Theo đó, qua công tác thu thập thông tin, hiện nay có rất nhiều bài đăng quảng cáo về những loại “thiết bị siêu tiết kiệm điện” có khả năng giảm từ 30-40% lượng điện tiêu thụ.
Tuy nhiên, hiện các thiết bị đó hiện vẫn còn chưa được cơ quan có chức năng chuyên môn chứng nhận về hiệu quả tiết kiệm điện, đồng thời, qua quá trình sử dụng thực tế, nhiều người tiêu dùng cho biết các thiết bị hoàn toàn không thể giảm điện năng tiêu thụ như quảng cáo.
Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng khuyến cáo, người tiêu dùng cần tỉnh táo trong các giao dịch mua bán thiết bị này.
Một là, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi mua bán, sử dụng các thiết bị được quảng cáo có chức năng tiết kiệm điện. Đối với các loại thiết bị có khả năng can thiệp trực tiếp vào hoạt động công tơ điện làm công tơ điện chạy chậm lại đồng nghĩa với việc đang thực hiện hành vi ăn cắp điện, vi phạm quy định sử dụng điện, có thể vẫn bị truy thu tiền điện, đồng thời bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Hai là, nâng cao ý thức sử dụng tiết kiệm điện bằng các giải pháp mà các cơ quan quản lý nhà nước và ngành điện đã khuyến cáo như: tắt các thiết bị điện khi không sử dụng, không nên sử dụng đồng thời các thiết bị điện có công suất lớn (như điều hòa, bếp đun điện, bình đun nước nóng…), khi bật điều hoà làm mát chỉ đặt ở mức 26-27 độ C trở lên và sử dụng quạt kết hợp.
Ba là, sử dụng các thiết bị tiêu thụ ít điện năng được gắn nhãn tiết kiệm năng lượng do Bộ Công Thương kiểm định, không sử dụng các thiết bị sản phẩm tiết kiệm điện nhập khẩu trôi nổi ngoài thị trường.
Bốn là, thường xuyên theo dõi, giám sát mức tiêu thụ điện hàng tháng của gia đình. Trường hợp có sự gia tăng đột biến, cần phản ánh tới đơn vị cung cấp điện lực trên địa bàn hoặc khiếu nại tới các cơ quan nhà nước để kịp thời làm rõ nguyên nhân và có hình thức xử lý phù hợp.