Tình hình nợ xấu tại các ngân hàng thương mại năm 2016 và nguyên nhân

ThS. TRẦN THỊ HOA (Khoa Tài chính - Trường Đại học Kinh tế Kỹ thuật Công nghiệp)

TÓM TẮT:

Theo thống kê báo cáo tài chính quý III/2016 của 13 ngân hàng công bố, nợ xấu các ngân hàng hầu hết đều tăng so với thời điểm đầu năm 2016, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh. Đây là vấn đề được đưa ra phân tích và tìm hiểu nguyên nhân trong bài viết.

Từ khóa: Nợ xấu, ngân hàng thương mại, năm 2016, dư nợ, tăng trưởng.

I. Diễn biến nợ xấu tại các ngân hàng năm 2016

1. Thời điểm quý II năm 2016

Tính đến hết quý 1/2016, tỷ lệ nợ xấu theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước là 2.62%, cao hơn mức 2.55% cuối năm 2015. Điều này cho thấy xu hướng gia tăng tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng từ cuối năm 2015 và càng được khẳng định khi có báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 2. Với những thông tin từ BCTC hợp nhất quý 2/2016 đã được công bố của đa số các ngân hàng thương mại (NHTM), bức tranh nợ xấu năm 2016 của cả hệ thống đã dần được định hình.

Có thể thấy, tỷ lệ nợ xấu tại Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), từ 1,86% cuối năm 2015 lên tới 5,3% cuối quý II/2016. Con số này tăng đột biến so với tỷ lệ nợ xấu chưa đến 2% tại thời điểm cuối năm 2015. Trong 3 nhóm nợ xấu thì nợ dưới tiêu chuẩn tăng vọt từ 182 tỷ đồng lên 2.415 tỷ đồng, nợ có khả năng mất vốn cũng tăng mạnh từ 802 tỷ đồng lên 1.073 tỷ đồng.

Sacombank cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu tăng so với đầu năm. Cụ thể, tổng nợ xấu là 5.649 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 3.210 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 6 đạt 2,83%, tăng so với mức 1,85% tại thời điểm đầu năm.

VIB cũng có tổng nợ xấu là 945 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn lên tới 745 tỷ đồng, tỷ lệ nợ xấu là 1,84%, giảm so với tỷ lệ 2,07% hồi cuối năm 2015.

Mặc dù tỷ lệ nợ xấu của hầu hết các ngân hàng này đều dưới 3% và có mức độ thay đổi không đáng kể so với thời điểm đầu năm, trừ trường hợp đặc biệt là Eximbank. Nhưng vấn đề đáng lo ngại đó là sự xuất hiện của 3 trong 4 “ông lớn” của ngành Ngân hàng như BIDV, VCB và Vietinbank.

Kết hợp 2 hình có thể nhận ra, tỷ trọng gia tăng dư nợ cho vay ngay tại các ngân hàng lớn tăng không đáng kể, trong khi tỷ lệ nợ xấu vẫn duy trì xu hướng tăng. Tính đến ngày 30/06/2016, BIDV chỉ cao hơn VietinBank và Vietcombank (VCB) lần lượt 11% và 54% nhưng xét về quy mô giá trị nợ xấu, BIDV gấp gần 2.5 lần so với VietinBank và gần gấp đôi Vietcombank. Tỷ lệ nợ xấu của BIDV cũng đã vượt 2%, trong khi theo kế hoạch đã được đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2016 thông qua, HĐQT cam kết sẽ giữ nợ xấu dưới 2%. Nếu tính về con số tuyệt đối, giá trị nợ xấu của BIDV cũng tăng hơn 3,000 tỷ đồng chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, tương đương mức tăng hơn 31%, trong khi dư nợ cho vay tăng chưa tới 10%. Đặc biệt ngân hàng này đang nắm giữ trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) với giá trị lớn nhất. Chưa kể, với các biến cố từ chủ nợ sở hữu hàng nghìn tỷ nợ vay của BIDV, như Hoàng Anh Gia Lai -HAGLhay Công ty cổ phần Khoáng Sản Na Rì Hamico (KSS) do đó việc gia tăng nợ xấu tại BIDV cũng chỉ có thể coi là mở màn cho sự thật.

2. Thời điểm quý III năm 2016

Theo thống kê báo cáo tài chính quý III/2016 của 13 ngân hàng công bố thì nợ xấu các ngân hàng hầu hết đều tăng so với thời điểm đầu năm 2016, đặc biệt là nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng mạnh.

Quý III/2016, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng đã có xu hướng giảm. Đứng đầu vẫn là Eximbank, dù tỷ lệ nợ xấu có giảm từ 5,3% xuống còn 3,35%. Tính đến ngày 30/9/2016, Eximbank có 2.705 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn là 1.079 tỷ đồng, tăng 35% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu của Eximbank chiếm 3,35% tổng dư nợ cho vay, tăng mạnh so với mức 1,85% ở thời điểm đầu năm.

Đứng thứ hai là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) với tổng nợ xấu sau 9 tháng năm 2016 là 4.620 tỷ đồng, trong đó nợ có khả năng mất vốn là 3.095 tỷ đồng. Nợ xấu tăng lên 2,4% so với mức 1,9% ở thời điểm đầu năm.

Tiếp đến là Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) đứng thứ 3 về tỷ lệ nợ xấu, tăng từ 1,72% lên 2,22%. Cụ thể, tổng số nợ xấu là 3.310 tỷ đồng, trong đó, nợ có khả năng mất vốn hơn 1.869 tỷ đồng, tăng 46%.

Đặc biệt vẫn phải nói đến BIDV có 13.217 tỷ đồng nợ xấu, chiếm 1,96% tổng dư nợ cho vay. Tỷ lệ nợ xấu của nhà băng này đã tăng từ khoảng 1,6% cuối năm 2015 lên gần 2%, tương ứng với hơn 3.160 tỷ đồng nợ xấu tăng thêm. Bên cạnh hai ông lớn trong hệ thống là Vietcombank và VietinBank có tỷ lệ nợ xấu giảm không đáng kể (Vietcombank giảm còn 1,7% so với mức 1,8%, của VietinBank giảm từ 0,92% xuống 0,86%) thì tình hình BIDV gây ảnh hưởng rất lớn.

3. Thời điểm cuối năm 2016

Hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 95 nghìn tỷ đồng nợ xấu trong năm 2016, bao gồm: xử lý qua thu hồi nợ, bán tài sản bảo đảm chiếm khoảng 52,6% tổng giá trị nợ xấu được xử lý, bằng nguồn dự phòng rủi ro chiếm 26,6%, bán nợ cho VAMC chiếm 21%. Động thái này đã kéo giảm tỷ lệ nợ xấu từ 2,9% năm trước xuống còn 2,8% cuối năm 2016. Tuy vậy, theo Ủy ban Giám sát đánh giá, nợ xấu chờ xử lý (nợ bán cho VAMC) và nợ xấu tiềm ẩn trong tái cơ cấu vẫn lớn, trong đó VAMC đang “ôm” khoảng 224 nghìn tỷ đồng (chiếm 85% nợ xấu bán cho công ty này) vẫn chưa được xử lý, chiếm tới 4,3% tổng quy mô tín dụng.

Đến cuối năm 2016, dựa trên báo cáo tài chính hợp nhất các ngân hàng, có một sự thay đổi về tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng một cách đáng kể. ACB, MBBank và Vietinbank là những nhà băng tỷ lệ nợ xấu thấp nhất trong năm vừa qua.

Theo bảng tổng hợp, Sacombank, Eximbank và VPBank là 3 ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao nhất trong các nhà băng được khảo sát. Trong đó, Sacombank là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu lớn nhất 5,35%. Tỷ lệ tăng đột biến là do ảnh hưởng của việc sát nhập Ngân hàng Phương Nam (Southernbank) hồi tháng 10/2015 mang theo một gánh nặng về nợ xấu của ngân hàng này. Bên cạnh đó, Eximbank là một trong những ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu ở mức khá cao trong báo cáo quý II/2016 (5,3%) nhưng lại chuyển biến tích cực vào 6 tháng cuối năm với việc tái cơ cấu được 1.726 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, phần lớn nợ được bán cho Công ty Quản lý Tài sản Việt Nam (VAMC). Chốt số liệu năm 2016, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này ở mức 2,95%. Khác với hai ngân hàng trên, VPBank có tỷ lệ nợ xấu duy trì cao trong hai năm qua. Nguyên nhân chính là việc mở rộng tín dụng tiêu dùng từ Công ty con là FE - Credit. Tốc độ tăng trưởng ở mức bình thường so với một số ngân hàng nhưng mang lại mức lợi nhuận lớn và tỷ lệ nợ xấu cao.

Trong đó, ACB có bước giảm rõ rệt nhất từ 1,32% xuống 0,88%; MBBank giảm từ 1,61% xuống 1,32%. Tỷ lệ nợ xấu ở Vietinbank tuy ở mức thấp 1,02% nhưng lại tăng so với con số 0,92% vào cuối năm 2015. Nhưng bù lại các ngân hàng lại có mức tăng trưởng tín dụng tương đối tốt là trên 20%.

Nhìn chung, bức tranh nợ xấu năm 2016 của các ngân hàng cho thấy nỗ lực giải quyết nợ xấu trong thời gian qua đã có kết quả. Tuy nhiên, số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống vẫn ở mức cao 2,53%. Đây là một thách thức đối với các ngân hàng thương mại và cả Ngân hàng Nhà nước để có thể xử lý dứt điểm được những món nợ xấu tồn đọng từ nhiều năm trước.

II. Nguyên nhân tình hình nợ xấu gia tăng tại các ngân hàng

Ngoài những nguyên nhân cụ thể của từng ngân hàng đã trình bày trong phần phân tích diễn biến năm 2016 thì dưới đây là những nguyên nhân xét chung của toàn ngành dẫn đến tình trạng nợ xấu gia tăng.

Thứ nhất, các ngân hàng thương mại bán nợ cho VAMC nhưng VAMC mới chỉ xử lý được một phần. Thời gian qua, nợ xấu chủ yếu do các các tổ chức tín dụng tự xử lý là 57,2%, còn lại là bán nợ (bao gồm bán cho VAMC và tổ chức cá nhân khác) chiếm 42,8%. Qua hơn 3 năm kể từ khi hoạt động, VAMC đã mua gần 300.000 tỷ đồng nợ xấu. Tuy nhiên, phần bán lại nợ của công ty này chỉ được vài phần trăm dù đã được hỗ trợ khá nhiều về chính sách. Chính vì thế, từ năm 2016, có một số ngân hàng đã mua lại nợ đã bán cho VAMC trước đó về tự xử lý. Đơn cử trường hợp của Vietcombank đã mua lại toàn bộ nợ của VAMC và là ngân hàng đầu tiên sạch nợ tại công ty này. Tiếp đó là trường hợp VIB khi trong năm vừa qua, ngân hàng này cũng đã mua lại 30% số nợ đã bán cho VAMC để về tự xử lý. Điều này cũng gây áp lực gia tăng tỷ lệ nợ xấu tại các ngân hàng.

Thứ hai, việc cơ cấu lại nợ làm cho các ngân hàng đang phải trả nợ cho quá khứ. theo Quyết định 780/QĐ-NHNN năm 2012 của Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được cơ cấu lại nợ mà không phải chuyển nhóm. Từ đó, một lượng lớn dư nợ lẽ ra đã là nợ xấu, nhưng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tức đã đẩy về cho tương lai ghi nhận sau.

Ngoài ra, Thông tư 36 có hiệu lực vào ngày 1/2/2015 đã nâng mạnh giới hạn tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 30% lên tới 60%. Cơ chế này có hiệu lực trước thời điểm quy định các tổ chức tín dụng được chỉ được một lần cơ cấu lại nợ (Thông tư 09/2014/TT-NHNN cho phép các tổ chức tín dụng được phép cơ cấu lại nợ một lần trước ngày 1/4/2015). Như vậy, một lượng lớn dư nợ lẽ ra đã là nợ xấu, nhưng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ. Đồng nghĩa với đẩy về cho tương lai ghi nhận sau, nhiều món nợ xấu đã được ghi nhận thành nợ trung và dài hạn.

Thứ ba, tình trạng các doanh nghiệp vay vốn gặp khó khăn dẫn đến nợ đọng và không thể trả nợ. Ví như Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) tính đến thời điểm cuối năm 2015, PVN có tổng cộng 319.304 tỷ đồng nợ phải trả, riêng tổng vay, nợ thuê tài chính ngắn hạn và vay, nợ thuê tài chính dài hạn của PVN lên tới 183.842 tỷ đồng, chiếm 65,4% vốn góp chủ sở hữu. Trong năm 2016, chi phí trả lãi vay của PVN là 16.891 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với năm 2014 (8.316 tỷ đồng). Như vậy, bình quân mỗi ngày, ông lớn ngành Dầu khí phải trả gần 23 tỷ đồng tiền lãi.

Báo cáo tài chính năm 2015 của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cũng cho thấy: Tổng nợ vay ngân hàng là 31.812 tỷ đồng, trong đó, vay nợ ngắn hạn là 11.825 tỷ đồng, vay nợ dài hạn là 19.987 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến cuối quý II.2016, nợ phải trả của Vinachem lên tới 38.807 tỷ đồng, tương đương 65,9% tổng tài sản tại cùng thời điểm.

Báo cáo tài chính năm 2016 cũng cho thấy Công ty TNHH MTV Tổng công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) đang vay ngân hàng 5.246 tỷ đồng. Ngoài ra, Vinafood 2 còn có khoản phải trả liên quan đến hàng viện trợ Chính phủ là 575 tỷ đồng. Đây là khoản liên quan đến hàng viện trợ cho Chính phủ nước ngoài tương ứng 25,6 triệu USD, nguồn này được Chính phủ hỗ trợ.

Trong năm 2016 chi phí tài chính của Vinafood là 701 tỷ đồng, trong đó riêng chi phí lãi vay là 299 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2016,của Tổng công ty Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cho thấy Tổng công ty đã vay ngân hàng 1.333 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 926 tỷ đồng, vay dài hạn là 407 tỷ đồng. Tổng công ty rượu Bia – Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) cũng đang vay nợ ngân hàng 1.239 tỷ đồng, tính đến cuối tháng 6/2016. Hay như Tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin), tính đến tháng 6.2015 đang nợ phải trả là 63.532 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn là 23.759 tỷ đồng, nợ dài hạn là 39.772 tỷ đồng.

Tình hình các doanh nghiệp nhà nước nói chung cũng đã để lại những khoản nợ lớn cho các ngân hàng thương mại. Điều này góp phần kéo tỷ lệ nợ xấu gia tăng liên tục. Đây là vấn đề cần phải quan tâm và có giải pháp hạn chế trong thời gian tới.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Tham khảo từ bài viết: “Nợ xấu của hệ thống ngân hàng - nút thắt của nền kinh tế”.

2. Tham khảo bài viết “Xử lý nợ xấu thông qua VAMC và kinh nghiệm cho Việt Nam”.

3. Tham khảo bài viết: “Bức tranh toàn diện về xử lý nợ xấu ngân hàng từ 2010 đến tháng 8/2015”.

4. Xem bài “Xử lý nợ xấu: Kinh nghiệm thế giới dưới góc nhìn chuyên gia Việt Nam”.

SITUATION AND REASONS OF INCREASING BAD DEBT IN VIETNAMS COMMERCIAL BANKING SECTOR IN 2016

MA. TRAN THI HOA

Faculty of Finance, University of Economic Technical Industries

ABSTRACT:

Statistics based on the Q3/2016 financial statements of 13 Vietnamese banks showed that the bad debt ratio of many Vietnamese banks in Q3/2016, particularly uncollectible debts (Group 5) was higher than the figure for the beginning of 2016. This study analyzes and identifies reasons of this alarming issue.  

Keywords: Bad debt, commercial bank, 2016, debt balance, growth.

Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 03 tháng 03/2017 tại đây.