Ngày 5/6/2018, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên về công tác phát triển công nghiệp, thương mại; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh...
Tại buổi làm việc, ông Trần Quốc Tỏ - Bí thư Tỉnh uỷ Thái Nguyên khẳng định, với những tiềm năng, lợi thế vốn có Thái Nguyên đang bứt phá trở thành điểm sáng về phát triển kinh tế của cả nước, trong đó nổi bật là việc thu hút các nhà đầu tư lớn.
Tiêu biểu, trong những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên đã tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính, đăng ký kinh doanh, chấp thuận đầu tư, cấp phép đầu tư có nhiều đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình doanh nghiệp, cơ sở sản xuất công nghiệp phát triển. Bên cạnh đó, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, tổ chức nhiều chương trình xúc tiến đầu tư, thu hút các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài...
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng Thái Nguyên tháo gỡ từng “nút thắt”Tuy nhiên, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian vừa qua với Bộ trưởng, ông Vũ Hồng Bắc - Phó Bí thư tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên cho biết, địa phương vẫn đang gặp một số khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, kìm hãm tốc độ tăng trưởng kinh tế và mong muốn Bộ Công Thương, trong phạm vi trách nhiệm được giao, xem xét hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho tỉnh.
Cụ thể, ông Bắc kiến nghị, để hỗ trợ các doanh nghiệp xuất, nhập khẩu trên địa bàn tỉnh rút ngắn thời gian, thủ tục xin cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O), tỉnh Thái Nguyên đề nghị Bộ Công Thương xem xét uỷ quyền cho địa phương thực hiện thủ tục cấp C/O trong thời gian tới.
Cũng theo Chủ tịch UBND tỉnh, trong những năm gần đây, cùng với kết quả thu hút đầu tư rất khả quan vào lĩnh vực công nghiệp, số lượng các doanh nghiệp công nghiệp, các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh liên tục gia tăng, kéo theo đó là nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất công nghiệp tăng nhanh. Tuy nhiên, hiện hệ thống truyền tải điện, các trạm biến áp… không đáp ứng yêu cầu.
Do đó, tỉnh mong muốn Bộ Công Thương xem xét, chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hỗ trợ địa phương nâng phụ tải nhằm đáp ứng yêu cầu điện cho sản xuất, đặc biệt là tại các khu, cụm công nghiệp mới, như: Yên Bình, Điềm Thuỵ và Sông Công 2.
Ông Vũ Hồng Bắc đưa ra những khó khăn, vướng mắc của tỉnh và mong muốn được Bộ Công Thương hỗ trợ, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn nữaMột vướng mắc nữa được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nêu lên và mong muốn Bộ Công Thương xem xét, hỗ trợ là chương trình cấp điện nông thôn của địa phương hiện đang khó khăn về nguồn vốn. Theo đó, chương trình được phê duyệt gồm 102 tỷ đồng vốn trung ương và 120 tỷ đồng vốn địa phương. Nhưng hiện tại, Thái Nguyên mới được ngân sách trung ương cấp 32 tỷ đồng và 60 tỷ ngân sách địa phương. Việc này ảnh hưởng đến tiến độ và kết quả của chương trình.
Tại buổi làm việc, ghi nhận và đánh giá cao kết quả trong công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, đây là kết quả từ sự chủ động, sáng tạo của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Bộ Công Thương sẽ hỗ trợ, đồng hành cùng tỉnh Thái Nguyên trong công tác phát triển công nghiệp, thương mại...Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng cho rằng, cùng với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, địa phương cần quan tâm hơn nữa đến phát triển công nghiệp, thương mại, tạo động lực phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới. Về những kiến nghị của địa phương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành cùng Thái Nguyên tháo gỡ từng “nút thắt”.
Cụ thể, về vấn đề uỷ quyền cấp C/O, Bộ Công Thương đã và sẽ tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật liên quan để tiến tới thực hiện uỷ quyền cấp C/O cho không chỉ Thái Nguyên mà cả các địa phương khác trong cả nước. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng, việc uỷ quyền hay không cần được xem xét một cách tổng thể, nhất là trong điều kiện Việt Nam đã và sẽ tham gia ký kết các hiệp định thương mại tự do đa và song phương với các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Đối với kiến nghị xem xét đầu tư nâng cấp lưới điện 110KV phục vụ sản xuất công nghiệp và cân đối nguồn vốn cho chương trình cấp điện nông thôn của tỉnh Thái Nguyên, Bộ trưởng thông báo đã giao cho các đơn vị thuộc Bộ và EVN rà soát, đánh giá nhu cầu phụ tải để lập kế hoạch đầu tư nâng cấp, trong đó tập trung đầu tư hệ thống trạm biến áp tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bản tỉnh Thái Nguyên.
Bên cạnh đó, hiện Bộ Công Thương đang tích cực vận động, tìm kiếm nguồn lực, nhất là nguồn vốn ODA cho chương trình cấp điện nông thôn trong cả nước, trong đó, ưu tiên nguồn vốn cho các địa phương miền núi, hải đảo, vùng sâu, xa, trong đó có tỉnh Thái Nguyên.