Vương quốc Anh cam kết mở cửa thị trường cho Việt Nam ở mức cao hơn trong một số nội dung quan trọng
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, kể từ khi được khởi động đàm phán vào tháng 6/2021, trải qua nhiều cuộc họp cấp Bộ trưởng, cấp Trưởng đoàn đàm phán, cấp kỹ thuật và 5 phiên đàm phán trực tiếp, các nước CPTPP và Vương quốc Anh đã kết thúc đàm phán vào tháng 3/2023.
Về phía Việt Nam, ta đã đạt được mục tiêu trong việc yêu cầu Vương quốc Anh cam kết mở cửa thị trường ở mức cao theo tiêu chuẩn của Hiệp định và cao hơn cho Việt Nam trong một số nội dung quan trọng đối với ta so với cam kết cho các nước thành viên khác, cũng như cao hơn cam kết trong FTA song phương giữa Việt Nam và Vương quốc Anh.
Cụ thể, Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ 94,4% số dòng thuế cho Việt Nam ngay khi Hiệp định có hiệu lực (các nước thành viên CPTPP khác là 93,9%). Về cơ bản, nhiều mặt hàng nông sản có tiềm năng và thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như gạo, thủy sản, tinh bột sắn... đều được hưởng mức cam kết của Vương quốc Anh tốt hơn so với cam kết trong UKVFTA.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên ví dụ, đối với gạo - mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong khuôn khổ CPTPP, Vương quốc Anh cam kết dành riêng cho Việt Nam lượng hạn ngạch thuế quan tăng dần từ 3.300 tấn/năm trong năm đầu tiên, lên 17.500 tấn/năm kể từ năm thứ 8 (tức là năm 2030) trở đi, với mức thuế suất trong hạn ngạch là 0%, cao gần gấp đôi lượng hạn ngạch gạo mà Vương quốc Anh cam kết chung cho các nước CPTPP khác.
Vương quốc Anh cũng cam kết sẽ phân bổ hạn ngạch theo nguyên tắc “doanh nghiệp đăng ký trước thì được cấp trước” và không đặt ra yêu cầu thủ tục hành chính là cấp giấy chứng nhận chủng loại gạo như trong FTA song phương trước đây.
Một mặt hàng xuất khẩu khác là thế mạnh của Việt Nam là cá ngừ cũng được Vương quốc Anh cam kết xóa bỏ hoàn toàn hạn ngạch và thuế nhập khẩu ngay khi Hiệp định có hiệu lực hoặc sau 7 năm với một số ít dòng thuế, mức cải thiện lớn so với hạn ngạch thuế quan chỉ ở mức trên 1.500 tấn/năm trong Hiệp định FTA song phương trước đây.
Theo Bộ trưởng, một điểm đáng chú ý nữa là cùng với việc gia nhập CPTPP, Vương quốc Anh đã có Văn bản chính thức công nhận Việt Nam là một nền kinh tế thị trường, điều đó rất thuận lợi cho nước ta trong các cuộc điều tra phòng vệ thương mại, đặc biệt là điều tra chống bán phá giá. Với kết quả này, hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam sẽ không bị phân biệt đối xử, được áp dụng mức thuế chống bán phá giá hợp lý hơn.
Việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện sẽ đưa Việt Nam nằm trong nhóm các nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư
Ngày 16/5/2024 vừa qua, Vương quốc Anh đã gửi văn kiện phê chuẩn Nghị định thư gia nhập, chính thức hoàn tất các thủ tục phê chuẩn việc gia nhập CPTPP. Mới đây nhất, ngày 4/6/2024, New Zealand thông báo đã hoàn tất quy trình thủ tục của nước mình về phê chuẩn vấn đề này, trở thành thành viên thứ 4 của CPTPP hoàn tất thủ tục phê chuẩn (gồm Singapore, Nhật Bản, Chile và New Zealand).
Như vậy, theo quy định của Hiệp định, chỉ cần thêm 2 thành viên CPTPP nữa hoàn tất thủ tục phê chuẩn là Nghị định thư gia nhập CPTPP của Vương Quốc Anh sẽ chính thức có hiệu lực vào ngày 16/10/2024. Các nước CPTPP còn lại cũng đang nỗ lực để có thể hoàn tất việc phê chuẩn trước thời điểm 16/10/2024 nói trên.
Việc Quốc hội phê chuẩn Văn kiện gia nhập Hiệp định CPPTP của Vương quốc Anh tại Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội khóa XV sẽ đưa Việt Nam nằm trong nhóm các nước CPTPP đầu tiên phê chuẩn Nghị định thư.
Việc phê chuẩn và thực thi các cam kết trong Nghị định thư gia nhập CPPTP của Vương quốc Anh sẽ giúp hàng hóa Việt Nam có cơ hội tiếp cận thị trường Vương quốc Anh, đặc biệt là các doanh nghiệp có thể tận dụng đầu vào từ các nước CPTPP khác, cũng như các ưu đãi mới từ cam kết gia nhập của Vương quốc Anh, trong đó có việc nước này cam kết sẽ công nhận Việt Nam là kinh tế thị trường khi thực thi Hiệp định, đồng thời thúc đẩy quan hệ đa phương của ta, đặc biệt trong bối cảnh tình hình địa chính trị thế giới đang và sẽ diễn biến phức tạp và khó đoán định.
Cập nhật thông tin về Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV trên Tạp chí Công Thương tại đây.
Sẽ ban hành Kế hoạch thực thi cụ thể để triển khai các cam kết của Việt Nam trong Nghị định thư gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, đàm phán gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh là đàm phán một chiều, trong đó Vương quốc Anh phải đưa ra nhiều cam kết mở cửa thị trường mới và chấp nhận toàn bộ các cam kết hiện có trong Hiệp định.
Đối với các nước CPTPP, trong đó có Việt Nam, các cam kết trong Nghị định thư gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh chỉ bao gồm các cam kết về mở cửa thị trường mà các nước dành cho Vương quốc Anh trong các lĩnh vực gồm: Thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ - đầu tư, nhập cảnh tạm thời của khách kinh doanh, dịch vụ tài chính, mua sắm của Chính phủ và doanh nghiệp Nhà nước. Các cam kết này không yêu cầu Việt Nam phải sửa đổi, ban hành mới các văn bản luật hiện hành do Quốc hội ban hành, mà chỉ dự kiến phải sửa đổi, ban hành một số văn bản hướng dẫn thực thi ở cấp Nghị định và Thông tư.
Trên cơ sở đó, Chính phủ kiến nghị Quốc hội cho áp dụng toàn bộ nội dung của Văn kiện gia nhập Hiệp định CPTPP của Vương quốc Anh và các quy định của Hiệp định này được ký ngày 08/3/2018 tại Thành phố Santiago, Cộng hòa Chile.
Trên cơ sở phê chuẩn của Quốc hội, Chính phủ sẽ ban hành Kế hoạch thực thi cụ thể để triển khai các cam kết của Việt Nam trong Nghị định thư gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh, trong đó tập trung vào 3 nhóm nhiệm vụ chính gồm: (1) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về cam kết gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh; (2) Công tác xây dựng pháp luật, thể chế; (3) Nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực để giúp doanh nghiệp Việt Nam có thể tận dụng tối đa những cơ hội từ việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định CPTPP.
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, đối với công tác xây dựng pháp luật, thể chế, Chính phủ sẽ giao các Bộ, ngành liên quan tiến hành ngay việc rà soát, nghiên cứu khả năng sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành hoặc ban hành văn bản pháp luật mới ở cấp độ dưới luật để hướng dẫn thực thi các cam kết của Việt Nam đối với Vương quốc Anh. Trong trường hợp cần thiết để thực hiện các cam kết đúng thời hạn, các văn bản pháp luật này sẽ được xây dựng và ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định hiện hành; đồng thời các Bộ, ngành cũng sẽ có những hướng dẫn cần thiết để bảo đảm việc thực thi được đầy đủ và hiệu quả.
Cùng với đó, Chính phủ sẽ chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến những thông tin và cam kết của Nghị định thư gia nhập CPTPP của Vương quốc Anh để người dân và doanh nghiệp trong nước nắm bắt đầy đủ, kịp thời và sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp nhằm tận dụng hiệu quả những cơ hội từ việc Vương quốc Anh gia nhập Hiệp định CPTPP mang lại trong thời gian tới.