TÓM TẮT:
Sau 04 năm triển khai thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 và hơn 3 năm thực hiện Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả nhất định. Tuy nhiên, quá trình triển khai cơ cấu lại cho thấy, hệ thống các tổ chức tín dụng còn nhiều tồn tại, hạn chế, do đó, việc xây dựng Dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu là cần thiết nhằm tạo cơ sở pháp lý để cụ thể hóa chủ trương, chính sách của Đảng theo Nghị quyết Trung ương số 05-NQ/TW khóa XII, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để xử lý căn bản và triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống...
Từ khóa: Tổ chức chức tín dụng, xử lý nợ xấu, Luật hỗ trợ tái cơ cấu, Ngân hàng.
I. Hoạt động của các tổ chức tín dụng
Hoạt động của các tổ chức tín dụng có những tác động lớn đến sự ổn định xã hội, phát triển kinh tế của đất nước, với tư cách là các trung gian tài chính, tổ chức tín dụng là những doanh nghiệp có khả năng huy động và sử dụng nguồn vốn rất lớn trong xã hội. Việc quản lý thiếu chặt chẽ có thể dẫn đến đổ vỡ tổ chức tín dụng, gây ra sự mất lòng tin trong nhân dân và đe dọa sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng cũng như của cả nền kinh tế.
Do vậy, Luật Các tổ chức tín dụng 2010 đã có nhiều quy định để nâng cao mức độ an toàn trong hoạt động của các tổ chức tín dụng trên cơ sở quán triệt quan điểm: “Tổ chức tín dụng là các doanh nghiệp đặc biệt, cần được quản lý một cách đặc biệt và tiếp cận sát với thông lệ quốc tế về các yêu cầu bảo đảm an toàn trong hoạt động ngân hàng”.
1. Hoạt động huy động vốn
Huy động vốn là một trong những nghiệp vụ kinh doanh quan trọng của các tổ chức tín dụng thông qua các hình thức nhận tiền gửi tiết kiệm, tiền gửi chờ thanh toán của chủ tài khoản, phát hành các giấy tờ có giá, vay vốn của các tổ chức tín dụng thông qua thị trường liên ngân hàng, vay vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
- Huy động vốn bằng nhận tiền gửi:
Tiền gửi là số tiền khách hàng gửi tại tổ chức tín dụng dưới hình thức tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức khác. Tiền gửi được hưởng lãi hoặc không hưởng lãi và phải hoàn trả cho người gửi tiền. Loại hình tổ chức tín dụng là ngân hàng sẽ được nhận tất cả các loại tiền gửi. Loại hình tổ chức tín dụng phi ngân hàng thông thường chỉ được phép nhận tiền gửi có kỳ hạn từ 1 năm trở lên.
- Huy động vốn bằng cách phát hành các giấy tờ có giá:
Các giấy tờ có giá do tổ chức tín dụng phát hành là một công cụ vay nợ trên thị trường tiền tệ dưới hình thức giấy nhận nợ hoặc chứng thư tiền gửi, trong đó tổ chức tín dụng cam kết trả gốc, lãi cho người mua sau một thời gian nhất định.
Các loại giấy tờ có giá thông dụng mà ngân hàng các quốc gia thường hay sử dụng: Tín phiếu, kỳ phiếu, trái phiếu, hối phiếu tài chính và các chứng thư tiền gửi khác. Các giấy tờ có giá có thể vô danh, đích danh, theo lệnh.
- Vay vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam:
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện nghiệp vụ cấp tín dụng dưới hình thức tái cấp vốn cho các TCTD là ngân hàng thương mại. Mục đích tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Thực hiện chính sách tiền tệ quốc gia và trong một số trường hợp nhằm phục hồi khả năng thanh toán cho các ngân hàng thương mại.
2. Hoạt động cấp tín dụng
Theo qui định, cấp tín dụng là việc tổ chức tín dụng thỏa thuận để khách hàng sử dụng một khoản tiền với nguyên tắc có hoàn trả bằng các nghiệp vụ cho vay, chiết khấu, cho thuê tài chính, bảo lãnh ngân hàng, bao thanh toán và các nghiệp vụ khác.
- Cho vay là một hình thức cấp tín dụng cho khách hàng của Tổ chức tín dụng thông qua hình thức pháp lý là hợp đồng tín dụng.
- Chiết khấu thương phiếu và các giấy tờ có giá là hình thức cấp tín dụng thông qua việc mua thương phiếu các giấy tờ có giá này của người thụ hưởng trước khi đến hạn thanh toán.
- Bảo lãnh ngân hàng là hình thức cấp tín dụng trên cơ sở tổ chức tín dụng đứng ra bảo lãnh cho bên được bảo lãnh theo quy định pháp luật về bảo lãnh ngân hàng.
3. Hoạt động cung ứng các dịch vụ thanh toán, ngân quỹ
Cung cấp cho khách hàng các dịch vụ thanh toán là nghiệp vụ chỉ riêng của Tổ chức tín dụng là ngân hàng. Tổ chức tín dụng là ngân hàng có quyền mở tài khoản tiền gửi (dùng để thanh toán) cho khách hàng trong và ngoài nước để thực hiện các dịch vụ thanh toán. Trên cơ sở tài khoản của khách hàng được mở tại tổ chức tín dụng, ngân hàng tiến hành các dịch vụ thanh toán bao gồm:
- Cung ứng các phương tiện thanh toán cho khách hàng (thẻ tín dụng, séc, ngân phiếu…).
- Tham gia hệ thống thanh toán trong nước, thực hiện các dịch vụ thanh toán trong nước cho khách hàng (chuyển khoản, thanh toán séc…).
- Tham gia hệ thống thanh toán quốc tế và thực hiện các dịch vụ thanh toán quốc tế khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép (thư tín dụng…).
- Thực hiện các dịch vụ thu hộ chi hộ.
- Tổ chức hệ thống thanh toán nội bộ.
- Tổ chức tín dụng là ngân hàng có quyền thực hiện các hoạt động ngân quỹ bao gồm những hoạt động liên quan đến thu, phát tiền mặt cho khách hàng.
4. Các hoạt động khác của tổ chức tín dụng
- Góp vốn mua cổ phần: Tổ chức tín dụng được góp vốn mua cổ phần của doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng khác theo từ vốn điều lệ và quỹ dự trữ của Tổ chức tín dụng.
– Tham gia thị trường tiền tệ: Tổ chức tín dụng tham gia vào các giao dịch trên thị trường tiền tệ do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tổ chức bao gồm: Thị trường nội tệ, ngoại tệ liên ngân hàng, thị trường đấu thầu tín phiếu kho bạc, thị trường giấy tờ có giá khác.
- Tổ chức tín dụng có quyền thực hiện các nghiệp vụ ủy thác, đại lý, tư vấn, bảo quản các hiện vật quí, giấy tờ có giá, cho thuê tủ két…
II. Tính cấp thiết phải xây dựng dự thảo luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu
Sau 04 năm triển khai thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg ngày 01/3/2012 và hơn 3 năm thực hiện Quyết định số 843/QĐ-TTg ngày 31/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, về cơ bản, việc cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng đã đạt được một số kết quả nhất định như: Tổ chức tín dụng yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn. Số lượng tổ chức tín dụng đã giảm được khoảng 22 tổ chức.
Tuy nhiên, trong Dự thảo lần 1 liên quan đến Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra nhiều tồn tại, hạn chế về hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD).
Cụ thể, hiệu quả kinh doanh của các TCTD chưa cao do hoạt động kinh doanh gặp nhiều khó khăn, áp lực xử lý nợ xấu, chi phí dự phòng rủi ro lớn.
Mặc dù tỷ lệ nợ xấu nội bảng đã được kiểm soát ở mức dưới 3% nhưng nếu tính cả khoản do VAMC quản lý, nợ xấu nội bảng và nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì tỷ lệ nợ xấu có khả năng lên đến 8,86%.
Thứ nhất, các TCTD yếu kém được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ TCTD ngoài tầm kiểm soát, đảm bảo giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD, tài sản của Nhà nước, nhân dân được bảo đảm an toàn.
Thứ hai, hoạt động sáp nhập, hợp nhất diễn ra trên cơ sở tự nguyện, chủ yếu sử dụng các nguồn lực của xã hội và không sử dụng trực tiếp tiền của ngân sách nhà nước. Số lượng TCTD đã giảm được khoảng 22 tổ chức.
Thứ ba, sở hữu chéo, đầu tư chéo được xử lý một bước; tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn thao túng ngân hàng được xử lý một bước cơ bản.
Thứ tư, các TCTD đã tích cực nâng cao chất lượng tài sản, kiểm soát chất lượng tín dụng và xử lý nợ xấu, đặc biệt là nỗ lực tự xử lý nợ xấu. Tính đến ngày 31/12/2015, các TCTD đã xử lý được 493,09 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Đến thời điểm 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống TCTD là 2,46%.
Bên cạnh đó, NHNN cũng nhận diện một số nguyên nhân chính dẫn đến những bất cập và hạn chế còn tồn tại trong việc cơ cấu tại hệ thống TCTD là do khuôn khổ pháp lý cơ chế chính sách về xử lý TCTD yếu kém và xử lý nợ xấu còn chưa hoàn thiện.
Cụ thể là thẩm quyền của NHNN khi xử lý các TCTD yếu kèm còn chưa đầy đủ, tiến trình phục hồi và cơ cấu lại các TCTD còn khó khăn do chưa có giải pháp hỗ trợ phù hợp với đặc thù của từng TCTD. Cùng với đó, quy luật của pháp luật về việc xử lý tài sản cụ thể về quyền thu giữ tài sản, quyền nhận tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất của VAMC, quyền xử lý tài sản là dự án bất động sản,...
Do vậy, NHNN cho rằng việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu theo hình thức ban hành luật riêng về xử lý tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu là giải pháp quan trọng và cần thiết phải thực hiện. Làm được điều này thì mới có được bước đột phá trong việc xử lý nợ xấu trong giai đoạn 2016-2020.
III. Những điểm mạnh, điểm yếu của dự thảo luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu
1. Điểm mạnh
Khoản 2, điểm đ, điều 56 dự thảo Luật nói trên đã bổ sung điều 52a vào sau điều 52 của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 với nội dung: “Nhà đầu tư, cổ đông không được sử dụng vốn do các tổ chức tín dụng cấp tín dụng để góp vốn, mua cổ phần của tổ chức tín dụng. Giao dịch mua bán, chuyển nhượng cổ phần có giá trị từ 1% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng trở lên, giao dịch mua bán chuyển nhượng cổ phần của cổ đông lớn thì bên mua, bên nhận chuyển nhượng phải chứng minh nguồn vốn”.
- Ngân hàng 0 đồng được Chính phủ cấp vốn
Lần đầu tiên việc mua ngân hàng 0 đồng (bắt buộc) được luật hóa một cách chi tiết và rõ ràng. Điều 4 của dự thảo luật định nghĩa: “Phương án mua bắt buộc là phương án NHNN hoặc tổ chức tín dụng được chỉ định tham gia góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng yếu kém”.
Điều 28, khoản 2 nêu điều kiện NHNN mua bắt buộc là khi “giá trị thực của vốn điều lệ nhỏ hơn 0 đồng (không đồng); và không có tổ chức tín dụng nào đề xuất mua tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt”. Điểm mới nằm ở điều 29, theo đó NHNN yêu cầu ngân hàng yếu kém thuê tổ chức kiểm toán độc lập để đánh giá thực trạng tài chính và xác định giá trị thực (còn lại nếu có) của vốn điều lệ. Trên cơ sở kiểm toán, ngân hàng yếu kém phải tăng vốn điều lệ. Trường hợp không tăng đủ vốn trong thời hạn yêu cầu thì sẽ bị mua bắt buộc. Theo điều 30, giá mua là 0 đồng.
Cũng lần đầu tiên, dự thảo luật công khai các biện pháp hỗ trợ ngân hàng bị mua bắt buộc (điều 31), gồm: được Chính phủ cấp vốn để bổ sung vốn điều lệ; được Chính phủ cho vay dài hạn với lãi suất đến 0%; được vay tái cấp vốn và vay đặc biệt của NHNN với lãi suất đến 0%; được nhận tiền gửi hoặc vay của tổ chức tín dụng hỗ trợ với lãi suất đến 0% (ví dụ: Ngân hàng Xây dựng đang được Vietcombank hỗ trợ, thì Ngân hàng Xây dựng có thể được vay tiền của Vietcombank với lãi suất đến 0%/năm - NV).
Một điểm quan trọng không kém, dự thảo luật miễn trừ trách nhiệm đối với người tham gia xử lý tổ chức tín dụng yếu kém. Trên thực tế, không ít lãnh đạo có năng lực của một số ngân hàng được chỉ định sang hỗ trợ ngân hàng yếu kém đã từ chối vì công việc mới phức tạp, nhất là việc kiểm soát thu chi, tiền vào tiền ra của tổ chức tín dụng yếu kém, nhưng nếu lỡ để sơ sót, trách nhiệm rất nặng nề, không loại trừ liên quan đến hình sự.
- Làm rõ tình trạng kiểm soát đặc biệt
Kiểm soát đặc biệt không phải là giải pháp mới. Nó vốn đã được khẳng định trong Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và được các nghị định, thông tư dưới luật hướng dẫn. Tuy nhiên dự thảo lần này làm rõ hơn một số điểm.
Kiểm soát đặc biệt theo định nghĩa tại điều 4 là “việc một tổ chức tín dụng bị đặt dưới sự kiểm soát trực tiếp của NHNN”. Kiểm soát đặc biệt xảy ra khi tổ chức tín dụng lâm vào một trong các trường hợp: “Mất khả năng thanh toán; có nguy cơ mất khả năng chi trả; lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn điều lệ và các quỹ dự trữ; hai năm liên tục bị xếp loại thấp theo quy định của NHNN; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định trong một năm liên tục hoặc tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu thấp hơn 4% trong sáu tháng liên tục” (điều 7, khoản 3).
Những ngân hàng bị đặt trong tình trạng kiểm soát đặc biệt phải xây dựng phương án phục hồi. Trong thời gian đó, họ không phải tuân thủ các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng (điều 19,20); được trích lập dự phòng rủi ro phù hợp với thực trạng kết quả chênh lệch thu chi; được bán nợ xấu không đủ điều kiện (nợ có tài sản thế chấp đang bị kê biên) cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC)...
- Đề xuất cho phép phá sản ngân hàng
Dự thảo luật đề cập một cụm từ mới “phương án xử lý pháp nhân” với giải thích cụ thể “là phương án xử lý đối với tổ chức tín dụng yếu kém dưới hình thức sáp nhập, hợp nhất, bán toàn bộ vốn điều lệ, giải thể, phá sản theo quy định pháp luật” (điều 4).
Trong quá khứ, chuyện giải thể ngân hàng đã diễn ra và được xử lý tương đối thành công (như Ngân hàng TMCP Mê Kông; Ngân hàng TMCP Châu Á - Thái Bình Dương - NV). Riêng chuyện phá sản chưa có tiền lệ. Điều 26 của Dự thảo Luật nêu khi áp dụng phá sản ngân hàng, “Chính phủ quyết định mức cho vay đặc biệt theo đề nghị của NHNN để chi trả số tiền gửi cá nhân còn lại sau khi đã được Bảo hiểm tiền gửi chi trả và cơ chế xử lý đối với số tiền cho vay đặc biệt không thu hồi được từ ngân sách nhà nước”, “thủ tục phá sản tổ chức tín dụng yếu kém được thực hiện theo quy định pháp luật về phá sản”.
2. Hạn chế
Ngoài bất cập trên, dự thảo còn một số quy định chưa rõ ràng, không hợp lý.
Cho đến nay, lý do và tính cần thiết của việc dùng ngân sách để xử lý nợ xấu chưa bao giờ được giải thích thỏa đáng.
Điều 6 của Dự thảo Luật về miễn trừ trách nhiệm quy định: “Khi tham gia xử lý TCTD yếu kém, cán bộ, công chức NHNN, thành viên ban kiểm soát đặc biệt, nhân sự của TCTD được NHNN chỉ định tham gia hỗ trợ không chịu trách nhiệm pháp lý về kết quả của việc thực hiện các phương án xử lý TCTD yếu kém”.
Quy định trên là không hợp lý với những trường hợp, ví dụ, những người tham gia xử lý TCTD yếu kém có động cơ cá nhân, vụ lợi, hoặc vì một lý do chủ quan nào đó không thực hiện công tâm, đúng và tốt trách nhiệm của mình trong quá trình xử lý TCTD. Do không thể khẳng định hoàn toàn không có khả năng xảy ra những trường hợp này nên quy định này cần được bổ sung các điều kiện nhất định để người tham gia xử lý TCTD yếu kém được hưởng quyền miễn trừ này.
Những quy định khác:
Khoản 2, điều 7 của Dự thảo Luật quy định NHNN xác định TCTD yếu kém thông qua ba kênh khác nhau, trong đó không có kênh từ chính TCTD yếu kém. Lưu ý là tại khoản 1 cũng của điều 7 quy định: “Khi có nguy cơ mất khả năng chi trả, nguy cơ mất khả năng thanh toán, TCTD phải kịp thời báo cáo với NHNN về thực trạng, nguyên nhân...”. Theo khoản 2 này thì dù TCTD có kịp thời báo cáo tình trạng yếu kém của mình, phải chăng vẫn có khả năng NHNN không xác định TCTD đó là yếu kém mà cứ nhất thiết phải đợi xác định qua một, hai hoặc cả ba kênh như quy định.
Khoản 3, điều 7 có nêu trường hợp TCTD bị đặt vào tình trạng kiểm soát đặc biệt khi: “Có nguy cơ mất khả năng thanh toán, bao gồm cả trường hợp nợ không có khả năng thu hồi hoặc mô hình kinh doanh tiềm ẩn rủi ro hoặc hội đồng quản trị, hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) vi phạm pháp luật”.
Điều 10 dự thảo luật về thẩm quyền của NHNN đối với TCTD yếu kém quy định trong trường hợp cần thiết, NHNN cho vay tái cấp vốn, cho vay đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản chi trả cho người gửi tiền là cá nhân. Tuy nhiên, quy định như vậy là quá hạn hẹp vì tiền từ cho vay tái cấp vốn, cho vay đặc biệt còn cần để giải quyết các nghĩa vụ nợ khác rất cấp bách và chính đáng, với chủ nợ không phải là người gửi tiền cá nhân, ví dụ thậm chí là nhà thầu cung ứng vật tư, máy móc chuyên dụng mà TCTD còn nợ đọng vì mất khả năng chi trả.
Điều 20 Dự thảo Luật về các biện pháp hỗ trợ tài chính có quy định rằng TCTD yếu kém được bán nợ xấu không đủ điều kiện cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC). Nhưng vì VAMC hầu như chỉ thanh toán cho TCTD yếu kém bằng trái phiếu đặc biệt dùng để chiết khấu tại NHNN để lấy “tiền tươi” nên nếu dự thảo không quy định NHNN phải chiết khấu trái phiếu đặc biệt và NHNN không (muốn) làm như vậy thì rốt cuộc TCTD yếu kém cũng không có nguồn tài chính thật, bổ sung cho hoạt động của mình.
Điều 28, về điều kiện mua bắt buộc TCTD yếu kém, có điều kiện là có TCTD đề xuất mua. Dự thảo Luật đã không có quy định để xử lý trường hợp có hơn một TCTD đề xuất mua. Hơn nữa, vì Dự thảo Luật không có quy định bắt buộc TCTD yếu kém hoặc NHNN phải công khai tình trạng yếu kém của TCTD nên không tránh được trường hợp chỉ có những TCTD “thân thiết” với NHNN mới được “rỉ tai” về tình trạng này và được bật đèn xanh cho việc mua bắt buộc.
Điều 36 về biện pháp hỗ trợ đối với TCTD được chỉ định tham gia xử lý TCTD yếu kém, Dự thảo Luật mới chỉ nêu những biện pháp giúp không làm thiệt hại, hoặc giảm thiểu thiệt hại cho TCTD được chỉ định chứ chưa có những biện pháp rõ ràng giúp làm lợi cho TCTD được chỉ định để họ có động lực tích cực xử lý TCTD yếu kém thay vì miễn cưỡng chấp hành lệnh của NHNN.
IV. Kết luận
Dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu đánh dấu một bước tiến mới trong việc tái cơ cấu ngành Ngân hàng hướng đến bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
Dự thảo về cơ bản, các tổ chức tín dụng yếu kém đã được nhận diện và được cơ cấu lại, không để xảy ra đổ vỡ, ngoài tầm kiểm soát, đặc biệt một số TCTD đang nỗ lực tự xử lý nợ xấu.
Chính vì vậy, việc ban hành Luật về cơ cấu lại các TCTD và xử lý nợ xấu cũng là yêu cầu cấp bách của thực tiễn để thực hiện hiệu quả, khả thi việc cơ cấu lại TCTD gắn với xử lý nợ xấu, góp phần tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững, an toàn, hiệu quả của hệ thống TCTD, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Toàn văn Dự thảo Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu 2017.
2. Dự thảo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách đề nghị xây dựng dự án Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
3. Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 - 2015” - Thủ tướng Chính phủ.
THE DRAFT LAW ON RESTRUCTURING AND
SUPPORTING
NON-PERFORMING LOANS: AN INNOVATIVE STEP TO
ACCELERATE THE
RESTRUCTURING PROCESS
OF VIETNAMESE BANKING SYSTEM
Master. DINH TIEU KHUE
Dean of Faculty, Faculty of In service Training Banking Academy
ABSTRACT:
The restructuring process of credit institutions of Vietnam has generally attained considereable achievements after four years of implementing the Decision No. 254/QD-TTg dated March 1st, 2012 and three years of conducting the Decision No. 843/QD-TTg dated May 31st, 2013 of the Prime Minister. However, the implementation of the restructuring process of Vietnamese credit institutions has revealed some shortcomings. Therefore, it is essential for Vietnam to quickly consider the draft Law on Restructuring and Supporting non-performing loans in order to establish a legal framework to radically solve bad debts of weak credit institutions by using viable solutions. These pragmatic solutions are sutiable to mechanisms of the market economy and depending on principles of prudence, ensuring interests of depositors and maintaining the stability of Vietnamese banking system.
Keywords: Credit institutions, solving bad debt, draft Law on Restructuring and Supporting non-performing loans, banks.
Xem toàn bộ ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 04 + 05 tháng 04/2017 tại đây