Năm 2020 là năm khó khăn cho Việt Nam với vai trò Chủ tọa luân phiên của Hiệp định RCEP. Tuy nhiên, vượt qua khó khăn này, Việt Nam đã phát huy vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, phát huy vai trò trung tâm, dẫn dắt của ASEAN để đạt được thành quả là việc ký kết Hiệp định RCEP ngày hôm nay.
Giai đoạn gần đây, xu hướng bảo hộ nổi lên ở nhiều nước khiến cho tất cả các cuộc đàm phán hiệp định thương mại tự do (FTA) đều gặp phải các vấn đề nhất định.
Đồng thời, bối cảnh địa chính trị trong khu vực cũng có nhiều thay đổi, trong đó nổi bật là việc định hình lại quan hệ địa chính trị trong khu vực và giữa các nước lớn chưa diễn ra xong. Do vậy, đàm phán RCEP từ đầu năm cũng còn vướng mắc và khả năng ký kết còn bỏ ngỏ.
Gần đây nhất, dịch COVID-19 kéo dài đã làm đảo lộn lịch đàm phán trong RCEP cũng như khiến các nước khó khăn hơn rất nhiều trong việc đưa ra thêm bất cứ cam kết nào trong hội nhập kinh tế quốc tế.
Tại Hội nghị Cấp cao RCEP lần thứ 3 (HNCC RCEP 3) tháng 11 năm 2019 tại Thái Lan, tất cả 16 nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP đã nhất trí ra Tuyên bố chung của các Nhà Lãnh đạo về việc 15 nước (không bao gồm Ấn Độ) đã kết thúc đàm phán toàn bộ 20 Chương của Hiệp định và kết thúc về cơ bản đàm phán mở cửa thị trường.
Tuyên bố ghi nhận việc Ấn Độ chưa giải quyết được một số vướng mắc và các nước sẽ phối hợp với Ấn Độ để xử lý nốt những vấn đề này theo hướng đáp ứng yêu cầu của tất cả các bên. Ấn Độ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng trên cơ sở kết quả giải quyết những vấn đề này.
Tuy nhiên, sau đó Ấn Độ cho biết chưa thể tham gia Hiệp định RCEP.
Ngay từ khi đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 kiêm nhiệm Chủ tọa đàm phán Hiệp định RCEP, Việt Nam đã hết sức nỗ lực và chủ động thuyết phục sự đồng thuận trong ASEAN và thúc đẩy các nước đối tác.
Một mặt tìm các giải pháp xử lý vướng mắc của Ấn Độ, thuyết phục Ấn Độ quay lại đàm phán Hiệp định RCEP; mặt khác vẫn thúc đẩy kết thúc hoàn toàn đàm phán và rà soát pháp lý giữa 15 nước còn lại, nhằm thực hiện mục tiêu ký kết Hiệp định trong năm 2020 theo chỉ đạo của các Nhà Lãnh đạo các nước RCEP.
Trên cơ sở đồng thuận của các nước ASEAN, chúng ta cũng đưa việc kết thúc đàm phán và ký kết Hiệp định RCEP thành một trong những ưu tiên của Việt Nam trong năm 2020.
Mặc dù vào giai đoạn đầu năm, trước những khó khăn của tiến trình đàm phán cũng như việc bùng nổ đại dịch COVID-19, một số nước cũng quan ngại khả năng không thực hiện được mục tiêu này.
Tuy nhiên, với các nỗ lực của tất cả các nước tham gia và dưới sự điều phối hoạt động của Việt Nam (nước Chủ tịch luân phiên năm 2020) và In-đô-xi-a (nước điều phối đàm phán trong ASEAN), RCEP đã được ký kết ngày 15/11 vừa qua.
Ấn Độ là nước đã tham gia đàm phán từ giai đoạn đầu nhưng năm 2019 đã quyết định rút khỏi đàm phán do hoàn cảnh chưa phù hợp để áp dụng một số tiêu chuẩn trong hiệp định thương mại tự do được ASEAN và các nước đối tác thống nhất.
Tuy nhiên, Việt Nam và các nước ASEAN luôn coi Ấn Độ là một đối tác quan trọng. Việt Nam đánh giá cao quá trình tham gia đàm phán Hiệp định RCEP của Ấn Độ trong 7 năm.
Mặc dù Ấn Độ chưa thể tham gia Hiệp định RCEP tại thời điểm này, các nước tham gia đàm phán Hiệp định RCEP luôn cho rằng việc tham gia của Ấn Độ vào Hiệp định RCEP sẽ đóng góp cho sự tiến bộ và thịnh vượng chung của toàn khu vực.
Do vậy, tất cả các nước tham gia Hiệp định RCEP sẵn sàng tạo điều kiện cho Ấn Độ tham gia Hiệp định RCEP trong tương lai theo cơ chế thuận lợi, có bảo lưu lại các kết quả đàm phán đã đạt được trước đó với Ấn Độ.
Theo Quy định của RCEP, kể từ khi Hiệp định này có hiệu lực thi hành, sau 18 tháng mới xem xét kết nạp thành viên mới. Riêng với Ấn Độ, có thể quay lại đàm phán nốt những vấn đề còn lại, và có thể gia nhập ngay khi đàm phán xong, không phụ thuộc vào thời gian 18 tháng sau khi RCEP có hiệu lực.