Bộ Công Thương có Công văn số 5971/BCT-ĐB ngày 13 tháng 8 năm 2024 gửi các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và viện, trường của 63 tỉnh, thành phố thông báo về việc tổ chức các lớp đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới năm 2024.
Các chương trình đào tạo này bao gồm các chương trình đào tạo khóa cơ bản và khóa chuyên sâu, được xây dựng trên cơ sở kết quả nhu cầu đào tạo mà Bộ Công Thương đã khảo sát các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và viện, trường của 63 tỉnh, thành phố tại Văn bản số 1176/BCT-ĐB ngày 27 tháng 02 năm 2024.
Theo đó, nhằm tập trung cập nhật đầy đủ và kịp thời các định hướng, chủ trương, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật liên quan tới việc đàm phán và thực thi các FTA của Việt Nam nói chung (bao gồm các FTA thế hệ mới và các FTA mới được ký kết) và các cam kết, quy định, tình huống thực tế và cách thức xử lý các vướng mắc phát sinh thường gặp liên quan tới việc thực thi các FTA, Bộ Công Thương (Trường Đào tạo Bồi dưỡng cán bộ Công Thương) sẽ tổ chức 03 khóa đào tạo.
Thứ nhất, Khóa đào tạo để trở thành chuyên gia về Hiệp định EVFTA và các FTA thế hệ mới (khóa cơ bản) cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng;
Thứ hai, Khóa đào tạo để trở thành chuyên gia về Hiệp định UKVFTA và các FTA thế hệ mới (khóa cơ bản) cho các cơ quan quản lý, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng;
Thứ ba, Khóa đào tạo để trở thành chuyên gia FTA thế hệ mới, chuyên sâu trong lĩnh vực thương mại hàng hóa.
Các khóa đào tạo được tổ chức hoàn toàn miễn phí theo hình thức trực tiếp và được hướng dẫn bởi các chuyên gia trực tiếp đàm phán hoặc quản lý trong lĩnh vực đàm phán và thực thi các FTA nói chung và trong từng lĩnh vực cụ thể nói riêng. Bài giảng được thiết kế theo hình thức lý thuyết kết hợp với các bài học tình huống thực tế liên quan tới các vấn đề vướng mắc thường gặp và có liên hệ với các ngành hàng cụ thể tại các địa phương nơi tổ chức khóa đào tạo.
Các khóa đào tạo cơ bản sẽ tập trung vào các chủ đề sau: Sở hữu trí tuệ, Phòng vệ thương mại, Xúc tiến thương mại và Lao động. Các khóa đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực Thương mại hàng hóa sẽ bao gồm các nội dung: Thuế và các biện pháp phi thuế, Phòng vệ thương mại, Quy tắc xuất xứ và Hải quan...
Thông qua các khóa đào tạo, đội ngũ cán bộ làm công tác hội nhập kinh tế quốc tế và thực thi FTA tại các địa phương chủ động tham mưu cho địa phương về định hướng, chính sách thực thi FTA thế hệ mới hiệu quả, phù hợp với đặc thù của từng địa phương cũng như tăng cường vai trò quản lý và hướng dẫn doanh nghiệp trên địa bàn nhằm tận dụng hiệu quả cơ hội từ các FTA thế hệ mới.
Các hiệp hội, doanh nghiệp nắm được các thông tin cập nhật, các đầu mối, quy trình kết nối, từ đó chủ động hoạch định chiến lược, kế hoạch kinh doanh theo hướng gia tăng giá trị, thương hiệu của hàng hóa Việt Nam tại các thị trường FTA thế hệ mới cũng như sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh trên thực tế tại các thị trường này trong quá trình tận dụng các FTA thế hệ mới. Đồng thời giúp các giảng viên, nhà nghiên cứu tại các Viện, Trường cập nhật kiến thức phục vụ nhu cầu công việc giảng dạy cũng như công tác nghiên cứu về các FTA thế hệ mới của Việt Nam.
Tháng 12/2023, Bộ Công Thương (Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Công thương Trung ương) đã tổ chức Chuỗi khóa đào tạo cơ bản để trở thành chuyên gia về FTA đầu tiên cho các cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng.
Học viên tham gia khóa đào tạo là những cán bộ, chuyên viên phụ trách công tác hội nhập kinh tế quốc tế, các hoạt động liên quan đến thực thi hiệp định thương mại tự do (FTA) tại các cơ quan quản lý, công ty tư vấn thực thi FTA, viện nghiên cứu, cơ sở đào tạo; các cán bộ, nhân viên thực hiện nghiệp vụ xuất, nhập khẩu tại các doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng...
Trong chương trình đào tạo, các học viên đã được các chuyên gia từ các Bộ Công Thương, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Tổng cục Hải quan… và chuyên gia quốc tế phổ biến, hướng dẫn những thông tin cơ bản, chủ yếu về các FTA mà Việt Nam đã kí kết, thực thi hay đang đàm phán và những nội dung liên quan.
Nội dung chương trình đào tạo bao gồm 05 mô-đun (học phần). Các mô-đun (học phần) được thiết kế tích hợp những kiến thức chuyên môn và kỹ năng thực hành tạo điều kiện cho học viên tham gia tương tác, thảo luận và ôn tập về những nội dung liên quan đến thực thi, tận dụng các FTA.