Bảo vệ người tiêu dùng theo pháp luật một số nước trên thế giới - bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Bài báo Bảo vệ người tiêu dùng theo pháp luật một số nước trên thế giới - bài học kinh nghiệm cho Việt Nam Võ Minh Nhạc (Cơ sở cai nghiện ma túy tỉnh Bạc Liêu) thực hiện.

TÓM TẮT:

Bài viết phân tích một số khái niệm về người tiêu dùng, phân tích những ưu điểm của Luật Bảo vệ người tiêu dùng của một số nước trên thế giới như CHDCND Lào và CHND Trung Hoa. Trên cơ sở đó, đưa ra các hạn chế trong quy định pháp luật của Việt Nam và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam, đồng thời kiến nghị nhằm hoàn thiện Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: bảo vệ người tiêu dùng, chất lượng hàng hóa, dịch vụ cung ứng, nguy cơ rủi ro.

1. Đặt vấn đề

Người tiêu dùng, trước hết là con người, họ có quyền được bảo vệ tính mạng, sức khỏe, tài sản… và còn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế mỗi quốc gia. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy trong các mối quan hệ với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh - nói cách khác là trong quan hệ tiêu dùng, họ luôn ở trạng thái yếu thế hơn. Đó là tình trạng bất cân xứng về hiểu biết thông tin, kiểm tra chất lượng hàng hóa, các khuyết tật, các rủi ro liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng đàm phán, ký kết hợp đồng… Chính vì thế, người tiêu dùng luôn có nguy cơ gánh chịu rủi ro, thiệt hại trong quan hệ tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ. Ở CHDCND Lào, sau hơn 10 năm thi hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng (năm 2010), vấn đề bảo vệ người tiêu dùng được đánh giá còn hạn chế, như: quá trình xây dựng luật còn cứng nhắc và nhà làm luật chưa tính tới những đặc thù riêng trong các quy định pháp luật của Lào; các phương thức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa đạt yêu cầu, cho nên tỉ lệ tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân từ năm 2017 - 2020 tăng 25% so với giai đoạn năm 2013 - 2016[1]. Trung Quốc đã ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng (đây là Luật Bảo vệ người tiêu dùng đầu tiên của Trung Quốc) năm 1993 quy định về bảo vệ người tiêu dùng; giúp người tiêu dùng được hưởng những quyền lợi hợp pháp theo quy định của pháp luật cho người tiêu dùng… Tuy nhiên, qua sự phát triển của nền kinh tế, Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 1993 của Trung Quốc cũng cho thấy nhiều điểm không phù hợp với quá trình kinh doanh của nhà kinh doanh, cũng như quá trình mua và sử dụng hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng cũng chưa thực sự được bảo vệ được quyền lợi chính đáng của họ. Chính vì thế, năm 2013, Trung Quốc ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng nhằm sửa đổi mạnh mẽ rất nhiều điểm tiến bộ so với Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 1993.

Từ những kinh nghiệm pháp luật của CHDCND Lào và Trung Quốc, đối chiếu với các quy định của Việt Nam, chúng ta có thể tham khảo những điểm khác biệt mang tính tích cực, từ đó hoàn thiện hơn chế định bảo vệ người tiêu dùng trong thời gian tới.

2. Pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng của Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào

2.1. Khái niệm người tiêu dùng theo pháp luật CHDCND Lào

Nhằm bảo vệ người tiêu dùng, CHDCND Lào ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng (năm 2010) quy định cụ thể chủ thể nào được tham gia các giao dịch mua hàng hóa “người tiêu dùng có nghĩa là cá nhân, pháp nhân hoặc tổ chức mua hoặc sử dụng hàng hóa và dịch vụ hợp pháp mà không có mục đích lợi nhuận”[2]. Đối chiếu với pháp luật Việt Nam lại có khái niệm “người tiêu dùng là người mua hàng hóa, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại”[3]. Từ khái niệm người tiêu dùng của hai nước cho thấy đã khác nhau về câu từ và các luật có liên quan, cũng có khái niệm khác nhau về ngữ nghĩa. Cụ thể, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (năm 2007) của Việt Nam quy định “hàng hóa” là sản phẩm được đưa vào thị trường, tiêu dùng thông qua trao đổi, mua bán, tiếp thị mà sản phẩm là kết quả của quá trình sản xuất hoặc cung ứng dịch vụ nhằm mục đích kinh doanh hoặc tiêu dùng”. Nhìn về hình thức thấy có sự khác biệt, Luật Bảo vệ người tiêu dùng (năm 2023) của Việt Nam chưa đề cập đến tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ cung ứng tới người tiêu dùng. Trong khi đó, Luật Bảo vệ người tiêu dùng (năm 2010) của Lào lại nhấn mạnh tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ và đó là cơ sở pháp lý để áp dụng các chế tài xử lý hành vi cung cấp hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm hoặc hạn chế lưu thông trên thị trường. Tuy nhiên, xét trong tổng thể pháp luật Việt Nam về bảo vệ người tiêu dùng thì sự “khác biệt” này thực chất chỉ ở vấn đề câu chữ. Pháp luật Việt Nam quy định rất cụ thể về danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh theo quy định của Luật Đầu tư (năm 2020). Như vậy, những hàng hóa được kinh doanh thuộc danh mục bị cấm lại được cung ứng cho người tiêu dùng thì đó không phải là “hàng hóa” theo quy định của pháp luật. Ngược lại, người tiêu dùng sử dụng những sản phẩm thuộc danh mục cấm kinh doanh không được coi là sử dụng “hàng hóa” được pháp luật quy định và bảo vệ.

2.2. Một số điểm tích cực về bảo vệ người tiêu dùng theo pháp luật của CHDCND Lào

Từ các khái niệm về bảo vệ người tiêu dùng của Lào và các văn bản có liên quan cho thấy (i) Pháp luật Lào ghi nhận về hành vi mua hoặc sử dụng hàng hóa, dịch vụ được cung cấp, không vì mục đích lợi nhuận tiệm cận với thông lệ quốc tế và quy định của hầu hết các nước trên thế giới về bảo vệ người tiêu dùng; (ii) Luật bảo vệ người tiêu dùng Lào (năm 2010) nhấn mạnh tới tính hợp pháp của hàng hóa, dịch vụ được cung cấp cho người tiêu dùng, là cơ sở pháp lý để áp dụng các chế tài xử lý hành vi cung ứng hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục cấm hoặc hạn chế lưu thông trên thị trường; (iii) So với luật của các nước hầu như liệt kê chi tiết các mục đích sử dụng hàng hóa dịch vụ như: “tiêu dùng, sinh hoạt của cá nhân, gia đình, tổ chức” còn Luật Bảo vệ người tiêu dùng (năm 2010) của Lào lại gom chung một cụm từ “không nhằm mục đích lợi nhuận” có tính chất rất bao quát, hàm chứa các phát sinh pháp lý sau này[4].

3. Pháp luật của Trung Quốc về bảo vệ người tiêu dùng

3.1. Khái niệm “người tiêu dùng” theo pháp luật Trung Quốc

Pháp luật Trung Quốc rất xem trọng các quyền và bảo vệ quyền của người tiêu dùng nên Trung Quốc đã ban hành Luật Bảo vệ người tiêu dùng từ năm 2013. Sau hơn 10 năm ban hành, Luật Bảo vệ người tiêu dùng liên tục được hoàn thiện hơn các quy định bảo vệ người tiêu dùng trong tình mới. Theo đó, “người tiêu dùng là người mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ phục vụ cho cuộc sống tiêu dùng hàng ngày và lợi ích của họ được luật này bảo hộ; hoặc trường hợp luật này chưa có quy định thì những luật có liên quan khác quy định bảo hộ quyền lợi người tiêu dùng”[5]. Từ khái niệm nêu trên cho thấy quy định pháp luật Trung Quốc có sự khác biệt với Luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam. Nếu ở Việt Nam “người tiêu dùng là người mua hàng hóa, sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho mục đích tiêu dùng, sinh hoạt cá nhân, gia đình, cơ quan, tổ chức và không vì mục đích thương mại”[6] thì pháp luật Trung Quốc lại không đưa ra các chủ thể rõ ràng như thế nào được xem là chủ thể của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do đó, có rất nhiều quan điểm khác nhau khi xác định về chủ thể. Ở góc độ kinh tế học, nói đến người tiêu dùng là nói đến đơn vị, tổ chức, vì “tiêu dùng” có thể phân theo hai hướng, tiêu dùng có tính sản xuất và tiêu dùng cho cuộc sống. Có thể hiểu, tiêu dùng sản xuất không chỉ là thương phẩm có tính tiêu hao, mà còn có thể tái sản xuất vật chất hoặc tái phát sinh sức lao động; chủ thể chiếm phần lớn thị trường là tổ chức, đơn vị. Từ góc độ pháp lý, người tiêu dùng chỉ có thể là cá nhân, không bao gồm đơn vị, vì mục đích của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là bảo vệ người tiêu dùng nói chung, hạn chế các hành vi xâm hại đến quyền lợi của người yếu thế - người tiêu dùng. Trong khi các đơn vị, tổ chức cho dù đứng góc độ thực lực kinh tế mà xét có thể nhỏ, nhưng từ khía cạnh tiếp cận của họ đối với các thông tin, tài liệu liên quan đến thương phẩm hoặc dịch vụ lại có sự nắm chắc và đầy đủ về thông tin sản phẩm, dịch vụ. Vì vậy, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần bảo hộ đối tượng kinh tế yếu thế trong xã hội; nếu như tất cả các đoàn thể xã hội và tổ chức đều được xem là người tiêu dùng thì mục đích bảo vệ địa vị người yếu thế phải chăng đã xem nhẹ.

3.2. Một số điểm tích cực về bảo vệ người tiêu dùng theo pháp luật Trung Quốc

Thứ nhất, luật bảo vệ người tiêu dùng Trung Quốc có quy định đầy đủ bao quát có trách nhiệm của chủ thể người kinh doanh đối người tiêu dùng.

Bảo vệ người tiêu dùng theo luật Trung Quốc được quy định tại điều 18 quy định cụ thể “người bán cung cấp xe mô tô, máy tính, ti vi, tủ lạnh, điều hòa, máy giặt… sản phẩm bền hoặc dịch vụ trang trí, sửa chữa,… thì người tiêu dùng kể từ ngày nhận sản phẩm hoặc dịch vụ trong vòng sáu tháng phát hiện khuyết điểm, phát sinh tranh chấp, thì người kinh doanh có trách nhiệm đảm nhận việc đưa ra bằng chứng liên quan đến khuyết điểm”[7]. Qua điều luật này cho thấy với những sản phẩm kỹ thuật, khả năng phát hiện bằng mắt thường rất khó có thể thực hiện, cho nên người tiêu dùng rất khó chứng minh lỗi của nhà sản xuất. Như vậy, việc sửa đổi luật năm 2013 chuyển giao trách nhiệm cho nhà kinh doanh vì nhà kinh doanh mới có đội ngũ và thiết bị để chứng minh hàng hóa xảy ra lỗi như thế nào.

Thứ hai, phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân thực tế hơn.

Theo quy định trước đây, khi xảy ra tranh chấp người tiêu dùng có quyền “khiếu nại” và đến khi Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2013 của Trung Quốc có hiệu lực thi hành thì thay từ “khiếu nại” thành “tố cáo” cho thấy Trung Quốc đã tăng quyền cho người tiêu dùng khi họ gặp khó trong tranh chấp với thương nhân và trong pháp luật Trung Quốc để giải quyết các tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân có các phương thức giải quyết như sau: (i) Thương lượng hòa giải với thương nhân; (ii) Tố cáo với cơ quan hành chính có thẩm quyền; (iii) Đề nghị hiệp hội người tiêu dùng giải quyết; (iv) Giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại và (v) Gửi đơn tố cáo đến tòa án có thẩm quyền, các phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân được nêu cụ thể trong luật, làm cơ sở cho mọi người tiêu dùng khi gặp khó về tranh chấp hoặc dịch vụ cung ứng hàng hóa của thương nhân, thì người tiêu dùng thông qua các hình thức trên để bảo vệ quyền lợi của chính bản thân và tổ chức mình.

4. Bài học khi nghiệm từ các quy định pháp luật của CHDCND Lào, Trung Quốc trong việc hoàn thiện pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam

4.1. Bài học khi nghiệm từ các quy định pháp luật CHDCND Lào trong việc hoàn thiện pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam

Một là, cần bổ sung quy định pháp luật giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mang tính riêng biệt.

Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có điều luật cụ thể quy định các nguyên tắc riêng áp dụng giải quyết tranh chấp tiêu dùng. Việc thực hiện giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng với thương nhân vẫn được thực hiện theo các quy định pháp luật của pháp luật dân sự. Với tính chất phức tạp của loại hình tranh chấp này, việc áp dụng những nguyên tắc chung ít nhiều gây khó khăn và tính triệt để, chi tiết chưa cao. Vì vậy, Việt Nam có thể tham khảo kinh nghiệm của Lào về quy định riêng với các phương thức giải quyết riêng biệt, để khi giải quyết tranh chấp bảo vệ người tiêu dùng hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Hai là, các phương thức giải quyết tranh chấp để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cơ bản pháp luật Việt Nam đã quy định và tiệm cận với thông lệ quốc tế. Tuy nhiên, một số vấn đề Việt Nam nên nghiên cứu bổ sung, sửa đổi để hoàn thiện hơn.

Thứ nhất, về thời gian giải quyết tranh chấp, nên bổ sung thời hạn giải quyết tranh chấp với phương thức giải quyết bằng phương thức hòa giải; cho bên có nghĩa vụ trong biên bản hòa giải thực hiện nghĩa vụ hòa giải của mình.

Thứ hai, Việt Nam nên quy định các thời gian cụ thể trong thực hiện các bước khiếu nại tiêu dùng, có như thế thì căn cứ vào thời gian, các bên có liên quan có trách nhiệm chủ động trong việc thực hiện các bước khiếu nại tiêu dùng của mình. Hiện nay, Việt Nam chưa quy định rõ thời gian các bước thực hiện khiếu nại tiêu dùng trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023.

4.2. Bài học khi nghiệm từ các quy định pháp luật của Trung Quốc trong việc hoàn thiện pháp luật bảo vệ người tiêu dùng ở Việt Nam

Một là, pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của Việt Nam nên có các quy định cụ thể đối với các trường hợp trả lại hàng của người tiêu dùng.

Trong thời buổi kinh tế số, khi phương thức mua sắm trực tuyến đang ngày càng nở rộ việc quy định về các vấn đề liên quan hết sức cần thiết, pháp luật Việt Nam nên chăng phải ban hành các quy định chặt chẽ về vấn đề khiếu nại bằng cách trả lại hàng hóa với phương thức “mua hàng hóa trực tuyến”. Cụ thể: đối với phương thức đặt hàng qua mạng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể trả lại hàng mà không vì bất cứ lý do gì, miễn là đảm bảo được tính hoàn mỹ của sản phẩm, dịch vụ. Ngoài ra, dịch vụ vận chuyển ở Việt Nam hiện nay chưa thực sự phát triển, do đó thời gian được trả lại sản phẩm nên là 20 ngày thay vì 07 ngày như quy định của pháp luật Trung Quốc. Bên cạnh đó, Luật Bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam cũng cần có quy định cụ thể về việc ghi nhãn mác và hướng dẫn sử dụng hàng hóa thật chi tiết để cho mọi người sử dụng có thể thành thạo sử dụng sản phẩm, hàng hóa dịch vụ.

Hai là, hoàn thiện các quy định liên quan đến sản phẩm mang tính kỹ thuật cao và các sản phẩm, dịch vụ có nguy cơ ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người tiêu dùng.

Cần thể chế hóa các quy định về trách nhiệm của người kinh doanh trong việc chứng minh các lỗi kỹ thuật ảnh hưởng đến người tiêu dùng; ban hành các quy định về ghi lại biên lai, hàng hóa chứng từ đối với tất cả các loại hàng hóa thậm chí các hàng hóa sinh hoạt hàng ngày. Quy định việc dán tem niêm yết, truy xuất nguồn gốc cho từng sản phẩm tiêu thụ trên thị trường, nhằm tránh tình trạng bán sai giá, hạ giá, thực tế đã có diễn ra nhưng chưa được xử lý triệt để vi phạm. Theo quy định của Luật Giá năm 2023 thì tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thực hiện công khai thông tin về giá hàng hóa, dịch vụ gắn với thông số kinh tế - kỹ thuật cơ bản của hàng hóa, dịch vụ đó bằng hình thức niêm yết giá. Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc Danh mục hàng hóa, dịch vụ thực hiện bình ổn giá, Danh mục hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh lựa chọn thêm một hoặc một số hình thức như họp báo, đăng tải trên phương tiện thông tin đại chúng hoặc hình thức thích hợp. Bên cạnh đó, cần ban hành các chế tài xử lý các người kinh doanh không thực hiện việc niêm yết giá theo đúng quy định, nhằm kiểm soát giá bán trên thị trường, cũng như tính an toàn của mỗi sản phẩm, dịch vụ trên thị trường.

5. Kết luận

Từ những phân tích đánh giá trên về các khái niệm của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng dưới góc độ so sánh, phân tích lựa chọn các quy định pháp luật tiến bộ về bảo vệ người tiêu dùng của một số nước trên thế giới, tác giả khuyến nghị hoàn thiện pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng của Việt Nam, đồng thời thúc đẩy giải quyết tranh chấp trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau giữa người tiêu dùng với thương nhân khi có xung đột.

TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:

1Cục Bảo vệ người tiêu dùng Lào (2021), Báo cáo thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Hội thảo trực tuyến bảo vệ người tiêu dùng trong nền kinh tế số, Viêng Chăn, tr3.

2Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 của CHDCND Lào.

3Khoản 1 điều 3 Luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Năm 2023).

4Khoản 1 Điều 3 Luật Bảo vệ người tiêu dùng của CHDCND Lào (Năm 2010)

5Khoản 2 Điều 2 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2013 của Trung Quốc.

6Khoản 1 điều 3 Luật Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam năm 2023.

7Điều 18 Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2013 của Trung Quốc năm 2013

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

Cục Bảo vệ người tiêu dùng Lào (2021), Báo cáo thực thi pháp luật bảo vệ người tiêu dùng. Hội thảo trực tuyến bảo vệ người tiêu dùng trong nền kinh tế số, Viêng Chăn, tr3.

CHDCND Lào (2010), Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 của CHDCND Lào.

Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam (2023), Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2023 của Việt Nam.

CHND Trung Quốc (2013), Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2013 của Trung Quốc.

Consumer protection laws of some countries: Recommendations for Vietnam

Vo Minh Nhac

Bac Lieu Province Drug Rehabilitation Center

Abstract:

This study explores key consumer protection concepts and examines the strengths of consumer protection laws in selected countries, including Laos and China. By analyzing these legal frameworks, the study identifies limitations in Vietnam's existing regulations and draws lessons for legal reform. Based on these insights, the study proposes recommendations to enhance Vietnam’s Law on Consumer Rights Protection, aiming to strengthen consumer rights and align the legal framework with international best practices.

Keywords: consumer protection, quality of goods, services, risks.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 5 tháng 2 năm 2025]

Tạp chí Công Thương