Phát biểu tại buổi làm việc với tỉnh Bắc Giang chiều 14/8/2023, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá, mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của lãnh đạo Chính phủ; sự vào cuộc khẩn trương, tích cực của các Bộ, ngành Trung ương; sự nỗ lực, quyết tâm rất cao của các cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, Bắc Giang đã đạt những kết quả rất "ngoạn mục".
GRDP 6 tháng tăng trưởng gần 11%, cao gấp 1,3 lần so với quý I và gấp gần 3 lần so với bình quân chung cả nước. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 15,6% (quý I tăng 14,9%; cả nước giảm 0,7%; xếp thứ 1 trong Vùng và thứ 2 cả nước).
Kim ngạch xuất khẩu của Bắc Giang tăng 5,1% (cả nước giảm 10,6%; xếp thứ 6 trên cả nước, thứ 2 trong Vùng). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 15,4% (cả nước tăng 10,4%; thứ 3 trong Vùng) .
Số doanh nghiệp thành lập mới tăng 31,4% (cả nước tăng 0,2%); Thu hút đầu tư gấp 1,5 lần so với cùng kỳ. Các dự án đầu tư xây dựng trọng điểm nhìn chung bảo đảm tiến độ đề ra.
"Trong bối cảnh khó khăn chung của cả nước, những kết quả mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Bắc Giang đạt được là rất nỗ lực, rất đáng ghi nhận", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định.
Tuy nhiên, Bộ trưởng cũng thẳng thắn nhìn nhận, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức đang đặt ra cho tỉnh Bắc Giang. Tổng thu ngân sách nội địa 7 tháng giảm 28,4% so với cùng kỳ năm trước. Việc triển khai một số dự án đầu tư (gồm cả đầu tư công và đầu tư của doanh nghiệp) bị vướng mắc về thủ tục đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng... làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các dự án. Tổng vốn đầu tư đã giải ngân mới đạt khoảng 1/3 tổng kế hoạch vốn cả năm và thấp hơn bình quân chung cả nước. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong một số lĩnh vực (may mặc, điện tử) vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương, các tồn tại, hạn chế này có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Trong đó, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như (i) Tình hình chính trị, kinh tế thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng; (ii) Tổng cầu của các thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường lớn phục hồi chậm, trong khi chi phí sản xuất và kinh doanh có xu hướng tăng; (iii) Hàng hóa của nước ta phải đối mặt với sự cạnh tranh quyết liệt ở các thị trường trọng điểm.
Mặt khác, các nguyên nhân chủ quan bao gồm (i) Sự chồng chéo, mâu thuẫn trong một số quy định của pháp luật hiện hành làm ảnh hưởng đến tiến độ nhiều dự án cũng chưa thể hoàn thiện được trong thời gian ngắn hạn; (ii) Thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực vẫn còn rườm rà, phức tạp; (iii) Mặt bằng lãi suất tín dụng tuy đã giảm nhưng việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp còn rất khó khăn; (iv) Việc tháo gỡ khó khăn đối với thị trường bất động sản và thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thực sự phát huy hiệu quả; (v) Tính liên kết và tương tác giữa khu vực FDI với các khu vực kinh tế khác trong sản xuất công nghiệp của Bắc Giang còn thiếu chặt chẽ, hiệu ứng lan toả về năng suất và công nghệ chưa cao...
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế, thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giải ngân đầu tư công và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh thời gian tới, với tư cách là Thành viên của Chính phủ, Trưởng Đoàn công tác của Chính phủ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã gợi mở và đề nghị cấp ủy, chính quyền tỉnh Bắc Giang quan tâm, chỉ đạo thực hiện các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về rà soát, điều chỉnh Quy hoạch tỉnh, đề xuất Quy hoạch Vùng phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và các quy hoạch ngành quốc gia, tạo thuận lợi cho việc triển khai các dự án đầu tư và các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; tập trung nắm chắc tình hình để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và thúc đẩy tiến độ các dự án đầu tư công và các dự án công nghiệp, thương mại, logistics trên địa bàn; chú trọng thực hiện tốt công tác giải phóng mặt bằng và đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ để thu hút và tận dụng hiệu quả làn sóng đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước và thúc đẩy xuất khẩu bền vững; tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu phát triển trong tình hình mới; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân…
Liên quan đến các kiến nghị của Bắc Giang, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thông tin về tình hình giải quyết những kiến nghị, đề xuất của tỉnh tại kỳ họp trước; đồng thời ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh tại buổi làm việc hôm nay để chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để khẩn trương xem xét giải quyết theo thẩm quyền và tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết, tạo điều kiện hỗ trợ địa phương tiếp tục phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời gian tới.
Trước đó, tại buổi làm việc hồi tháng 5, tỉnh Bắc Giang đã đề xuất 27 kiến nghị với Chính phủ, các Bộ ngành Trung ương trên các lĩnh vực, trong đó có cả những kiến nghị trước mắt và kiến nghị về lâu dài.
Đến nay, Các kiến nghị của tỉnh đã được các Bộ, ngành quan tâm, giải quyết, tháo gỡ về cơ bản và đã được Bộ Công Thương thay mặt Đoàn công tác tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao sự quyết liệt, hỗ trợ của Chính phủ cũng như các Bộ, ngành quan tâm để giải quyết những kiến nghị, đề xuất của địa phương, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng và xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, các lĩnh vực trong ngành Công Thương đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao từ lãnh đạo Bộ Công Thương và các đơn vị thuộc Bộ.
Cùng với nỗ lực của Chính phủ và các Bộ ngành, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp của tỉnh Bắc Giang đã phát huy truyền thống đoàn kết, lãnh đạo và triển khai thực hiện có hiệu quả các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra, nhờ vậy, kinh tế - xã hội của tỉnh đạt được nhiều kết quả tích cực.
Dù vậy, trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc, lãnh đạo tỉnh Bắc Giang mong tiếp tục nhận được sự đồng hành, hỗ trợ để tiếp tục tháo gỡ các "nút thắt" để tạo điều kiện thuận lợi cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu năm 2023 và các năm tiếp theo.
Theo đó, trong buổi làm việc chiều 14/8, tỉnh Bắc Giang tiếp tục đề xuất bổ sung 5 kiến nghị, đề xuất với Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương về: (i) Sửa đổi chính sách quản lý lao động, tuyển dụng lao động, lao động nước ngoài; (ii) Phân bổ vốn sự nghiệp Trung ương hỗ trợ địa phương thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; (iii) Xây dựng, hướng dẫn quy trình thực hiện các dự án có hạng mục dịch chuyển đường dây trung thế và trạm biến áp; việc bàn giao tài sản là công trình điện hình thành sau đầu tư cho ngành điện quản lý; (iv) bổ sung và điều chỉnh Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn cho một số dự án đầu tư của tỉnh (2 kiến nghị).
Đại diện các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các Bộ, ngành liên quan đã trực tiếp trao đổi và phản hồi lại về các kiến nghị này. Đối với các kiến nghị chưa được trao đổi do thuộc thẩm quyền các Bộ, ngành khác (không có đại diện tham gia Đoàn công tác) hoặc thuộc thẩm quyền Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục tổng hợp đầy đủ để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tháo gỡ nhằm hỗ trợ địa phương tiếp tục phát triển trong thời gian tới.