Trong khuôn khổ chuyến làm việc tại tỉnh Kon Tum, chiều 7/8, Bộ trưởng Bộ Công Thương cùng đoàn công tác đã đến thăm, khảo sát tại Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai (lô N18 - Khu Công nghiệp Sao Mai, xã Hòa Bình, thành phố Kon Tum).
Báo cáo với Bộ trưởng và đoàn công tác, ông Nguyễn Hồng Mạnh - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Chế biến nông sản Sao Mai cho biết, tổng mức đầu tư của Công ty tại Kon Tum là 250 tỷ đồng, hiện Công ty được giao hơn 31.033 m2 để xây dựng nhà máy chế biến chanh dây.
Công ty đã hoàn thành xây dựng phần nhà xưởng, đường giao thông và hàng rào bảo vệ. Dự kiến ngày 25/9/2024, hệ thống dây chuyền máy móc thiết bị được nhập về nhà máy lần 1; ngày 25/12/2024, hệ thống dây chuyền máy móc thiết bị được nhập về nhà máy lần 2; ngày 15/2/2025, đưa nhà máy vào hoạt động theo đúng công suất thiết kế.
Ông Mạnh cho biết, sản phẩm của công ty xuất khẩu chính sang thị trường Trung Quốc, Mỹ, Châu Âu và với công nghệ, chất lượng, giá cả cạnh tranh, ông Mạnh tin sản phẩm sẽ cạnh tranh được trên thị trường.
Sau khi nghe phía Công ty báo cáo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã thăm hỏi tình hình hoạt động, đồng thời động viên, chia sẻ các thông tin nhằm giúp công ty tháo gỡ các khó khăn, phát triển hơn trong thời gian đến.
Trước đó, chiều cùng ngày, Đoàn công tác của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với tỉnh Kon Tum về tình hình sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại và việc triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Bộ trưởng đánh giá tỉnh Kon Tum đã khai thác tương đối tốt tiềm năng, lợi thế để tạo động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp (hiện chiếm gần 90% GRDP). Đặc biệt, trong 7 tháng đầu năm 2024, các chỉ số chính trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại của tỉnh đều có mức tăng trưởng cao hơn mức tăng chung của cả nước và cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã nêu 5 giải pháp trọng tâm mà Kon Tum cần chú trọng trong lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, công nghiệp, thương mại trên địa bàn thời gian tới.
Trong đó, đề nghị tỉnh Kon Tum đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đóng góp của sản xuất công nghiệp trong GRDP địa phương. Tỉnh Kon Tum cần tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi; đồng thời, áp dụng linh hoạt các mô hình đầu tư có hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng logistics, hạ tầng Khu kinh tế Cửa khẩu quốc tế Bờ Y; và các khu, cụm công nghiệp nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư, khai thác có hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương.
Ưu tiên thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chủ lực như công nghiệp chế biến nông - lâm sản, dược liệu, nhất là phát triển công nghiệp chế biến sâu sâm Ngọc Linh theo chuỗi từ sản xuất, trồng thu hoạch, chế biến và phân phối, nhằm đa dạng hóa sản phẩm, tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Chú trọng phát triển năng lượng sạch và phát triển công nghiệp hỗ trợ gắn với lợi thế sẵn có của địa phương để phục vụ các ngành công nghiệp thuộc các lĩnh vực như: cao su, nhựa, linh kiện điện tử, da giày…
Đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics và các lĩnh vực có tính kết nối trong chuỗi giá trị với các tỉnh, thành phố lân cận để phát huy lợi thế về địa kinh tế của Kon Tum.
Ngoài ra, có cơ chế tạo quỹ đất sạch, quy mô đủ lớn để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực về tài chính, công nghệ; có cơ chế, lộ trình nội địa hóa nguyên liệu, dây chuyền sản xuất và phát triển mạng lưới doanh nghiệp vệ tinh nhằm từng bước phát triển phát triển các ngành công nghiệp hiện đại và các ngành công nghiệp có tính nền tảng, tạo nền tảng vững chắc và đóng vai trò chủ chốt, dẫn dắt phát triển kinh tế địa phương.
Tiếp nối chương trình làm việc, ngày mai (8/8), Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cùng đoàn công tác sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi về tình hình phát triển công nghiệp, thương mại 7 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm 2024 và việc triển khai thực hiện quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.