Theo thứ trưởng Trần Xuân Hà, đối thoại giữa kênh hợp tác tài chính-ngân hàng của ASEAN với Bộ Tài chính Hoa Kỳ là hoạt động đối thoại thường niên có vai trò quan trọng trong việc trao đổi thông tin, chia sẻ quan điểm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng giúp các bên điều phối chính sách kinh tế vĩ mô hiệu quả, góp phần đảm bảo ổn định.
Trong năm 2020, với vai trò Chủ trì ASEAN, Việt Nam đã lựa chọn chủ đề ưu tiên quốc gia là “ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng” với mục tiêu xây dựng một ASEAN gắn kết và tự cường, vượt qua những khó khăn thách thức.
Theo đó, Bộ Tài chính Việt Nam và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã lựa chọn 2 chủ đề ưu tiên cho Tiến trình Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương ASEAN năm 2020, bao gồm “Tài chính bền vững trong ASEAN” và “Thúc đẩy kết nối thanh toán khu vực”.
Chủ đề ưu tiên về “Tài chính bền vững trong ASEAN” được Bộ Tài chính Việt Nam ưu tiên thúc đẩy với mục đích thúc đẩy tài chính bền vững của khu vực thông qua việc phát triển thị trường vốn bền vững, nâng cao nhận thức và khuyến khích các nước phát hành Trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững áp dụng các chuẩn mực trái phiếu xanh ASEAN.
Các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương tại Tuyên bố chung năm 2019 đã khẳng định tài chính bền vững đóng một vai trò rất quan trọng nhằm cải thiện sự hiệu quả, thịnh vượng và khả năng cạnh tranh trong nền kinh tế khu vực.
Đồng thời bảo vệ và thúc đẩy các hệ thống sinh thái, và tăng cường sự đa dạng văn hóa và phúc lợi xã hội.
Về phần mình, trong thời gian qua, Bộ Tài chính Việt Nam đã ban hành Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu trong giai đoạn 2017-2020 với Tầm nhìn tới năm 2030, và khuyến nghị áp dụng các cơ chế và chính sách để thúc đẩy sự phát triển thị trường trái phiếu xanh như một ưu tiên trong giai đoạn tới.
Việt Nam cũng đang sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường theo đó đưa ra các khung chính sách cơ bản để khuyến khích việc phát hành trái phiếu xanh, quy định về danh mục các lĩnh vực xanh cần khuyến khích đầu tư.
Trái phiếu xanh là trái phiếu một doanh nghiệp hoặc TCTD phát hành để huy động vốn cho các dự án và hoạt động ứng phó thông minh với biến đổi khí hậu.
Ðối với Việt Nam, các lĩnh vực được đánh giá là có tiềm năng cho trái phiếu xanh bao gồm năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, công trình xanh và các phương tiện giao thông xanh (chạy bằng điện).