Tại Kỳ họp thứ 5, ngày 20/6/2023, Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023 đã được Bộ Công Thương và các cơ quan, tổ chức liên quan triển khai xây dựng trong giai đoạn 2019 - 2023, trong đó, trải qua 02 Kỳ họp Quốc hội, với tổng thời gian trình để Quốc hội thẩm tra, xem xét, thông qua là hơn 02 năm với 171 lượt đại biểu Quốc hội cho ý kiến chính thức tại các phiên họp Tổ và tại Hội trường.
Với 7 Chương, 80 Điều, Luật năm 2023 đã sửa đổi toàn diện Luật năm 2010; bổ sung nhiều quy định để bảo đảm thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và kịp thời điều chỉnh các vấn đề mới phát sinh, trong đó, nhiều quy định mang tính dấu ấn, lần đầu xuất hiện trong hệ thống pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Để ghi nhận, biểu dương, đồng thời, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân tiếp tục tham gia tích cực vào công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có Bằng khen trao tặng cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng Luật.
Phát biểu tại Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024, ông Tạ Đình Thi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, sự kiện Lễ phát động năm nay có một ý nghĩa quan trọng và khác biệt, đánh dấu mốc đầu tiên khi Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam chính thức được luật hóa trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ông Tạ Đình Thi cũng cho biết thêm, quá trình xây dựng Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi đã được các cơ quan liên quan của Chính phủ và Quốc hội phối hợp chặt chẽ, nghiêm túc, thực chất và hiệu quả. Luật đã thể chế hóa quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật năm 2010 và đáp ứng yêu cầu đòi hỏi cấp thiết của cử tri, nhân dân.
Chia sẻ về kết quả đạt được trong quá trình xây dựng Luật, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân cho biết, để có được những kết quả nêu trên có sự tham gia, đóng góp không nhỏ của các tổ chức xã hội, các cơ quan quản lý và cộng đồng doanh nghiệp. Thay mặt Lãnh đạo Bộ Công Thương, Thứ trưởng ghi nhận và đánh giá cao sự tham gia, đóng góp quý báu đó; đồng thời tin tưởng rằng trong thời gian tới, sẽ tiếp tục nhận được sự phối hợp tích cực, chặt chẽ hơn nữa của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình triển khai Luật.
Bên cạnh các nội dung chia sẻ của Lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Bộ Công Thương, ý kiến của đại diện doanh nghiệp, tổ chức xã hội, người tiêu dùng cũng thể hiện sự đánh giá cao đối với các quy định được thể hiện tại Luật năm 2023, đồng thời, kỳ vọng quá trình triển khai Luật năm 2023 sẽ sớm được Bộ Công Thương triển khai để kịp thời tạo căn cứ pháp lý điều chỉnh các vấn đề nổi cộm của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng hiện nay.
Phát biểu chỉ đạo tại buổi lễ, ông Tạ Đình Thi mong muốn các quy định của Luật sớm được triển khai và đi vào thực tiễn cuộc sống. Để đạt được điều này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị cần phát huy tính chủ động, tích cực, sáng tạo của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đồng thời, đề nghị Bộ Công Thương, các Bộ, ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các cấp khẩn trương ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành, có các biện pháp, nguồn lực phù hợp bảo đảm thực thi Luật một cách hiệu quả và kịp thời.
Lễ phát động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là sự kiện thường niên do Bộ Công Thương và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức liên tục từ năm 2016 tới nay theo Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc lấy ngày 15 tháng 3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Sự kiện Lễ phát động năm 2024 với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” là sự kiện có ý nghĩa dấu ấn lịch sử khi Ngày 15 tháng 3 được luật hóa tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2023.