Các nhân tố ảnh hưởng đến công bố thông tin ở các doanh nghiệp nhà nước tại Việt Nam

ThS. ĐẶNG THỊ LY (Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum), PGS. TS. TRẦN ĐÌNH KHÔI NGUYÊN (Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng)

TÓM TẮT:
Nghiên cứu này nhằm tìm hiểu các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ công bố thông tin (CBTT) của các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) ở Việt Nam. Kết quả nghiên cứu cho thấy mức độ CBTT của các DNNN ở Việt Nam rất thấp và có sự khác biệt đáng kể giữa các nhóm DNNN. Các nhân tố truyền thống, như quy mô doanh nghiệp, thời gian hoạt động, khả năng sinh lời, khả năng thanh toán, đòn bẩy tài chính không ảnh hưởng đến CBTT ở các DNNN tại Việt Nam. Kết quả này đặt ra những yêu cầu cấp bách về đổi mới cơ chế quản trị trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Từ khóa: Lý thuyết đại diện, bất cân xứng thông tin, công bố thông tin, DNNN.

1. Đặt vấn đề
DNNN đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế ở Việt Nam. Tuy nhiên, trong khu vực DNNN lại diễn ra tình trạng thiếu minh bạch thông tin. Đây được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc giám sát các DNNN còn lỏng lẻo, dẫn đến nhiều sai phạm trong quản lý tại các DNNN. Để tăng cường tính minh bạch về hoạt động của DNNN và nâng cao năng lực quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước; Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg và Nghị định số 81/2015/NĐ-CP về CBTT cho các DNNN ở Việt Nam. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện thì tình hình CBTT của các doanh nghiệp này vẫn chưa khả quan. Cho đến nay vẫn chưa có một báo cáo chính thức về việc CBTT ở các DNNN tại Việt Nam sau khi Nghị định 81 có hiệu lực. Ở góc độ học thuật, CBTT là chủ đề được nhiều học giả quan tâm nhưng tập trung chủ yếu ở các công ty niêm yết trong khi khối các DNNN vẫn còn ít nghiên cứu. Bài viết này hướng đến xây dựng mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến CBTT ở các DNNN tại Việt Nam sau khi Nghị định 81 ra đời. Kết quả nghiên cứu sẽ giúp các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà hoạch định chính sách có những giải pháp để tăng cường minh bạch thông tin trong các DNNN.
2. Phương pháp nghiên cứu
2.1. Phát triển giả thuyết nghiên cứu
DNNN trong nghiên cứu này là các DN do nhà nước sở hữu 100% vốn. Dựa trên các lý thuyết đại diện, bất cân xứng thông tin và lý thuyết chi phí chính trị, nghiên cứu này xem xét ảnh hưởng của các nhân tố đến CBTT qua các giả thuyết sau:
2.1.1. Quy mô doanh nghiệp
Chow (1987) lập luận rằng chi phí đại diện tăng theo quy mô công ty. Do đó, các công ty lớn tự nguyện công bố nhiều thông tin hơn trong các báo cáo hàng năm để giảm chi phí đại diện. Ngoài ra, doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì tính đa dạng về các hoạt động càng nhiều, thông tin quá khứ và tương lai có xu hướng bùng nổ. Do vậy, cổ đông và các bên có liên quan càng đòi hỏi cao hơn về CBTT so với các doanh nghiệp nhỏ. Ở Việt Nam, các DNNN sau hơn 30 năm đổi mới đã được tái cấu trúc, đa phần là các DN lớn của Trung ương, Bộ, ngành và địa phương, có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế vĩ mô. Do vậy, thông tin ở các DNNN được đánh giá có hàm lượng rất lớn, cần phải công bố theo yêu cầu mới. Giả thuyết đặt ra:
H1: Quy mô DNNN càng lớn thì mức độ CBTT càng nhiều.
2.1.2. Thời gian hoạt động
Những doanh nghiệp hoạt động lâu năm thường là những doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng đối với nền kinh tế. Do đó, các doanh nghiệp này thường có nhiều kinh nghiệm trong quản trị công ty, trong đó có CBTT (Galani, 2011). Ở Việt Nam các DNNN là tập đoàn kinh tế và DNNN thuộc Bộ, ngành được xem là những doanh nghiệp đóng vai trò quan trọng và thời gian hoạt động dài. Do đó, những doanh nghiệp này sẽ có đội ngũ nhân viên có chất lượng cao trong quản trị và có điều kiện cải thiện việc CBTT.
H2: DNNN có thời gian hoạt động càng lâu thì mức độ CBTT càng cao.
2.1.3. Ngành
Phần lớn các DNNN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp là các doanh nghiệp có quy mô lớn, cấu trúc phức tạp, hoạt động đa dạng nên có điều kiện thuận lợi để CBTT hơn các DN thuộc các ngành khác. Vì thế, giả thuyết đưa ra là:
H3: Các DNNN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp công bố nhiều thông tin hơn các DNNN hoạt động trong các lĩnh vực khác.
2.1.4. Khả năng thanh toán
Khả năng thanh toán cũng là một trong những yếu tố có liên quan đến hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Những DNNN có khả năng thanh toán tốt sẽ có xu hướng công bố nhiều thông tin hơn như là một tín hiệu tích cực về hiệu quả cho chủ sở hữu. Với các DNNN tại Việt Nam, khả năng thanh toán càng cao thì cơ hội tiếp cận các nguồn vốn tín dụng càng nhiều để mở rộng quy mô hoạt động của mình. Ở góc độ đó, các doanh nghiệp càng nỗ lực CBTT để giảm thiểu bất cân xứng thông tin với nhà tài trợ. Do vậy, giả thuyết đặt ra:
H4: Khả năng thanh toán càng cao thì mức độ CBTT càng nhiều.
2.1.5. Khả năng sinh lời
DNNN sử dụng vốn của Nhà nước và cũng chính là tài sản của toàn dân để phục vụ cho các hoạt động kinh doanh. Do đó, khả năng sinh lời của các DNNN là một trong những vấn đề được Nhà nước, người dân và cả xã hội quan tâm. Khi mà hoạt động của DNNN được cho là kém hiệu quả, thậm chí là thua lỗ thì các doanh nghiệp này rất e ngại trong việc CBTT. Do đó, trên cơ sở lý thuyết tín hiệu thì các DNNN có khả năng sinh lời cao sẽ CBTT nhiều hơn. Ngoài ra, việc công bố nhiều thông tin cũng giúp cải thiện mối quan hệ với chính phủ, quan trọng hơn là sẽ tạo áp lực tăng lương, thưởng cho người lao động, trong đó có người quản lý. Giả thuyết đặt ra:
H5: Khả năng sinh lời càng cao thì mức độ CBTT càng nhiều.
2.1.6. Đòn bẩy tài chính
Đòn bẩy tài chính liên quan đến khoản nợ phải trả của doanh nghiệp. Mặc dù DNNN thường nhận nhiều ưu đãi khi tiếp cận các khoản tín dụng, nhưng việc CBTT là cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin của chủ nợ. Nếu doanh nghiệp có nợ càng lớn và CBTT càng nhiều thì nhà tài trợ sẽ có điều kiện đánh giá rõ hơn về tình hình hoạt động; qua đó đưa ra quyết định tài trợ cho doanh nghiệp. Đặc biệt, khi việc CBTT của DNNN được xúc tiến thông qua Quyết định số 36/2014/QĐ-TTg và Nghị định số 81/2015/NĐ-CP thì yêu cầu CBTT càng được đòi hỏi. Theo đó, giả thuyết đặt ra:
H6: Đòn bẩy tài chính càng cao thì mức độ CBTT càng nhiều.
2.1.7. Loại DNNN
DNNN tại Việt Nam được chia ra thành 3 nhóm, gồm: DNNN là tập đoàn kinh tế (bao gồm cả Tổng công ty), DNNN thuộc Bộ, ngành và DNNN địa phương. Các tập đoàn kinh tế và DNNN thuộc Bộ, ngành thường là những doanh nghiệp có quy mô lớn, đóng vai trò nòng cốt của nền kinh tế, đồng thời chịu sự quản lý của cơ quan cấp cao nên có thể sẽ công bố nhiều thông tin hơn so với DNNN địa phương. Tương ứng với hai giả thuyết đưa ra như sau:
H7a: DNNN thuộc Bộ, ngành CBTT nhiều hơn so với DNNN địa phương
H7b: DNNN là tập đoàn kinh tế CBTT nhiều hơn so với DNNN địa phương
2.1.8. Chủ thể kiểm toán
Xét đến yếu tố chủ thể kiểm toán, các nghiên cứu trước đây thường xem xét sự khác biệt về CBTT giữa các doanh nghiệp được kiểm toán bởi công ty kiểm toán lớn (Big4: PWC, Deloitte, E&Y và KPMG) và được kiểm toán bởi các công ty kiểm toán khác. Liên hệ với trường hợp các DNNN tại Việt Nam, chúng tôi cũng kì vọng vào tác động của chủ thể kiểm toán đến việc CBTT vì những DN được kiểm toán bởi các hãng lớn thường là tập đoàn, có xu hướng hội nhập và trong bối cảnh đó CBTT cũng được coi là kênh để hội nhập. Do đó, giả thuyết đưa ra như sau:
H8: Các DNNN được kiểm toán bởi Big4 sẽ CBTT nhiều hơn so với các DNNN được kiểm toán bởi các hãng khác.
2.2. Thiết kế nghiên cứu
2.2.1. Đo lường mức độ CBTT
Cách tiếp cận đo lường mức độ CBTT của DNNN cũng tương tự như các loại hình doanh nghiệp khác, thông qua chỉ số CBTT. Dựa trên nghiên cứu của Cooke (1989), Singhvi (1971) và nội hàm Nghị định số 81/2015/NĐ-CP về CBTT đối với DNNN, chỉ số CBTT là chỉ số tổng hợp của 108 chỉ mục, chia thành 10 loại, trong đó có 9 loại công bố định kỳ và 1 loại công bố bất thường. Phương pháp đo lường không trọng số được áp dụng theo công thức sau:

Trong đó:
Ij: là chỉ số CBTT của doanh nghiệp j; 0 < Ij < 1.
dij: nhận giá trị 1 nếu mục thông tin i được công bố, 0 nếu thông tin i không được công bố.
nj: số lượng mục thông tin có thể công bố bởi doanh nghiệp j (nj < 108).
Đo lường các biến phụ thuộc: Được tổng hợp ở Bảng 1 có dựa trên kế thừa của các nghiên cứu trước đây. (Bảng 1).


2.2.2. Kĩ thuật phân tích và chọn mẫu
Phương pháp phân tích hồi quy được sử dụng để xem xét sự ảnh hưởng của các nhân tố đến mức độ CBTT và dấu của hệ số hồi qui là cơ sở để kiểm định các giả thuyết được xây dựng. Tính đến cuối năm 2016, nước ta có 620 DN do Nhà nước sở hữu 100% vốn. Tuy nhiên tính đến ngày 30/9/2017 (thời điểm các loại báo cáo hoàn tất việc công bố), chỉ có 366 DN đưa thông tin trên cổng thông tin của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (http://www.business.gov.vn), chiếm 59,03%. Con số này phần nào đã thể hiện việc chưa tuân thủ về CBTT của các DNNN. Tiêu chí được đưa ra để chọn mẫu nghiên cứu là DNNN phải có công bố Báo cáo tài chính năm 2016 đã được kiểm toán. Theo đó, chỉ có 90 DNNN thỏa điều kiện trên. Số liệu được thu thập dựa trên các bảng báo cáo và bảng kế hoạch của các DNNN được công bố trong năm 2016.
3. Kết quả nghiên cứu và bàn luận
3.1. Mức độ công bố thông tin Kết quả thống kê ở Bảng 2 cho thấy chỉ số CBTT trung bình của các DNNN rất thấp với 36,9% và còn một tỷ lệ lớn (63,1%) các thông tin chưa được công bố. Trong đó, giá trị lớn nhất của chỉ số CBTT là 80,7% và giá trị nhỏ nhất là 5%. Điều này cho thấy chênh lệch về mức độ CBTT của các DNNN là rất lớn. Trong 9 loại thông tin cần công bố theo định kỳ thì chỉ có thông tin về BCTC 6 tháng và BCTC năm được công bố ở mức tương đối (79,9%). Các loại thông tin còn lại đều chưa nhận được sự quan tâm của các DNNN nên mức độ công bố đều rất thấp, đặc biệt là thông tin về chiến lược và kế hoạch phát triển kinh doanh. Điều này đã phác họa phần nào bức tranh về minh bạch thông tin ở các DNNN.
3.2. Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến CBTT
Kết quả phân tích tương quan ở Bảng 3 cho thấy hệ số tương quan giữa từng biến độc lập với chỉ số CBTT ở mức thấp. Kết quả cho thấy rằng Loại DNNN (D2, D3), Chủ thể kiểm toán (D4), Quy mô doanh nghiệp và Khả năng sinh lời có tương quan thuận với chỉ số CBTT. Trong khi đó, các biến ngành (D1), Thời gian hoạt động, Khả năng thanh toán và Đòn bẩy tài chính có mối liên hệ tương quan nghịch với chỉ số CBTT. Để kiểm định 8 giả thuyết đưa ra, phương pháp phân tích hồi qui đưa tất cả các biến được sử dụng để xem chiều hướng và mức ý nghĩa thống kê của từng nhân tố, thể hiện ở Bảng 4. Nhiều nhân tố không có liên quan đến mức độ CBTT, như quy mô doanh nghiệp, thời gian hoạt động, khả năng sinh lời và chủ thể kiểm toán. Ở mức ý nghĩa thống kê 5% chỉ có hai biến giả liên quan đến Loại DNNN thực sự có ảnh hưởng đến CBTT, trong khi mở rộng đến mức ý nghĩa 10% thì có thêm ảnh hưởng của nhân tố ngành và khả năng thanh toán. Mô hình các nhân tố ảnh hưởng đến CBTT được thể hiện trên Bảng 5. Như vậy, với chỉ số công bố thông tin ở mức độ còn quá thấp (36,94%), các nhân tố trong nghiên cứu này chỉ có khả năng giải thích 7% sự thay đổi về CBTT tại các DNNN tại Việt nam. Loại DNNN là nhân tố ảnh hưởng chủ yếu đến mô hình cho thấy tồn tại tính khách quan liên quan đến đặc thù và năng lực của từng loại doanh nghiệp.
Nhiều nhân tố truyền thống không ảnh hưởng đến việc CBTT, như: Quy mô doanh nghiệp (H1), thời gian hoạt động (H2), khả năng sinh lời (H5), đòn bẩy tài chính (H6). Trên phương diện quản trị, đây là một câu hỏi lớn về mức độ minh bạch thông tin của DNNN. Một khi mức độ CBTT của DNNN không chịu ảnh hưởng bởi các nhân tố trên, người dân càng nghi ngờ về tính minh mạch của DNNN, về khả năng giám sát của xã hội với các doanh nghiệp này. CBTT là cơ chế để giảm thiểu sự bất cân xứng thông tin, nhưng đối với các DNNN ở Việt Nam, đây chưa phải là vấn đề được lãnh đạo các DNNN coi trọng. Phải chăng, lãnh đạo các DNNN chưa nhận thức đầy đủ về vai trò của minh bạch thông tin đối với các bên có liên quan? Tính chế tài đối với minh bạch thông tin còn quá thấp và có quá nhiều ưu đãi cho các DNNN (ưu đãi nhận tín dụng từ phía ngân hàng thương mại, ưu tiên tham gia các dự án trọng điểm…) nên minh bạch thông tin trở nên mất đi ý nghĩa? Người đại diện của các DNNN cũng thực sự chưa coi trọng thông tin công bố từ phía DNNN để giám sát và ra quyết định, chính sách hợp lý với các DNNN thuộc phạm vi quản lý? Đây là hàng loạt câu hỏi cần phải trả lời để tạo dựng một môi trường kinh doanh bình đẳng, người dân có cơ hội giám sát hiệu quả hoạt động của các DNNN.
4. Kết luận
Nghị định số 81/2015/NĐ-CP đã đi vào thực tiễn nhưng trên thực tế việc CBTT ở các DNNN còn ở mức quá thấp, trong khi hầu hết các thông tin công bố là thông tin bắt buộc. Chỉ có hai nhân tố ảnh hưởng đến mức độ CBTT ở các DNNN tại Việt Nam vào thời điểm cuối năm 2016 là ngành hoạt động và loại DNNN. Các nhân tố truyền thống không ảnh hưởng đến mức độ CBTT của DNNN đã đặt ra nhiều câu hỏi về mức độ minh bạch và khả năng giám sát đối với các doanh nghiệp này.
Để Nghị định số 81/2015/NĐ-CP đi vào thực tiễn cần thực hiện đồng thời nhiều giải pháp: Từ việc tăng cường cơ chế xử phạt, chế tài đến việc hạn chế các lợi ích (vay nợ, tham gia dự án mới…) đối với các DNNN do không CBTT. Lãnh đạo DNNN phải chịu trách nhiệm về tính minh bạch và xem đó như là một trong các tiêu chí để phân loại, đánh giá và bổ nhiệm cán bộ. Cơ quan đại diện phần vốn nhà nước cũng cần phát huy tích cực hơn vai trò giám sát của mình đối với CBTT của DNNN. Những giải pháp đồng bộ như vậy sẽ thay đổi hành vi của người quản lý ở các DNNN trong công tác quản trị doanh nghiệp thời kỳ hội nhập.
Nghiên cứu này có hạn chế do thời điểm nghiên cứu năm 2016 - thời điểm Nghị định số 81/2015/NĐ-CP mới có hiệu lực hơn một năm. Các nghiên cứu tiếp theo cần mở rộng thời gian nghiên cứu và phát hiện thêm các nhân tố tiềm tàng để đánh giá thực sự minh bạch của các DNNN.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Chính phủ (2015), Nghị định số 81/2015/NĐ-CP.
2. Cooke, T. E. (1989), "Disclosure in the corporate annual reports of Swedish companies", Accounting and business research, 19(74), 113-124.
3. Chow, W. and Boren, A. w. (1987), "Voluntary financial disclosure by Mexican corporations", The accouting review, 62(3), 533-541.
4. Galani, D., Alexandridis, A., and Stavropoulos, A. (2011), "The Association between the Firm Characteristics and Corporate Mandatory Disclosure the Case of Greece", World Academy of Science, Engineering and Technology, 53, 1048-1054.
5. Singhvi, S. and Desai, H. (1971), "An empirical analysis of the quality of corporate financial disclosure", The Accounting Review, 46(1), 129-138.

FACTORS INFLUENCING THE DISCLOSURE OF INFORMATION IN STATE-OWNED ENTERPRISES IN VIETNAM

MA. DANG THI LY

The university of Danang, Campus in Kontum

Assoc. Prof. PhD. TRAN DINH KHOI NGUYEN

University of Economics, The University of Danang

ABSTRACT

This study explores factors influencing the level of information disclosure of state-owned enterprises (SOEs) in Vietnam. The results show that the level of information disclosure by SOEs in Vietnam is very low and there are significant differences between groups of SOEs. Traditional factors such as business size, operating time, profitability, solvency, financial leverage will not affect disclosure of SOEs in Vietnam. This result poses an urgent need for reform of governance in the context of international integration.

Keywords: Representation theory, information asymmetry, information disclosure, SOEs.