Cùng tham dự buổi tiếp và làm việc, về phía Bộ Công Thương Việt Nam có đại diện Lãnh đạo Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Văn phòng Bộ, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Vụ Kế hoạch-Tài chính, Cục Công nghiệp, Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo. Phía Lào có Tham tán Kinh tế-Thương mại Lào tại Việt Nam, đại diện Lãnh đạo Vụ Công nghiệp và Thủ Công nghiệp cùng tham dự buổi làm việc.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh chào mừng Thứ trưởng Bun-thởng Đuông-sa-vẳn và đoàn công tác của Bộ Công Thương Lào đến thăm, làm việc tại Bộ Công Thương Việt Nam. Thứ trưởng đánh giá cao chương trình công tác của Đoàn Bộ Công Thương Lào tại Việt Nam; bao gồm các hoạt động đa dạng như: làm việc với các Bộ ngành về kinh nghiệm phát triển công nghiệp; tham quan học tập tại các khu công nghiệp, nhà máy xử lý chất thải tại một số địa phương Việt Nam...
Thứ trưởng Bun-thởng Đuông-sa-vẳn cảm ơn Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đã dành thời gian đón tiếp đoàn và chỉ đạo các đơn vị giúp Bộ Công Thương Lào sắp xếp chương trình làm việc.
Qua theo dõi, phía Lào nhận thấy trong thời gian qua, các nước trong khu vực đều phải đối mặt với rất nhiều các thách thức trong quá trình phục hồi kinh tế. Trong bối cảnh đó, Chính phủ Việt Nam đã kịp thời triển khai những chính sách hết sức hiệu quả, áp dụng những giải pháp hết sức hữu hiệu để giúp kinh tế Việt Nam trước mắt khắc phục được một số vấn đề đầy thách thức như kiểm soát lạm phát và ổn định thị trường xăng dầu trong nước.
Điểm lại tình hình kinh tế Lào, Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào cho biết kinh tế Lào trong các tháng đầu năm 2023 đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức. Tỷ lệ lạm phát của Lào tháng 02/2023 ở mức 41,3% tiếp tục tăng so với mức 40,3% trong tháng 01/2023. Trong bối cảnh như vậy, phía Lào rất mong muốn được học hỏi các bài học kinh nghiệm từ chính sách điều hành, quản lý của các Bộ, ngành Việt Nam.
Từ cuối năm 2022 tới nay, phía Bộ Công Thương Lào đã tổ chức nhiều đoàn học tập chuyên đề sang Việt Nam. Chuyến công tác lần này, Thứ trưởng mong muốn được nghe chia sẻ kinh nghiệm từ các cơ quan quản lý của Việt Nam liên quan đến các nội dung phát triển khu công nghiệp, phát triển năng lượng tái tạo và năng lượng xanh, phát triển và ổn định thị trường xăng dầu cũng như đến tham quan trực tiếp khu công nghiệp, trung tâm sản xuất sạch tại một số địa phương lân cận...
Đáp lời Thứ trưởng Bun-thởng Đuông-sa-vẳn, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nhấn mạnh mối quan hệ đoàn kết, gắn bó đặc biệt giữa hai nước. Phía Việt Nam chia sẻ với tình hình kinh tế khó khăn của Lào và hoan ngênh việc các Bộ ngành phía Lào tổ chức nhiều đoàn sang Việt Nam để chia sẻ học tập kinh nghiệm phát triển thương mại - công nghiệp. Lãnh đạo cấp cao Việt Nam cũng rất quan tâm đến tình hình phát triển kinh tế tại Lào và thường xuyên nhắc nhở các Bộ ngành, theo chức năng và nhiệm vụ của mình, hết sức hỗ trợ Lào vượt qua tình trạng khó khăn chung.
Trên tinh thần đó, tại buổi tiếp, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng đã chia sẻ với Thứ trưởng Bộ Công Thương Lào một số nội dung như: vai trò của Bộ Công Thương trong việc đảm bảo lưu thông hàng hoá; kinh nghiệm thu hút đầu tư vào việc phát triển các khu công nghiệp (trong đó nhấn mạnh yếu tố lao động lành nghề); các yếu tố ảnh hưởng đến vấn đề quản lý giá hàng hoá; kinh nghiệm điều hành thị trường xăng dầu tại Việt Nam...
Thứ trưởng giao các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương tiếp tục làm việc chi tiết, cụ thể với đoàn công tác của Lào.
Kết thúc buổi làm việc, hai Bên khẳng định sẽ cùng phối hợp hết sức chặt chẽ triển khai các biện pháp thúc đẩy hợp tác thương mại, công nghiệp song phương hai nước; góp phần hiện thực hoá mục tiêu tăng trưởng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước đạt tối thiểu 10% trong năm 2023 như Lãnh đạo cấp cao hai nước đã đề ra.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, luỹ kế hết tháng 02 năm 2023, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào đạt 244,2 triệu USD, tăng 0,4% so với cùng kỳ năm 2022. Xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 73,2 triệu USD, giảm 3,4% so với cùng kỳ năm 2022. Nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 171 triệu USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm 2022.