Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết: Đây là năm thứ hai Thành phố triển khai Chương trình Bình ổn thị trường theo Quy chế triển khai Chương trình Bình ổn thị trường trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh.
Theo đó, doanh nghiệp tham gia trên cơ sở đồng thuận, đồng hành và tuân thủ nghiêm các quy định của Chương trình; góp phần ổn định giá cả, không để xảy ra tình huống khan hàng, thiếu hụt nguồn cung cục bộ gây sốt giá. Tình hình thị trường hàng hóa duy trì ổn định, lưu thông thông suốt, nhiều doanh nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mại hấp dẫn, giá cả hợp lý với nhiều loại mặt hàng giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng cho người dân.
Thông tin thêm về việc chuẩn bị hàng hóa Tết, ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh cho biết: Bên cạnh đảm bảo nguồn hàng, kiểm soát giá cả, năm nay là năm đầu tiên Thành phố triển khai Chương trình Hợp tác kiểm soát chất lượng hàng hóa (Tick xanh trách nhiệm) với mục tiêu định hướng sản xuất thông qua tín hiệu thị trường trên nguyên tắc tự nguyện, minh bạch và trung thực. Chương trình nhận được sự đồng thuận và được dẫn dắt bởi 8 tập đoàn bán lẻ hàng đầu Việt Nam.
"Chương trình Bình ổn thị trường năm nay có sự kết hợp đồng bộ với nhiều chương trình lớn của Thành phố như: kích cầu đầu tư, kết nối cung cầu, khuyến mại tập trung... qua đó hỗ trợ doanh nghiệp yên tâm đầu ra, ổn định sản xuất, từng bước xây dựng chuỗi cung ứng bền vững" - ông Nguyễn Nguyên Phương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chương trình Bình ổn thị trường năm 2024 - 2025 tiếp tục đeo bám mục tiêu giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho công nhân, người lao động thu nhập thấp. Riêng đợt tháng 9/2024, nhằm hạn chế tình trạng tăng lương - tăng giá; Chương trình đã kịp thời triển khai Bán hàng lưu động - Bình ổn thị trường với chủ đề “Kết nối tiêu dùng - Lan tỏa yêu thương” với sự đồng thuận, hưởng ứng của nhiều thành phần trong chuỗi cung ứng từ sản xuất, phân phối, thanh toán...; nhiều chính sách ưu đãi được áp dụng với hơn 500 mặt hàng giảm giá đến 80%.
Trên cơ sở điều chỉnh Quy chế, năm 2024 Thành phố bổ sung vào danh mục mặt hàng được triển khai trong Chương trình Bình ổn thị trường nhóm mặt hàng mới là nhóm hàng tiêu dùng, ngoài ra căn cứ theo Quy chế bổ sung, Chương trình đã bổ sung quyền lợi và trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng tham gia hỗ trợ thực hiện Chương trình Bình ổn thị trường: tự nguyện đăng ký cung cấp gói tín dụng, dịch vụ hỗ trợ, vật tư, nguyên vật liệu cho doanh nghiệp tham gia Chương trình Bình ổn với chính sách ưu đãi; các tổ chức doanh nghiệp tham gia Chương trình bình ổn cũng được bổ sung quyền lợi: được ưu tiên giới thiệu truyền thông quảng bá, tôn vinh thương hiệu, sản phẩm trên các phương tiện truyền thông, được hỗ trợ và hướng dẫn tổ chức giao thông tạm thời cho các phương tiện có nhu cầu vận chuyển các mặt hàng thực hiện chương trình bình ổn thị trường lưu thông vào khu vực nội đô Thành phố Hồ Chí Minh trong giờ cao điểm ở thời điểm 15 ngày trước và 15 ngày sau Tết Nguyên đán.
Năm 2024 - 2025, Chương trình có 48 doanh nghiệp đầu mối tham gia bình ổn thị trường các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, tăng 3 doanh nghiệp so với năm 2023; có 14 doanh nghiệp bình ổn thị trường các mặt hàng phục vụ học tập, tăng 4 doanh nghiệp so với năm 2023, 2 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường mặt hàng tiêu dùng thiết yếu (ngành hàng mới) và 8 doanh nghiệp bình ổn thị trường các mặt hàng dược phẩm, tăng 2 doanh nghiệp so với năm 2023; bổ sung 2 doanh nghiệp tham gia đồng hành, hỗ trợ hỗ trợ giá thuê mặt bằng và hỗ trợ cung cấp vật tư phục vụ sản xuất thực hiện Chương trình (hình thức tham gia mới).
Về lượng hàng hóa bình ổn thị trường, trên cơ sở xác định nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu của hơn 10 triệu dân trên địa bàn Thành phố; căn cứ nhu cầu, sức mua, kết quả cung ứng năm trước, các doanh nghiệp đầu mối tham gia Chương trình Bình ổn thị trường đã chuẩn bị nguồn vốn hơn 22.000 tỷ đồng, trong đó hơn 8.000 tỷ đồng chuẩn bị hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu để phục vụ thị trường Tết. Sản lượng hàng thiết yếu chuẩn bị chiếm 25% đến 43% thị phần; bình quân mỗi tháng Tết dự kiến cung ứng gần 8.000 tấn gạo, 5.000 tấn thịt gia súc, 5.500 tấn thịt gia cầm, 23 triệu quả trứng gia cầm, 1.400 tấn đường, 1.100 tấn dầu ăn, 800 tấn thực phẩm chế biến, 10.000 tấn rau củ quả... Đồng thời, các doanh nghiệp luôn sẵn sàng phương án tăng sản lượng trong tình huống cần thiết và tổ chức bán hàng lưu động để xử lý biến động bất thường, thiếu hàng cục bộ (nếu có).
Về kế hoạch bán hàng phục vụ Tết: Để đảm bảo cung ứng hàng hóa những ngày cận Tết, các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi tăng cường nhân lực, tăng công suất phục vụ, kéo giãn thời gian hoạt động. Kiên quyết không để xảy ra tình trạng trống kệ hàng, không để ùn ứ khách hàng mua sắm Tết…
Đồng thời, để giảm áp lực mua sắm, dự trữ của người dân trước Tết, hầu hết các hệ thống phân phối có kế hoạch mở cửa gần như xuyên Tết, chỉ nghỉ mùng Một; riêng một số hệ thống cửa hàng như: Family Mart, GS25, Kingfood Mart... hoạt động xuyên suốt Tết.
Tại buổi làm việc, Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Triển khai Chỉ thị số 12/CT-BCT ngày 20 tháng 11 năm 2024 của Bộ Công Thương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2024 và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các địa phương, doanh nghiệp đã và đang tích cực chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết và triển khai các Chương trình bình ổn thị trường, Chương trình xúc tiến thương mại, cung ứng hàng hóa cho các khu công nghiệp, vùng sâu, vùng xa. Hiện đã có 50/62 tỉnh/thành phố có báo cáo về việc triển khai xây dựng kế hoạch dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trong những tháng cuối năm và Tết nguyên đán 2025.
Theo báo cáo của Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, ông Trinh đánh giá cao công tác chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn trong việc chuẩn bị nguồn hàng hóa được Thành phố quan tâm chỉ đạo, thực hiện sớm. Các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu Tết của người dân như: lương thực, thực phẩm tươi sống, thực phẩm chế biến, bánh mứt kẹo, xăng dầu... được Sở Công Thương chủ động hết sức toàn diện. Đây là hình mẫu để cho các tỉnh thành trên cả nước tham khảo, học tập, phát huy công tác chuẩn bị hàng hóa Tết…
Để thực hiện công tác chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán và triển khai chương trình bình ổn thị trường một cách hiệu quả, thiết thực, Thứ trưởng Phan Thị Thắng đề nghị Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành tiếp tục triển khai hiệu quả các nội dung như: Tiếp tục thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11 tháng 12 năm 2024 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025 và Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18 tháng 12 năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Đồng thời nhấn mạnh, Sở Công Thương cùng các doanh nghiệp thành phố có một sự chủ động rất lớn, không lo thành phố thiếu hàng hóa, chỉ lo sức mua yếu. Ngoài ra, vấn đề vận chuyển hàng hóa dịp Tết từ các nơi về thành phố và từ các nơi đến tận nơi khách hàng gặp khó khăn. Do đó, Thứ trưởng yêu cầu Sở Công Thương tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp và báo cáo sớm để Bộ Công Thương đề xuất biện pháp ứng phó kịp thời nhằm ổn định thị trường khi cần thiết.
Thứ trưởng Phan Thị Thắng cũng đề nghị Sở Công Thương đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người tiêu dùng; khuyến khích người tiêu dùng ưu tiên mua sắm hàng hóa có nguồn gốc rõ ràng, sản phẩm của các doanh nghiệp trong nước uy tín. Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường tập trung vào các nhóm hàng được tiêu dùng nhiều trong dịp Tết, nhóm hàng lương thực, thực phẩm nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm...
Kết thúc buổi làm việc tại Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh, Đoàn công tác kiểm tra hàng hóa thực tế tại Siêu thị MM Mega Market (TP. Thủ Đức) và chợ Bến Thành (Quận 1).
Ông Phan Văn Chinh - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cùng Đoàn công tác kiểm tra hàng hóa tại chợ Bến Thành
Qua hoạt động khảo sát thực tế tại điểm bán, làm việc với ngành công thương TP. Hồ Chí Minh và cộng đồng doanh nghiệp, nhà bán lẻ trên địa bàn, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá cao công tác chuẩn bị nguồn hàng hóa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025 của kênh phân phối hiện đại cũng như chợ truyền thống tại TP. Hồ Chí Minh.