Các tôn giáo thúc đẩy tiêu dùng có trách nhiệm

Trên thực tế, các tôn giáo ở nước ta đều nhấn mạnh việc tiêu dùng có trách nhiệm, hợp lý, vừa phải sẽ như một món quà của tự nhiên, của mẹ trái đất tặng cho tất cả cộng đồng mà mỗi cá nhân phải có trách nhiệm lĩnh hội, hành động.

ton giao

Những con số đáng báo động

Theo số liệu của JCI (Liên đoàn Lãnh đạo và Doanh Nhân Trẻ Thế Giới) tại Việt Nam:

- Hơn 1 tỷ người trên thế vẫn chưa được tiếp cận được với nước ngọt, nhưng có đến 15% lượng nước ngọt toàn cầu được dùng trong các ngành dịch vụ xa xỉ, ví dụ như bể bơi tư nhân.

- Các đô thị và siêu đô thị chiếm tới 55% sản lượng điện tiêu thụ mỗi năm; trong khi nhiều vùng hẻo lánh xa xôi chưa có điện, hoặc người dân không có đủ tiền để được cung cấp dịch vụ điện.

- Mỗi năm, ước tính 1/3 tổng số thực phẩm được sản xuất – tương đương 1,3 tỷ tấn trị giá khoảng 1 nghìn tỷ đô la – cuối cùng bị thối rữa trong thùng của người tiêu dùng và nhà bán lẻ, hoặc hư hỏng do thực hành vận chuyển và thu hoạch kém, trong khi có khoảng 925 triệu người bị đói trên toàn cầu.

Nhà sư cùng Phật tử Hội An chung tay làm sạch bờ biển Cửa Đại sau bão số 13 tháng 11/2020
Nhà sư cùng Phật tử Hội An chung tay làm sạch bờ biển Cửa Đại sau bão số 13 vào tháng 11/2020

Những con số trên cho thấy, một phần lớn dân số thế giới đang tiêu thụ quá ít để đáp ứng ngay cả nhu cầu cơ bản của họ. Việc tiêu dùng quá mức của một bộ phận dân cư không chỉ ảnh hưởng tiêu cực tới một bộ phận dân cư yếu thế khác trong xã hội, mà còn làm trì trệ đến quá trình tăng trưởng kinh tế.

Vì vậy, Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ cho giai đoạn 2015 – 2030 xác định: Đến năm 2030, đạt được quản lý bền vững và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên; giảm một nửa tỷ lệ chất thải thực phẩm bình quân đầu người trên toàn cầu ở cả cấp bán lẻ và tiêu dùng và giảm hao hụt thực phẩm trong chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng, bao gồm cả hao hụt sau thu hoạch; hỗ trợ các nước đang phát triển tăng cường năng lực khoa học và kỹ thuật của mình để thực hiện các mô hình tiêu dùng và sản xuất bền vững hơn.

Tiêu dùng với 2 ý niệm

Mục tiêu trên hướng tới các chính sách để chúng ta có thể tiêu thụ theo hướng bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và chia sẻ cho cộng đồng. Đây cũng là điểm xuất phát của quan điểm “tiêu dùng có trách nhiệm”. Một định nghĩa về tiêu dùng có trách nhiệm được UNESCO công nhận là ““Đáp ứng những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.

Phật tử Hội An dọn rác
Phật tử Hội An làm sạch bờ biển Cửa Đại sau bão số 13 vào tháng 11/2020

 

Các tôn giáo trên thế giới như Ki tô giáo, Phật giáo, Hồi giáo… đã phản hồi tích cực quan điểm này. Theo cách tiếp cận của Phật giáo, hoạt động tiêu dùng phải được kiểm soát để hướng đến việc cân bằng hạnh phúc vật chất và tinh thần thay vì thỏa mãn tối đa nhu cầu vật chất.

Các Phật tử luôn được khuyến khích khởi phát 2 ý niệm mỗi khi mua sắm. Một là  phải luôn có ý niệm bảo vệ quyền lợi của những người tiêu dùng khác trong cộng đồng. Khi ta mua sắm, tiêu thụ một vật dụng quá mức nhu cầu thông thường, thì vật dụng ấy sẽ hút khách, bị đẩy giá cao trên thị trường. Hai là, khi mua sắm luôn có ý niệm đến bảo vệ tài nguyên môi trường cho các thế hệ sau. Khi tiêu thụ một vật dụng ở mức nhu cầu thông thường, là ta đã góp phần giúp nhà sản xuất sử dụng tài nguyên đất, nước, hóa chất, khoáng thạch…  ở mức tài nguyên thiên nhiên có đủ thời gian tái tạo lại.

Ki tô giáo cũng lên tiếng vì sự chia sẻ trong cộng đồng, cổ súy cho việc xây dựng xã hội dựa trên nền tảng đạo đức, sự khiêm nhường, đức hi sinh vì người khác, và cái nguy hại của thói tham lam của cải vật chất. Các Ki tô hữu thường được răn dạy về quyền cố hữu của thiên nhiên. Việc tiêu dùng vô tội vạ cũng là cách thức “vắt kiệt” thiên nhiên, không chỉ là các vấn đề pháp lý hay môi trường, mà còn là vấn đề luân lý.

Trên thực tế, các tôn giáo ở nước ta đều nhấn mạnh việc tiêu dùng có trách nhiệm, hợp lý, vừa phải sẽ như một món quà của tự nhiên, của mẹ trái đất tặng cho tất cả cộng đồng mà mỗi cá nhân phải có trách nhiệm lĩnh hội, hành động.

Chính vì thế, trong mọi hoạt động vì sự phát triển bền vững như Giảm rác thải nhựa; Tiết kiệm năng lượng; Nói “không” với túi nilon… đều có sự đồng hành của các tổ chức tôn giáo, cùng các tín hữu.

Mỗi ngày, các bản tin thời sự loan báo các hoạt động sản xuất và tiêu dùng của chúng ta đang làm ô nhiễm địa cầu, vắt cạn kiệt tài nguyên, tạo nên những bãi rác khổng lồ, xả khí carbon độc hại vào bầu khí quyển, làm biến mất hàng ngàn loài, gây hại cho không khí và nguồn nước, làm mỏng đi tầng ozone… càng làm cho chúng ta thấy sự đóng góp của các tôn giáo đặc biệt có ý nghĩa, dù chỉ khởi đầu bằng những lời khuyên giản dị, thiết thực: Hãy sống đơn giản hơn, dùng ít tài nguyên hơn; nỗ lực thu gom để tái chế bất kỳ thứ gì đã dùng càng nhiều càng tốt.

Mai Châu và nhóm phóng viên