Theo kế hoạch, sáng mai 9/5/2020, Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp sẽ được diễn ra nhằm động viên cộng đồng doanh nghiệp trong thời điểm hoạt động sản xuất kinh doanh chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, ghi nhận sự nỗ lực vượt khó, tự lực tự cường của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua.
Đồng thời, Hội nghị cũng thể hiện sự cam kết đồng hành và chia sẻ mạnh mẽ từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp; lắng nghe, ghi nhận các giải pháp, sáng kiến của doanh nghiệp; tiếp tục nỗ lực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, nắm bắt cơ hội, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Hội nghị là cơ hội để các thành viên Chính phủ lắng nghe tiếng nói doanh nghiệp, là dịp để các Bộ, ngành rà soát và đánh giá lại, định vị lại vai trò, vị trí và nhiệm vụ của mình trong tổng thể chung, đưa nền kinh tế hoạt động trở lại trong trạng thái bình thường mới, mang tính toàn diện hơn, đảm bảo hiệu quả chung, tránh lãng phí thất thoát nguồn lực.
Bộ trưởng nhấn mạnh, dịch bệnh đã ảnh hưởng đến kinh tế xã hội của đất nước và đặc biệt ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
“Chúng ta đều biết rằng cộng đồng doanh nghiệp đã chịu nhiều tổn thất rất nặng nề, thậm chí nhiều doanh nghiệp không chỉ đứng trước nguy cơ phá sản mà đã phá sản, gây ra những ảnh hưởng sâu rộng đối với người lao động, đối với chuỗi cung ứng, đối với đời sống của người dân cũng như với kinh tế, sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
Do vậy, Hội nghị là cơ hội để chúng ta nhìn nhận, đánh giá một cách tổng thể, toàn diện và khách quan, nhiều chiều đối với các tác động của Covid-19. Từ đó, xác định được những cơ hội, những mục tiêu, nhiệm vụ mới để khởi động lại, kích hoạt lại hoạt động của nền kinh tế ở trạng thái bình thường mới”, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.
Tại Hội nghị, Bộ Công Thương sẽ tập trung lắng nghe ý kiến từ phía doanh nghiệp, từ thực tiễn những khó khăn, vướng mắc doanh nghiệp gặp phải cũng như những cơ hội để thúc đẩy doanh nghiệp phục hồi, phát triển...
“Bộ Công Thương sẽ gặp gỡ các doanh nghiệp và trao đổi để cụ thể hóa, nắm bắt nhu cầu, thống nhất quan điểm giữa Bộ Công Thương với các bộ ngành dưới sự điều hành của Chính phủ để đảm bảo rằng những chương trình, kế hoạch, giải pháp của ngành gắn với nhu cầu thực tế của doanh nghiệp trong hoạt động phát triển kinh tế, trong cả đầu tư, sản xuất và kinh doanh...”, Bộ trưởng khẳng định.
Nhắc đến những nội dung, nhiệm vụ cụ thể mà Bộ Công Thương sẽ trình bày trong Hội nghị trực tuyến Thủ tướng với doanh nghiệp vào ngày mai, Bộ trưởng cho biết, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục cùng với các Bộ, ngành khác đánh giá lại chính xác những vấn đề đang đặt ra cho cộng đồng doanh. Trong đó, có các gói hỗ trợ thông qua kênh ngân hàng, kênh tài chính cũng như kênh an sinh xã hội, cùng các vấn đề đặt ra sau dịch bệnh Covid-19.
Đặc biệt là đối với câu chuyện kích hoạt đưa nền kinh tế hoạt động trở lại ở trạng thái bình thường mới phụ thuộc rất nhiều vào năng lực và khả năng của cộng đồng doanh nghiệp trong từng lĩnh vực, trong cách tiếp cận với thị trường, trong việc khôi phục lại chuỗi cung ứng nguồn cung cũng như những điều kiện để thực hiện hoạt động sản xuất vật chất và kinh doanh gắn với công tác phòng, chống dịch bệnh...
“Bộ Công Thương sẽ đi vào giải quyết từng khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó có câu chuyện khôi phục lại nguồn cung trong chuỗi cung ứng mà Việt Nam tham gia ở các ngành, lĩnh vực như: điện tử, dệt may, da giày, đồ gỗ, sản phẩm nông sản, thực phẩm...”, Bộ trưởng chia sẻ.
Để thực hiện những nhiệm vụ trên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, chúng ta phải có các giải pháp trước mắt, ngắn hạn và cả những giải pháp dài hạn.
Trong ngắn hạn, phải tối đa hóa cơ hội hợp tác với các thị trường nguồn cung, khôi phục lại nguồn cung hiện hữu mà vẫn có yêu cầu cao. Ví dụ, như sản phẩm công nghiệp hỗ trợ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, ASEAN... chúng ta phải khôi phục, tranh thủ tối đa điều kiện hiện nay khi các nước bắt đầu mở cửa trở lại, để duy trì và đảm bảo nguồn cung.
Bên cạnh đó, phải tiếp tục đa dạng hóa hơn nữa nguồn cung này, hướng tới một số thị trường tiềm năng mới, có nguồn cung tương ứng từ Ấn Độ và một số quốc gia khác.
Về lâu dài, Bộ trưởng cho rằng, đó là câu chuyện sàng lọc, xác định lĩnh vực ưu tiên để tập trung phát triển thông qua các cơ chế, chính sách mới để thu hút nguồn đầu tư xã hội và đặc biệt là nguồn đầu tư FDI để phát triển nhanh chóng, kịp thời ngành công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, để chuỗi cung ứng các ngành như dệt may, da giày, điện tử... của Việt Nam không còn bị phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung từ bên ngoài.