Các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh trực tuyến của hộ kinh doanh tại quận 10, Thành phố Hồ Chí Minh

TS. NGUYỄN PHAN THU HẰNG (Trường Đại học Sài Gòn) - NGUYỄN THANH TÙNG (Phòng Kinh tế - Ủy ban nhân dân quận 10, TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:

Bài viết nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh trực tuyến của hộ kinh doanh tại quận 10, TP. Hồ Chí Minh. Kết quả nghiên cứu cho thấy có 5 nhóm yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh trực tuyến là: Nhận thức tính dễ sử dụng, Nhận thức sự hữu ích, An ninh và bảo mật Website, Ảnh hưởng của xã hội và Chức năng của Website. Từ đó, tác giả đề xuất một số hàm ý quản trị nhằm giúp Ủy ban nhân dân quận 10 khuyến khích hộ kinh doanh sử dụng dịch vụ đăng ký kinh doanh trực tuyến, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ đăng ký kinh doanh trực tuyến cho người dân.

Từ khóa: Ý định, ý định sử dụng, dịch vụ đăng ký kinh doanh trực tuyến.

1. Giới thiệu

Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng Chính phủ điện tử, Thành phố thông minh là xu hướng của các quốc gia trên thế giới. Ở Việt Nam, ngày 15/4/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP về ban hành chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững và hội nhập quốc tế với quan điểm “Ứng dụng công nghệ thông tin rộng rãi, thiết thực, có hiệu quả cao” phục vụ người dân, hộ kinh doanh và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Để triển khai thực hiện có hiệu quả việc xây dựng Chính phủ điện tử và thành phố thông minh, năm 2017, Ủy ban nhân dân quận 10 xây dựng và triển khai nhiều chương trình ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác cải cách hành chính, trong đó có triển khai dịch vụ đăng ký kinh doanh trực tuyến (ĐKKDTT) đối với hộ kinh doanh đến người dân trên địa bàn quận 10. Việc sử dụng ĐKKDTT mang lại lợi ích cho người dân là: giảm thời gian và chi phí đi lại, không phải chờ theo số thứ tự, thủ tục hành chính được công khai, minh bạch, giảm tiếp xúc với cán bộ, công chức, ngăn ngừa phát sinh tiêu cực. Sử dụng ĐKKDTT mang lại lợi ích cho cơ quan nhà nước là: nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân, nâng cao uy tín của chính quyền, tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư phát triển kinh tế trên địa bàn quận nói riêng và TP. Hồ Chí Minh nói chung. Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai thực hiện (2017-2019), mặc dù đã tuyên truyền, phổ biến, vận động nhưng người dân vẫn chưa thấy được lợi ích của việc sử dụng dịch vụ ĐKKDTT, vẫn còn thói quen nộp hồ sơ truyền thống (hồ sơ giấy). Do đó, tỷ lệ hộ kinh doanh sử dụng dịch vụ ĐKKDTT còn thấp, chưa đáp ứng được kỳ vọng của Ủy ban nhân dân quận 10.

Vì vậy, nghiên cứu này được thực hiện nhằm tìm hiểu các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT của hộ kinh doanh. Địa bàn nghiên cứu tại khu vực quận 10, TP. Hồ Chí Minh.

2. Cơ sở lý thuyết

2.1. Các giả thuyết và mô hình nghiên cứu

Nghiên cứu này dựa trên lý thuyết mô hình chấp nhận công nghệ TAM, mô hình thống nhất chấp nhận và sử dụng công nghệ (UTAUT) và các nghiên cứu trước về ý định sử dụng dịch vụ Chính phủ điện tử và dịch vụ mua sắm trực tuyến như: Adel Al Khattab và cộng sự (2015), S.Alawadhi và A.Morris (2008), Alshehri và cộng sự (2012), Hossein Rezaee và các cộng sự, (2011), Hà Ngọc Thắng & Nguyễn Thành Độ (2016), Phạm Hồng Mạnh (2015), Dương Thị Hải Phương (2012), Trần Thanh Hà (2020). Từ đó, tác giả đề xuất mô hình các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT của hộ kinh doanh tại quận 10 như sau:

(1) Nhận thức sự hữu ích là nhân tố trong mô hình TAM truyền thống và được nghiên cứu rộng rãi trong việc áp dụng các công nghệ mới. Nhận thức sự hữu ích được định nghĩa là cấp độ mà một người tin rằng việc sử dụng một hệ thống đặc thù sẽ nâng cao kết quả thực hiện công việc của họ (Davis và ctg, 1989). Hasslinger và các ctg (2007) đã đề cập đến việc người dân nhận thấy rằng việc sử dụng dịch vụ ĐKKDTT giúp họ tiết kiệm thời gian, giảm công sức và có thể thực hiện bất kỳ lúc nào. Nhận thức sự hữu ích trình bày mức độ mà người dân có niềm tin rằng sử dụng dịch vụ online sẽ mang nhiều lợi ích cho họ. Con người sẽ xem xét hành vi của mình về nhận thức sự hữu ích dựa vào mong muốn sự hữu ích. Họ tìm thấy rằng, nhận thức sự hữu ích có một tác động tích cực lên thái độ và ý định của người mua sản phẩm hoặc dịch vụ trực tuyến. Từ đó, giả thuyết được đề xuất như sau:

H1: Nhận thức sự hữu ích có tác động dương (+) đến ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT của hộ kinh doanh tại quận 10.

(2) Nhận thức tính dễ sử dụng cũng là nhân tố quan trọng trong mô hình TAM. Nhận thức tính dễ sử dụng là cấp độ mà một người tin rằng sử dụng một hệ thống đặc thù sẽ không cần nỗ lực (Davis và ctg, 1989). Nhận thức tính dễ sử dụng được nghiên cứu có ảnh hưởng đến nhiều hệ thống công nghệ khác nhau (Wang và ctg, 2006). Về khía cạnh lý thuyết, dễ sử dụng sẽ được cảm nhận khi người dân thấy rằng một hệ thống ĐKKDTT dễ sử dụng, các thao tác đơn giản, nhanh chóng và không khó hiểu, điều này góp phần tác động tích cực đến ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT lần đầu và hơn nữa làm cho khách hàng là sẵn sàng duy trì mối quan hệ giữa người sử dụng dịch vụ và người cung cấp dịch vụ (King, W.R, 2006). Từ đó, giả thuyết được đề xuất như sau:

H2: Nhận thức tính dễ sử dụng có tác động dương (+) đến ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT của hộ kinh doanh tại quận 10.

(3) Chức năng: Chức năng có liên hệ với một mức độ mà các trang web cung cấp thông tin về sản phẩm hoặc dịch vụ được quảng cáo (Bai và Law, 2008). Khi người dân sử dụng dịch vụ trên website nhưng họ lại không thể xác định thông tin của dịch vụ mà mình cần sử dụng hoặc không thể chỉnh sửa lại chi tiết khi đăng ký trực tuyến thì họ sẽ cảm thấy không hài lòng với website này. Càng nhiều những bất tiện làm cho người dân có khả năng không sử dụng dịch vụ ĐKKDTT. Vì vậy, chức năng của một website càng tốt thì sẽ có khả năng sẽ thu hút được người dân sử dụng. Từ đó, giả thuyết được đề xuất như sau:

H3: Chức năng của website có tác động dương (+) đến ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT của hộ kinh doanh tại quận 10.

(4) An ninh và bảo mật website: Bảo mật đề cập đến mức độ an toàn mà các trang web mua sắm trực tuyến có và bảo vệ thông tin của khách hàng (Chiu và cộng sự, 2009). Khả năng phát triển các công nghệ mới đã làm cho sự bảo mật là một vấn đề ngày càng quan trọng. Người dân lo ngại thông tin cá nhân của họ sẽ bị lộ, nhất là số điện thoại di động, chứng minh nhân dân… Do đó, nếu một website ĐKKDTT có tính bảo mật cao sẽ khiến người dân yên tâm hơn khi sử dụng dịch vụ. Từ đó, giả thuyết được đề xuất như sau:

H4: An ninh và bảo mật website có tác động dương (+) đến ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT của hộ kinh doanh tại quận 10.

(5) Ảnh hưởng của xã hội là mức độ cảm nhận mà người sử dụng nhận thức rằng những người quan trọng khác tin rằng họ nên sử dụng hệ thống mới, sản phẩm công nghệ thông tin. Theo mô hình nghiên cứu của Venkatesh và cộng sự, (2003), sự phản ánh của xã hội góp phần quan trọng đến nhận thức sử dụng của người dân. Trong nghiên cứu này, sự ảnh hưởng xã hội được thể hiện qua việc người sử dụng nhận thức rằng những người xung quanh như gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cấp trên, cơ quan quản lý nhà nước sẽ ảnh hưởng đến ý định sử dụng ĐKKDTT của họ. Từ đó, giả thuyết được đề xuất như sau:

H5: Ảnh hưởng của xã hội có tác động dương (+) đến ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT của hộ kinh doanh tại quận 10.

Mô hình nghiên cứu đề xuất như sau:

Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất

Mô hình nghiên cứu đề xuất

2.2. Phương pháp nghiên cứu

Phương pháp nghiên cứu được thực hiện bằng cách kết hợp giữa nghiên cứu định tính và nghiên cứu định lượng. Nghiên cứu định tính được thực hiện thông qua phương pháp nghiên cứu các tài liệu thứ cấp, kỹ thuật thảo luận nhóm, phỏng vấn để điều chỉnh thang đo phù hợp với các điều kiện thực tế. Sau khi tổng hợp các kết quả thảo luận, tác giả gửi bảng câu hỏi khảo sát đến người dân đã đến giao dịch trực tiếp tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của Ủy ban nhân dân quận 10 để phục vụ cho nghiên cứu định lượng. Mẫu điều tra trong nghiên cứu được thực hiện bằng phương pháp lấy mẫu thuận tiện cho 250 người. Đánh giá mức độ đồng tình của người dân đối với mỗi phát biểu, nghiên cứu sử dụng thang đo Likert 5 điểm, từ “1 - Hoàn toàn không đồng ý” đến “5 - Hoàn toàn đồng ý”. Việc kiểm định thang đo bằng hệ số tin cậy Cronbach’s Alpha; phân tích nhân tố khám phá EFA, phân tích tương quan Pearson, phân tích hồi quy,… xử lý số liệu thống kê bằng phần mềm SPSS 20.0.

3. Kết quả nghiên cứu

3.1. Thống kê mô tả

Mẫu được thu thập qua phương pháp phát bảng câu hỏi và thu trực tiếp, tổng số bảng câu hỏi phát ra là 250, số bảng câu hỏi thu hồi là 244 mẫu hợp lệ, đảm bảo cỡ mẫu n = 5m, với m = 23 (Hair và ctg 1998). Đây là cỡ mẫu phù hợp cho nghiên cứu có sử dụng phân tích nhân tố (Comrey, 1973; Roger, 2006). Thống kê mẫu về đặc điểm giới tính gồm 132 nam (54,1%) và 112 nữ (45,9%); về đặc điểm độ tuổi: nhóm người dân có độ tuổi từ 35 - 45 chiếm tỷ lệ 31,1%; độ tuổi từ 45 tuổi trở lên có tỷ lệ thấp nhất 18,9%; độ tuổi dưới 25 chiếm tỷ lệ 22,1%; độ tuổi từ 25-35 chiếm tỷ lệ 27,9%. Về đặc điểm kinh nghiệm sử dụng công nghệ thì nhóm người dân rất có kinh nghiệm sử dụng công nghệ chiếm tỷ lệ cao 48%; nhóm người dân có kinh nghiệm sử dụng công nghệ chiếm tỷ lệ 25,4%; nhóm người dân chưa có kinh nghiệm sử dụng công nghệ chiếm tỷ lệ 26,6%. Điều này cho thấy việc có kinh nghiệm và rất có kinh nghiệm sử dụng công nghệ của người dân tương đối cao, chiếm tỷ lệ 73,4%.

3.2. Kết quả phân tích

Kết quả Cronbach’s Alpha cho thấy các thang đo đều đạt độ tin cậy vì có hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn 0,5; thấp nhất là thang đo Chức năng của website (0,744) và cao nhất là thang đo An ninh và bảo mật website (0,898). Kết quả phân tích độ tin cậy của thang đo các biến độc lập cho thấy có 20 biến quan sát đạt tiêu chuẩn và được đưa vào thực hiện phân tích nhân tố khám phá EFA với phương pháp trích nhân tố là Principal Components với phép quay Varimax nhằm phát hiện cấu trúc và đánh giá mức độ hội tụ của các biến quan sát theo các thành phần. Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA cho thấy chỉ số KMO là 0.862 > 0.5, điều này chứng tỏ dữ liệu dùng để phân tích nhân tố là hoàn toàn thích hợp. Kết quả kiểm định Barlett’s = 2631.260 với mức ý nghĩa sig = 0.000 < 0.05, đồng thời 20 biến quan sát ban đầu được phân thành 5 nhóm. Giá trị tổng phương sai trích bằng 69.693%, giá trị hệ số Eigenvalues của các nhân tố đều cao (> 1), nhân tố thứ 5 có Eigenvalues thấp nhất = 1.062 > 1.

Kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA thang đo “Ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT” (biến phụ thuộc) cho thấy hệ số KMO = 0.716, kiểm định Barlett’s với mức ý nghĩa sig = 0.000 < 0.05. 3 biến quan sát ban đầu được phân thành 1 nhóm, tổng phương sai trích = 73.213%, giá trị hệ số Eigenvalues của nhân tố > 1. Điều này cũng chứng tỏ dữ liệu phân tích nhân tố khám phá EFA thang đo “Ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT” là phù hợp và kết quả phân tích nhân tố khám phá EFA là đáng tin cậy.

Kết quả phân tích tương quan Pearson để kiểm tra mối quan hệ tuyến tính giữa các biến cho thấy giá trị Sig. tương quan Pearson các biến độc lập với biến phụ thuộc đều nhỏ hơn 0.05, như vậy, có mối liên hệ tuyến tính giữa các biến độc lập này với biến “Ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT”.

Tiếp tục thực hiện phân tích hồi quy tuyến tính để đánh giá sự tác động của các biến độc lập đến biến phụ thuộc YD. Kết quả tóm tắt mô hình hồi qui cho thấy R2 hiệu chỉnh = 0,643, mô hình hồi qui được dự đoán giải thích được 64,3% thay đổi của biến phụ thuộc. Kết quả ANOVA cho thấy, giá trị kiểm định F = 88,365 có ý nghĩa thống kê (Sig = 0,000 < 0,05), cả 5 giả thuyết từ H1 đến H5 đã đặt ra ban đầu đều được chấp nhận. Kết quả kiểm tra các vi phạm giả định của mô hình hồi qui cho thấy các giả định đều không bị vi phạm. Vì thế, mô hình hồi qui và các giả thuyết nghiên cứu được kiểm định trên đây được chấp nhận.

Kết quả nghiên cứu cho thấy cả 5 yếu tố đều có tác động dương đến ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT của hộ kinh doanh. Trong đó, yếu tố “Nhận thức tính dễ sử dụng” có tác động mạnh nhất (β = 0,317), thứ hai là yếu tố “Nhận thức sự hữu ích” (β = 0,242), thứ ba là yếu tố An ninh và bảo mật website (β = 0,222), thứ tư là yếu tố “Ảnh hưởng của xã hội” (β = 0,221), thứ 5 là yếu tố “Chức năng của website” (β = 0,145).

Ngoài ra, tác giả còn xem xét tác động của các biến kiểm soát (giới tính, độ tuổi và kinh nghiệm sử dụng công nghệ) đến ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT. Kết quả phân tích cho thấy không có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về ý định sử dụng ĐKKDTT của hộ kinh doanh về giới tính và độ tuổi, tuy nhiên có sự khác biệt có ý nghĩa thống kê về kinh nghiệm sử dụng công nghệ. Phân tích Post Hoc Tamhane’s T2, Ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT giữa nhóm Rất Có kinh nghiệm và Chưa có kinh nghiệm có giá trị Sig = 0,017 và 0,037 < 0,05 là có sự khác biệt, đồng thời giá trị Mean

Difference của nhóm chưa có kinh nghiệm cao hơn nhóm Rất có kinh nghiệm. Do vậy, ý định của nhóm người Chưa có kinh nghiệm sử dụng công nghệ có mức độ ảnh hưởng mạnh hơn nhóm người Rất có kinh nghiệm.

4. Thảo luận và một số hàm ý quản trị

Kết quả nghiên cứu cho thấy yếu tố “Nhận thức tính dễ sử dụng” tác động mạnh nhất tới ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT của hộ kinh doanh (β = 0,317), vì vậy để khuyến khích hộ kinh doanh sử dụng dịch vụ ĐKKDTT thì cơ quan nhà nước cần quan tâm việc hướng dẫn sử dụng để hộ kinh doanh làm quen với hệ thống một cách dễ dàng, từ đó sẽ có xu hướng sử dụng dịch vụ. Yếu tố “Nhận thức sự hữu ích” tác động mạnh thứ hai (β = 0,242), đa số các hộ kinh doanh đánh giá đều đồng ý việc sử dụng dịch vụ ĐKKDTT sẽ tăng chất lượng dịch vụ, người dân được chính quyền phục vụ tốt hơn và cảm thấy được sự hữu ích khi sử dụng dịch vụ ĐKKDTT. Yếu tố “An ninh và bảo mật website” tác động mạnh thứ ba (β = 0,222), đa số hộ kinh doanh đồng ý rằng nếu website luôn được bảo mật thông tin cá nhân khi giao dịch với người dân thì sẽ có ý định sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Yếu tố “Ảnh hưởng của xã hội” tác động mạnh thứ tư (β = 0,221), đa số hộ kinh doanh thừa nhận vai trò của người quan trọng (ba mẹ, anh chị em, họ hàng) và những người xung quanh mình (bạn bè, đồng nghiệp) khuyên mình nên sử dụng dịch vụ ĐKKDTT. Yếu tố “Chức năng của website” tác động yếu nhất tới ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT của hộ kinh doanh (β = 0,145), đa số hộ kinh doanh đánh giá sẽ sử dụng dịch vụ ĐKKDTT nếu cơ quan nhà nước thực hiện thường xuyên, cải tiến chất lượng đường truyền website, cải cách thủ tục hành chính và cung cấp đầy đủ thông tin về dịch vụ ĐKKDTT mà người dân cần.

Do đó, để nâng cao ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT của hộ kinh doanh, Ủy ban nhân dân quận 10 cần xây dựng được lòng tin, sự tin tưởng của người dân đối với dịch vụ ĐKKDTT; cần quan tâm việc đảm bảo an ninh và bảo mật website khi người dân giao dịch, giảm thiểu các rủi ro trong quá trình thực hiện giao dịch như lộ thông tin cá nhân của người dân; tăng cường hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ ĐKKDTT thông qua Tổ tư vấn dịch vụ ĐKKDTT sẵn có tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả quận và 15 phường; Tăng cường tuyên truyền, quảng bá dịch vụ ĐKKDTT trên các trang mạng facebook, Zalo, Youtube… là nơi có rất nhiều người tham gia. Khi một cá nhân biết đến dịch vụ, họ sẽ chia sẻ thông tin cho những người trong nhóm biết và những người xung quanh biết. Nhờ sức ảnh hưởng của các đối tượng xung quanh, sẽ có nhiều cá nhân có ý định sử dụng dịch vụ công trực tuyến”; Tăng cường công tác tuyên truyền về lợi ích khi người dân sử dụng dịch vụ ĐKKDTT: thực hiện dịch vụ ĐKKDTT mọi lúc, mọi nơi, không cần xếp hàng chờ đợi, tiết kiệm được thời gian, công sức; mọi công dân đều được đối xử như nhau qua việc giao tiếp với phần mềm, tránh bị thiên vị hoặc nhũng nhiễu khi giao tiếp với cán bộ, công chức; website dịch vụ ĐKKDTT cần được thiết kế để dễ sử dụng bằng cách: giao diện thân thiện, bắt mắt, đơn giản, thao tác nộp hồ sơ trực tuyến phải thường xuyên được cải tiến càng ít số lần click chuột (hoặc chạm trên màn hình) càng tốt.

5. Kết luận và kiến nghị

Bài viết nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT của hộ kinh doanh tại quận 10. Tác giả đã xây dựng mô hình nghiên cứu cùng với các thang đo nhằm đo lường các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT dựa trên cơ sở lý thuyết và các nghiên cứu trong và ngoài nước trước đây đã sử dụng. Tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu gồm 5 yếu tố ảnh hưởng đến Ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT là Nhận thức sự hữu ích, Nhận thức tính dễ sử dụng, Chức năng của website, An ninh và bảo mật website, Ảnh hưởng của xã hội. Kết quả nghiên cứu này là cơ sở để Ủy ban nhân dân quận 10 tham khảo về các yếu tố ảnh hưởng đến ý định sử dụng dịch vụ ĐKKDTT của hộ kinh doanh. Từ đó, tác giả khuyến nghị Ủy ban nhân dân Quận 10 thực hiện một số giải pháp khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ ĐKKDTT đạt hiệu quả cao.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng còn những hạn chế như chỉ tập trung nghiên cứu dịch vụ ĐKKDTT đối với hộ kinh doanh trên địa bàn quận 10 nên kết quả nghiên cứu này không mang tính tổng quát cho tất cả các quận, huyện khác. Các nghiên cứu sau có thể mở rộng phạm vi nghiên cứu các lĩnh vực và các quận, huyện khác trong thành phố.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Alawadhi, S. and Morris, A. (2008). The Use of the UTAUT Model in the Adoption of E-government Services in Kuwait. 41st Hawaii International International Conference on Systems Science (HICSS-41 2008), Proceedings, 7-10 January 2008, Waikoloa, Big Island, HI, USA.
  2. A. Al Khattab et al., (2015). The Effect of Trust and Risk Perception on Citizen’s Intention to Adopt and Use E-Government Services in Jordan. Journal of Service Science and Management, 8, 279-290.
  3. Bai, B., Law, R. and Wen, I. (2008). The Impact of Website Quality on Customer Satisfaction and Purchase Intentions: Evidence from Chinese Online Visitors. International Journal of Hospitality Management, 27, 391-402.
  4. Chao-Min Chiu, Chen-Chi Chang, Hsiang-Lan Cheng, Yu-Hui Fang. (2009). Determinants of customer repurchase intention in online shopping. Online Information Review, 33(4), 761-784.
  5. Davis Fred D. (1989). Perceived usefulness, perceived ease of use, and user acceptance of information technologys. MIS Quarterly, 13(3), 319-340.
  6. Davis, F. D., Bagozzi, R. P., & Warshaw, P. R. (1989). User acceptance of computer technology: A comparison of two theoretical models. Management Science, 35(8), 982-1003.
  7. Hasslinger & partner. (2007). Model of consumer behavior in online shopping. Sweden: Department of Business studies, University of Kristianstad.
  8. King, W.R., and He, J. (2006). A meta-analysis of the technology acceptance model. Information & Management, 43, 740-755.
  9. Norazah Mohd Suki và T. Ramayah. (2010). User Acceptance of the E-Government Services in Malaysia: Structural Equation Modelling Approach. Interdisciplinary Journal of Information, Knowledge, and Management, 5, 395-413.
  10. Venkatesh, V., Morris, M., Davis, G. & Davis, F. (2003). User Acceptance of information Technology: Toward a Unified view. MIS Quarterly, 27(3), 425-478.
  11. Wang, Y. S., Lin, H. H., & Luarn, P. (2006). Predicting consumer intention to use mobile service. Information Systems Journal, 16(2), 157-179.

FACTORS AFFECTING THE INTENTION

OF BUSINESSS HOUSEHOLDS IN DISTRICT 10,

HO CHI MINH CITY TO USE THE ONLINE BUSINESS

REGISTRATION SERVICE

• Ph.D NGUYEN PHAN THU HANG

Saigon University

• NGUYEN THANH TUNG

 Department of Economics, the People's Committee of District 10,

Ho Chi Minh City

ABSTRACT:

This research studies the factors affecting the intention of business households in District 10, Ho Chi Minh City to use the online business registration service. This research’s results show that there are 05 groups of factors affecting the intention to use the online business registration service, namely Perception of ease of use, Perception of usefulness, Website security, Influence of society and Website functions. Based on the research’s findings, some solutions are proposed to help the People's Committee of District 10 encourage business households to use the online business registration service and improve the quality of service.

Keywords: Intention, intention to use, online business registration service.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 11 năm 2020]