Trên cơ sở Nghị định số 59/2012/NĐ-CP ngày 23/7/2012 của Chính phủ về theo dõi tình hình thi hành pháp luật và Thông tư số 14/2014/TT-BTP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành Nghị định số 59/2012/NĐ-CP, Đoàn kiểm tra đã tiến hành kiểm tra, trao đổi, thảo luận một số nội dung cơ bản sau: (1) Thể chế, phổ biến và tập huấn về công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; bảo đảm điều kiện cần thiết thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật (tổ chức bộ máy, biên chế và kinh phí phục vụ công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật). (2) Chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thuộc Bộ Công Thương trong việc thực hiện công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật; (3) Ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch theo dõi tình hình thi hành pháp luật năm 2014 của Bộ Công Thương; (4) Hình thức, kết quả thực hiện các hoạt động theo dõi tình hình thi hành pháp luật (thu thập thông tin, kiểm tra, điều tra, khảo sát, xử lý kết quả theo dõi tình hình thi hành pháp luật); (5) Hình thức, kết quả phối hợp và huy động sự tham gia của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật của Bộ Công Thương.
Sau khi điểm lại những kết quả đạt được trong công tác thi hành pháp luật, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Công Thương Trần Đỗ Quyên cũng đã chỉ rõ những mặt hạn chế, tồn tại và nguyên nhân của những hạn chế là do số lượng công chức làm công tác theo dõi thi hành pháp luật chuyên trách trong ngành ít, hầu hết các cán bộ đều làm kiêm nhiệm; nguồn kinh phí để thực hiện công tác theo dõi thi hành pháp luật còn ít và gặp nhiều khó khăn ngay từ khâu dự toán.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thúy Hiền đánh giá cao công tác theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Công Thương. Từ cơ cấu tổ chức, đến thể chế hóa các quy định và triển khai thực hiện, công tác theo dõi thi hành pháp luật của Bộ Công Thương đều được thực hiện bài bản, nề nếp. Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng đề nghị Bộ Công Thương nên tập trung theo dõi thi hành pháp luật vào các lĩnh vực trọng điểm tránh tổ chức theo dõi thi hành pháp luật một cách dàn trải.
Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải khẳng định công tác pháp luật nói chung luôn được lãnh đạo Bộ Công Thương quan tâm, ưu tiên thực hiện hàng đầu. Vụ Pháp chế là đầu mối của Bộ trong công tác này hàng tuần đều có báo cáo riêng về công tác xây dựng pháp luật gửi lãnh đạo Bộ do vậy những năm gần đây, tỷ lệ hoàn thành xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Công Thương ngày càng cao. Tuy nhiên, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cũng kiến nghị với Đoàn kiểm tra xem xét, báo cáo Bộ Tư pháp và Chính phủ thống nhất về cách đánh giá tiến độ xây dựng văn bản đồng thời có giải pháp đối với việc lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan đến dự thảo văn bản (đối với những trường hợp không có ý kiến hoặc có ý kiến quá chậm).