Bộ Công Thương đề nghị hiệp hội, doanh nghiệp báo cáo về việc xuất khẩu gạo vào Indonesia

Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam tổ chức làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào thị trường Indonesia và báo cáo Bộ Công Thương chi tiết về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu xuất khẩu gạo của các doanh nghiệp.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) vừa có Văn bản số 400/XNK-NS ngày 29/5/2024 gửi Hiệp hội Lương thực Việt Nam về việc xuất khẩu gạo vào Indonesia.

xuất khẩu gạo

Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào thị trường Indonesia và báo cáo Bộ Công Thương về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu xuất khẩu của các doanh nghiệp. (Ảnh minh họa)

Văn bản của Cục Xuất nhập khẩu nêu: Thông tin từ một số cơ quan truyền thông, trong đợt thầu ngày 21/5/2024 của Indonesia để nhập khẩu 300.000 tấn gạo trắng 5% tấm, một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam đã dự thầu và trúng thầu với giá thấp hơn giá xuất khẩu của gạo Việt Nam trên thị trường thế giới. Hành vi xuất khẩu gạo với giá thấp có thể vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Indonesia là thị trường xuất khẩu gạo truyền thống, trọng điểm của Việt Nam nên cần có những biện pháp bảo vệ thị trường và đảm bảo hiệu quả xuất khẩu”, Văn bản nêu.

Để giữ uy tín, thương hiệu gạo Việt Nam trên thị trường thế giới, giữ vị thế của Việt Nam tại thị trường Indonesia, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đề nghị Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) triển khai một số nội dung.

Thứ nhất, tổ chức làm việc với các hội viên đã trúng thầu vào thị trường Indonesia và báo cáo Bộ Công Thương chi tiết về hoạt động xuất khẩu và tình hình đấu thầu xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Thứ hai, xác minh thông tin mà các cơ quan truyền thông đăng tải trong thời gian vừa qua về việc một số doanh nghiệp “bỏ thầu giá thấp”.

Thứ ba, tuyên truyền, phổ biến đến các hội viên để nắm rõ và nghiêm túc thực hiện các quy định của pháp luật về kinh doanh xuất khẩu gạo, pháp luật cạnh tranh và phòng vệ thương mại.

Thứ tư, tăng cường theo dõi hoạt động xuất khẩu của hội viên để kịp thời báo cáo và đề xuất biện pháp xử lý về Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng có liên quan (nếu có).

Cùng ngày 29/5/2024, Cục Xuất nhập khẩu cũng đã có các Văn bản gửi một số doanh nghiệp trúng thầu cung cấp gạo cho Indonesia.

Theo các văn bản này, để thực hiện mục tiêu, nguyên tắc điều hành xuất khẩu gạo theo quy định tại Nghị định số 107/2018/NĐCP ngày 15 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đề nghị các Công ty phối hợp cung cấp một số thông tin.

Thứ nhất, báo cáo tình hình xuất khẩu gạo của Công ty sang thị trường Indonesia trong năm 2023 và 5 tháng đầu năm 2024 (thống kê từng lô hàng theo chủng loại, số lượng, giá, thời điểm giao hàng).

Thứ hai, đối với các lô hàng trúng thầu trong gói thầu 300.000 tấn gạo 5% tấm của Indonesia ngày 21/5/2024, đề nghị Công ty thống kê chi tiết: (i) số lượng trúng thầu, giá trúng thầu (giá CIF, giá FOB), cảng giao hàng; (ii) số lượng và thời điểm giao hàng.

Thứ ba, báo cáo về tình hình thực hiện của thương nhân theo quy định của Nghị định số 107/2018/NĐ-CP đối với: i) chế độ báo cáo và dự trữ lưu thông thóc, gạo theo quy định; ii) tổ chức thu mua thóc, gạo hàng hóa xuất khẩu; iii) bình ổn giá thóc, gạo hàng hóa trong nước; iv) liên kết sản xuất, tiêu thụ và xây dựng vùng nguyên liệu; v) các chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thứ tư, để đảm bảo uy tín, thương hiệu ngành gạo Việt Nam, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đề nghị Công ty thực hiện nghiêm túc các quy định về tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm xuất khẩu, về xuất xứ hàng hóa, truy xuất nguồn gốc và kiên quyết nói “không” với các hành vi gian lận, bán phá giá, cạnh tranh không lành mạnh.

Việt Hằng