam-duy-tri-o-muc-duoi-3-610713.vov

2. Tham khảo bài viết: “Nợ xấu tiếp tục là “gánh nặng” trong năm 2017”, xem them tại http://www.nguoitieudung.com.vn/no-xau-tiep-tuc-la-ganh-nang-trong-nam-2017-d52896.html

3. “Đề xuất 10 giải pháp xử lý nợ xấu”, theo Báo Điện tử Vnexpress.

4. Theo báo cáo Ủy ban giám sát tài chính Quốc gia năm 2015-2016.

THE CREDIT GROWTH OF VIETNAMESE COMMERCIAL BANKS

HOANG THUY PHUONG

University of Economic and Technical Industries

ABSTRACT:

Vietnamese banks usually set their target of credit growth carefully. The financial system of Vietnam heavily depends on the banking sector. Bad debt is one of the most significant problems of Vietnamese commercial banks and this alarming issuse must be addressed by pragmatic solutions of parties.

Keywords: Credit growth, banks, bad debt.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây