Tóm tắt:
Quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Việt Nam đã và đang mang lại nhiều thời cơ, thuận lợi để phát triển đất nước, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ, thách thức khó lường đối với sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, nhất là đối với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói chung và công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng nói riêng. Bài viết phân tích những cơ hội và thách thức, từ đó đưa ra những giải pháp căn cốt để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Từ khóa: nền tảng tư tưởng, bảo vệ nền tảng tư tưởng, hội nhập quốc tế.
1. Nhận diện cơ hội và thách thức của hội nhập quốc tế
Hội nhập quốc tế là một quá trình tất yếu, có lịch sử phát triển lâu dài và có nguồn gốc, bản chất xã hội của lao động và sự phát triển văn minh của quan hệ giữa con người với con người. Trong xã hội, con người muốn tồn tại và phát triển, phải có mối liên kết chặt chẽ với nhau.
Với cách tiếp cận như vậy, hội nhập quốc tế được hiểu là quá trình liên kết, gắn kết giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ với nhau thông qua việc tham gia các tổ chức, thiết chế, cơ chế, hoạt động hợp tác quốc tế vì mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia, vùng lãnh thổ đó và nhằm tạo thành sức mạnh tổng hợp để giải quyết những vấn đề chung mà các bên cùng quan tâm. Vì vậy, những thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức luôn đan xen nhau trong từng bối cảnh lịch sử của thế giới, trong đó có cả những tác động bất lợi đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đến công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Hiện nay, quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, diễn ra trên nhiều lĩnh vực cùng với sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức, điển hình là cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã và đang là cơ hội, lthời cơ để Việt Nam đón bắt, tranh thủ tận dụng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Có thể nhận thấy những cơ hội Việt Nam có được khi tham gia vào quá trình hội nhập là: 1) Sự phát triển của những xu thế lớn trên thế giới, nhất là xu thế hòa bình, hợp tác, phát triển, hội nhập quốc tế tạo cơ hội cho Việt Nam giữ vững ổn định để phát triển đất nước; 2) Quá trình hội nhập giúp cho Việt Nam có cơ hội được hợp tác, giao lưu, tìm kiếm, tiếp thu những thành tựu tiên tiến, hiện đại của khoa học - công nghệ, từ đó tạo nguồn lực và những bước đệm vững chắc để chúng ta phát triển kinh tế; 3) Quá trình hội nhập còn giúp cho Việt Nam có điều kiện để tiếp cận, tiếp thu, chắt lọc những giá trị tinh hoa của nhân loại, tiếp tục phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và trong xây dựng con người xã hội chủ nghĩa; 4) Đó là cơ hội để chúng ta phát triển kinh tế, giữ vững ổn định chính trị trong nước qua đó khẳng định vị thế của Việt Nam với bạn bè quốc tế, khẳng định quan điểm, lập trường hòa bình, hữu nghị khi thiết lập quan hệ ngoại giao với các quốc gia, tổ chức lớn trên thế giới; 5) Những thành tựu to lớn của hơn 30 năm đổi mới đã tạo cho chúng ta những nguồn lực bền vững, nền tảng và tạo ra những động lực quan trọng cho việc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đưa Việt Nam vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội mà chúng ta có được, quá trình tham gia hội nhập quốc tế cũng tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ và thách thức. Vấn đề này đã được Đảng ta chỉ ra ngay trong Văn kiện Đại hội XIII: “Tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó dự báo. Hòa bình, hợp tác, liên kết để phát triển vẫn là xu thế lớn nhưng chủ nghĩa dân tộc cực đoan, xung đột cục bộ, sắc tộc, tôn giáo, tranh chấp lãnh thổ, tài nguyên là những thách thức lớn đe dọa sự ổn định và phát triển ở một số khu vực, quốc gia. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn gia tăng, đi kèm theo đó là sự điều chỉnh chiến lược, chính sách ở nhiều quốc gia, tập hợp lực lượng ngày càng linh hoạt, phức tạp. Châu Á - Thái Bình Dương tiếp tục là trung tâm phát triển năng động hàng đầu trên thế giới. Tình hình Biển Đông diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định của khu vực và môi trường đầu tư phát triển”. (Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XIII, tập 1, 2, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021. tr.87,88).
Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng đã giúp đất nước ta có những bước phát triển vượt bậc, nhưng mặt trái của nó lại khiến cho một bộ phận cán bộ, đảng viên tha hóa về lối sống, phai nhạt lý tưởng, chạy theo lối sống thực dụng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, làm mất niềm tin của người dân vào đội ngũ đảng viên, vào đường lối lãnh đạo của Đảng.
Trước những thời cơ và thách thức của quá trình hội nhập quốc tế, để bảo vệ được thành quả, khắc phục được những nguy cơ trên, trong quá trình xây dựng và bảo vệ Đảng, một trong những nhiệm vụ then chốt đó là phải tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong mọi hoàn cảnh.
2. Các vấn đề cơ bản trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Nền tảng tư tưởng của Đảng là những quan điểm, hệ thống tri thức lý luận cũng như thái độ, sự nhìn nhận, đánh giá đối với hiện thực khách quan một cách khoa học, đúng đắn. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là vấn đề nguyên tắc, là một trong những quan điểm cơ bản, trọng yếu, xuyên suốt và bao trùm trong hệ thống quan điểm lý luận của Đảng, liên quan trực tiếp đến hệ tư tưởng của Đảng, của chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta. Đồng thời, là vấn đề hệ trọng đầu tiên để giữ vững bản chất của một Đảng cách mạng chân chính, liên quan trực tiếp, quyết định sự thành bại của sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.
Mặt khác, nền tảng tư tưởng của Đảng là một bộ phận quan trọng cấu thành đời sống chính trị, tinh thần, nhân tố văn hóa chính trị hạt nhân, cốt lõi tạo cơ sở, tiền đề quyết định mọi hoạt động xây dựng, sinh hoạt và lãnh đạo của Đảng. Một khi nền tảng tư tưởng của Đảng thay đổi, tất yếu dẫn tới sự thay đổi mục tiêu, lý tưởng, nguyên tắc tổ chức, phương hướng hoạt động chính trị.
Trong bối cảnh Việt Nam hội nhập quốc tế sâu, rộng như hiện nay, các thế lực thù địch xác định, để thực hiện mục tiêu chống phá, vô hiệu hóa vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, vấn đề quan trọng hàng đầu là phải tập trung mũi nhọn để tấn công nhằm phá vỡ nền tảng tư tưởng của Đảng; chúng không ngừng lợi dụng bối cảnh hội nhập quốc tế để ráo riết thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình” chống phá cách mạng Việt Nam. Để thực hiện âm mưu đó, chúng luôn tận dụng tối đa các phương tiện truyền thông, internet, phát triển thêm nhiều trang mạng xã hội và blog; triệt để lợi dụng các yếu kém trong quản lý, phát triển kinh tế, xã hội của Nhà nước, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của một bộ phận cán bộ đảng viên,... để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc, thù địch, đòi phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, những thành tựu cách mạng, thành quả phát triển đất nước và các chủ trương, đường lối lãnh đạo, quản lý đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta; kích động chia rẽ nội bộ, nói xấu cán bộ, hòng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước, thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. hoạt động chống phá các thế lực thù địch ngày càng tinh vi, phức tạp.
Không những vậy, hiện nay, “diễn biến hòa bình” đã có những biểu hiện mới cả về chủ thể tiến hành, phương thức, nội dung, mục tiêu… đã phát triển đến đỉnh cao, đến mức có thể coi là một “công nghệ”, đó là “công nghệ lật đổ”, với rất nhiều kịch bản khác nhau.
3. Giải pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong bối cảnh hội nhập quốc tế
Đứng trước những diễn biến khó lường của các thế lực thù địch, lợi dụng quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam để xuyên tạc, phủ nhận, bôi đen nền tảng tư tưởng của Đảng ta, để bảo vệ nền tảng tư tưởng trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta cần thực hiện những giải pháp căn cốt sau:
Thứ nhất, cần phải nhận thức sâu sắc bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Muốn bảo vệ được nền tảng tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta phải nhận thức đúng được bản chất của tư tưởng đó, còn nếu nhận thức lơ mơ, không đến nơi, đến chốn, nhận thức nửa vời, không hiểu được bản chất thì không thể bảo vệ được. Đó là nguyên tắc. Để nhận thức sâu sắc được bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chúng ta phải thấu triệt những nội dung sau:
Một là, tính cách mạng, khoa học của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Bản chất cách mạng, khoa học thể hiện từ sự ra đời của chủ nghĩa Mác- Lênin. Trước hết là ba tiền đề cho sự ra đời của chủ nghĩa Mác: Tiền đề kinh tế; Tiền đề chính trị - xã hội; Tiền đề khoa học và lý luận. Mác và Ănghen đã phân tích các sự kiện trên, kế thừa và phát triển những nhân tố khoa học, tiến bộ để sáng lập nên học thuyết cách mạng, khoa học cho giai cấp vô sản. Trong đó, chứng minh về sự sụp đổ tất yếu của chủ nghĩa tư bản và sự quá độ lên chủ nghĩa xã hội; làm rõ vai trò và sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân; chỉ ra cho giai cấp công nhân con đường đấu tranh để giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại ra khỏi áp bức, bóc lột, xây dựng một chế độ xã hội tốt đẹp. Lênin đã vận dụng sáng tạo và phát triển chủ nghĩa Mác để giải quyết những vấn đề cách mạng vô sản trong điều kiện mới: phân tích mâu thuẫn trong xã hội tư bản; về vai trò cách mạng của các nước; về phong trào cách mạng vô sản; về chính quyền xô viết; về khoa học và kỹ thuật; về phát triển lực lượng sản xuất; về giải phóng dân tộc với giải phóng giai cấp... Sau khi Lênin mất, chủ nghĩa Mác - Lênin tiếp tục được phát triển và trở thành nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hoạt động của các đảng cộng sản và phong trào cách mạng quốc tế với các nội dung cốt lõi. Học thuyết về sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân đã chỉ rõ giai cấp công nhân là người lãnh đạo cuộc đấu tranh để lật đổ chế độ tư bản, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Hai là, chủ nghĩa Mác - Lênin chỉ ra mục tiêu và con đường giải phóng giai cấp, giải phóng nhân loại.
Luận giải vai trò của triết học trong đấu tranh giai cấp: Mác đã chỉ ra những thiếu sót căn bản của các nhà triết học trước đó, hình thành lý luận triết học khoa học về cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân. Theo Mác, nhiệm vụ của triết học là cải tạo thế giới, thực tiễn xã hội có vai trò quyết định đối với lý luận trong việc nhận thức và cải tạo thế giới (tính chất duy vật). Cuộc đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân là một thực tiễn sinh động đề hình thành lý luận về đấu tranh giai cấp, tiến bộ xã hội.
Ba là, sự thống nhất hữu cơ giữa thế giới quan và phương pháp luận.
Sự thống nhất giữa thế giới quan khoa học và phương pháp biện chứng làm cho con người hiểu rõ bản chất của thế giới tự nhiên, xã hội và tư duy vận động, biến đổi theo những qui luật khách quan: thông qua thực tiễn, con người có thể nhận thức, giải thích và cải tạo thế giới. Sự thống nhất đó đã đưa chủ nghĩa Mác- Lênin trở thành một hệ thống lý luận mang tính cách mạng và tính khoa học sâu sắc.
Bốn là, chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết mở.
Mang bản chất khoa học, nên chủ nghĩa Mác- Lênin không phải là một hệ thống các nguyên lý giáo điều, bất biến mà gắn với quá trình phát triển của tri thức nhân loại và phong trào cách mạng trên thế giới. Chủ nghĩa Mác - Lênin là một học thuyết mở. Vì vậy, nó không bao giờ là một học thuyết lý luận cứng nhắc và giáo điều.
Năm là, về tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là ngọn đuốc soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành được thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta.
Nội dung tư tưởng Hồ Chí Minh bao gồm các vấn đề về: giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thực sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phong toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân.
Thứ hai, kiên định, vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Khi đã thấu hiểu được bản chất của tư tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí mình, chúng ta phải kiên định với tư tưởng đó, không được dao động, không được lung lay ý chí trước những lời lẽ của các thế lực và biết vận dụng tư tưởng đó vào thực tiễn của đất nước, xây dựng đất nước ngày một tốt đẹp hơn. Đó là một cách để chứng minh cho những thế lực thù địch thấy được về tính đúng đắn, tính khoa học chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và đường lối, chiến lược chính sách của Đảng và Nhà nước. Qua đó, tạo dựng được uy tín, vị thế của Việt Nam trên đấu trường quốc tế.
Để kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đồng thời giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng, toàn Đảng cần tập trung thực hiện một số giải pháp cơ bản sau:
Một là, trong mọi thời điểm, mọi hoàn cảnh đều phải kiên định, nghiên cứu và vận dụng sáng tạo, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với bối cảnh mới của tình hình thế giới và trong nước, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; coi đó “là nội dung quan trọng hàng đầu của công tác xây dựng Đảng về mặt tư tưởng, vừa có vai trò nền tảng, vừa có vị trí then chốt trong tình hình hiện nay”. Tăng cường và đổi mới việc nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, để không chỉ nhận thức sâu sắc mà quan trọng hơn là bổ sung, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với yêu cầu của thực tiễn, gắn với tổng kết thực tiễn và vận dụng vào thực tiễn, phù hợp điều kiện của Việt Nam.
Hai là, chú trọng công tác tư tưởng, gắn thực hiện các cuộc vận động về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới” trên cơ sở quán triệt sâu sắc, vận dụng đúng đắn, sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn Việt Nam; tiếp tục làm cho toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân nhận thức ngày càng đầy đủ hơn, sâu sắc hơn những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thật sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc trong Đảng và trong xã hội.
Ba là, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và đấu tranh phản bác có hiệu quả, kịp thời các quan điểm sai trái, thù địch, với các hình thức đa dạng, phong phú để bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng.
Bốn là, xây dựng, đào tạo và phát triển đội ngũ cán bộ lý luận về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh có trình độ chuyên môn chuyên sâu, có năng lực nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn. Trong đó, chú trọng đào tạo đội ngũ chuyên gia đầu ngành có bản lĩnh chính trị vững vàng, tư duy sáng tạo và trình độ lý luận cao, am hiểu tình hình thế giới và trong nước, có năng lực vận dụng lý luận vào thực tiễn; gắn lý luận với thực tiễn, nghiên cứu và tổng kết thực tiễn tốt để không chỉ chứng minh tính đúng đắn, khoa học của chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, mà còn bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Năm là, mỗi cán bộ, đảng viên tiếp tục học tập nâng cao trình độ về mọi mặt để có đủ năng lực nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc và có hệ thống những di sản tư tưởng, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh nhằm nâng cao về nhận thức, trình độ, bản lĩnh chính trị, năng lực tư duy... Từ đó, giúp mỗi cán bộ, đảng viên hiểu đúng, sâu sắc và tin tưởng vững chắc vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vận dụng vào quá trình công tác và thực tiễn cuộc sống để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và góp phần tuyên truyền bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đấu tranh với các luận điệu sai trái, phản động của các thế lực thù địch, cơ hội.
Thứ ba, giữ vững độc lập tự chủ và định hướng xã hội chủ nghĩa.
Nhận thức của Đảng ngày càng sáng rõ quá trình hội nhập quốc tế là quá trình vừa hợp tác, vừa đấu tranh nên hội nhập quốc tế càng mở rộng và đi vào chiều sâu, càng phải kiên quyết bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế chính là xử lý linh hoạt mọi tình huống, không để rơi vào thế bị động, đối đầu; hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi; các bước đi trong hội nhập quốc tế cần được dự liệu đúng đắn phù hợp với điều kiện thực tế ở bên ngoài và nguồn lực bên trong của đất nước.
Đảng ta xác định độc lập, tự chủ là cơ sở, điều kiện, tiền đề để chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Có độc lập, tự chủ mới quyết định đúng lộ trình, bước đi, cách thức, nội dung, biện pháp, đối tác, các lĩnh vực hội nhập quốc tế. Quan điểm và chính sách liên quan tới độc lập, tự chủ của Đảng ta luôn được cụ thể hóa, bổ sung và phát triển theo sự chuyển biến của tình hình trong nước và quốc tế. Điều đó đã mở đường cho quá trình hội nhập quốc tế của nước ta ngày càng sâu rộng, phục vụ thiết thực và hiệu quả cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
4. Kết luận
Hội nhập quốc tế là một yêu cầu tất yếu khách quan, cơ hội thuận lợi để huy động nguồn lực bên ngoài cho phát triển kinh tế - xã hội trong nước, là điều kiện cho việc củng cố môi trường hòa bình, ổn định để phát triển, trên cơ sở đó góp phần giữ vững độc lập, tự chủ. Song hành với quá trình đó, bảo vệ Đảng trước những tấn công của các thế lực thù địch là một vấn đề cốt tử, luôn luôn được đặt ra với toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta. Đó là một vấn đề hết sức cấp thiết, cần phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và thực chất thì công tác bảo về nền tảng tư tưởng mới thực sự có hiệu quả.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2016). Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XII. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Đảng Cộng sản Việt Nam (2021). Văn kiện Đại hội Đại biểu lần thứ XIII, tập 1, 2. Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
- Hội đồng Lý luận Trung ương (2018). Phê phán các quan điểm sai trái, xuyên tạc cuộc đấu tranh chống suy thoái về tư tưởng chính trị, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” về chính trị trong Đảng. Nxb Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội.
Protecting the Communist Party of Vietnam’s ideological foundation in the context of international integration
Ph.D Dao Ngoc Tuan
Faculty of Political Theory, Hanoi Law University
ABSTRACT:
Vietnam's increasingly deep and broad international integration process has brought many opportunities and advantages for the country's development. However, this process also posed many potential risks and unpredictable challenges for the socialism development in Vietnam, especially for the work of building and rectifying the Communist Party of Vietnam in general and the work of protecting the ideological foundation in particular. This paper identified opportunities and challenges, and proposed solutions to protect the Party's ideological foundation in the context of Vietnam’s international integration.
Keywords: ideological foundation, protecting ideological foundation, international integration.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 3 tháng 2 năm 2024]