Xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc sụt giảm
Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương trong 05 tháng đầu năm 2023, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 61,5 tỷ USD, giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó: (i) xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc đạt 20,3 tỷ USD, giảm 6,8% so với cùng kỳ năm 2022 (xuất khẩu của Việt Nam đến Trung Quốc chiếm 15% trong tổng xuất khẩu của Việt Nam đến thế giới); (ii) nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc đạt 41,2 tỷ USD, giảm 17,9% so với cùng kỳ năm 2022 (nhập khẩu của Việt Nam từ Trung Quốc chiếm 32,8% trong tổng nhập khẩu của Việt Nam từ thế giới).
Một số ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc như nhóm mặt hàng rau quả hay nhóm mặt hàng lương thực ghi nhận sự tăng trưởng đáng kể. Tuy nhiên, mặt hàng thuỷ sản xuất khẩu sang thị trường này giảm đến 44% tính đến hết tháng 4.
Năm 2022, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3 về xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc nhưng đến nay đã tụt xuống vị trí thứ 8.
Theo ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc, từ trước khi Trung Quốc dỡ bỏ zero-Covid thì cả thế giới nói chung cũng như các nước xuất khẩu nói riêng đều kỳ vọng vào tăng trưởng kinh tế tại thị trường này. Tuy nhiên, qua theo dõi của Thương vụ tại thị trường này thì nền kinh tế của Trung Quốc vẫn còn tồn tại nhiều khó khăn.
Số liệu thống kê của Ngân hàng Trung ương cho thấy, đến hết quý I/2023, tỉ lệ tiết kiệm của các hộ gia đình tại Trung Quốc đã tăng đến hơn 20%, do tâm lý tích luỹ của người dân Trung Quốc cũng như chưa sẵn sàng chi cho tiêu dùng khiến nhu cầu của thị trường Trung Quốc tăng trưởng rất chậm.
Mặc dù trong 6 tháng đầu năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc có ghi nhận tăng trưởng nhưng so với cùng kỳ năm 2022 thì tốc độ tăng trưởng vẫn còn chậm, cụ thể như ngành dịch vụ hay sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc chỉ tăng vài phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, các khoản nợ địa phương hay các yếu tố chính trị, nhu cầu từ thị trường bên ngoài cũng làm cho nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng yếu.
Việt Nam đang xếp vị trí thứ 9 trong số các đối tác thương mại lớn của Trung Quốc. Mức suy giảm quan hệ thương mại của Việt Nam với thị trường Trung Quốc thấp hơn so với các thị trường khác như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản hay Hàn Quốc và một số nước ASEAN như Malaysia, Thái Lan, Singapore đều suy giảm ở mức trên 10%.
Ông Nông Đức Lai cho rằng, một số nguyên nhân dẫn đến hoạt động xuất nhập khẩu tại thị trường Trung Quốc sụt giảm là do (i) sức mua của thị trường Trung Quốc suy yếu khi đà phục hồi kinh tế của nước này suy giảm; (ii) diễn biến tỷ giá giữa đồng Nhân dân tệ và đồng USD biến động mạnh, đồng Nhân dân tệ đã rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng trở lại đây so với đồng USD; và (iii) các biến động địa chính trị liên quan đến nước này cũng tác động tiêu cực phần nào đến hoạt động ngoại thương của nước này.
Công tác xúc tiến thương mại sang thị trường Trung Quốc được chú trọng trong 6 tháng đầu năm 2023
6 tháng đầu năm 2023, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc đã kịp thời báo cáo những thay đổi về chính sách cũng như cập nhập tình hình, thông tin liên quan đến thị trường Trung Quốc cho các Bộ ngành, địa phương cũng như các Hiệp hội ngành hàng và cộng đồng doanh nghiệp trong nước thông qua Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hàng tháng do Bộ Công Thương tổ chức.
Trong đó, tháng 4/2023, Bộ Công Thương đã tổ chức “Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài” với chủ đề “Triển vọng xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường Trung Quốc trong bối cảnh mới" thu hút gần 400 đại biểu tham dự nhằm bàn thảo về các cơ hội xuất khẩu sang Trung Quốc; thảo luận, tìm giải pháp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động xuất - nhập khẩu, qua đó hướng tới mục tiêu phát triển xuất - nhập khẩu bền vững với thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, công tác xúc tiến thương mại cũng được Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc đẩy mạnh thông qua việc tham gia các hoạt động như các hội chợ, triển lãm cũng như các hoạt động quảng bá sản phẩm, hàng hoá Việt Nam. Đặc biệt, từ đầu năm, Thương vụ đã phối hợp tổ chức được Lễ hội về sầu riêng và trái cây của Việt Nam tại thành phố Thiên tân, Trung Quốc.
Nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu tại Trung Quốc, đầu năm 2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Hải Nam, dự Hội chợ quốc tế hàng tiêu dùng Trung Quốc (Hainan Expo 2023), khai trương Khu gian hàng Việt Nam tại Hội chợ và chủ trì Hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư và hợp tác kinh tế Việt Nam - Trung Quốc (Hải Nam).
Từ năm 2021, Trung Quốc đã ban hành các Lệnh 248, 249 về tiêu chuẩn xuất khẩu vì vậy địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng, nâng cao những tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như tiêu chuẩn về chất lượng hàng hoá sản phẩm của mình để đáp ứng được yêu cầu của thị trường này.
Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã mở cửa thị trường đối với một số mặt hàng, nhất là đối với nhóm hàng nông sản thực phẩm, cụ thể như sầu riêng của Philippines, dứa của Malaysia, trái cây của Iran hay Tây Ban Nha và một số nước Trung Á, gần đây nhất là mở cửa đối với thuỷ sản của Honduras,… đã tạo nên sức cạnh tranh ngày càng lớn đối với các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam.
Tuy nhiên, tới đây Trung Quốc sẽ sửa đổi, nâng cấp biện pháp quản lý thương mại biên giới, chính sách này có thể có những tác động tích cực đến hoạt động xuất khẩu cũng như thương mại giữa Việt Nam - Trung Quốc.
Thị trường Trung Quốc là thị trường mục tiêu trọng điểm
“Thị trường Trung Quốc luôn luôn là thị trường mục tiêu trọng điểm từ trước tới nay và sau này cũng vậy. Vì thế, Thương vụ và các chi nhánh Thương vụ, các văn phòng xúc tiến thương mại tại Trung Quốc cần làm tốt các hoạt động xúc tiến, xuất khẩu các mặt hàng có thế mạnh của Việt Nam để phát triển kim ngạch hai chiều Việt Nam - Trung Quốc.” - ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho rằng, cần phải bám sát để kịp thời thông tin về những thay đổi của quy định, thị trường có thể nói đang ngày càng khắt khe đối với hàng hoá của các nước, trong đó có hàng hoá của Việt Nam.
Thứ trưởng cũng đề nghị hệ thống Thương vụ tại Trung Quốc cần phải đa dạng hoá các thị trường này, ngoài các tỉnh đã tiếp cận như Quảng Tây, Quảng Đông, kế hoạch tiếp theo là mở rộng thị trường xuất khẩu sang các tỉnh như Trùng Khánh, Hải Nam,…
Thời gian tới đây, Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị trong nước, đặc biệt là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thúc đẩy mở cửa thị trường cho các loại trái cây, nông sản như sầu riêng đông lạnh, bưởi, na,… cũng như các mặt hàng thuỷ sản tại thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ trong nước, đặc biệt là Cục Xúc tiến thương mại và Vụ Thị trường châu Á - châu Phi để triển khai các hoạt động liên quan đến công tác xúc tiến thương mại.
Ngoài ra, Thương vụ sẽ tiếp tục theo dõi và kịp thời cung cấp thông tin về thị trường Trung Quốc để địa phương và doanh nghiệp xuất khẩu xây dựng kế hoạch, chiến lược sản xuất kinh doanh và xuất khẩu phù hợp, mở rộng cơ hội tiếp cận, khai thác hiệu quả thị trường này.