Hội nghị thu hút trên 300 đại biểu từ các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, các Thương vụ, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam, Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại nước ngoài, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp và các cơ quan thông tấn, báo chí đăng ký tham dự.
Hội nghị diễn ra theo phương thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đông đảo đại biểu từ các Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan và doanh nghiệp liên quan từ 63 tỉnh, thành trên cả nước tham gia.
Ngành thủy sản chịu áp lực từ nhiều yếu tố
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, ngành thủy sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, giữ vai trò quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam với quy mô ngày càng mở rộng. Thương hiệu thủy sản Việt Nam không chỉ được khẳng định trong nước mà còn được đón nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Đến nay, sản phẩm thủy sản Việt Nam đã xuất khẩu tới hơn 170 quốc gia và vùng lãnh thổ, giá trị xuất khẩu thủy sản năm 2022 lần đầu tiên cán đích 11 tỷ USD.
Về tình hình xuất nhập khẩu nói chung, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 10/2023 ước đạt 32,31 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất khẩu 10 tháng ước đạt 291,28 tỷ USD, giảm 7,1% so với cùng kỳ năm trước. Kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam tháng 10 ước đạt 29,31 tỷ USD tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 266,67 tỷ USD, giảm 12,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng năm 2023, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 24,61 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản tháng 10 ước đạt 850 triệu USD, tính chung 10 tháng đạt 7,45 tỷ USD.
Tuy nhiên, từ cuối năm 2022 đến nay, kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam liên tục giảm do sức cầu tiêu thụ ở các thị trường chính trong tình trạng “lao dốc”.
Xuất khẩu thủy sản thời gian qua sụt giảm cũng do chịu nhiều áp lực từ các yếu tố vĩ mô cả trong nước và quốc tế. Đầu tiên, giá xuất khẩu của các mặt hàng thủy sản đầu năm nay có xu hướng giảm. Sự cạnh tranh về giá thủy sản trên thị trường quốc tế khiến việc tìm kiếm đơn hàng của các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn, dẫn tới việc giảm giá. Tiếp theo, nhu cầu thủy sản nhập khẩu cũng giảm do các quốc gia nhập khẩu cũng chưa tiêu thụ hết lượng hàng tồn kho lớn của năm trước.
Các tháng cuối năm 2023 và năm tiếp theo, tình hình thế giới và khu vực được dự báo tiếp tục có những diễn biến rất phức tạp và khó lường về địa chính trị, gây ảnh hưởng đến sự ổn định toàn cầu, làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi cung ứng, nhu cầu tiêu dùng giảm ở nhiều nước, đặc biệt tại các quốc gia là đối tác thương mại lớn của ngành thủy sản Việt Nam như Hoa Kỳ, EU, nhóm thị trường CPTTP…
Ngoài những rủi ro do những tác động của tình hình chính trị, kinh tế - xã hội toàn cầu, các doanh nghiệp xuất khẩu của ngành hiện gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận và khai thác thị trường do việc gia tăng các rào cản thương mại, yêu cầu về tính bền vững đối với sản phẩm bao gồm các khía cạnh xã hội, môi trường và kinh tế trong toàn bộ chuỗi cung ứng như “thẻ vàng IUU” tại các thị trường tiêu thụ chủ lực như nhóm thị trường EVFTA, Hoa Kỳ…
Đồng hành tháo gỡ khó khăn, hồi phục sản xuất, kinh doanh
Mặc dù vậy, một số tín hiệu tốt từ thị trường thế giới và trong nước cũng như xu hướng tiêu dùng gia tăng ở các thị trường chính vào nhừng tháng cuối năm đang đem lại triển vọng phục hồi xuất khẩu ngành hàng này. Tín hiệu mừng của xuất khẩu thủy sản đến từ sự phục hồi của các thị trường chủ lực do nhu cầu tăng vào các dịp lễ cuối năm với các sản phẩm thế mạnh của ngành như: Cá ngừ, tôm, cá tra.
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu thủy sản cả nước đạt 6,6 tỷ USD, giảm 22,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu giảm sâu trong giai đoạn nửa đầu năm với 27%. Từ tháng 6 trở đi tăng trưởng âm thu hẹp dần. Riêng trong tháng 9, doanh số xuất khẩu chỉ còn thấp hơn 5% so với cùng kỳ nên tổng kim ngạch trong quý III chỉ thấp hơn 12% so với cùng kỳ năm 2022 và đây cũng là mức giảm ít nhất trong 3 quý năm nay.
Mức độ hồi phục doanh số xuất khẩu thủy sản trong thời gian tới phụ thuộc phần nhiều vào 2 thị trường chính là Mỹ và Trung Quốc. Cả 2 thị trường này đều có những tín hiệu khả quan về mặt nhu cầu. Các đơn hàng từ 2 thị trường này đang tăng trở lại, nhưng giá xuất khẩu vẫn ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm ngoái.
Giai đoạn vừa qua, Chính phủ đã yêu cầu, quyết liệt, sát sao chỉ đạo các Bộ, ngành cùng phối hợp với các địa phương, hiệp hội ngành hàng, đặc biệt là ngành thủy sản, ưu tiên nguồn lực triển khai nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn, hồi phục sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp của ngành.
Bộ Công Thương đã và đang phối hợp triển khai đồng bộ nhiều biện pháp xúc tiến thương mại nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tiếp tục giữ vững, củng cố vị thế tại các thị trường đã có các Hiệp định thương mại tự do, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hỗ trợ doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu cũng như ứng phó với các rào cản thương mại, các biện pháp phòng vệ thương mại
Tại hội nghị sẽ tập trung trao đổi vào cập nhật thông tin về tình hình, diễn biến, các quy định về chính sách, yêu cầu mới đối với nhập khẩu vào các thị trường xuất khẩu, đánh giá thị hiếu tiêu dùng của thị trường nhập khẩu đối với ngành thủy sản; thảo luận đánh giá cơ hội, khó khăn, thách thức các doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ hải sản đang phải đối mặt, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong hoạt động xuất khẩu của ngành.
Hội nghị bao gồm 2 phiên chính:
- Phiên 1 dành cho đại diện: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), các địa phương (Khánh Hòa, Cà Mau, Sóc Trăng, Đồng Tháp), trao đổi về những khó khăn, thuận lợi, đề xuất nhu cầu hỗ trợ và các sáng kiến liên quan đến việc thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu ngành thủy sản.
- Phiên 2 dành cho đại diện các Thương vụ, Văn phòng xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ, Liên bang Nga, EU. Thụy Sỹ, Ai Cập, Rumani, Lào thông tin về tình hình thị trường nước ngoài và các kế hoạch xúc tiến thương mại các sản phẩm thủy sản của Việt Nam với thị trường nước ngoài.
Sau Hội nghị này, với trách nhiệm là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghiệp và thương mại, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ nhu cầu hỗ trợ và các kiến nghị, đề xuất của các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để tập trung giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét chỉ đạo giải quyết những vấn đề thuộc thẩm quyền của Chính phủ, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất và xuất khẩu thủy sản, hỗ trợ doanh nghiệp trong ngành tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu, cạnh tranh bình đẳng trong hội nhập quốc tế, cơ bản đáp ứng nhu cầu sản phẩm dược liệu của thị trường trong nước và phát triển xuất khẩu.