Từ giải quyết thông quan...
Ở giai đoạn đầu khi trung tâm dịch bệnh chủ yếu tập trung ở Trung Quốc, Bộ Công Thương đã triển khai bám rất sát tình hình từ những ngày cuối tháng 1 và tham mưu với Thủ tướng Chính phủ các biện pháp để vừa bảo đảm kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh, vừa xử lý những ách tắc ở cửa khẩu phù hợp với diễn biến tình hình ở phía Việt Nam cũng như phía Trung Quốc (đặc biệt là Công điện số 224/CĐ-TTg ngày 12 tháng 2 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về khơi thông hoạt động xuất nhập khẩu qua một số cửa khẩu biên giới đất liền với Trung Quốc).
Đến nay, hoạt động thông quan qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc, xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đã tích cực trở lại. Tuy vậy, để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, phía Trung Quốc đã có những biện pháp rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, Bộ Công Thương vẫn tiếp tục theo dõi và trao đổi với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Bộ ngành liên quan, có biện pháp khuyến nghị người nông dân điều tiết sản lượng, tạm thời hạn chế đưa hàng lên biên giới, đồng thời đã có nhiều cuộc trao đổi với phía Bạn tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan hàng hóa của Việt Nam.
Ngày 23 tháng 3, Bộ Công Thương đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ số 2035/BCT-XNK về việc cho phép thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu phụ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam - Trung Quốc.
... đến tháo gỡ ở nhiều thị trường xuất khẩu...
Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 26/2 của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc triển khai các giải pháp tăng cường xuất khẩu, nhập khẩu trong bối cảnh dịch Covid-19.
Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Chính phủ dự thảo Kế hoạch hành động để chuẩn bị cho việc thực thi Hiệp định EVFTA. Kế hoạch hành động này xác định rõ mục tiêu, các nhiệm vụ chủ yếu và các Bộ, ngành có liên quan trong việc thực hiện với lộ trình cụ thể.
Ngày 20 tháng 3, Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Quyết định số 932/QĐ-BCT triển khai một số hoạt động của Bộ Công Thương chuẩn bị cho phê chuẩn và thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) giai đoạn từ nay đến khi Hiệp định EVFTA có hiệu lực.
Bên cạnh đó, tùy từng thị trường Bộ Công Thương đã có những biện pháp cụ thể để tháo gỡ khó khăn như với Thị trường Hàn Quốc, đã vận động thành công các doanh nghiệp sản xuất thép của Hàn Quốc ngừng đề nghị Ủy ban Thương mại Hàn Quốc tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với mặt hàng thép hình chữ H nhập khẩu từ Việt Nam; Vận động phía Hàn Quốc ngừng điều tra và không áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với mặt hàng gỗ ván ép của Việt Nam.
Với Thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia... chủ động chuyển đổi mô hình tổ chức các chương trình giao thương từ trực tiếp thành trực tuyến; tìm đầu ra cho những mặt hàng nông sản Việt Nam có thế mạnh;
Với Thị trường Trung Quốc, Campuchia, Indonesia... đã tổ chức các cuộc điện đàm, trao đổi, đề xuất biện pháp tạo điều kiện thuận lợi trong khâu kiểm tra thông quan tại các cửa khẩu;
Với Hàn Quốc, Ấn Độ, Indonesia... tìm kiếm những mặt hàng mới mà thị trường đang có nhu cầu mạnh trong bối cảnh Covid-19 như khẩu trang kháng khuẩn, đồ bảo hộ, buồng khử khuẩn toàn thân...
... và hỗ trợ tìm kiếm nguồn cung nguyên liệu
Ở giai đoạn đầu, Covid-19 lan rộng ở Trung Quốc gây khó khăn cho các doanh nghiệp của Việt Nam trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu. Bộ đã chỉ đạo hệ thống Thương vụ/Chi nhánh Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài rà soát, tìm hiểu thông tin các thị trường có khả năng cung ứng nguồn nguyên liệu thay thế cho các ngành sản xuất trong nước.
Bên cạnh đó, làm việc thường xuyên với các Hiệp hội và doanh nghiệp sản xuất lớn để nắm rõ nhu cầu, kế hoạch sản xuất kinh doanh cụ thể của các doanh nghiệp. Đến nay, về cơ bản các doanh nghiệp đã không còn khó khăn về nguồn nguyên liệu khi dịch Covid-19 đã được kiểm soát ở Trung Quốc.
Tăng cường tìm kiếm nguồn cung màng lọc kháng khuẩn từ Trung Quốc sau khi nước này đã khôi phục lại nguồn cung màng lọc kháng khuẩn. Đẩy mạnh tìm kiếm nguồn cung hạt nhựa từ Đài Loan, Trung Quốc dùng để sản xuất vải không dệt sms là nguyên liệu thay thế màng lọc kháng khuẩn, từ đó chủ động nguyên liệu sản xuất khẩu trang. Kết nối nguồn nguyên vật liệu cho sản xuất trong nước và giải quyết nguồn xuất khẩu bị đình trệ do ảnh hưởng của dịch bệnh covid-19 đối với các nhóm hàng dệt may, da giày, hóa chất, nhựa,.. từ thị trường Ấn Độ...