Bàn về xác định lý do vô hiệu hợp đồng theo pháp luật và thực tiễn tại Việt Nam

ThS. THÂN VĂN TÀI – ThS. NGUYỄN THỊ PHI YẾN (Giảng viên Trường Đại học Luật, Đại học Huế)

TÓM TẮT:

Bài viết làm rõ quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật, việc xác định đúng lý do hợp đồng vô hiệu giữa những trường hợp vô hiệu cụ thể; từ đó, đưa ra những điểm lưu ý đối với việc áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 về vấn đề này.

Từ khóa: lý do vô hiệu, hợp đồng vô hiệu, điều kiện có hiệu lực của hợp đồng.

1. Đặt vấn đề

Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 kế thừa Điều 122 Bộ luật Dân sự năm 2005, xác lập 4 điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung, trong đó có hợp đồng. Về mặt nguyên tắc, khi thiếu một trong các điều kiện có hiệu lực quy định tại Bộ luật Dân sự, thì hợp đồng vô hiệu. Nhưng một yêu cầu căn bản đặt ra, đó là phải xác định đúng lý do vô hiệu, hay nói cách khác, hợp đồng đó thiếu điều kiện có hiệu lực nào. Vô hiệu vì những lý do khác nhau, dẫn tới hệ quả khác nhau, như: xác định chủ thể có quyền khởi kiện, thời hiệu khởi kiện, xác định mức độ lỗi để xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Bài viết sẽ bàn về việc xác định lý do vô hiệu hợp đồng theo quy định của pháp luật và thực tiễn áp dụng trong một số trường hợp nhất định.

2. Vô hiệu do không có năng lực pháp luật và vô hiệu do nội dung, mục đích vi phạm điều cấm của pháp luật/luật

* Văn bản: Điểm a, b Khoản 1 Điều 122 Bộ luật Dân sự 2005 xác lập 2 trong số các điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự, trong đó có hợp đồng, đó là: (i) Người tham gia giao dịch có năng lực hành vi dân sự; (ii) Mục đích và nội dung của giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật, (...). Điều 117 Bộ luật Dân sự năm 2015 thì có sự khác biệt nhất định: (i) Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập; (ii) Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật. Trong đó, cả hai Bộ luật đều không quên cho chúng ta biết thế nào là năng lực pháp luật dân sự, thế nào là điều cấm của pháp luật (hay của luật). Theo đó, năng lực pháp luật dân sự của cá nhân/ pháp nhân là khả năng của cá nhân/pháp nhân có quyền dân sự và nghĩa vụ dân sự (Khoản Điều 14, Khoản 1 Điều 86 Bộ luật Dân sự 2005; Khoản 1 Điều 16, Khoản 1 Điều 86 Bộ luật Dân sự 2015); Điều cấm của pháp luật (hay của luật) là những quy định của pháp luật (hay của luật) không cho phép chủ thể thực hiện những hành vi nhất định (Đoạn 2 Điều 128 Bộ luật Dân sự 2005 và Đoạn 2 Điều 123 Bộ luật Dân sự 2015.

Ví dụ thực tiễn áp dụng: Ngày 01/02/2013, M - Chủ Doanh nghiệp tư nhân Đại An có ký Hợp đồng kinh tế không số.../2013-HTP với Công ty Trách nhiệm hữu hạn BA để thuê đất của công ty BA để kinh doanh xăng dầu. Khi ký hợp đồng, giữa hai bên có trao đổi miệng là bà M tạo điều kiện ưu tiên và rất muốn chuyển nhượng khối tài sản trên cho Công ty BA, nhưng sau nhiều lần trao đổi, đại diện Công ty BA khước từ nhận chuyển nhượng. Từ đó, bà M khởi kiện yêu cầu tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Tòa án cho rằng: Tại thời điểm ký Hợp đồng, Công ty BA chưa được cấp Giấy chứng nhận thành lập doanh nghiệp, theo Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp Công ty do Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư Thành phố H cấp, Công ty BA đăng ký lần đầu vào ngày 06/02/2013. Khoản 1 Điều 14 của Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định về hợp đồng trước đăng ký kinh doanh như sau: “Thành viên, cổ đông sáng lập hoặc người đại diện theo ủy quyền được ký các loại hợp đồng phục vụ cho việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp trước khi đăng ký kinh doanh”. Tại “Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp Công ty TNHH Một thành viên” ngày 30/01/2013 do Sở Kế hoạch Đầu tư Thành phố H cung cấp, thành viên của Công ty BA là cá nhân ông T. Như vậy, khi chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ông T chỉ được ký kết Hợp đồng với tư cách cá nhân để phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên theo Hợp đồng, Công ty BA ký kết với tư cách pháp nhân là trái với quy định pháp luật (…). Từ những cơ sở pháp lý trên, Hợp đồng không tuân theo những quy định của pháp luật, nên không có hiệu lực kể từ thời điểm giao kết.

* Trao đổi: Như vậy, hợp đồng xác lập trước khi doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có là hợp đồng vi phạm điều cấm của pháp luật (hay luật) hay không? Theo chúng tôi, năng lực pháp luật và điều cấm của pháp luật (hay luật), là 2 cấp độ khác nhau thể hiện thái độ của nhà làm luật, đối với sự ứng xử của các bên trong hợp đồng. Nếu hành vi nào đó có mức độ nguy hiểm cao hơn, nhà làm luật sẽ xác lập điều cấm rất minh thị trong luật, chẳng hạn như trong Luật Doanh nghiệp, có Điều 11 liệt kê những điều cấm. Như vậy, nếu việc xác lập hợp đồng rơi vào những điều khoản cấm vừa nêu, hoặc những điều cấm của các luật khác, mới bị coi là vi phạm điều cấm. Đây là cấp độ khước từ quyền mạnh mẽ nhất, mà theo đó, nếu các bên vẫn xác lập hợp đồng thì đó không đơn thuần là một hợp đồng vô hiệu, mà sẽ còn là cơ sở để truy cứu các loại trách nhiệm pháp lý khác như hành chính, hình sự đối với các chủ thể. Còn năng lực pháp luật, có mức độ khước từ quyền nhẹ hơn. Ở đây, một đối tượng nào đó không được thừa nhận tư cách là chủ thể trong một loại quan hệ pháp luật nào đó.

Không tồn tại một quy phạm trong Luật Doanh nghiệp 2005, hay các văn bản khác cấm hành vi cá nhân giao kết hợp đồng nhân danh pháp nhân. Thậm chí, chế định đại diện xác lập cơ chế cá nhân nhân danh pháp nhân giao kết hợp đồng. Tuy nhiên, trong trường hợp này, pháp nhân này chưa được khai sinh, nghĩa là chưa tồn tại, nghĩa là chưa được hưởng các quyền mà Luật Doanh nghiệp 2005 (thời điểm đó) quy định. Nhiệm vụ của Luật Doanh nghiệp chủ yếu là quy định về quyền và nghĩa vụ của những tổ chức được gọi là doanh nghiệp. Khi một chủ thể không là doanh nghiệp thì không được hưởng quyền của doanh nghiệp. Như vậy, được hưởng quyền theo Luật Doanh nghiệp hay không là vấn đề thuộc năng lực pháp luật của pháp nhân. Một đối tượng chưa được thừa nhận là doanh nghiệp thì tất nhiên chưa có quyền giao kết hợp đồng trên cơ sở quyền và nghĩa vụ mà Luật Doanh nghiệp quy định. Trường hợp trên không rơi vào Điều 11 Luật Doanh nghiệp 2005, nên không thể coi là vô hiệu do vi phạm điều cấm của Luật Doanh nghiêp.

Chính vì xác định vô hiệu do vi phạm điều cấm, nên Tòa án vẫn coi bà M là người có quyền yêu cầu tuyên bố vô hiệu hợp đồng. Tuy nhiên, nếu chúng ta xác định vô hiệu do một chủ thể không có năng lực pháp luật doanh nghiệp, thì bà M có nghĩa vụ phải biết về việc đối tác chưa được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hay không? Như vậy, về mặt hệ quả, bà M không thể viện dẫn lý do đó để yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Do Bộ luật Dân sự 2005 không coi năng lực pháp luật dân sự phù hợp là một trong những điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, nên Tòa thường có xu hướng xem hợp đồng đó là vi phạm điều cấm của pháp luật để tuyên vô hiệu và không thực sự hợp lý. Khi áp dụng Bộ luật Dân sự 2015, những trường hợp này cần tuyên bố vô hiệu, do thiếu điều kiện về năng lực pháp luật dân sự phù hợp.

3. Vô hiệu do nội dung, mục đích vi phạm điều cấm của luật và vô hiệu do vi phạm điều kiện về hình thức

* Văn bản: Bộ luật Dân sự 2005 và 2015 đều khẳng định: Hình thức của hợp đồng là điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, nếu pháp luật (hay luật) có quy định.

* Ví dụ thực tiễn áp dụng: Căn nhà 19 đường B, do bà T đứng tên chủ quyền. Năm 2007, bà T thế chấp căn nhà này cho Ngân hàng TMCP V để vay tiền. Do bà T không trả vốn và lãi đúng hạn, nên Ngân hàng đã khởi kiện. Tòa án nhân dân thành phố H xử buộc chủ nhà phải trả cho ngân hàng hơn 31,6 tỉ đồng, nếu không ngân hàng yêu cầu thi hành án (THA) phát mại tài sản thế chấp. Năm 2013, Chi cục Thi hành án dân sự quận 1, thành phố H tổ chức phát mại căn nhà trên. Thi hành án ký hợp đồng giao Công ty TNHH Dịch vụ đấu giá V tiến hành bán đấu giá căn nhà. Việc tống đạt các văn bản có liên quan được thi hành án giao cho thừa phát lại thực hiện. Qua 5 lần đấu giá, từ giá khởi điểm là hơn 42 tỉ đồng và kết thúc vào ngày 29/12/2014 với việc bà B mua được giá 36,2 tỉ đồng. Sau đó, người mua thanh toán đủ tiền và tháng 3/2015 đã được Ủy ban nhân dân sang tên chủ quyền.

Tháng 6/2015, bà T khởi kiện Công ty V ra Tòa án quận 1, thành phố H. Theo đó, bà cho là người mua đã được nhà với giá hời so với thị trường, 36,2 tỉ đồng/54 tỉ đồng. Nay, bà yêu cầu hủy kết quả bán đấu giá trên cùng giấy tờ nhà đã sang tên. Bà đưa ra lý do quy trình thực hiện tổ chức bán đấu giá vi phạm nhiều thủ tục; phiên đấu giá cuối bà không thấy tổ chức bán đấu giá, gọi điện thoại cho chấp hành viên mới biết tổ chức ở 63 Trần Khánh Dư và đến nơi thì đã cuối phiên,…

Tòa nhận định, theo Luật Thi hành án dân sự, thông báo cho cá nhân phải được giao trực tiếp cho người đó ký nhận hoặc điểm chỉ; trường hợp người được thông báo vắng mặt thì thông báo được giao cho một trong số những người thân thích có đủ năng lực hành vi dân sự cùng cư trú với người đó. Trong 5 lần tiến hành thủ tục đấu giá, các văn bản quan trọng như thông báo về việc bán đấu giá, thông báo về việc không có khách hàng đăng ký tham gia đấu giá,... không được giao cho bà T hoặc giao không đúng quy định. Các văn bản này được thừa phát lại giao cho người không phải là người thân thích và đều không cùng nơi cư trú với chủ nhà.

Mặt khác, các biên bản tống đạt thông qua người thứ ba thể hiện sự mâu thuẫn khi cùng một người nhận, nhưng vào những thời điểm khác nhau lại có quan hệ khác nhau với người được thông báo. Những vi phạm trên lặp lại nhiều lần, liên tục trong 5 lần đấu giá đã làm hạn chế nghiêm trọng quyền nhận lại tài sản, quyền yêu cầu định giá lại tài sản của người phải thi hành án. Do đó, Tòa án nhân dân quận 1 cho rằng Công ty V, thi hành án, thừa phát lại đã có vi phạm. Các nguyên tắc công khai, liên tục, khách quan, trung thực, bình đẳng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các bên tham gia trong đấu giá tài sản đã không được đảm bảo. Vì vậy, hợp đồng mua bán tài sản đấu giá giữa Công ty V, chấp hành viên và bà B (người mua trúng đấu giá) là vô hiệu do vi phạm pháp luật[1].

Trao đổi: Ở đây, cần phải phân biệt đâu là nội dung và đâu là hình thức của hợp đồng. Và cách lập luận của Tòa án cho thấy, những hành động của chấp hành viên thuộc yếu tố nội dung của hợp đồng. Theo chúng tôi, những hành động, trình tự, thủ tục mà chấp hành viên phải tiến hành, phải được xem là hình thức của hợp đồng mua bán tài sản (thủ tục đấu giá). Nhiều thế hệ Bộ luật Dân sự chúng ta đều ngụ ý nói đến nội hàm “hình thức của hợp đồng”, như: hành vi cụ thể, văn bản, lời nói, công chứng/chứng thực, đăng ký. Do vậy, những hành động, lời nói của đấu giá viên trước và trong phiên đấu giá, phải được coi là hình thức của hợp đồng mua bán căn nhà.

Tuy vậy, có thể coi chúng là nội dung của hợp đồng dịch vụ đấu giá. Nếu những hành động, lời nói của đấu giá viên rơi vào những hành vi bị cấm của Luật Thi hành án, hay Luật Đấu giá, thì hợp đồng dịch vụ đấu giá mới bị coi là vô hiệu, do vi phạm điều cấm của luật. Nếu không rơi vào điều cấm, mà chỉ vi phạm các quy định thông thường, cần phải coi đấu giá viên (chủ thể cung cấp dịch vụ đấu giá) vi phạm hợp đồng và bên bị vi phạm được quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại, với nghĩa vụ chứng minh thiệt hại thực tế. Nhưng hiện nay, xu hướng coi những vi phạm pháp luật của đấu giá viên là yếu tố thuộc nội dung của hợp đồng, và thậm chí tuyên hợp đồng mua bán tài sản là vô hiệu do vi phạm điều cấm là khá phổ biến. Theo chúng tôi, cần nghiên cứu lại vấn đề này.

4. Vô hiệu do mất năng lực hành vi dân sự hay do không không nhận thức được, hay do thiếu tính tự nguyện

* Văn bản: Bên cạnh quy định các điều kiện có hiệu lực của hợp đồng, Bộ luật Dân sự còn có quy định về một số trường hợp vô hiệu cụ thể. Theo đó, người mất năng lực hành vi dân sự, hay người giao kết hợp đồng trong thời điểm không nhận thức được đều vô hiệu, cụ thể:

- Khi giao dịch dân sự do người mất năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện thì theo yêu cầu của người đại diện của người đó, Tòa án tuyên bố giao dịch đó vô hiệu nếu theo quy định của pháp luật giao dịch này phải do người đại diện của họ xác lập, thực hiện (Điều 130 Bộ luật Dân sự 2005, Điều 125 Bộ luật Dân sự 2015).

- Người có năng lực hành vi dân sự nhưng đã xác lập giao dịch vào đúng thời điểm không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình thì có quyền yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự đó là vô hiệu (Điều 133, Bộ luật Dân sự 2005, Điều 128 Bộ luật Dân sự năm 2015).

* Ví dụ thực tiễn áp dụng: Vào ngày 27/5/2009, bà T có ký kết Hợp đồng tín dụng số 3843/HĐTD với Chi nhánh Ngân hàng huyện TN để vay số tiền 1.000.000.000 đồng, lãi suất vay là 12%/năm, thời hạn vay đến ngày 21/03/2011, mục đích vay để nuôi gà. Tài sản đảm bảo cho khoản nợ vay là diện tích đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên bà T) và tài sản gắn liền với đất theo hợp đồng thế chấp quyền sử dụng và tài sản gắn liền đất số 3843/HĐTC ngày 27/5/2009. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, phát sinh tranh chấp, nên Ngân hàng đã khởi kiện yêu cầu bên vay thực hiện nghĩa vụ. Tại Tòa, bị đơn và luật sư yêu cầu Tòa án tuyên hợp đồng trên vô hiệu do diện tích đất 27.300 m2 thuộc quyền sử dụng của hộ ông H, nhưng tại thời điểm ký kết các hợp đồng thế chấp, ông H mới đi viện về, ông H bị bại não, bị liệt nửa người, nên không đủ năng lực để ký kết hợp đồng. Lập luận của Tòa án cho rằng, ý kiến của luật sư, bị đơn cho rằng, “tại thời điểm ký kết hợp đồng, ông Hải bị bệnh tai biến không đủ năng lực hành vi dân sự, nên hợp đồng thế chấp bị vô hiệu và tuyên Hợp đồng thế chấp cùng số 3843/HĐTC ngày 27/5/2009 vô hiệu là có phần phù hợp[2].

* Trao đổi: Ở góc độ văn bản, năng lực hành vi dân sự được xác lập tự động, nghĩa là một cá nhân đủ 18 tuổi trở lên, được suy đoán là có năng lực hành vi dân sự đầy đủ[3]. Còn một người đã đủ 18 tuổi, nhưng không được coi là có năng lực hành vi đầy đủ, khi: Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực tuyên bố họ mất năng lực hành vi theo Điều 22, hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự theo Điều 23 (đối với Bộ luật Dân sự 2005); đối với Bộ luật Dân sự, ngoài 2 trường hợp trên, còn loại trừ trường hợp bị Tòa án tuyên họ có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo Điều 23. Như vậy nghĩa là, cơ chế mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự (hay cơ chế khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi theo Bộ luật Dân sự 2015) không phải cơ chế tự động mà dựa trên quyết định của Tòa.

Từ những phân tích trên cho thấy, hợp đồng thế chấp trên nếu có chứng cứ chứng minh ông H không có khả năng nhận thức, cần phải tuyên vô hiệu do thiếu khả năng nhận thức theo Điều 133 Bộ luật Dân sự 2005, vì ông chưa bao giờ bị Tòa án tuyên mất, hay hạn chế năng lực hành vi dân sự. Nếu cho rằng vô hiệu do ông H mất năng lực hành vi dân sự, thì nghĩa là ông H không được phép khởi kiện. Tranh chấp nêu trên do Ngân hàng khởi kiện, nhưng giả thuyết đặt ra nếu ông H khởi kiện, chúng ta không thể thừa nhận quyền của một người khởi kiện, mà người đó đã mất năng lực hành vi dân sự. Như vậy, có thể thấy, quan niệm coi ông H mất năng lực hành vi dân sự không chỉ không thống nhất với nguyên tắc suy đoán “người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”, mà còn rất khó giải thích, có khả năng phủ nhận quyền khởi kiện của ông H.

Do Bộ luật Dân sự năm 2015 còn quy định cơ chế xác lập một người có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi của mình dựa trên quyết định của Tòa án, mà không phải xác lập trực tiếp từ pháp luật như Bộ luật Dân sự năm 2005. Cho nên, nếu tranh chấp này phát sinh khi áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015, theo chúng tôi, cũng không thể tuyên bố hợp đồng vô hiệu do chủ thể mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự, cũng như không thể vô hiệu do chủ thể có khó khăn trong nhận thức. Vì như đã nêu, chưa có quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật tuyên bố họ là người có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi trước thời điểm giao kết hợp đồng. Tuy vậy, có thể hợp đồng này sẽ vô hiệu do thiếu điều kiện về tính tự nguyện. Tính tự nguyện nghĩa là tự do biểu đạt, hành động, tự do quyết định giao kết hay không giao kết hợp đồng. Nó là kết quả của tự do ý chí. Cho nên, khi không nhận thức được, ảnh hưởng tới ý chí, tất nhiên ảnh hưởng tới tự do hành động. Như vậy, quan niệm coi ông H mất năng lực hành vi dân sự không chỉ không thống nhất với nguyên tắc suy đoán “người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ”, mà còn rất khó giải thích, có khả năng phủ nhận quyền khởi kiện của ông H.

5. Kết luận

Từ những phân tích trên, theo chúng tôi, cần lưu ý một số vấn đề khi áp dụng Bộ luật Dân sự năm 2015 về xác định lý do hợp đồng vô hiệu, cụ thể:

  1. Đối với những trường hợp, chủ thể hợp đồng không được pháp luật đề cập với tính chất là chủ thể của quyền nào đó bằng những cách thức diễn đạt khác nhau, cần xem xét tuyên hợp đồng vô hiệu, với lý do chủ thể đó không có năng lực pháp luật ở lĩnh vực đó. Chỉ khi chủ thể của hợp đồng thực hiện một hành vi nào, giao vật nào đó, là đối tượng của hợp đồng rơi vào những hành vi bị luật cấm một cách minh thị, mới tuyên bố vô hiệu do nội dung hợp đồng vi phạm điều cấm của luật.
  2. Hợp đồng vô hiệu do nội dung vi phạm điều cấm của luật và do thiếu điều kiện về hình thức đôi lúc cũng rất dễ bị nhầm lẫn. Đặc biệt, chúng ta nên coi việc thực hiện không đúng trình tự, thủ tục của đấu giá viên là nội dung của hợp đồng dịch vụ đấu giá, còn trong quan hệ với hợp đồng mua bán tài sản bằng thủ tục đấu giá, nó chỉ đóng vai trò là hình thức của hợp đồng. Do vậy, hợp đồng mua bán tài sản thông qua đấu giá chỉ có thể vô hiệu với lý do hợp đồng chính của nó, là hợp đồng dịch vụ đấu giá vô hiệu. Theo đó, cần yêu cầu tuyên bố hợp đồng dịch vụ đấu giá vô hiệu, nếu việc thực hiện không đúng trình tự của công chứng viên vi phạm điều cấm của luật. Nếu chỉ vi phạm những điều khoản thông thường của Luật, không dẫn tới vô hiệu cả 2 hợp đồng nói trên.
  3. Tại thời điểm giao kết hợp đồng, một bên không có khả năng nhận thức và điều khiển hành vi, chúng ta nên dựa vào hoàn cảnh cụ thể để xác định lý do hợp đồng vô hiệu. Nếu trước đó, chủ thể đã có một quyết định của Tòa án tuyên bố mất, hạn chế năng lực hành vi dân sự, hay tuyên bố là chủ thể có khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi thì tuyên bố vô hiệu theo quyết định của Tòa án. Trường hợp chưa có quyết định vừa nêu, cần vận dụng điều kiện về tính tự nguyện để tuyên bố hợp đồng vô hiệu.

 

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

[1] Hoàng Yến (2017). Hủy kết quả đấu giá căn nhà hàng chục tỷ đồng, http://plo.vn/phap-luat/huy-ket-qua-dau-gia-can-nha-hang-chuc-ti-dong-712864.html.

[2] Tòa án nhân dân tỉnh DN, Bản án số 20/2014/KDTM-PT ngày 20/4/2017

[3] - Điều 19 Bộ luật Dân sự 2005: Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 và Điều 23 của Bộ luật này.

- Điều 20 Bộ luật Dân sự 2015: Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại các điều 22, 23 và 24 của Bộ luật này.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Quốc hội (2005). Luật Doanh nghiệp. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  2. Quốc hội (2005). Bộ Luật Dân sự. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  3. Quốc hội (2014). Luật Doanh nghiệp. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  4. Quốc hội (2015). Bộ luật Dân sự. Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
  5. Tòa án Nhân dân tỉnh DN (2014). Bản án kinh doanh thương mại phúc thẩm số 20/2014/KDTM-PT.
  6. Hoàng Yến (2017). Hủy kết quả đấu giá căn nhà hàng chục tỷ đồng, http://plo.vn/phap-luat/huy-ket-qua-dau-gia-can-nha-hang-chuc-ti-dong-712864.html.

 

DISCUSSION ABOUT THE DETERMINATION OF VOID CONTRACTS

BY LAW AND PRACTICES IN VIETNAM

Master. THAN VAN TAI – Master. NGUYEN THI PHI YEN

University of Law, Hue University

ABSTRACT:

This paper clarifies provisions on the determination whether a contract is void or not. The paper also analyzes the implementation of these provisions into practice to determine a void contract via specific void contract cases. The paper highlights some notes on the implementation of the 2015 Civil Code on this issue.

Keywords: invalid reason, invalid contract, conditions of effectiveness.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 12, tháng 5 năm 2021]