Sáng 16/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố.
Cùng dự cuộc làm việc có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP. HCM Nguyễn Văn Nên; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái; Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà; các Bộ trưởng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo TPHCM. Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên tham dự và có bài phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã đề xuất một số nhóm kiến nghị, giải pháp để TP.HCM thúc đẩy phát triển kinh tế trong thời gian tới.
Trước hết, Bộ trưởng đề nghị TP.HCM làm tốt công tác truyền thông để hệ thống chính trị và người dân hiểu đúng, hiểu rõ bối cảnh tình hình thế giới, trong nước, thành phố để có sự chia sẻ, đồng hành. Đồng thời làm tốt công tác tư tưởng và phải có cơ chế bảo vệ, tạo môi trường, hành lang pháp lý an toàn cho cán bộ làm việc. Theo Bộ trưởng, hiện cơ chế của thành phố vẫn còn có nhiều chồng chéo, vướng mắc nên cần các cấp thẩm quyền có cơ chế đặc thù để giải quyết.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị thành phố tập trung triển khai các chương trình dự án phục hồi, phát triển kinh tế như: Hỗ trợ doanh nghiệp khôi phục, phát triển sản xuất kinh doanh, đặc biệt là đối với những doanh nghiệp nhỏ và vừa; Chương trình khôi phục phát triển nguồn lao động để bảo đảm nguồn cung lao động, nhất là các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghệ mới; Chương trình kích cầu tiêu dùng nội địa, chương trình kích cầu đầu tư tập trung triển khai các dự án trọng điểm, tạo những “cú huých” cho phát triển kinh tế của Thành phố; Chương trình thúc đẩy thương mại điện tử và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký.
Nhóm nhiệm vụ thứ ba được Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề cập tới là tập trung thực hiện hiệu quả các giải pháp cho tăng tốc phát triển kinh tế của TP.HCM, bao gồm: Đẩy nhanh tiến độ lập và trình các quy hoạch Thành phố; Tập trung nguồn lực giải quyết các ách tắc về hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và hạ tầng logistics. Bên cạnh đó, tận dụng cơ hội khi Thành phố được hưởng các cơ chế đặc thù theo chủ trương của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất ban hành hoặc ban hành các cơ chế chính sách đồng bộ, khả thi nhằm huy động các nguồn lực, nhất là nguồn lực trong nhân dân cho đầu tư phát triển; Chủ động tạo quỹ đất sạch và hạ tầng đồng bộ các khu, cụm công nghiệp để thu hút các tập đoàn, tổng công ty lớn vào đầu tư; Đẩy mạnh tái cơ cấu ngành công nghiệp và điều chỉnh phân công không gian công nghệ của Thành phố theo hướng gắn đổi mới động lực tăng trưởng, đổi mới sáng tạo thật sự trở thành động lực chính để phát triển của Thành phố; Tập trung phát triển các lĩnh vực, các công đoạn của ngành công nghiệp nền tảng.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng cho rằng, TP.HCM cần phát huy vai trò trung tâm đầu mối các chuỗi liên kết trong phát triển công nghiệp, thương mại của cả nước. Tập trung củng cố phát huy phát triển vai trò là trung tâm tiêu dùng của cả nước nhằm khai thác lợi thế của vùng kinh tế lớn. Phát triển hai động lực tăng trưởng mới đó là thương mại điện tử và kinh tế ban đêm. Tận dụng hiệu quả các FTA để đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng các sản phẩm xuất khẩu theo hướng gia tăng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao; tập trung phát triển thương mại điện tử xuyên biên giới, tạo động lực cho phát triển xuất nhập khẩu.
Cuối cùng, Bộ trưởng đề nghị Thành phố tập trung thúc đẩy ở mức cao nhất chương trình đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, phát triển kinh tế số; Tiếp tục đẩy mạnh đi đầu trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh để huy động được nhiều hơn vốn đầu tư của khu vực tư nhân; Đẩy mạnh triển khai các dự án đầu tư công, tạo cú huých cho ngành sản xuất vật liệu xây dựng, thiết bị máy móc và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người lao động; đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy thị trường bất động sản, nhất là dự án lớn trên địa bàn, có khả năng đóng góp cho ngân sách Thành phố.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đã giải đáp các kiến nghị của TP.HCM liên quan đến lĩnh vực của ngành Công Thương quản lý.
Theo đó, đối với kiến nghị xem xét, điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch ngang bằng với giá điện sản xuất, Bộ trưởng cho biết, kiến nghị này đã được tiếp thu, đã và đang được triển khai. Cụ thể, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã xây dựng các phương án cải tiến cơ cấu biểu giá bán lẻ điện từ tháng 5/2022 và lấy ý kiến góp ý rộng rãi của các Bộ, ngành, địa phương… vào tháng 8/2022. Đến nay, Dự thảo đã được lấy ý kiến lần 2, Bộ sẽ khẩn trương hoàn thiện để gửi Bộ Tư pháp thẩm định và trình Chính phủ dự kiến vào cuối tháng 4 - đầu tháng 5 năm nay.
Liên quan đến vấn đề điện mặt trời, Bộ trưởng ghi nhận đề xuất của Thành phố, và cho biết vấn đề này cũng đã được đề cập trong Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế đặc thù của Thành phố. Bộ Công Thương sẽ sớm triển khai thực hiện khi Nghị quyết này được thông qua.