Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố then chốt đáp ứng nhu cầu phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử và kinh tế số.
Đối với thương mại điện tử, Kế hoạch tổng thể phát triển thương mại điện tử quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 đề ra nhiệm vụ “Đào tạo kiến thức, kỹ năng thương mại điện tử cho giáo viên các trường đại học, cao đẳng và trung học chuyên nghiệp, phát triển mạng lưới giảng viên, chuyên gia có kinh nghiệm về giảng dạy, truyền đạt kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử”.
Đối với các cơ sở giáo dục đại học, Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 chỉ rõ nhiệm vụ “Tăng cường hàm lượng thực hành trong đào tạo các chuyên ngành công nghệ số, kinh tế số, xã hội số, đưa các nền tảng số, công nghệ số, đặc biệt là các nền tảng số của Việt Nam, công nghệ mở vào giới thiệu trong các chương trình đào tạo để sinh viên có điều kiện thực hành và tiếp cận thực tế”.
Triển khai các nhiệm vụ trên, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) phối hợp với Hiệp hội Thương mại điện tử (VECOM) tổ chức Chương trình tập huấn giảng viên về Thương mại điện tử và Kinh tế số.
Trước đó, phát biểu khai mạc Chương trình tập huấn tại Hà Nội, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số Lê Hoàng Oanh cho biết, Hội nghị tập huấn giảng viên thương mại điện tử năm 2023 được xây dựng nhằm mục tiêu giúp các giảng viên cập nhật các chính sách, xu hướng mới của kinh doanh số và công nghệ liên quan tới đào tạo thương mại điện tử.
Đồng thời, hỗ trợ các trường bổ sung, sửa đổi chương trình đào tạo, bài giảng, học liệu, thực tập và kiến tập cho sinh viên. Qua đó, nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học của giảng viên, đóng góp cho hoạt động xây dựng chính sách và pháp luật về kinh tế số, thương mại điện tử và đào tạo thương mại điện tử.
Thông qua khóa tập huấn này, Ban tổ chức cũng hi vọng là cầu nối, thắt chặt quan hệ giữa các trường đại học, thúc đẩy sự hợp tác trong xây dựng và cải tiến chương trình đào tạo, nâng cao chất lượng học liệu, trao đổi giảng viên. Đồng thời cũng tạo lập mối liên kết giữa các trường đại học với các cơ quan hoạch định chính sách và pháp luật, các tổ chức và doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực thương mại điện tử.
Đối tượng tham gia Chương trình bao gồm lãnh đạo các trường, khoa và giảng viên giảng dạy các ngành, chuyên ngành hay học phần TMĐT, kinh doanh số, kinh tế số, hệ thống thông tin quản lý, tiếp thị số, logistics…
Chương trình Tập huấn giảng viên về thương mại điện tử và kinh tế số lần đầu tiên được tổ chức sẽ tạo ra bước tiến mới trong đào tạo lĩnh vực này tại các cơ sở giáo dục đại học nước ta.
Chương trình nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của nhiều cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp, bao gồm Vụ Kinh tế số (Bộ Thông tin và Truyền thông), Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), Traffic, Shopee và các nền tảng số hàng đầu cũng như các công ty cung cấp các giải pháp về trí tuệ nhân tạo.
Chương trình đào tạo gồm 3 phiên: (1) Giới thiệu các nền tảng số, công nghệ số vào chương trình đào tạo thương mại điện tử và kinh tế số; (2) Chính sách và pháp luật hiện tại cũng như dự kiến ban hành về kinh tế số và thương mại điện tử tác động thế nào tới chương trình đào tạo; (3) Hợp tác giữa các trường đại học, cơ quan quản lý, hiệp hội và doanh nghiệp. Hình thức tập huấn theo hướng tương tác và mở, khuyến khích trao đổi, tranh luận giữa các đại biểu với khách mời và báo cáo viên.
Đặc biệt, Chương trình này là kết quả hợp tác chặt chẽ của hai đơn vị tổ chức cùng Mạng lưới các cơ sở đào tạo thương mại điện tử (VecomNet). Được thành lập từ giữa năm 2022, tới nay Mạng lưới này đã bao gồm 31 thành viên là các trường đại học tiên phong trong đào tạo thương mại điện tử ở nước ta.