
Ngày 09/4/2025, nhằm triển khai chỉ đạo các Nghị quyết của Chính phủ và Công điện số 119/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát để kịp thời đề xuất việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách pháp luật về quản lý thương mại điện tử, Bộ Công Thương tổ chức Hội nghị tham vấn chính sách xây dựng Luật Thương mại điện tử, đảm bảo việc soạn thảo bám sát thực tiễn, phản ánh đầy đủ các ý kiến của các bên liên quan.
Hội nghị có sự tham dự của đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương. Hội nghị tham vấn chính sách xây dựng Luật Thương mại điện tử với mục tiêu lắng nghe, tiếp thu các ý kiến từ thực tiễn quản lý, kinh doanh, phản biện độc lập nhằm đề xuất xây dựng chính sách nhằm đảm bảo tính khả thi, thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Trước khi tổ chức Hội nghị, Bộ Công Thương đã thực hiện lấy ý kiến các Bộ, ngành và Ủy ban Nhân dân tỉnh, thành phố đối với hoạt động tổng kết thi hành pháp luật thương mại điện tử, đánh giá toàn diện tác động chính sách Luật Thương mại điện tử, rà soát pháp luật quốc tế và cam kết quốc tế có nội dung liên quan đến lĩnh vực thương mại điện tử.
Các ý kiến tập trung phản ánh những khó khăn, hạn chế trong thực thi pháp luật về thương mại điện tử, ví dụ như sự thiếu đồng bộ trong các khái niệm; quản lý hoạt động thương mại điện tử trên các mô hình đặc thù thương mại điện tử xuyên biên giới; vai trò, trách nhiệm của đơn vị cung cấp dịch vụ trung gian hỗ trợ hoạt động thương mại điện tử chưa quy định cụ thể,…

Tại Hội nghị, Bộ Công Thương giới thiệu khái quát lý do và sự cần thiết xây dựng Luật Thương mại điện tử, xuất phát từ chủ trương của đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, yêu cầu thực tiễn trong nước và kinh nghiệm quốc tế.
Các quy định hiện hành như Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử và Nghị định 85/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 52/2013/NĐ-CP về thương mại điện tử đã tạo nền tảng quan trọng cho thương mại điện tử phát triển mạnh mẽ thời gian qua.
Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh, mô hình kinh doanh mới ngày càng đa dạng, phức tạp, các văn bản dưới luật hiện nay không còn đáp ứng đầy đủ yêu cầu điều chỉnh toàn diện. Do vậy, việc ban hành một Luật chuyên ngành về thương mại điện tử là yêu cầu cấp thiết để hoàn thiện thể chế, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của hệ thống pháp luật, sự phát triển cân bằng giữa quản lý nhà nước, quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích doanh nghiệp.
Trọng tâm của Hội nghị tham vấn tập trung lấy ý kiến đại biểu về các nhóm chính sách lớn đang được đề xuất trong quá trình xây dựng dự thảo Luật nhằm hướng đến công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tốt hơn, chống thất thu thuế, nâng cao công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực chuyên ngành và thúc đẩy phát triển thương mại điện tử xanh, bền vững.
Thông qua Hội nghị, Bộ Công Thương đã lắng nghe những vướng mắc trong thực tiễn triển khai và tiếp thu kiến nghị, đề xuất hướng đến việc tạo lập một hành lang pháp lý ổn định, thúc đẩy thương mại điện tử phát triển bền vững và góp phần xây dựng nền kinh tế số của Việt Nam trong giai đoạn mới
Sau Hội nghị, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, trình Chính phủ xem xét và đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2025. Dự kiến, dự thảo Luật Thương mại điện tử sẽ được trình Quốc hội trong năm 2025.