Phát biểu tại tọa đàm “Giải bài toán bảo vệ bản quyền cho ngành công nghiệp âm nhạc - điện ảnh - truyền hình số” diễn ra ngày 26/9, ông Vũ Kiêm Văn, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký Hội truyền thông số Việt Nam (VDCA) cho biết, vấn đề bảo vệ bản quyền nội dung, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số hiện nay đang gặp rất nhiều thách thức.
Lỗ hổng của bảo vệ bản quyền số
Trong bối cảnh phân phối nội dung kỹ thuật số đang diễn ra cực kỳ sôi động, sự phát triển nhanh chóng của các nền tảng truyền hình OTT (Over-The-Top) và các nhà phát hành phim trực tuyến đã đưa người dùng tới một thời kỳ tiêu thụ nội dung giải trí hoàn toàn mới mẻ. Sự thuận tiện trong việc truy cập phim, chương trình truyền hình và sự kiện âm nhạc trực tiếp trên các thiết bị đã làm biến đổi cách khán giả tương tác với nội dung.
Các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình OTT tại Việt Nam và các hãng phát hành phim trực tuyến như Netflix, Hulu, và Hotstar đã trở thành những nhân tố quan trọng trong hệ sinh thái giải trí Internet khi đáp ứng nhu cầu nội dung không giới hạn. Vì vậy, việc đảm bảo tính toàn vẹn và độc quyền cho các nội dung phát hành đã trở thành một vấn đề quan trọng và là bài toán mà các nhà sở hữu và phát hành nội dung ngày càng coi trọng.
“Tuy nhiên, cuộc cách mạng số hóa này cũng mang đến những thách thức chưa từng có trong việc bảo mật và bảo vệ bản quyền nội dung, yêu cầu ra đời các giải pháp mới để bảo vệ nội dung khỏi hàng loạt các rủi ro về xâm hại bản quyền”, ông Văn bày tỏ.
Theo ông Phạm Hoàng Hải, Giám đốc Trung tâm bản quyền Nội dung số, Cục Phát thanh - Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT), Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), việc ngăn chặn vi phạm bản quyền được cơ quan chức năng nỗ lực xử lý xong vẫn gặp không ít khó khăn.
“Các biện pháp chặn tên miền cũng đã được thực thi tại Việt nam; các giải pháp quản lý quyền kỹ thuật số (DRM) như Widevine, FairPlay và PlayReady đã được triển khai để ngăn chặn truy cập và phân phối trái phép, nhưng các giải pháp bảo vệ bản quyền hiện tại vẫn chưa đủ sức bảo vệ và cần một phương pháp đa chiều để giải quyết các rủi ro đang hiện hữu. Đặc biệt, vấn đề mà các nhà cung cấp nội dung đối mặt trong lỗ hổng DRM trước hết là việc lợi dụng sự giả mạo gói tin để đánh lừa máy chủ ủy quyền (License Server) và qua mặt việc xác thực cấp quyền lấy nội dung cho các tài khoản không đủ tin cậy”, ông Hải cho hay.
Bên cạnh những lỗ hổng của DRM, các nhà cung cấp truyền hình OTT và các hãng phát hành trực tuyến phải đối mặt với một loạt các rủi ro khác đòi hỏi các giải pháp bảo vệ bản quyền toàn diện như: Việc dùng thiết bị quay màn hình để phát lại hay vấn đề khai thác các mạng riêng ảo (VPN) để né tránh hạn chế địa lý, cho phép truy cập nội dung từ quốc gia này phân phối nội dung trái phép tại một quốc gia khác...
Ứng dụng công nghệ tạo “lá chắn” trong bảo vệ bản quyền
Theo các chuyên gia, với môi trường phân phối nội dung ngày càng rộng lớn và vấn đề vi phạm bản quyền nội dung số ngày càng phức tạp, đối mặt với các mối đe dọa kỹ thuật số đa dạng là vấn đề sẽ tồn tại trong môi trường kỹ thuật số, bên cạnh những chính sách điều hành, quản lý, yếu tố công nghệ cũng sẽ đóng vai trò rất quan trọng.
Một trong những giải pháp công nghệ được giới chuyên gia đánh giá là tạo ra “lá chắn” toàn diện hơn trong việc bảo vệ bản quyền nội dung số là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Đây được xem là giải pháp đổi mới vượt xa các hạn chế của các giải pháp truyền thống, cung cấp một cơ chế phòng thủ linh hoạt và tích cực, chủ động phát hiện và thông báo các nguy cơ vi phạm bản quyền.
Các thuật toán trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến có thể phát hiện và rà soát mọi hoạt động trao đổi dữ liệu trong quá trình phân phối nội dung trên internet. Giải pháp này đã được các tập đoàn sáng tạo nội dung số lớn trên thế giới triển khai, trong đó có YouTube với hệ thống ContentID biến hãng này thành một “cỗ máy” kiếm tiền hàng đầu trong ngành công nghiệp sáng tạo.