Các biện pháp SPS và TBT đối với hàng rau quả xuất khẩu sang EU-27

ThS. NGUYỄN QUỐC THÁI (Đại học Nguyễn Tất Thành)

TÓM TẮT:

Khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đi vào thực thi, các rào cản thuế quan và phi thuế quan sẽ dần được xóa bỏ giữa các nước thành viên. Tuy nhiên, trên thực tế, các rào cản phi thuế quan lại không bị chối bỏ hoàn toàn, ngược lại, có xu hướng được sử dụng ở nhiều hình thức tinh vi hơn khi mức thuế quan tiến về 0% theo cam kết của EVFTA. Bài viết phân tích các biện pháp vệ sinh dịch tễ (SPS) và rào cản kỹ thuật (TBT) đối với mặt hàng rau quả xuất khẩu (XK) sang 27 nước thuộc châu Âu (EU-27).

Từ khóa: Rào cản, SPS, TBT, rau quả, EU, xuất khẩu.

1. Đặt vấn đề

Sau sự kiện Anh chính thức rời EU (Brexit) đêm 31/1/2020, EU còn lại 27 thành viên với khoảng 450 triệu dân. Đây là thị trường tiêu thụ rau quả và nông sản lớn trên thế giới, lượng rau quả nhập khẩu hàng năm của EU-27 chiếm khoảng 50% nhập khẩu rau quả của thế giới. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường đòi hỏi rất cao về các tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm,...

Việt Nam có thế mạnh về sản xuất rau quả, nhưng kim ngạch XK nhóm hàng này sang EU-27 hiện rất nhỏ - chỉ chiếm khoảng 0,08% lượng nhập khẩu của EU-27. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp vẫn chưa nắm rõ và tuân thủ những quy định nhập khẩu khắt khe của thị trường này.

Bài viết nhằm giới thiệu đôi nét về TBT và SPS, tìm hiểu hoạt động XK rau quả của Việt Nam sang EU-27, tóm lược các quy định SPS và TBT của EU đối với hàng rau quả, phân tích các cơ hội và thách thức đối với hàng rau quả Việt Nam, từ đó đề xuất giải pháp để vượt qua rào cản, đẩy mạnh XK sang EU-27.

2. Sơ lược về TBT và SPS

TBT (Technical Barriers to Trade - Rào cản kỹ thuật trong thương mại) là một trong những rào cản phức tạp nhất trong số các biện pháp phi thuế quan. Theo Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), rào cản kỹ thuật là các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật mà một nước áp dụng đối với hàng hoá nhập khẩu và/hoặc quy trình đánh giá sự phù hợp của hàng hoá nhập khẩu đối với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đó. Về lý thuyết, rào cản kỹ thuật được sử dụng để bảo vệ sức khỏe và an toàn của con người, môi trường sinh thái... WTO cũng đã ban hành Hiệp định TBT nhằm tạo ra một quy chuẩn gồm 3 loại biện pháp kỹ thuật mang tính thống nhất trên phạm vi toàn cầu:

Quy chuẩn kỹ thuật (technical regulations) là những yêu cầu kỹ thuật bắt buộc áp dụng (các doanh nghiệp bắt buộc phải tuân thủ).

Tiêu chuẩn kỹ thuật (technical standards) là các yêu cầu kỹ thuật được chấp thuận bởi một tổ chức đã được công nhận, nhưng không có giá trị áp dụng bắt buộc.

Quy trình đánh giá sự phù hợp (conformity assessment procedure): dùng để xác định việc đáp ứng các yêu cầu liên quan trong quy chuẩn kỹ thuật hoặc tiêu chuẩn (ví dụ như kiểm nghiệm, xác minh, kiểm tra và cấp giấy chứng nhận).

SPS (Sanitary and Phytosanitary Measures - Biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động -thực vật), theo WTO, bao gồm tất cả luật, nghị định, quy định, điều kiện, yêu cầu bắt buộc có tác động đến thương mại quốc tế nhằm bảo vệ cuộc sống, sức khỏe con người, vật nuôi, động vật hay thực vật thông qua việc bảo đảm an toàn thực phẩm, ngăn chặn sự xâm nhập của các dịch bệnh có nguồn gốc từ động vật hay thực vật. Biện pháp SPS có thể là các yêu cầu về chất lượng, quy trình đóng gói, bao bì, kiểm dịch, cách lấy mẫu, phương pháp thống kê, phương thức vận chuyển động vật hay thực vật... Nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý cho vấn đề này, WTO cũng đã ban hành Hiệp định SPS.

Theo tiến trình tự do hóa thương mại, các công cụ bảo hộ truyền thống dần được gỡ bỏ nên rào cản TBT và SPS trở nên có hiệu quả hơn. Theo đó, việc bị các nước lạm dụng ngày càng trở nên phổ biến, phức tạp hơn nhằm bảo hộ sản xuất trong nước, gây khó khăn cho hàng hóa nhập khẩu.

3. Tình hình xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang EU-27

Theo báo cáo XNK Việt Nam năm 2018, kim ngạch XK hàng hóa của Việt Nam năm 2018 đạt 480,17 tỷ USD (tăng 12,2% so với năm 2017), cán cân thương mại đạt mức thặng dư 6,8 tỷ USD. Trong đó, tổng kim ngạch XNK giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu năm 2018 đạt 49,10 USD; xuất khẩu vào EU-27 đạt 36,17 tỷ USD (tăng 10% so với 2017), nhập khẩu từ EU-27 đạt 12,92 tỷ USD (tăng 13,7%). Hiện nay, EU-27 là thị trường XK lớn thứ hai của Việt Nam, chỉ sau Mỹ.

Rau quả là một trong số các mặt hàng XK chính của Việt Nam. Sau khi gia nhập WTO, kim ngạch XK loại hàng này có sự tăng trưởng đều đặn và ổn định hơn. Theo Tổng cục Thống kê, XK rau quả của Việt Nam năm 2018 đạt 3,81 tỷ USD, tăng 8,9% so với năm 2017. Các thị trường rau quả chủ yếu của Việt Nam năm 2018 là: Trung Quốc - với trị giá 2,78 tỷ USD, chiếm tỷ trọng nhập khẩu rau quả cao nhất từ Việt Nam là 73%; tiếp đến là Mỹ - đạt 139,95 triệu USD, chiếm 3,7%; ASEAN đạt 134,25 triệu USD - chiếm 3,5%; Hàn Quốc - đạt 113,9 triệu USD, chiếm 3%; EU-27 đạt 109,21 triệu USD - chiếm 2,9%; và Nhật Bản đạt 105,14 triệu USD - chiếm 2,8%.

Đối với thị trường các nước chủ lực trong EU-27: Nhìn chung, XK rau quả của Việt Nam sang EU-27 năm 2018 đạt mức tăng trưởng là 9,2% so với năm 2017. Trong khối EU-27, XK rau quả sang Hà Lan luôn đạt kim ngạch cao nhất, vì đây là thị trường chính trong tiêu dùng và phân phối các sản phẩm nông sản của Việt Nam nói chung và rau quả nói riêng.

Năm 2018, kim ngạch XK rau quả sang Hà Lan đạt 59,9 triệu USD (chiếm 51,9% tổng kim ngạch XK rau quả Việt Nam sang EU-27). Thị trường lớn thứ hai trong khối EU-27 là Pháp - đạt 25,6 triệu USD (chiếm 22,2%), Đức đứng thứ ba trong khối với kim ngạch với 17,8 triệu USD (chiếm 15,4%) và Ý đạt 5,9 triệu USD (chiếm 5%) trong năm 2018.

Bảng 1 dưới đây so sánh tình hình XK rau quả Việt Nam 8 tháng đầu năm 2019 với cùng kỳ 2018 ở 4 thị trường lớn của EU-27 và cho thấy có sự tăng trưởng tốt. Trong đó, Ý đạt mức tăng trưởng rất ấn tượng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm trước, Hà Lan tăng trưởng mạnh với mức tăng là 39%, Pháp và Đức đạt mức tăng trưởng ít hơn với 18% và 14%.

Bảng 1. Xuất khẩu rau quả sang các nước chủ yếu của EU-27 trong 8 tháng đầu năm 2018 và năm 2019

ĐVT: Triệu USD

Xuất khẩu rau quả sang các nước chủ yếu của EU-27 trong 8 tháng đầu năm 2018 và năm 2019

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Theo Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ - Bộ Công Thương, rau quả Việt Nam XK sang EU-27 chủ yếu ở dạng tươi, sơ chế. Một số mặt hàng rau quả chủ lực xuất sang thị trường này, gồm: dứa, thanh long, cơm dừa, chôm chôm, chuối, vải, quả có múi, rau thơm, rau gia vị… Các loại rau quả nhiệt đới khác cũng đang dần chiếm được sự ưa chuộng của người tiêu dùng EU - 27, như: bơ, xoài, ổi, mãng cầu, rau hữu cơ,…

4. Các quy định về SPS và TBT của EU đối với mặt hàng rau quả

4.1. Quy định về SPS

* Quy định về vệ sinh thực vật và an toàn thực phẩm

- Các mặt hàng rau quả phải đáp ứng tất cả quy định chung về thực phẩm theo Luật Thực phẩm tổng hợp của EU (EU General Food Law), luật này cũng có các yêu cầu về truy nguyên nguồn gốc.

Các loại thực vật và các sản phẩm thực vật, kể cả rau quả có xuất xứ từ những khu vực không xác định được, bị nhiễm sinh vật gây hại sẽ không được phép nhập khẩu vào EU.

EU cũng đưa ra hệ thống cảnh báo nhanh đối với thực phẩm và thức ăn gia súc - RASFF: Hệ thống này giúp các nước EU trao đổi thông tin về các mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với sức khỏe người tiêu dùng và thực hiện các biện pháp cần thiết tiếp theo.

- Quy định về quản lý chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm của EU (HACCP - Hệ thống phân tích mối nguy và kiểm soát điểm tới hạn) là quy định bắt buộc mang tính pháp lý đối với những nhà chế biến thực phẩm, trong đó có rau quả đã qua chế biến. HACCP đưa ra 7 nguyên tắc cần phải thực hiện nhằm ngăn chặn các mối nguy hại trong quá trình sản xuất ra thành phẩm. 

Đối với rau quả tươi, EU thường yêu cầu người XK phải có giấy chứng nhận về thực hành sản xuất nông nghiệp tốt toàn cầu (GlobalGAP) hay các chứng nhận an toàn thực phẩm khác. Ngoài đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, GlobalGAP còn liên quan tới đảm bảo tiêu chuẩn về môi trường và xã hội thông qua giảm lượng hóa chất sử dụng, có trách nhiệm về sức khỏe và an toàn lao động. GlobalGAP được phát triển từ EurepGAP. Phạm vi EurepGAP gồm: sản xuất quả, rau, khoai tây, salad, hoa cắt cành và gia súc chăn nuôi.

- Quy định chung về kiểm soát, kiểm tra sản phẩm: Tất cả sản phẩm nhập khẩu vào EU đều bị kiểm tra xem sản phẩm có phù hợp theo các quy định trong luật về thực phẩm có liên quan của EU.

- Trong chính sách an toàn thực phẩm, EU cũng đưa ra tiêu chí về nhiễm vi khuẩn trong thực phẩm (thực phẩm có mang vi sinh vật, độc tố, chất chuyển hóa của nó), quy định về dư lượng tối đa chất gây ô nhiễm trong sản phẩm hoặc nhóm sản phẩm cụ thể.

Đối với nguyên liệu và đồ vật tiếp xúc với thực phẩm (ví dụ như bao bì), EU cũng có quy định nhằm ngăn ngừa những biến đổi không cho phép trong thành phần của thực phẩm và đảm bảo an toàn sức khỏe cho con người.

- Các lô hàng nhập khẩu vào EU phải có giấy chứng nhận vệ sinh và an toàn thực vật để thể hiện tình trạng sản phẩm, biện pháp kiểm tra và chữ ký xác nhận của cơ quan bảo vệ thực vật quốc gia trước khi gửi hàng. EU cũng có quy định riêng về vật liệu đóng gói làm từ gỗ không được chứa sâu bệnh.

EU vừa đưa ra quy định sửa đổi về kiểm dịch thực vật. Theo đó, từ ngày 01/9/2019 EU áp dụng yêu cầu kiểm dịch thực vật nghiêm ngặt hơn đối với nhiều loại nông sản nhập khẩu từ các nước ngoài EU, trong đó có Việt Nam.

Đối với Việt Nam, trước đây, EU đã từng cảnh báo Việt Nam về các lô hàng rau thơm không đạt chất lượng, rau quả bị nhiễm vi sinh vật và một số dịch hại. Thậm chí, EU từng cảnh báo nếu phát hiện đủ 5 lô hàng rau quả không đảm bảo quy định thì sẽ ngừng nhập khẩu toàn bộ các mặt hàng rau quả của Việt Nam.

* Quy định về mức tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật

Rau quả nhập khẩu vào EU phải tuân thủ quy định về Giới hạn mức tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật (MRL). Quy định này nhằm đảm bảo rằng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm không gây hại cho người tiêu dùng. Ngoài ra, EU còn cấm sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật có chứa hoạt chất có khả năng gây hại cho sức khỏe con người và động vật hoặc gây hại cho môi trường.

4.2. Quy định về TBT

* Quy định về dán nhãn thực phẩm

Các doanh nghiệp XK cần tuân thủ các quy định chung của EU về dán nhãn hàng thực phẩm. Ngoài ra còn có các quy định riêng liên quan đến nhãn thực phẩm dinh dưỡng.

Trong ngành hàng rau quả, việc sản xuất, dán nhãn hữu cơ phải tuân thủ theo quy định của EU. Đối với khách hàng nhập khẩu EU, mối quan tâm hàng đầu của họ chính là có chứng nhận đáp ứng quy định này hay không.

* Quy định về tiêu chuẩn và phân loại chất lượng

Hàng rau quả tươi nhập khẩu từ nước ngoài vào EU phải tuân thủ các tiêu chuẩn về chất lượng thị trường chung của EU. Ngoài ra, EU còn đưa ra các yêu cầu bổ sung riêng cho từng loại sản phẩm rau quả. Các sản phẩm nhập khẩu sẽ được kiểm tra thường xuyên và nếu không tuân thủ các quy định này thì sẽ không được phép tiêu thụ tại đây. Nếu sản phẩm nhập khẩu không nằm trong tiêu chuẩn chất lượng của EU, thì các tiêu chuẩn của Ủy ban Kinh tế châu Âu của Liên hợp quốc (UNECE) sẽ được áp dụng.

Những lô hàng rau quả tươi nhập khẩu từ các nước ngoài khối EU theo tiêu chuẩn EC cần phải có Giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn (Certificate of conformity). Các sản phẩm sản xuất theo tiêu chuẩn thị trường EU được dùng để chế biến yêu cầu phải có Giấy chứng nhận sử dụng công nghiệp (Certificate of industrial use).

* Một số tiêu chuẩn khác

- Quy định về Thực hành sản xuất tốt (GMP): EU thực hiện quy định GMP đối với nhà sản xuất nguyên liệu và những sản phẩm có thể tiếp xúc với thực phẩm. Quy định này không áp dụng trực tiếp đối với nhà sản xuất ngoài EU, nhưng có thể ảnh hưởng gián tiếp tới họ vì khách hàng từ EU sẽ yêu cầu về chất lượng sản phẩm.

- Tiêu chuẩn BRC (của Hiệp hội Bán lẻ Anh - British Retail Consortium) là một bộ tiêu chuẩn kỹ thuật hàng đầu về vấn đề an toàn thực phẩm, bao bì, lưu kho và phân phối được nhiều công ty bán lẻ và siêu thị lớn áp dụng. Đây cũng là tiêu chuẩn mà nhiều khách hàng EU hiện đang yêu cầu nhà XK thực phẩm phải đáp ứng.

Chi tiết về quy định nhập khẩu, các tiêu chuẩn kỹ thuật đối với hàng hóa nói chung và rau quả nói riêng của EU, tham khảo tại trang web: http://www.cbi.eu/marketinfo.

5. Cơ hội và thách thức cho hàng rau quả Việt Nam thâm nhập thị trường EU-27

5.1. Cơ hội

- Chính sách thúc đẩy quan hệ thương mại của Việt Nam với EU, đặc biệt là khi thực thi EVFTA với việc cắt giảm các hàng rào thương mại sẽ là cơ hội gia tăng XK rau quả sang thị trường châu Âu.

- Hiệp định cũng sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đầu tư trực tiếp từ EU-27, hoạt động chuyển giao công nghệ giữa hai bên, sự trợ giúp kỹ thuật và hỗ trợ đào tạo cán bộ Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp… góp phần nâng cao chất lượng nông sản nói chung, rau quả nói riêng của Việt Nam, đáp ứng các quy định, tiêu chuẩn chất lượng của EU.

- Tiềm năng XK mặt hàng rau quả Việt Nam sang EU-27 còn rất lớn khi EU-27 là thị trường XK lớn thứ hai của Việt Nam, sau Mỹ và trên Trung Quốc, ASEAN, Hàn Quốc và Nhật Bản.

- Nhiều loại rau, trái cây nhiệt đới đặc sản của Việt Nam có sức hấp dẫn đối với nhu cầu ngày càng tăng của người tiêu dùng.

5.2. Thách thức

- Các thị trường phát triển như EU-27 đang lạm dụng các rào cản phi thuế quan với nhiều hình thức tinh vi hơn, dưới danh nghĩa bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường nhằm bảo hộ sản xuất trong nước.

- Hàng rau quả nhập khẩu vào EU-27 phải đối mặt với rào cản kỹ thuật ngày càng khắt khe hơn. Phần lớn các nhà nhập khẩu EU yêu cầu nhà XK phải có chứng nhận GlobalGAP làm điều kiện tiên quyết để ký hợp đồng. Đây là điều kiện mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam khó đáp ứng được. 

- Hàng rau quả của Việt Nam phải đối mặt với sức ép cạnh tranh ngày càng gay gắt từ các nhà cung cấp khác trên thế giới, trong đó có nhiều đối thủ mạnh như Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia…

- Một trở ngại khác cho rau quả tươi Việt Nam là phải đối mặt với việc duy trì chất lượng đến thị trường xa xôi EU-27. Việc châu Âu đưa ra cảnh báo trước đây về các lô hàng không đảm bảo chất lượng cho thấy khâu bảo quản sau thu hoạch, vấn đề vệ sinh thực vật và an toàn thực phẩm của doanh nghiệp chưa được kiểm soát tốt.

6. Một số giải pháp và khuyến nghị

6.1. Ở tầm vi mô

- Các doanh nghiệp XK rau quả cần nghiên cứu nắm vững các quy định của EU về an toàn vệ sinh thực phẩm và tiêu chuẩn kỹ thuật, đảm bảo truy xuất nguồn gốc cũng như tổ chức sản xuất theo công nghệ cao, nâng cao chất lượng sản phẩm, làm tốt khâu bảo quản, áp dụng quy trình sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế GlobalGAP, HACCP…   

- Cần tham gia các cuộc hội thảo, diễn đàn, tập huấn, tư vấn… về các rào cản kỹ thuật trong thương mại của EU-27. Doanh nghiệp cũng có thể tranh thủ triệt để cơ hội tiếp xúc, thu thập thông tin từ các cơ quan chuyên trách nghiên cứu thị trường, xúc tiến thương mại, các tổ chức kinh tế, các thương nhân EU….

- Chủ động gắn kết các doanh nghiệp chế biến, bảo quản, XK với vùng nguyên liệu; Chú trọng xây dựng và bảo vệ hình ảnh, uy tín thương hiệu mặt hàng rau quả cũng như lập ra kế hoạch phổ biến, rộng rãi thương hiệu rau quả Việt Nam đến thị trường EU-27 bằng nhiều hình thức.

- Tăng cường xây dựng mối quan hệ tốt, bền vững với các nhà nhập khẩu EU-27 nhằm giúp cho doanh nghiệp Việt Nam ứng phó tốt với các rào cản rau quả của thị trường này.

- Nâng cao nguồn nhân lực có chất lượng cao, đội ngũ cán bộ cần nắm vững tiêu chuẩn chất lượng rau quả, có khả năng kiểm soát chặt chẽ quy trình sản xuất, quy trình kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm của EU…

6.2. Ở tầm vĩ mô

- Nhà nước cần nâng cao năng lực phân tích chính sách, nghiên cứu xây dựng các quy chế ứng phó rào cản của EU như: các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cho phép, các tiêu chuẩn chất lượng, dán nhãn rau quả… theo các Hiệp định SPS, Hiệp định TBT, hệ thống SPS của EU, tiêu chuẩn MRL.

- Tập trung đầu tư, phát triển các vùng nguyên liệu chuyên ngành và xen canh từ khâu nghiên cứu lai giống, có phẩm chất tốt, vật tư, quy trình sản xuất… để sản phẩm rau quả có chất lượng tốt, cho năng suất cao, giá thành hạ.

- Tăng cường phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành hữu quan, doanh nghiệp và nông dân nhằm tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp vượt qua rào cản kỹ thuật, đẩy mạnh XK sang thị trường rau quả EU-27.

- Tăng cường đào tạo đội ngũ cán bộ kiểm định với các phương pháp, kỹ thuật phù hợp với quy định của EU, nhằm đảm bảo chất lượng và uy tín của rau quả XK Việt Nam.

7. Kết luận

EVFTA mở ra cơ hội to lớn, nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức, đặc biệt là sự tăng cường các hàng rào kỹ thuật khi hàng nông - thủy sản nói chung, và rau quả nói riêng của Việt Nam thâm nhập mạnh mẽ vào thị trường châu Âu. Để vượt qua trở ngại, rất cần có những giải pháp thiết thực, hiệu quả và đồng bộ từ nhiều phía.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Công Thương (2019), Báo cáo XNK Việt Nam 2018, NXB Công Thương.
  2. Cục Xúc tiến thương mại (2012), Báo cáo nghiên cứu Thị trường hàng rau quả tươi EU, Hà Nội.
  3. GS. TS. Võ Thanh Thu (2010), Quan hệ kinh tế quốc tế, NXB Thống kê.
  4. Trung tâm WTO - Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam (2019), Nghiên cứu hoa quả Việt Nam vượt qua rào cản của thị trường EU để tận dụng cơ hội từ EVFTA, Hà Nội.
  5. Các website: http://www.cbi.eu, http://tbt.gov.vn, www.gso.gov.vn, www.customs.gov.vn, http://www.vietrade.gov.vn, http://www.vinafruit.vn, http://xttm.mard.gov.vn, http://www.vinanet.com.vn,http://ec.europa.eu, http://www.globalgap.org, http://trungtamwto.com.vn, www.wto.org...

SANITARY AND PHYTOSANITARY MEASURES

AND TECHNICAL BARRIERS TO TRADE FOR FRUIT

AND VEGETABLE EXPORTS TO 27 EUROPEAN COUNTRIES

Master. NGUYEN QUOC THAI

Nguyen Tat Thanh University

ABSTRACT:

When the EVFTA comes into effect, tariffs and non-tariffs barriers will be gradually eliminated among member countries of the agreement. However, in fact, non-tariff barriers are not completely rejected but tend to be used in more sophisticated forms when the tariff reaches 0% under the EVEFTA’s commitments. This paper analyzes sanitary and phytosanitary measures (SPS) and technical barriers to trade (TBTs) for fruit and vegetable exports to 27 European countries (EU-27).

Keywords: Barriers, SPS, TBT, vegetables, EU, exports.