Tham dự đoàn công tác của Bộ Công Thương cùng Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên có đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ Công Thương; Tổng cục Quản lý thị trường; các Cục: Điện lực và Năng lượng tái tạo, Công nghiệp, Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp, Công Thương địa phương, Xuất nhập khẩu, Xúc tiến thương mại, Thương mại điện tử và Kinh tế số, Phòng vệ thương mại; các Vụ: Kế hoạch - Tài chính, Thị trường trong nước; đại diện một số Tập đoàn, tổng công ty, công ty.
Về phía tỉnh Thái Nguyên có ông Lê Quang Tiến - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên.
Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Dệt may TNG) có tiền thân là Xí nghiệp may Bắc Thái thành lập năm 2019, chính thức cổ phần hóa thành Công ty Cổ phần May xuất khẩu Thái Nguyên năm 2003 và đổi tên thành Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG năm 2007. Công ty có vốn điều lệ 1.226 tỷ đồng, với tổng số 18.000 lao động.
Cổ phiếu TNG hiện được niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội, mã chứng khoán là TNG.
Dệt may TNG chủ yếu nhập nguyên liệu từ các tỉnh trong nước như Đồng Nai, Long An, Bình Dương, Hà Nam…; đồng thời thu mua nguyên liệu từ một số thị trường nước ngoài như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan…
Báo cáo đoàn công tác, ông Nguyễn Văn Thời - Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Dệt may TNG cho biết, năm 2023, Công ty đã xuất khẩu 63,78 triệu sản phẩm, thu về 387,64 triệu USD, đóng góp vào tổng doanh thu 7.095 tỷ đồng cả năm, lợi nhuận trước thuế 271 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 72,7 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu chính năm 2023 của Dệt may TNG gồm Hoa Kỳ (chiếm 46,1%), Pháp (16,1%), Tây Ban Nha (7,7%), Nga (6,6%),... Thu nhập bình quân đầu người toàn Công ty năm 2023 đạt 9,5 triệu đồng/người/tháng.
Sáu tháng đầu năm 2024, Dệt may TNG xuất khẩu 29,99 triệu sản phẩm, kim ngạch đạt 168,96 triệu USD. Tổng doanh thu 6 tháng đạt 3.527 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 160 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 45,7 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người 9,6 triệu đồng/người/tháng.
Trong quá trình hoạt động sản xuất nói chung và thực hiện đầu tư các dự án nói riêng, Dệt may TNG cho biết luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên và các cơ quan ban ngành địa phương; từ đó giúp Công ty tuân thủ tốt các quy định của pháp luật và trở thành một trong những doanh nghiệp may mặc hàng đầu của Việt Nam.
Để đáp ứng nhu cầu về năng lượng sạch cho sản xuất nhằm hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, Công ty đang triển khai các thủ tục để lắp đặt hệ thống điện mái nhà tự sản, tự tiêu tại các nhà máy của mình, mong muốn Bộ Công Thương sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết về cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu và hướng dẫn về thủ tục, hồ sơ đăng ký để doanh nghiệp có thể triển khai dự án kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, dệt may là một trong những ngành đã và đang góp phần làm nên thương hiệu quốc gia của Việt Nam, với tư cách là 1 trong 20 quốc gia có quy mô thương mại quốc tế lớn nhất thế giới.
Bộ trưởng chia sẻ cảm xúc "tự hào" khi đến thăm nhà máy của Dệt may TNG. Từ một xí nghiệp nhà nước quy mô rất nhỏ năm 1979 vốn hóa chỉ 10 triệu đồng, mới cổ phần hóa năm 2003, đến nay Dệt may TNG đã phát triển thành một doanh nghiệp vốn hóa hơn 2.000 tỷ đồng, với 18 nhà máy, 18.000 công nhân, thu nhập bình quân người lao động ở mức "hiếm có" đối với ngành dệt may.
Doanh nghiệp cũng đã làm chủ được nhiều công nghệ, không chỉ áp dụng cho hoạt động của mình mà còn thương mại hóa phần mềm ứng dụng trong ngành dệt may nói chung, tạo được nguồn thu từ công tác nghiên cứu và phát triển.
Dệt may TNG đã tập trung thu mua nguồn nguyên vật liệu dệt may trong nước và sản xuất thành phẩm cuối cùng, trong đó chú trọng làm chủ khâu thiết kế - điều này sẽ giúp doanh nghiệp dẫn dắt, làm chủ cuộc chơi. Đồng thời, tiên phong trong lĩnh vực chuyển đổi xanh, tận dụng rất tốt các hiệp định thương mại tự do và chinh phục được các thị trường lớn, khó tính.
"Đây là hướng đi táo bạo, nhưng rất trúng, rất đúng", Bộ trưởng nhận xét, cho biết Việt Nam đang tiếp tục hoàn tất các thủ tục liên quan đến FTA với Israel và UAE, dự kiến có hiệu lực vào tháng 9-10/2024, sẽ mở ra cơ hội lớn cho doanh nghiệp đưa sản phẩm vào thị trường Trung Đông.
Thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Dệt may TNG tiếp tục khai thác tốt các FTA, đẩy mạnh xuất khẩu, đưa thương hiệu Việt Nam đi xa hơn, rộng hơn khắp toàn cầu. Tiếp tục tiên phong trong chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đầu tư nhiều hơn trong lĩnh vực công nghệ phần mềm dệt may.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng giao các đơn vị thuộc Bộ Công Thương hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm "bay cao, bay xa hơn".
Cũng trong sáng 15/8, Đoàn công tác của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên sẽ có buổi làm việc với Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên.
Buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên nhằm nắm bắt tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Qua đó, kiến nghị, đề xuất các giải pháp cụ thể, khả thi, hiệu quả để địa phương khai thác tốt hơn nữa các tiềm năng, lợi thế, thúc đẩy phát triển công nghiệp - thương mại nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung; đồng thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn.
Buổi làm việc nằm trong chuỗi hoạt động của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đến làm việc trực tiếp với các địa phương trong tháng 8/2024. Trước đó, ngày 7-9/8, Bộ trưởng đã đến làm việc với 3 tỉnh Kon Tum, Quảng Ngãi, Bình Định và thăm, thị sát một số cơ sở kinh tế, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn.