Đây là phát biểu của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh trong cuộc họp khẩn vào chiều 7/3/2020 với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương, các nhà phân phối về tình hình cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Các cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc chủ động, kịp thời
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước cho biết, Vụ đã xây dựng các kịch bản để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Theo đó, kịch bản 1 được xây dựng trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ kéo dài đến hết quý I và kịch bản hai là dịch vẫn tiếp tục phức tạp đến hết quý 2. Kịch bản thứ ba là dịch có thể kéo dài.
Thậm chí các địa phương cũng được yêu cầu xây dựng cả kịch bản cách ly trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp. Với mỗi kịch bản, Bộ Công Thương cũng yêu cầu các Sở Công Thương chuẩn bị các phương án đối phó cũng như cung ứng hàng hóa phục vụ đời sống dân sinh.
“Ngay trong đêm qua, đã xuất hiện tình trạng mua gom hàng hóa. Từ sáng sớm hôm nay, Bộ Công Thương đã có yêu cầu các doanh nghiệp phân phối tăng gấp 3 lượng hàng hóa, đảm bảo cung ứng cho nhu cầu cho người dân.
Cùng đó điều tiết tăng lượng cung ứng hàng hóa từ các địa phương khác cho Hà Nội. Bộ đã phối hợp với Sở Công Thương đi kiểm tra thực tế tại nhiều điểm ở Hà Nội. Theo đánh giá, việc cung ứng hàng hóa trên địa bàn Hà Nội được đảm bảo”, ông Trần Duy Đông cho hay.
Đối với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Cục trưởng Đặng Hoàng Hải sẽ bàn với các đơn vị giao hàng, đề nghị miễn phí chi phí vận chuyển trong thời gian dịch bệnh.
Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường đã có công văn hỏa tốc về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Tổng cục cho biết, tại Hà Nội và một số tỉnh, thành phố lân cận có hiện tượng nhiều người dân mua tích trữ các mặt hàng thực phẩm, hàng hóa thiết yếu, vật tư, thiết bị y tế... và đã xảy ra các hiện tượng thu gom, mua vét, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.
Do vậy, Tổng cục Quản lý thị trường chỉ đạo các đội quản lý thị trường giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom hoặc lợi dụng dịch bệnh để định giá bán hàng hóa bất hợp lý.
Đặc biệt chú trọng việc phát hiện kịp thời để xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa do dịch bệnh để sản xuất, kinh doanh, buôn bán, vận chuyển hàng giả, hàng kém chất lượng.
Tại buổi làm việc, bà Trần Thị Phương Lan, Phó giám đốc Sở Công Thương TP Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp đã gửi lời cảm ơn đến Bộ Công Thương vì đã vào cuộc nhanh chóng, kết nối nội khối để doanh nghiệp bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường.
Ngay trong đêm 6/3 và sáng sớm ngày 7/3, các doanh nghiệp đã thực hiện xong việc tăng lượng hàng dự trữ gấp 4-5 lần bình thường. Các doanh nghiệp như Vinmart lượng hàng hóa cung ứng trong chuỗi đã tăng tới 40 lần. Các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội.
Cũng theo bà Lan, Sở Công Thương đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố trong đó tập trung vào cấp độ 3- 4, đảm bảo sẵn sàng hàng hóa phục vụ người dân và địa phương có khu vực cách ly của thành phố. Sở đã đề nghị Cục QLTT Hà Nội tăng cường kiểm tra, kiểm soát, không để tình trạng găm hàng, bán tăng giá.
“Chúng tôi đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu, kể cả tăng đột biến nhu cầu của người dân, không để xảy ra thiếu hàng, không để địa bàn bị trống hàng, hết hàng trên kệ. Đến chiều nay, nhu cầu mua sắm của người dân đã giảm xuống rất nhiều”, bà Lan cho hay.
Doanh nghiệp phân phối cam kết đảm bảo nguồn cung
Tại cuộc họp, các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn trên cả nước như BigC, Vincommecre, BRG, SaigonCoop... khẳng định, với năng lực và sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ trước, các doanh nghiệp cam kết, cung ứng đầy đủ hàng hóa và có những ưu đãi về giá cho người dân Thủ đô.
Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Central Retail (quản lý hệ thống siêu thị Big C) cho biết, “Central Retail đã chủ động trữ lượng tồn kho tăng lên 3-4 lần. Sáng nay, chúng tôi phải bổ sung nguồn hàng liên tục lên kệ và làm việc nhanh với các nhà cung cấp, yêu cầu họ tăng cường tần suất giao hàng.
Ngày mai 8/3, Big C dự kiến mở cửa từ 8h đến 23-24h đến khi hết khách hàng và cam kết tiếp tục bình ổn giá, không tăng giá bán hàng hóa thực phẩm thiết yếu, bà Phương nhấn mạnh.
Đại diện Vincommecre - bà Dương Thị Thanh Tâm - Phó Tổng giám đốc cho biết, VinMart và VinMart+ sẽ có ưu đãi về giá đối với các mặt hàng nhu yếu phẩm phục vụ phòng chống dịch nhằm ổn định tâm lý của thị trường và người dân. Để tạo sự an tâm mua sắm cho khách hàng khi tới siêu thị, hệ thống siêu thị VinMart luôn tiến hành kiểm nghiệm, kiểm tra độc lập về vệ sinh an toàn thực phẩm, cung cấp các dịch vụ mua sắm từ xa, bán hàng qua website, thanh toán qua ví điện tử VinID để tránh bị lây nhiễm khi dùng tiền mặt...
Về nguồn cung, mỗi ngày Vincommecre có thể cung ứng 200.000 khay thịt từ các nhà cung cấp, để phục vụ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu của người dân”, đại diện Vincommecre khẳng định và cho biết, đơn vị này được lựa chọn là nhà cung cấp các nhu cầu thiết yếu cho vùng cách ly.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Kim Dung - Phó Giám đốc Saigon Co.op Hà Nội cũng khẳng định không tăng giá trên toàn hệ thống. Ngay trong đêm qua, Công ty cũng chỉ đạo cung ứng nguồn hàng từ kho tại Bắc Ninh chuyển về Hà Nội.
“Chúng tôi khẳng định Saigon Co.op Hà Nội luôn đảm bảo đáp ứng đầy đủ hàng hóa cho người dân”, bà Dung nhấn mạnh.
Lên kịch bản cho những trường hợp xấu nhất
Đánh giá cao sự chuẩn bị bài bản và vào cuộc kịp thời, quyết liệt của các đơn vị thuộc Bộ cũng như các doanh nghiệp phân phối trong việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh biểu dương các giải pháp mà các đơn vị đã và đang triển khai.
Hiện nay, ngành Công Thương đã sẵn sàng kích hoạch các kịch bản trong công tác đảm bảo cung cầu hàng hóa, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với các doanh nghiệp phân phối, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh biểu dương những cách làm hay, sáng tạo của các doanh nghiệp trong việc đảm bảo nguồn cung hàng hóa.
Bộ trưởng cũng cho rằng, việc chuẩn bị đảm bảo cung cầu và ổn định thị trường của Hà Nội là một bài học rất quý để chúng ta rà soát, hoàn thiện kế hoạch chung của cả nước trong phòng, chống dịch bệnh.
“Phải tính đến kịch bản không chỉ một gia đình, một khu phố, mà nếu cách ly cả một khu vực lớn, thì không những phải chủ động trong việc cung ứng hàng hóa mà còn phải đảm bảo hoạt động của cả hệ thống phân phối”, Bộ trưởng nói.
Bộ trưởng cũng nhấn mạnh, năng lực sản xuất các mặt hàng thiết yếu của chúng ta rất lớn, hệ thống phân phối, hạ tầng thương mại tương đối mạnh, không có lý do gì để thiếu hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân.
“Dù dịch bệnh diễn ra mức độ nào cũng phải chủ động chuỗi cung ứng, tuyệt đối không để thiếu hàng hóa nhu yếu phẩm phục vụ đời sống nhân dân”, Bộ trưởng nhấn mạnh một lần nữa.
Để ứng phó với dịch bệnh cũng như trấn an tâm lý người dân, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đề nghị, Vụ Thị trường trong nước tiếp tục theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường, chỉ đạo các doanh nghiệp, các Sở Công Thương phối hợp triển khai các biện pháp nhằm hỗ trợ tăng nguồn cung hàng hóa thiết yếu cho địa bàn Hà Nội.
Với Tổng Cục Quản lý thị trường, Bộ trưởng chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường giám sát chặt địa bàn, xử lý nghiêm, kịp thời hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm hàng hóa trên thị trường để mua vét, mua gom, định giá hàng hóa bất hợp lý; kiểm soát việc lợi dụng tình hình thị trường bất ổn để kinh doanh hàng giả, nhái, kém chất lượng.
Với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ trưởng cũng yêu cầu đẩy mạnh các hoạt động mua bán hàng hóa trực tuyến để ngăn chặn lây lan dịch bệnh, tránh nơi đông người.
Riêng đối với Sở Công Thương thành phố Hà Nội, Bộ trưởng đề nghị, bám sát các diễn biến của thị trường, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phân phối tăng cường các biện pháp cung ứng, điều phối và bán lẻ các hàng hóa phục vụ người dân.
Đối với các doanh nghiệp phân phối bán lẻ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh chỉ đạo, các đơn vị tiếp tục làm việc với các nhà cung cấp để bảo đảm nguồn cung, chất lượng hàng hóa một cách tốt nhất, nhanh nhất. Đồng thời nâng cao công tác phòng chống dịch cho người lao động và người tiêu dùng đến mua sắm tại hệ thống cửa hàng, siêu thị.
Đặc biệt, người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh về công tác thông tin truyền thông và yêu cầu các đơn vị trong ngành Công Thương cung cấp thông tin kịp thời và đầy đủ cho người dân, không để tình trạng hoang mang trong dư luận, tránh tình trạng tích trữ hàng hóa quá nhu cầu cần thiết, gây thiếu hàng hóa cục bộ và quá tải cho hệ thống phân phối.