Bộ trưởng Bộ Công Thương làm rõ nhiều vấn đề nóng của ngành điện, chuyên gia đánh giá sao?

Theo dõi nội dung chất vấn các vấn đề liên quan đến ngành điện, PGS.Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ngắn gọn nhưng đưa ra thông điệp rất rõ ràng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại phiên họp ngày 21/8/2024
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 36 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn hôm nay (21/8/2024), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã trả lời nhiều vấn đề được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm liên quan đến ngành điện.

Theo dõi phiên chất vấn, PGS.Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ngắn gọn nhưng đưa ra thông điệp rất rõ ràng.

Chuyên gia bày tỏ đồng tình với các quan điểm, phương án mà Bộ trưởng và Bộ Công Thương đưa ra.

“Giá điện tính theo bậc thang là hợp lý theo quy định của pháp luật và kinh nghiệm quốc tế”, PGS.Nguyễn Việt Dũng cho hay. 

“Hơn nữa điện là loại hàng hóa đặc biệt nên dùng càng nhiều càng góp phần tăng phát thải khí nhà kính và tăng tiêu thụ tài nguyên thiên nhiên (than, dầu, khí), do đó giá bậc thang sẽ là phù hợp để người dùng càng nhiều điện càng phải trả tiền nhiều sát với bản chất”, chuyên gia phân tích thêm.

Còn đối với biểu giá bán lẻ điện, PGS.Nguyễn Việt Dũng cũng cho rằng việc rút từ 6 bậc giá xuống 5 bậc theo Tờ trình của Bộ Công Thương phản ánh sát hơn thực tế tiêu thụ điện của Việt Nam, nhưng vẫn đảm bảo chính sách hỗ trợ người nghèo ở bậc thang thứ nhất.

“Ngoài ra, điện cũng là hàng hóa, nên cũng phải chịu thuế VAT là hợp lý”, PGS.Nguyễn Việt Dũng đồng quan điểm.

PGS.Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương "ngắn gọn nhưng rõ ý nghĩa"
PGS.Nguyễn Việt Dũng - Phó Hiệu trưởng Trường Cơ khí, Đại học Bách khoa Hà Nội đánh giá phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Công Thương ngắn gọn nhưng đưa ra thông điệp rất rõ ràng

Khẳng định biểu giá điện bậc thang là một mô hình phổ biến của tất cả các quốc gia nhằm giúp khuyến khích các khách hàng sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết Bộ Công Thương đã hoàn thiện dự thảo sửa đổi biểu giá bán lẻ điện và trình Chính phủ. 

Theo đó, đề xuất giảm từ 6 bậc xuống còn 5 bậc, trong đó bậc đầu tiên nâng từ mức 0-50kWh lên 0-100kWh. Mục tiêu của đề xuất này nhằm giữ được mức hỗ trợ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn từ ngân sách nhà nước ở số điện 0-30kWh, còn từ 30kWh đến hết bậc 1 thì người tiêu dùng vẫn phải thanh toán theo quy định. 

Mặt khác, để dần xóa khoảng cách bất hợp lý giữa các đối tượng sử dụng điện, trong dự thảo lần này cũng đề cập đến việc điều chỉnh khung giá của các đối tượng sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt để tiệm cận gần hơn. Giá điện đối với một số ngành sản xuất sẽ được điều chỉnh cho tương xứng với biểu giá trong lĩnh vực dịch vụ cũng như trong sinh hoạt để bảo đảm không bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện.

Tư lệnh ngành Công Thương cũng khẳng định "không có chuyện điều hành giá điện bất cập, gây thua lỗ cho ngành điện". Quá trình tham mưu xây dựng cơ chế chính sách, nhất là chính sách trong vấn đề giá điện vừa qua, đã thực hiện tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật hiện hành, nhất là Luật Điện lực và Luật Giá.

Để giải quyết vấn đề chênh lệch giữa đầu vào - đầu ra trong giá điện, Bộ Công Thương đang tham mưu với Chính phủ sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện Luật Điện lực, sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới đây, theo hướng xóa bù chéo giữa các đối tượng, các khách hàng sử dụng điện; bên cạnh đó, phải tính đúng, tính đủ, tính hết giá thành điện năng, trong đó có giá sản xuất điện, giá điều độ, vận hành hệ thống điện để bảo đảm khách quan.

Và hiện nay, Chính phủ đã có quyết định chính thức đưa Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia (A0) về trực thuộc Bộ Công Thương. Điều đó sẽ bảo đảm được sự minh bạch, công bằng trong việc điều độ, vận hành hệ thống điện giữa doanh nghiệp phát điện và công bằng với các đối tượng sử dụng điện.

Mặt khác, vừa qua Chính phủ đã ban hành Nghị định về mua bán điện trực tiếp đối với các khách hàng sử dụng điện lớn (cơ chế DPPA) và sắp tới sẽ ban hành Nghị định về khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu, từng bước phát triển thị trường điện cạnh tranh toàn diện tại Việt Nam.

Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định việc áp dụng thuế VAT trong hóa đơn tiền điện là đúng bởi theo quy định của luật, thuế VAT được áp dụng với tất cả các hàng hóa, dịch vụ khi giao dịch để bảo đảm công bằng giữa các đối tượng khách hàng và Nhà nước thì có nguồn thu ngân sách để chi bảo đảm xã hội và chi quản lý chuyên ngành.

Thy Thảo