Tại dự thảo Tờ trình Chính phủ về dự án Luật Điện lực (sửa đổi) đi kèm Công văn số 4006/BCT-ĐTĐL, Bộ Công Thương cho biết, toàn văn dự thảo Luật và tờ trình đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương để lấy ý kiến rộng rãi của người dân, doanh nghiệp.
Bộ Công Thương đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ ngành..., các đơn vị điện lực và các hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực điện lực đôn đốc, đề nghị có ý kiến đối với dự án Luật Điện lực (sửa đổi).
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã tổ chức 3 hội thảo (tại 3 miền ở Hà Nội, Quảng Bình và Phú Yên) trong tháng 5/2024 với sự tham gia của 333 đại biểu đến từ các doanh nghiệp hoạt động điện lực, đại diện cơ quan quản lý nhà nước trên phạm vi toàn quốc, các tổ chức quốc tế, hiệp hội và các chuyên gia, các nhà khoa học.
Ngoài ra, Bộ Công Thương đã trực tiếp trao đổi, làm việc với các chuyên gia quốc tế để hiểu sâu mô hình quản lý, bối cảnh quy định, trình độ phát triển, thực tiễn triển khai các chính sách tại một số quốc gia tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có điều kiện tương đồng với Việt Nam. Đồng thời, đã tổ chức nhiều buổi làm việc với chuyên gia trong nước, các hiệp hội, các doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động để góp ý với các nội dung trong dự thảo luật.
Tính đến ngày 30/5/2024, Bộ Công Thương đã nhận được 118 văn bản (1 văn bản của Ủy ban khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội; 17 văn bản của Bộ, cơ quan ngang bộ, 59 văn bản của cơ quan cấp tỉnh, 13 văn bản của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Công Thương, 26 văn bản của các hiệp hội, doanh nghiệp hoạt động điện lực và 1 ý kiến bằng văn bản của chuyên gia về thị trường điện) và 1 ý kiến trên cổng thông tin điện tử.
Trên cơ sở các ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp, chuyên gia trong lĩnh vực điện lực, Bộ Công Thương đã tổ chức tiếp thu, giải trình và hoàn thiện Dự thảo Luật.
Tháng 6/2024, Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) sau khi chỉnh lý và Bảng giải trình, tiếp thu ý kiến đã được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương.
Dự thảo Luật bám sát vào 6 chính sách đã được Chính phủ trình Quốc hội và không bổ sung chính sách mới, bao gồm: Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực nhằm bảo đảm an ninh năng lượng cho đất nước; Phát triển điện năng lượng tái tạo và năng lượng mới; Hoàn thiện các quy định về điều kiện hoạt động điện lực và việc cấp, thu hồi Giấy phép hoạt động điện lực; Quản lý hoạt động mua bán điện theo hướng thúc đẩy thị trường điện cạnh tranh minh bạch, công bằng, hiệu quả và giá điện theo cơ chế thị trường; Quản lý, vận hành hệ thống điện, chú trọng khuyến khích sử dụng điện tiết kiệm, tăng cường thực hiện giải pháp quản lý nhu cầu điện và điều chỉnh phụ tải điện; An toàn sử dụng điện sau công tơ và bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy điện trong giai đoạn xây dựng và vận hành công trình thủy điện.
Dự thảo Luật Điện lực (sửa đổi) bao gồm 9 chương với 108 điều. Các Chương của luật được sắp xếp, bố cục lại cụ thể như sau:
a) Chương I. Quy định chung bao gồm 08 điều (từ Điều 1 đến Điều 8)
b) Chương II. Quy hoạch và đầu tư phát triển điện lực bao gồm 04 mục với 12 điều như sau:
- Mục 01. Quy hoạch phát triển điện lực gồm 03 điều (Từ Điều 9 đến Điều 11);
- Mục 02. Đầu tư xây dựng dự án điện lực gồm 05 điều (Từ Điều 12 đến Điều 16);
- Mục 03. Lựa chọn nhà đầu tư dự án nguồn điện, lưới điện gồm 02 điều (Từ Điều 17 đến Điều 18);
- Mục 04. Xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ gồm 02 điều (Từ Điều 19 đến Điều 20).
c) Chương III. Phát triển điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới bao gồm 11 điều (từ Điều 21 đến Điều 31).
d) Chương IV. Giấy phép hoạt động điện lực bao gồm 09 điều (từ Điều 32 đến Điều 40)
đ) Chương V. Hoạt động mua bán điện bao gồm 03 mục với 26 điều như sau:
- Mục 1. Thị trường điện cạnh tranh gồm 07 điều (từ Điều 41 đến Điều 47);
- Mục 2. Mua bán điện và dịch vụ cung cấp điện gồm 15 điều (từ Điều 48 đến Điều 62);
- Mục 3. Giá điện gồm 04 điều (từ Điều 63 đến Điều 66).
e) Chương VI. Vận hành, điều độ hệ thống điện quốc gia bao gồm 13 điều (từ Điều 67 đến Điều 79).
g) Chương VII. Bảo vệ công trình điện lực và an toàn trong lĩnh vực điện bao gồm 03 mục với 23 điều như sau:
- Mục 1. Bảo vệ công trình điện lực bao gồm 08 điều (từ Điều 80 đến Điều 86);
- Mục 2. An toàn điện gồm 09 điều (từ Điều 88 đến Điều 96);
- Mục 3. An toàn công trình thủy điện gồm 06 điều (từ Điều 97 đến Điều 102).
h) Chương VIII. Trách nhiệm quản lý nhà nước về điện lực gồm 03 điều (từ Điều 103 đến Điều 105).
i) Chương IX. Điều khoản thi hành gồm 03 điều (từ Điều 106 đến Điều 108).
Theo Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Luật Điện lực (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).