TÓM TẮT:
Bài viết đã đạt được hai mục tiêu cơ bản: (i) đề xuất một khuôn mẫu cho nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính (BCTC) tại các DN FDI ở Việt Nam; (ii) phân tích thực nghiệm mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến chất lượng kiểm toán BCTC của khách hàng là các doanh nghiệp FDI. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 9/11 nhân tố tác động thuận chiều tới chất lượng kiểm toán BCTC tại các DN FDI, đó là: kinh nghiệm và mức độ chuyên sâu ngành nghề của kiểm toán viên (KTV), phương pháp và thủ tục kiểm soát chất lượng (KSCL) của công ty kiểm toán, thái độ nghề nghiệp của kiểm toán viên, tính độc lập của kiểm toán viên, sự đầy đủ của hệ thống pháp luật, trình độ chuyên môn của KTV, sự hợp lý của thời gian kiểm toán, đặc điểm của các doanh nghiệp FDI và sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường kiểm toán. Các phát hiện từ nghiên cứu thực nghiệm là cơ sở cho các khuyến nghị đối với các công ty kiểm toán và cơ quan quản lý nhà nước nhằm cải thiện hơn nữa chất lượng kiểm toán BCTC tại Việt Nam thời gian tới.
Từ khóa: Kiểm toán, chất lượng kiểm toán, nhân tố ảnh hưởng, doanh nghiệp FDI.
1. Cơ sở lý thuyết về chất lượng kiểm toán và các nhân tố ảnh hưởng
1.1. Chất lượng kiểm toán báo cáo tài chính
DeAngelo (1981) là nhà nghiên cứu đầu tiên định nghĩa: “Chất lượng kiểm toán theo nhận thức của thị trường là khả năng phát hiện và báo cáo các sai phạm trọng yếu trong báo cáo tài chính của đơn vị được kiểm toán”, trong đó khả năng phát hiện sai phạm phụ thuộc vào năng lực của KTV (auditors competence), KTV cần có đủ trình độ và kinh nghiệm để có thể phát hiện được sai sót, còn việc báo cáo các sai phạm phụ thuộc và liên quan đến tính độc lập của KTV (auditors independence), đối với công ty được kiểm toán. Quan điểm chất lượng kiểm toán là khả năng phát hiện và báo cáo các sai sót trọng yếu trên BCTC được coi là quan điểm truyền thống của nhiều nhà nghiên cứu. Theo Wallace (1987, 2004), chất lượng kiểm toán là khả năng KTV có thể làm giảm các sai sót và nâng cao tính trung thực của thông tin kế toán. Palmrose (1988) cũng cho rằng, chất lượng kiểm toán được hiểu là khả năng KTV phát hiện và báo cáo về những sai sót trọng yếu trong việc trình bày và công bố các BCTC của khách hàng được kiểm toán. Francis (2004) cũng trên quan điểm chất lượng kiểm toán được đánh giá dựa trên khả năng KTV phát hiện và báo cáo sai sót trọng yếu. Trong đó, khả năng kiểm toán viên phát hiện sai sót trọng yếu phụ thuộc đặc biệt vào năng lực nghề nghiệp của KTV và khả năng KTV báo cáo sai phạm phụ thuộc vào tính độc lập của họ.
Bên cạnh đó, theo nhận thức của các KTV, công ty kiểm toán và các tổ chức nghề nghiệp kiểm toán hay các tổ chức lập quy, chất lượng kiểm toán được xem xét thông qua việc tuân thủ chuẩn mực kiểm toán. Theo Beckmerhagen và đồng nghiệp (2004), việc tuân thủ các chuẩn mực kiểm toán cũng như chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp sẽ dẫn đến việc thu thập được các bằng chứng kiểm toán có hiệu lực. General Accounting Offices (2003) định nghĩa về chất lượng kiểm toán: Chất lượng kiểm toán sẽ đạt được khi kiểm toán được thực hiện trên cơ sở các chuẩn mực kiểm toán, các chuẩn mực kiểm toán là điều kiện để kiểm toán cung cấp một sự đảm bảo hợp lý rằng các BCTC được lập trên cơ sở các nguyên tắc kế toán chung được thừa nhận và không còn các sai sót trọng yếu. Bên cạnh các tiêu chuẩn chuyên môn, Kustien và Petraitien (2012) lưu ý đạo đức nghề nghiệp là một phần không thể thiếu về chất lượng kiểm toán: Một cuộc kiểm toán đạt chất lượng là một cuộc kiểm toán được thực hiện phù hợp với các quy định đạo đức nghề nghiệp cũng như với các chuẩn mực kiểm toán và pháp luật. Theo IAASB (International Auditing and Assurance Standards Board - Hội đồng Chuẩn mực kiểm toán và đảm bảo quốc tế) (2014), chất lượng kiểm toán đạt được khi ý kiến của KTV về BCTC được dựa trên các bằng chứng kiểm toán đầy đủ và thích hợp được thu thập bởi một nhóm kiểm toán đảm bảo những điều kiện sau: đảm bảo về đạo đức và thái độ, có đủ kiến thức và kinh nghiệm để thực hiện cuộc kiểm toán, áp dụng nghiêm ngặt quy trình kiểm toán và các thủ tục kiểm soát chất lượng, cung cấp các báo cáo có giá trị và kịp thời và có tương tác phù hợp với các bên liên quan.
1.2. Các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán
Các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán được cụ thể hóa trong bốn khuôn mẫu phổ biến về chất lượng kiểm toán được trình bày dưới đây.
+ Các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán theo FRC (2008)
Sau các thảo luận về Nâng cao chất lượng kiểm toán năm 2006, FRC đã công bố Khuôn mẫu chất lượng kiểm toán (The Audit Quality Framework) vào tháng 2/2008. Bảng 1 trình bày tóm tắt nội dung của khuôn mẫu này.
+ Các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán theo Francis (2011) và Knechel cùng cộng sự (2013)
Francis (2011) và Knechel cùng cộng sự (2013) đã đề xuất hai khuôn mẫu trên cơ sở hệ thống hóa các nghiên cứu trước đây, đồng thời mở rộng định nghĩa của DeAngelo (1981) về chất lượng kiểm toán. Như bảng 2 đã trình bày, Francis (2011) và Knechel cùng cộng sự (2013) đề xuất mô hình 6 và 4 nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán.
Qua so sánh có thể thấy hai khuôn mẫu có rất ít điểm khác biệt. Theo Knechel và cộng sự (2013), các nhân tố: Đầu vào (inputs), Quá trình (audit process) và Tác động kinh tế (economic concequences of audit outcomes) trong khuôn mẫu của Francis đều giống với các nhân tố Đầu vào (inputs), Quá trình (process) và Đầu ra (outcomes) của Knechel và cộng sự. Mặt khác, nhân tố Công ty kiểm toán (accounting firms), Chuyên ngành kiểm toán và thị trường kiểm toán (audit industry and audit markets), và Thể chế (institutions) của Francis cũng có thể tóm tắt trong nhóm thuộc Bối cảnh (context) của Knechel và cộng sự (2013).
+ Các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán theo IAASB (2013)
Vào 2011, IAASB đã công bố một tài liệu với tựa đề “Chất lượng kiểm toán: Góc nhìn của IAASB”. Vào năm 2013, tổ chức này lại xuất bản một bản tư vấn với tựa đề “Một khuôn mẫu cho chất lượng kiểm toán”, trong đó, IAASB đề xuất một khuôn mẫu từ góc nhìn của Hội đồng soạn thảo chuẩn mực quốc tế về chất lượng kiểm toán.
Mô hình của IAASB cũng có bốn nhân tố liên quan tới chất lượng kiểm toán: (1) Đầu vào, (2) Đầu ra, (3) Bối cảnh, và (4) Tương tác. Nhân tố đầu vào gồm: Giá trị đạo đức và thái độ của KTV, hiểu biết và kinh nghiệm của KTV, thời gian cho kiểm toán, hiệu quả của các thủ tục kiểm toán, quy trình kiểm toán và giám sát chất lượng. Nhân tố đầu ra gồm: Kiểm toán viên, hãng kiểm toán, khách hàng kiểm toán và các quy định về kiểm toán. Nhân tố tương tác liên quan tới giao tiếp giữa KTV, các nhà quản lý, người sử dụng BCTC và các cơ quan quản lý hay tổ chức lập quy. Nhân tố bối cảnh gồm bảy tiêu chí liên quan tới môi trường kiểm toán. Theo IAASB, cả bốn nhân tố trong mô hình đều có mối liên hệ với nhau và cùng tác động tới chất lượng kiểm toán.
1.3. Đề xuất mô hình nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán tại các DN FDI Việt Nam
Từ bốn khuôn mẫu về chất lượng kiểm
toán đã đề cập ở trên có thể thấy khuôn mẫu của FRC (2008) và IAASB (2013) là
đại diện của góc nhìn từ phía các tổ chức lập quy, còn khuôn mẫu của Francis
(2011), của Knechel và cộng sự (2013) lại đại diện cho giới nghiên cứu học
thuật. Tuy nhiên, dù xem xét ở góc độ nào cũng có thể thấy nhiều điểm tương
đồng trong bốn mô hình về chất lượng kiểm toán. Vì thế, mô hình tích hợp để
nghiên cứu các nhân tố ảnh hưởng tới chất lượng kiểm toán tại các DN FDI Việt
Nam sẽ có dạng như mô tả ở hình 1.
+ Các thành phần của khuôn mẫu đề xuất
Để cụ thể hóa khuôn mẫu chất lượng kiểm toán đề xuất, trong phần này, bài viết sẽ chi tiết các nhân tố của từng nhóm: Đầu vào, Đầu ra và Bối cảnh. Bảng 3 liệt kê 13 nhân tố đại diện cho ba nhóm nhân tố của khuôn mẫu chất lượng kiểm toán đề xuất cùng với tên của các tác giả có liên quan. Điểm khác biệt là chưa có tác giả nào sử dụng toàn bộ các tiêu chí này trong nghiên cứu của họ. Vì thế, khuôn mẫu kiểm toán đề xuất cùng với các tiêu chí đề cập ở Bảng 3 rất cần các nghiên cứu điều tra thực nghiệm để đánh giá sự phù hợp của mô hình đề xuất.
2. Các giả thuyết nghiên cứu
Từ mô hình nghiên cứu đề xuất, các giả thuyết sau được phát biểu:
H1: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa thái độ nghề nghiệp của KTV và CLKT
H2: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa trình độ chuyên môn của KTV và CLKT
H3: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa khả năng chuyên sâu ngành nghề của KTV và CLKT
H4: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa kinh nghiệm của KTV và CLKT
H5: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa thời gian kiểm toán và CLKT
H6: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa tính độc lập của KTV và CLKT
H7: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa quy trình kiểm toán và CLKT
H8: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa thủ tục KSCL của công ty kiểm toán và CLKT
H9: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa báo cáo của KTV và CLKT
H10: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa BCTC đã kiểm toán và CLKT
H11: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa thị trường kiểm toán và CLKT
H12: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa hệ thống pháp luật và CLKT
H13: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa đặc điểm các doanh nghiệp FDI và CLKT
3. Phương pháp nghiên cứu
3.1. Xây dựng các biến quan sát và thang đo
Các biến quan sát được tổng hợp theo các nhân tố và mã hóa trong Bảng 4.
Các câu hỏi được thiết kế ở dạng thang đo Likert 5 điểm: từ 1: rất thấp đến 5: rất cao.
3.2. Chọn mẫu nghiên cứu và phương pháp thu thập dữ liệu
Theo Hair và cộng sự (2006), tối thiểu cỡ mẫu phải đạt 100. Hoàng Trọng và Chu Nguyễn Mộng Ngọc (2008) đưa ra quy tắc cỡ mẫu theo số biến quan sát ở mức 4 hoặc 5. Theo quy tắc này, với 51 biến quan sát thì cỡ mẫu tối thiểu là 51*5 = 255. Để đảm bảo tính tin cậy tác giả đã phát ra 350 bảng câu hỏi cho các kiểm toán viên. Phương pháp thu thập dữ liệu được thông qua cách phát trực tiếp và gửi bảng câu hỏi online thông qua công cụ Google Document.
Kết quả thu được từ phía các KTV là 292 phiếu khảo sát, trong đó có 14 phiếu khảo sát bị loại do không hợp lệ. Do đó, số lượng quan sát còn lại để đưa vào phân tích là 278 phiếu trong đó 43.9% là nam, 64.3 % số KTV đã có chứng chỉ KTV trong nước hoặc quốc tế, 42% KTV đang giữ vị trí chủ nhiệm kiểm toán, trưởng phòng, ban giám đốc. Các công ty kiểm toán có KTV trả lời phiếu khảo sát đa dạng về qui mô và loại hình. Như vậy, có thể thấy các KTV được khảo sát là các KTV có kinh nghiệm, có vị trí và làm việc tại nhiều loại hình công ty kiểm toán khác nhau, điều này đảm bảo các câu trả lời là đáng tin cậy và có chất lượng.
4. Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.1. Kết quả kiểm định chất lượng thang đo
Phương pháp này cho phép loại bỏ những biến không phù hợp và hạn chế biến rác trong mô hình nghiên cứu. Theo đó, chỉ những biến có hệ số tương quan biến tổng (Corrected Item - Total Correlation) lớn hơn 0,3 và có hệ số Cronbachs Alpha từ 0,6 trở lên mới được xem là chấp nhận được và thích hợp đưa vào phân tích những bước tiếp theo (Nunnally & Burnstein, 1994). Kết quả kiểm định Cronbachs Alpha đối với thang đo CLKT (14 thang đo với 51 biến quan sát) thể hiện ở Bảng 5.
Trong tất cả các biến quan sát chỉ có biến quan sát KSCL3 có hệ số tương quan biến tổng là nhỏ hơn 0,3 nên loại biến này. Như vậy, mô hình giữ nguyên 14 nhân tố đảm bảo chất lượng tốt, với 50 biến đặc trưng (hệ số Cronbachs Alpha của tổng thể lớn hơn 0,6; Hệ số tương quan biến - tổng (Corrected Item - Total Corelation) của các biến quan sát lớn hơn 0,3.
4.2. Phân tích khám phá nhân tố
Kết quả phân tích nhân tố ở bảng 3 cho thấy, trị số KMO bằng 0.715 (0.5 < KMO = 0.715 < 1) và kiểm định Barlett cho thấy hệ số sig. = 0.000 < 0.05 chứng tỏ các biến trong tổng thể có mối liên quan với nhau. Sau lần 1 thực hiện ma trận xoay, biến quan sát KNKT4 có hệ số tải nhân tố (factor loadings) nhỏ hơn 0,5 nên loại biến quan sát này để tiến hành phân tích nhân tố khám phá EFA (lần 2). Sau khi thực hiện ma trận xoay lần 2, biến quan sát BCKT1, BCTC3 có hệ số tải nhân tố (factor loadings) nhỏ hơn 0,5 nên tiếp tục loại 02 biến quan sát này để tiến hành phân tích nhân tố khám phá EFA (lần 3). Sau khi thực hiện ma trận xoay lần 3, hệ số tải nhân tố đều lớn hơn 0.5, giá trị Eigenvalues lớn hơn 1, phương sai giải thích bằng 69.069% chứng tỏ dữ liệu nghiên cứu phân tích khám phá nhân tố là phù hợp.
Theo bảng 7, có 11 nhân tố đại diện cho chất lượng kiểm toán với các biến đặc trưng của nhân tố được sắp xếp lại khác với mô hình lý thuyết ban đầu (gồm 13 nhân tố) như sau:
Nhân tố 1 (Component 1) bao gồm các biến: KNKT1, KNKT2, KNKT3, CSNN1, CSNN2, CSNN3. Các biến này lúc đầu thuộc về hai nhân tố: Kinh nghiệm kiểm toán và mức độ chuyên sâu ngành nghề. Dựa vào tên các biến trên, nhân tố này được đặt tên là Kinh nghiệm và mức độ chuyên sâu ngành nghề.
Nhân tố 2 (Component 2) bao gồm các biến: QTKT1, QTKT2, QTKT4, QTKT5, KSCL1, KSCL2, KSCL4. Các biến này lúc đầu thuộc về hai nhân tố: Quy trình kiểm toán và thủ tục KSCL của công ty kiểm toán. Dựa vào tên các biến trên, nhân tố này được đặt tên là Quy trình kiểm toán và thủ tục KSCL.
Nhân tố 3 (Component 3) bao gồm các biến: TDNN1, TDNN2, TDNN3, TDNN4, QTKT3. Các biến này lúc đầu thuộc về hai nhân tố: Thái độ nghề nghiệp và quy trình kiểm toán. Dựa vào tên các biến trên, nhân tố này được đặt tên là Thái độ nghề nghiệp.
Nhân tố 4 (Component 4) bao gồm các biến: DLKT1, DLKT2, DLKT3, DLKT4. Các biến này lúc đầu thuộc về nhân tố: Tính độc lập. Bởi vậy, nhân tố này được đặt tên là Tính độc lập.
Nhân tố 5 (Component 4) bao gồm các biến: HTPL1, HTPL2, HTPL3, HTPL4. Các biến này lúc đầu thuộc về nhân tố: Hệ thống pháp luật. Bởi vậy, nhân tố này được đặt tên là Hệ thống pháp luật.
Nhân tố 6 (Component 6) bao gồm các biến: TDCM1, TDCM2, TDCM3. Các biến này lúc đầu thuộc về nhân tố: Trình độ chuyên môn. Bởi vậy, nhân tố này được đặt tên là Trình độ chuyên môn.
Nhân tố 7 (Component 7) bao gồm các biến: TGKT1, TGKT2, TGKT3. Các biến này lúc đầu thuộc về nhân tố: Thời gian kiểm toán. Bởi vậy, nhân tố này được đặt tên là Thời gian kiểm toán.
Nhân tố 8 (Component 8) bao gồm các biến: DDDN1, DDDN2, DDDN3. Các biến này lúc đầu thuộc về nhân tố: Đặc điểm doanh nghiệp FDI. Bởi vậy, nhân tố này được đặt tên là Đặc điểm doanh nghiệp FDI.
Nhân tố 9 (Component 9) bao gồm các biến: TTKT1, TTKT2, TTKT3. Các biến này lúc đầu thuộc về nhân tố: Thị trường kiểm toán. Bởi vậy, nhân tố này được đặt tên là Thị trường kiểm toán.
Nhân tố 10 (Component 10) bao gồm các biến: BCKT2, BCKT3. Các biến này lúc đầu thuộc về nhân tố: Báo cáo của KTV. Bởi vậy, nhân tố này được đặt tên là Báo cáo của KTV.
Nhân tố 11 (Component 11) bao gồm các biến: BCTC1, BCTC2. Các biến này lúc đầu thuộc về nhân tố: BCTC đã kiểm toán. Bởi vậy, nhân tố này được đặt tên là BCTC đã kiểm toán.
Như vậy, qua các kiểm định chất lượng thang đo và các kiểm định của mô hình EFA, nhận diện có 11 thang đo đại diện cho các nhân tố tác động đến CLKT và 1 thang đo đại diện cho chất lượng kiểm toán với 42 biến đặc trưng.
4.3. Điều chỉnh các giả thuyết sau kiểm định Cronbachs Alpha và phân tích nhân tố khám phá (EFA)
Trên cơ sở kết quả phân tích nhân tố khám phá, mô hình nghiên cứu được điều chỉnh và các giả thuyết được phát biểu lại như sau:
H1: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa kinh nghiệm và mức độ chuyên sâu ngành nghề của KTV và CLKT
H2: Quy trình kiểm toán và thủ tục KSCL của công ty kiểm toán có ảnh hưởng tới CLKT
H3: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa thái độ nghề nghiệp của KTV và CLKT
H4: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa tính độc lập của KTV và CLKT
H5: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa hệ thống pháp luật và CLKT
H6: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa trình độ chuyên môn của KTV và CLKT
H7: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa thời gian kiểm toán và CLKT
H8: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa đặc điểm doanh nghiệp FDI và CLKT
H9: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa thị trường kiểm toán và CLKT
H10: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa báo cáo của KTV và CLKT
H11: Tồn tại quan hệ thuận chiều giữa BCTC đã được kiểm toán và CLKT
4.4. Kết quả phân tích hồi quy mô hình
Căn cứ vào mô hình đã được hiệu chỉnh sau khi phân tích nhân tố khám phá, kết quả hồi quy tuyến tính như sau:
CLKT = β0 + β1CSKN + β2QTKS + β3TDNN + β4DLKT + β5HTPL + β6TDCM + β7TGKT + β8DDDN + β9TTKT + β10BCKT + β11BCTC + ε
* Biến phụ thuộc: Chất lượng kiểm toán BCTC doanh nghiệp FDI (CLKT).
* Các biến độc lập: Kinh nghiệm và mức độ chuyên sâu (CSKN), quy trình kiểm toán và thủ tục KSCL (QTKS), thái độ nghề nghiệp (TDNN), tính độc lập (DLKT), hệ thống pháp luật (HTPL), trình độ chuyên môn (TDCM), thời gian kiểm toán (TGKT), đặc điểm doanh nghiệp FDI (DDDN), thị trường kiểm toán (TTKT), báo cáo của KTV (BCKT) và BCTC đã được kiểm toán (BCTC).
Dựa vào kết quả trên ta thấy:
Kiểm định hiện tượng đa cộng tuyến: Chỉ tiêu nhân tử phóng đại phương sai (VIF) của tất cả các biến độc lập đều nhỏ hơn 10 nên hiện tượng đa cộng tuyến trong mô hình được đánh giá là không nghiêm trọng.
Hệ số Durbin - Watson dùng để kiểm định tương quan của các phần dư cho thấy mô hình không vi phạm khi sử dụng phương pháp hồi quy bội, vì giá trị Durbin - Watson đạt được là 1.395 (nằm trong khoảng từ 1 đến 3). Hay nói cách khác, mô hình không có hiện tượng tương quan của các phần dư.
Kết quả kiểm định ANOVA với mức ý nghĩa Sig. = 0.000 cho thấy, mô hình hồi quy tuyến tính bội đã xây dựng phù hợp với tập dữ liệu và sử dụng được.
Hệ số R2 (R Square) = 0.503, điều này có nghĩa là 50.3% sự biến động của chất lượng kiểm toán BCTC của các doanh nghiệp FDI tại các công ty kiểm toán độc lập ở Việt Nam sẽ được giải thích bởi các yếu tố là các biến độc lập đã được chọn đưa vào mô hình.
Kết quả mô hình nghiên cứu cho thấy các biến độc lập CSKN, QTKS, TDNN, DLKT, HTPL, TDCM, TGKT, DDDN, TTKT đều tác động có ý nghĩa thống kê (do Sig. < 5%) đến chất lượng kiểm toán. Trong khi đó, với bộ dữ liệu thu thập được, tác giả chưa tìm thấy tác động có ý nghĩa thống kê của biến BCKT và BCTC đến chất lượng kiểm toán (do Sig. > 5%).
Phương trình hồi quy chuẩn hóa như sau:
CLKT = 0,263 CSKN + 0,217 QTKS + 0,376 TDNN + 0,227 DLKT + 0,203 HTPL + 0,208 TDCM + 0,104 TGKT + 0,102 DDDN + 0,093 TTKT
Qua kết quả phân tích nhân tố và mô hình, cho thấy các biến độc lập CSKN, QTKS, TDNN, DLKT, HTPL, TDCM, TGKT, DDDN, TTKT đều tác động có ý nghĩa thống kê (do Sig. < 5%) đến CLKT, các giả thuyết H1, H2, H3, H4, H5, H6, H7, H8, H9, H10 của mô hình nghiên cứu được chấp nhận. Trong khi đó, với bộ dữ liệu thu thập được, nhóm tác giả chưa tìm thấy tác động có ý nghĩa thống kê của biến BCKT và BCTC đến CLKT (do Sig. > 5%), giả thuyết H11, H12 bị bác bỏ.
Từ kết quả kiểm định mô hình nghiên cứu cho thấy, các nhân tố kinh nghiệm và mức độ chuyên sâu ngành nghề của KTV, phương pháp và thủ tục KSCL của công ty kiểm toán, thái độ nghề nghiệp của KTV, tính độc lập của KTV, sự đầy đủ của hệ thống pháp luật, trình độ chuyên môn của KTV, sự hợp lý của thời gian kiểm toán, đặc điểm của các doanh nghiệp FDI và sự cạnh tranh lành mạnh của thị trường kiểm toán đều có tác động tích cực đến chất lượng kiểm toán. Kết quả này cũng tương đồng với các kết quả đã được kiểm định bởi các nghiên cứu tiền nhiệm. Bên cạnh đó, kết quả kiểm định mô hình cho thấy không tồn tại mối quan hệ có ý nghĩa thống kê giữa nhân tố báo cáo của KTV và nhân tố BCTC đã được kiểm toán đến chất lượng kiểm toán.
5. Khuyến nghị từ kết quả nghiên cứu
Trên cơ sở kết quả kiểm định mô hình nghiên cứu, các khuyến nghị sau được đề xuất nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán BCTC tại các DN FDI Việt Nam trong thời gian tới.
5.1. Các khuyến nghị đối với các công ty kiểm toán
Chất lượng kiểm toán BCTC sẽ được cải thiện khi các công ty kiểm toán tác động vào các nhân tố dưới đây:
+ Thái độ nghề nghiệp
Thái độ nghề nghiệp là một nhân tố quan trọng trong khuôn mẫu chất lượng kiểm toán được ban hành bởi IAASB (2014). Nhân tố này thể hiện thái độ thận trọng, sự tập trung và mức độ tuân thủ chuẩn mực nghề nghiệp của các KTV trong suốt quá trình kiểm toán. Để đảm bảo nhân tố này, các công ty kiểm toán cần tổ chức các lớp đào tạo bồi dưỡng để thường xuyên phổ biến chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp và nâng cao ý thức nghề nghiệp của KTV.
+ Kinh nghiệm và mức độ chuyên sâu
Nhân tố này gồm các yếu tố nội tại thể hiện kinh nghiệm của KTV trong thực hiện công việc kiểm toán nói chung, sự am hiểu và kinh nghiệm kiểm toán của KTV đối với ngành nghề kinh doanh cụ thể của khách hàng kiểm toán nói riêng.
Để đảm bảo điều này, trước hết đòi hỏi sự tích lũy và trau dồi của chính các KTV trong quá trình làm việc. Ngành nghề kinh doanh của các DN FDI là rất đa dạng từ các công ty sản xuất, xây dựng cho đến các công ty thương mại, dịch vụ, bởi vậy các KTV phải luôn tự tích lũy kinh nghiệm về từng lĩnh vực cụ thể để có thể đảm bảo khả năng xét đoán của mình trong quá trình thực hiện kiểm toán. Bên cạnh đó, các công ty kiểm toán cần xem xét việc lựa chọn các KTV đảm bảo kinh nghiệm cũng như phù hợp đối với từng lĩnh vực kinh doanh của các khách hàng.
+ Tính độc lập
Tính độc lập của KTV là một trong hai khía cạnh quan trọng để đảm bảo chất lượng của một cuộc kiểm toán (năng lực và tính độc lập). Nếu năng lực là điều kiện cần thì tính độc lập được xem là điều kiện đủ để đảm bảo chất lượng kiểm toán. Năng lực cho phép các KTV có khả năng phát hiện ra các sai sót trọng yếu trong các BCTC còn tính độc lập sẽ đảm bảo việc KTV công bố các sai sót này trong báo cáo kiểm toán. Tính độc lập cũng là yêu cầu đầu tiên trong Chuẩn mực Đạo đức nghề nghiệp kiểm toán. Để đảm bảo tính độc lập, cần đảm bảo các yếu tố nội tại của nhân tố này, đó là công ty kiểm toán cần có tuyên bố về cam kết độc lập trước khi tiến hành kiểm toán, đồng thời cần có chính sách quản lý hiệu quả nhằm đảm bảo việc duy trì tính độc lập của KTV trong suốt quá trình kiểm toán.
+ Quy trình kiểm toán và thủ tục KSCL
Nhân tố này thể hiện phương pháp kiểm toán của KTV và công ty kiểm toán cũng như quy trình KSCL của công ty kiểm toán. Để đảm bảo nhân tố này, về phương pháp kiểm toán, các công ty kiểm toán cần xây dựng quy trình kiểm toán phù hợp, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quá trình kiểm toán, đồng thời khuyến khích các KTV có sự tương tác thích hợp với KTV nội bộ của DN khách hàng trong quá trình kiểm toán. Về quy trình KSCL, các công ty kiểm toán cần xây dựng một quy trình KSCL hiệu quả và thực hiện việc KSCL cho từng cuộc kiểm toán để đảm bảo CLKT.
+ Trình độ chuyên môn
Nhân tố này thể hiện kiến thức chuyên môn của các KTV về kế toán, kiểm toán. Để đảm bảo nhân tố này, trước hết cũng đòi hỏi sự chủ động học tập bồi dưỡng và cập nhật kiến thức của bản thân các KTV. Đối với các công ty kiểm toán, cần tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo trong và ngoài nước để giúp các KTV có cơ hội cập nhật và nâng cao kiến thức, đảm bảo trình độ chuyên môn để có thể thực hiện tốt công việc kiểm toán.
+ Thời gian kiểm toán
Nhân tố thời gian kiểm toán đại diện cho sự phù hợp của thời gian để thực hiện một cuộc kiểm toán tại khách hàng. Nếu thời gian kiểm toán được bố trí quá dài sẽ gây lãng phí thời gian, tốn kém về chi phí cho các công ty kiểm toán nhưng nếu thời gian kiểm toán quá ngắn thì sẽ tạo ra áp lực và sức ép về khối lượng công việc cần hoàn thành đối với KTV, có thể dẫn đến ảnh hưởng tiêu cực đối với CLKT. Như vậy, để đảm bảo yếu tố thời gian kiểm toán, ngay trong giai đoạn lập kế toán kiểm toán, các công ty kiểm toán cần căn cứ vào khối lượng và tính phức tạp của từng cuộc kiểm toán để xác định thời gian kiểm toán cho phù hợp.
5.2. Các khuyến nghị đối với các cơ quan quản lý
+ Hệ thống pháp luật
Đây là một nhân tố bối cảnh trong khuôn mẫu CLKT được ban hành bởi IAASB (2014) thể hiện sự đầy đủ và phù hợp, cũng như tính cập nhật của hệ thống chuẩn mực và chế độ kế toán, kiểm toán, cùng công tác KSCL kiểm toán từ bên ngoài. Để nhân tố này được đảm bảo, các cơ quan soạn thảo chuẩn mực của Bộ Tài chính cần tiếp tục cập nhật, sửa đổi bổ sung và hoàn thiện các chuẩn mực kiểm toán phù hợp với hệ thống CMKiT quốc tế và sửa đổi bổ sung các chuẩn mực kế toán theo định hướng phù hợp với chuẩn mực BCTC quốc tế (IFRS). Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác KSCL được thực hiện bởi Bộ Tài chính, UBCK và Hội nghề nghiệp VACPA; cần có các chế tài xử phạt rõ ràng và nghiêm khắc đối với các vi phạm của các KTV và công ty kiểm toán, đặc biệt là các vi phạm chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp.
+ Thị trường kiểm toán
Để đảm bảo nhân tố này, các cơ quan quản lý nhà nước cần đảm bảo một sự cạnh tranh lành mạnh trong thị trường kiểm toán. Các thành viên tham gia thị trường cần tuân thủ các quy định của Nhà nước và tuân thủ đạo đức nghề nghiệp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. DeAngelo, L.E (1981). Auditor size and audit quality. Journal of Accounting and Economics, 3(3), 183-199.
2. Financial Reporting Council (FRC) (2006). Promoting audit quality. Discussion paper. London, LDN: FRC.
3. Francis, J.R. (2001), A framework for understanding and researching audit quality. Auditing: A Journal of Practice & Theory, 30 (2), 125 - 152.
4. Francis, J.R., Maydew, E., Sparks, C. (1999). The role of Big 6 auditors in the credible reporting of accruals. Auditing: A Journal of Practice & Theory, 18(2), 17-43.
5. Francis, J.R., Yu, M. (2009). Big Four office size and audit quality. The Accounting Review, 84(5), 1521-1552.
6. IAASB (2013). A Framework for Audit Quality. New York, NY: IAASB.
7. IAASB (2011). Audit quality: An IAASB Perspective. New York, NY: IAASB.
8. IOSCO (2009). Consultation report on transparency of firms that audit public companies. Madrid, Spain, MAD: ISOCO.
9. Knechel W. R., Krishnam, V., Pevzner, M. (2013). Audit quality: Insights from the Academic Literature. Auditing: A Journal of Practice & Theory, 32 (1), 385-421.
FACTORS AFFECTING FINANCIAL STATEMENTS QUALITY
OF INDEPENDENT AUDITING FIRMS:
SUBJECT OF RESEARCH IS FDI ENTERPRISES IN VIETNAM.
● LAI THI THU THUY - PHAM DUC HIEU
Thuong Mai University
ABSTRACT:
The paper has achieved two basic objectives: (i) to propose a model for studying the factors influencing the quality of financial statement audits in FDI enterprises in Vietnam; (ii) to have empirical analysis of the influence of factors on the quality of financial statements audited by FDI clients. Research results show that there are 9/11 positive factors on the quality of financial statements auditing at FDI enterprises, namely: experience and professional level of the auditors, methods and the quality control procedure of the auditing firm, the professional conduct of the auditors, the independence of the auditor, the adequacy of the legal system, the qualification of the auditor, the timing of the audit, the characteristics of FDI enterprises and the healthy competition of the auditing market. Findings from empirical research are the basis for recommendations for auditing firms and state management agencies to further improve the quality of financial reporting in Vietnam in the years to come.
Keywords: Auditing, auditing quality, influencing factors, FDI enterprises.
Xem tất cả ấn phẩm Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ số 10 tháng 09/2017 tại đây