Tham gia Đoàn công tác có ông Phan Văn Bản - Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ Công Thương; đại diện các doanh nghiệp AEON Việt Nam, Central Retail Việt Nam.
Về phía tỉnh Phú Thọ, có ông Nguyễn Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lương Ngọc Thạch - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh; ông Nguyễn Việt Dũng - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh.
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và các đồng chí lãnh đạo Bộ Công Thương, cùng toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, Thứ trưởng Phan Thị Thắng gửi lời chia buồn, chia sẻ sự mất mát của người dân Phú Thọ trong đợt bão lũ và sự cố sập cầu Phong Châu vừa qua.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Công Thương đã chỉ đạo Sở Công Thương các tỉnh phối hợp đảm bảo điện, năng lượng và điều phối hàng hóa đến những nơi chịu ảnh hưởng của bão số 3, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa, đặc biệt là các mặt hàng thiết yếu.
Thứ trưởng cho biết, mỗi tỉnh có một mức độ ảnh hưởng do tác động của thiên tai, bão lũ riêng, nhưng nhìn chung tất cả đều bị ảnh hưởng rất nặng. Phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái “Thương người như thể thương thân”, "Lá lành đùm lá rách", Bộ Công Thương ủng hộ 500 triệu đồng cùng các nhu yếu phẩm như nước uống, mì gói,… cùng các vật dụng khác gửi đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh.
Căn cứ vào nhu cầu thực tế, các địa phương sẽ có sự phân bổ, hỗ trợ phù hợp để sớm đưa người dân vượt qua khó khăn, nhất là sinh kế của người dân sẽ sớm được khắc phục. Trong quá trình khắc phục khó khăn tiếp theo, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng và đoàn công tác đã trao 500 triệu đồng và 1.000 suất quà đến Mặt trận Tổ quốc tỉnh Phú Thọ do Tập đoàn Thế giới Di động (MWG) - Công ty Cổ phần Thương mại Bách Hóa Xanh, AEON Việt Nam và Tập đoàn Central Retail tại Việt Nam hỗ trợ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Nguyễn Thanh Hải gửi lời cảm ơn đến đoàn công tác của Bộ Công Thương và báo cáo nhanh về tình hình thiên tai, thiệt hại do ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ của tỉnh.
Do tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, nhiều vùng bị ngập sâu, chia cắt nên còn nhiều thiệt hại chưa thống kê đầy đủ. Sơ bộ, tổng giá trị thiệt hại đến thời điểm hiện tại ước tính trên 250 tỷ đồng (chưa bao gồm thiệt hại do sập cầu Phong Châu). Tỉnh Phú Thọ đang tiếp tục chỉ đạo rà soát, thống kê, tổng hợp thiệt hại.
Bên cạnh đó Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định tỉnh sẽ phân bổ hợp lý các nguồn lực được hỗ trợ và triển khai thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả sau bão, đặc biệt trong công tác đầu tư xây dựng lại cầu Phong Châu để khôi phục giao thông nhanh chóng.
Tại tỉnh Phú Thọ, thiên tai đã làm 2 người chết, 7 người bị thương và 9 người mất tích. Có tổng số 417 nhà dân bị hư hỏng do cây đổ, tốc mái; 4 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất (tại huyện Đoan Hùng); phải di dời khẩn cấp 7.015 hộ dân do ngập lụt, sạt lở đất. Nhiều công trình y tế, giáo dục, văn hóa bị tốc mái, hư hỏng.
Thiệt hại về nông, lâm nghiệp, thủy sản: có 6.400 ha lúa và hoa màu bị ngập úng, gãy đổ; 423 ha cây lâu năm, 168,5 ha cây trồng hàng năm, 327,1 ha cây ăn quả và 127 ha rừng đổ gãy; 2000 ha nuôi trồng thủy sản bị tràn, vỡ... Thiệt hại về thủy lợi, đê điều, tuyến đê tả, hữu sông Thao trên địa bàn huyện Hạ Hòa, Cẩm Khê bị tràn và xấp xỉ tràn đê, phải xử lý chống tràn...
Thiệt hại về giao thông, sạt lở khoảng 26.500 m3 đất trên các tuyến đường giao thông; sập trôi trụ T7 và 2 nhịp cầu Phong Châu trên quốc lộ 32C... Nhiều cơ sở hạ tầng (thủy lợi, đê điều, giao thông, điện, trường học, y tế và cơ sở hạ tầng khác) của nhà nước bị thiệt hại và nhiều nhà cửa, tài sản của nhân dân trên địa bàn tỉnh bị hư hỏng, thiệt hại.